Được kế thừa từ hệ thống Ngân hàng Đông Dương thời Pháp tuy nhiên phải đến tháng 5 năm 1990 hệ thống NHTM mới chính thức ra đời qua 2 pháp lệnh Ngân hàng (Pháp lệnh NHNN và Pháp lệnh Ngân hàng, HTX tín dụng và Công ty tài chính) với tên gọi ban đầu là Ngân hàng chuyên doanh. Qua hơn 20 năm hoạt động, hệ thống NHTM của Việt Nam ngày càng phát triển và tiêu chuẩn hoá theo thông lệ Quốc tế. Ngày nay hệ thống NHTM non trẻ của Việt Nam đang phải đứng trước các thử thách của việc hội nhập WTO với muôn vàn rủi ro và sức ép cạnh tranh đồng thời phải điều hoà với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của kinh tế Việt nam. Vấn đề kiềm chế lạm phát, ổn định xã hội đòi hỏi có sự kết hợp của rất nhiều các thành phần kinh tế, từ Trung ương tới địa phương, từ Nhà nước tới các Doanh nghiệp, cá nhân, đồng thời việc giải quyết ổn thỏa các mối quan hệ lợi ích giữa các thành phần đó cũng đang đặt ra cho Chính phủ những bài toán hóc búa. Và trong mục tiêu chung đó thì quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng Thương mại đang rất được quan tâm.
Hoạt động kinh doanh của các Ngân hàng Thương mại có vai trò gì trong nền kinh tế nói chung, tại Việt Nam hiện nay vai trò này ra sao? Vai trò của các NH này trong cuộc chiến chống lạm phát, ổn định kinh tế như thế nào? Tại sao cần phải tăng cường quản lý Nhà nước với hoạt động của các NHTM? Vấn đề quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của các NHTM nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế được đặt ra như thế nào? Các vấn đề này sẽ được trình bày trong luận văn với tên đề tài là: “Tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của NHTM nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”