Các chỉ tiêu phản ánh năng lực của doanh nghiệp trong kiểm toán

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực của công ty tnhh deloitte việt nam trong kiểm toán các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Trang 41 - 44)

- Tổng kết đánh giá công việc nâng cao năng lực cạnh tranh

1.2.3. Các chỉ tiêu phản ánh năng lực của doanh nghiệp trong kiểm toán

Năng lực của doanh nghiệp trong kiểm toán được đánh giá bởi các chỉ tiêu định tính và các chỉ tiêu định lượng.

1.2.3.1. Các chỉ tiêu định tính

Chất lượng nguồn nhân sự của doanh nghiệp kiểm toán

Chất lượng của cuộc kiểm toán phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng nguồn nhân sự. Đây là chỉ tiêu mang nặng tính định tính vì nhiệm vụ của kiểm toán viên là kiểm toán, soát xét để tìm ra các sai sót của thông tin được kiểm toán và thực hiện điều chỉnh, do đó kiểm toán viên phải có sự hiểu biết và trình độ cao hơn người lập ra thông tin được kiểm toán. Chất lượng kiểm toán viên có thể được đánh giá ở các tiêu chuẩn sau:

- Chuyên môn nghiệp vụ: Các kiểm toán viên có được đào tạo chuyên môn theo yêu cầu công việc không, có được đào tạo rộng các chuyên ngành hay đi sâu vào một chuyên ngành cụ thể, có thường xuyên cập nhật các thông tư chuẩn mực và quy định mới về lĩnh vực kiểm toán không.

- Bằng cấp: Mặc dù đây không phải là chỉ tiêu đánh giá hiệu quả làm việc nhưng yêu cầu về bằng cấp là mốt trong những yêu cầu đầu tiên để quyết định tuyển dụng và bố trí kiểm toán viên làm việc chuyên cho các lĩnh vực cụ thể. Hơn thế nữa, kiểm toán là công việc đòi hỏi kiến thức và trình độ hiểu biết ở nhiều lĩnh vực, do đó kiểm toán viên phải thường xuyên tham gia các khóa đào tạo để mở rộng hiểu

biết. Cụ thể, các kiểm toán viên đã có đủ giấy phép hành nghề kiểm toán chưa, bằng cấp của cán bộ kiểm toán chuyên về các chuyên ngành gì.

- Kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tham gia kiểm toán: Kinh nghiệm này có thể được tính bằng số năm công tác, số năm làm trong lĩnh vực được kiểm toán hoặc số năm làm trong các ngành và lĩnh vực tương tự.

- Các khách hàng đã tham gia: Ngoài yêu cầu về kinh nghiệm kiểm toán, sự hiểu biết về môi trường và lĩnh vực kinh doanh của khách hàng cũng như thực tế về công việc chuyên môn cũng là tiêu chí rất quan trọng khi khách hàng lựa chọn kiểm toán viên của công ty kiểm toán. Những người đã từng làm ở các khách hàng lớn, các dự án lớn có liên quan thì sẽ dễ dàng trong việc định vị các nội dung cần kiểm toán và nắm bắt khá tốt các rủi ro, sai sót có thể phát sinh nhờ kinh nghiệm. Đây cũng là lý do mà nhà quản trị sắp xếp các kiểm toán viên trước đây đã làm việc và thông thạo về lĩnh vực nào thì sẽ được bố trí kiểm toán lĩnh vực đó.

- Đánh giá chất lượng nhân viên: Thực tế cho thấy các bằng cấp, trình độ chuyên môn đã đề cập trên đây là quan trọng nhưng không có nghĩa là các chỉ tiêu trên mà tốt thì kiểm toán viên đó sẽ làm tốt công việc được giao. Để làm tốt công việc kiểm toán, đòi hỏi kiểm toán viên cần nhiều kỹ năng khác như kỹ năng mềm về giao tiếp trao đổi với khách hàng, kỹ năng về sử dụng phần mềm máy tính, kỹ năng làm việc theo nhóm, thái độ, trách nhiệm với công việc và cách nhìn nhận cũng như xử lý vấn đề. Do đó, những đánh giá của cán bộ quản lý trước đó với các chỉ tiêu phi định lượng sẽ hết sức quan trọng và là cơ sở để bố trí bán bộ kiểm toán làm việc theo từng vị trí.

Uy tín của doanh nghiệp kiểm toán

Đối với doanh nghiệp kiểm toán thì uy tín là điều quan trọng nhất vì đây là chỉ tiêu đầu tiên để khách hàng lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán và cũng là yếu tố đặt lên hàng đầu của mỗi doanh nghiệp kiểm toán. Bên cạnh đó nếu doanh nghiệp kiểm toán bị mất uy tín, không tuân thủ các quy định, chuẩn mực thì có thể bị đóng cửa hoạt động mặc dù doanh nghiệp ấy vẫn đang hoạt động hiệu quả.

Các nhân tố ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp kiểm toán không chỉ là chất lượng của báo cáo kiểm toán mà còn là chất lượng của đội ngũ kiểm toán viên làm việc trực tiếp tại khách hàng, chất lượng dịch vụ tư vấn cho khách hàng giải quyết các khó khăn về thực hiện chế độ kế toán, tuân thủ quy định về thuế và các quy địch khác của Nhà nước.

Chất lượng của dịch vụ kiểm toán

Sản phẩm của hoạt động kiểm toán là báo cáo kiểm toán nhưng chất lượng sản phẩm hoạt động kiểm toán không chỉ thể hiện ở tính đáng tin cậy của báo cáo kiểm toán mà còn thể hiện ở sự hài lòng của khách hàng với dịch vụ kiểm toán và việc cam kết tiếp tục ký hết hợp đồng kiểm toán với công ty kiểm toán.

1.2.3.2. Các chỉ tiêu định lượng

Về thứ hạng uy tín của doanh nghiệp kiểm toán

Cũng như các doanh nghiệp khác, thứ hạng uy tín của doanh nghiệp kiểm toán thể hiện ở kinh nghiệm kiểm toán, lịch sử tồn tại và phát triển của doanh nghiệp kiểm toán. Thời gian tồn tại, những thành tích đã đạt được là những thông tin cơ bản đầu tiên để giới thiệu về năng lực của hãng kiểm toán với khách hàng. Trong bộ tiêu chí đánh giá và lựa chọn hãng kiểm toán, năng lực và kinh nghiệm của công ty kiểm toán cũng là các yếu tố được xem xét đầu tiên.

Về thị phần của doanh nghiệp kiểm toán

Đối với các khách hàng lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán thì, đây không phải là chỉ tiêu mang tính quyết định, nhưng lại là chỉ tiêu đầu tiên. Vì khách hàng hầu hết đều biết đến doanh nghiệp kiểm toán thông qua thương hiệu, vị trí và chỗ đứng của doanh nghiệp kiểm toán trên thị trường, thị phần càng nhiều thì khả năng được biết đến doanh nghiệp kiểm toán càng lớn.

Về thứ hạng tài chính của doanh nghiệp kiểm toán

Thứ hạng tài chính của doanh nghiệp thường được xếp theo hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kiểm toán, thể hiện rõ nhất ở chỉ tiêu về khả năng tạo ra lợi nhuận bao gồm những biến động về doanh thu, chi phí qua các năm, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu và mức độ sử dụng chi phí. So sánh chỉ tiêu này của doanh nghiệp với chỉ tiêu của các doanh nghiệp kiểm toán khác hay chỉ tiêu bình quân của ngành, sẽ thấy được năng lực của doanh nghiệp kiểm toán, vị trí công ty kiểm toán trên thị trường.

Bên cạnh đó, cũng giống như các doanh nghiệp thông thường khác, mục tiêu của doanh nghiệp kiểm toán là tạo ta lợi nhuận, do đó chỉ tiêu về khả năng sinh lời của tài sản và vốn chủ sở hữu cũng là có ý nghĩa lớn đối với chủ sở hữu doanh nghiệp kiểm toán.

Ngoài ra, do đặc thù của sản phẩm kiểm toán là sản phẩm đáng tin cậy có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường, nó là căn cứ để các chủ đầu tư và những người quan tâm ra quyết định kinh doanh. Do đó, năng lực tối thiếu của doanh nghiệp kiểm toán được Nhà nước quy định rất chặt nhẽ. Chính vì thế, khi đánh giá năng lực của doanh nghiệp kiểm toán cần lưu ý các điều kiện mà doanh nghiệp kiểm toán cần phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước.

Một phần của tài liệu nâng cao năng lực của công ty tnhh deloitte việt nam trong kiểm toán các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Trang 41 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w