Ngôn ngữ nội tâm nhân vật (qua Dòng sông mía)

Một phần của tài liệu tiểu thuyết về nông thôn sau đổi mới (qua mảnh đất lắm người nhiều ma của nguyễn khắc trường và dòng sông của đào thắng) (Trang 104)

Nói chung, tiểu thuyết viết về người nông dân ít khi ngôn ngữ nội tâm là thủ pháp đáng chú ý, nhưng với Dòng sông mía thì trái lại, do vậy đây là nét đặc sắc riêng của tiểu thuyết này.

Với Dòng sông mía, một trong những tiểu thuyết đề cập đến hiện thực nông thôn trước đổi mới nhưng lại được tác giả viết trong giai đoạn khi công cuộc đổi mới đã kéo dài trên mười lăm năm, nên về mặt ngôn ngữ nghệ thuật nó cũng có những nét đặc sắc riêng mà các tiểu thuyết viết về nông thôn trước đổi mới chưa có. Đặc sắc đó chính là ngôn ngữ hướng nội hay chính là ngôn ngữ nội tâm nhân vật được sử dụng và dần chiếm ưu thế so với ngôn ngữ hướng ngoại. Ngôn ngữ nội tâm nhân vật là tiếng nói bên trong của tâm hồn nhân vật, là lời nhân vật tự nói với mình, tự bộc lộ những suy tư thầm kín nhằm “thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý, nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó”[44, 122].

Trong tiểu thuyết này, ngôn ngữ nội tâm nhân vật được tác giả tập trung thể hiện qua nhân vật bà Mến và qua nhân vật chị Cả Thuần. Đây được coi như một trong những phương tiện nghệ thuật hỗ trợ đắc lực cho tác giả trong việc thể hiện tư tưởng và chủ đề của tác phẩm. Với nhân vật bà Mến là một người phụ nữ nhân hậu, thuần phát nhưng cuộc đời lại gặp bất hạnh lớn với việc chồng mất mà giữa hai ngươi chưa có lấy một đứa con nào để làm điểm tựa cho bà khi tuổi già đến. Thế rồì cuộc tình giữa bà với ông chủ lò mía Quĩ Nhất đã đến ngay sau cái chết của chồng bà và kết quả được coi là một “bi kịch” chính là việc thằng Lẹp được sinh ra. Và cũng chính từ “bi kịch” này mà dẫn đến một nỗi đau đớn tột cùng trong lòng bà Mến khiến bà không thể nào nguôi, đó là sự việc thằng Lẹp và cô Bé (con gái ông Quĩ Nhất) đã có quan hệ tình cảm với nhau, buộc bà phải nói với cô Bé về sự thật

đau lòng kia- rằng giữa hai đứa là anh em của nhau. Tâm trạng đau đớn, xót xa của bà Mến lúc này là nguyên nhân xuất hiện lời độc thoại nội tâm trong lòng: “Bà Mến lầm rầm đọc kinh cầu nguyện. Bà nghĩ đến đấng tối cao, không bằng lòng quở phạt bà với ông Quĩ Nhất. Trong ý nghĩ cất sâu tận đáy lòng, cả bà và ông Quĩ Nhất đã làm điều trái với lẽ đạo. Giá khi bà cả mất đi đã giăng giối lại, bà liều đến ở với ông Quĩ, thu vén cả gia cảnh nhà ông ấy vào trong tay thì có khi bà đã là vợ ông, để rồi không xảy ra cái sự trái cảnh đau lòng, đứt ruột thế này…Làm người đàn bà như bà, như bao người khác sống với đất cát, cỏ cây, sống chưa hết tuổi xuân bị thôi thúc, bị xúi dục bởi sự khao khát được sống, được thoả mãn như những người đàn bà có chồng khác thì làm sao mà sống tươi mưởi, hớn hở được, thế là sinh ra vụng trộm, mà sự vụng trộm tất sẽ dẫn tới bao sự oái oăm khác”[178-179].

Dòng ngôn ngữ nội tâm của bà Mến tiếp tục được hiện diện khi bà phải chứng kiến quá nhiều thảm cảnh nơi bà đang sống, với những tội ác tưởng trừng như không thể xuất hiện ở cõi trời này được. Chính cái hiện thực có phần tăm tối này đang diễn ra từng ngày, từng giờ đã khiến cho bà Mến bị vắt kiệt sức lực, là nguyên do của những dòng ngôn ngữ nội tâm kia xuất hiện: “Lạy Mẹ Maria lòng thành, nói theo Mẹ con đã mơ ước, cầu xin với một sự chân thành sâu xa. Xin có một đứa con, và ông “ấy” đã cho con như ý nguyện. Lạy chúa trời, tôi không dập tắt được nỗi khao khát, được sống với một người đàn ông mạnh mẽ, được thoả mãn, được toại nguyện. Đây là một ước mơ mà sao ước mơ ấy xa lạ với chúng tôi. Lạy chúa tôi sáng láng vô cùng, sao ở chốn quê mùa dân dã, người đàn bà chết chồng chúng tôi sao mà khổ thế. Phải chôn vùi tuổi xuân của mình xuống bùn đen năm tháng, suốt cả thời trẻ sống khát khao và thèm khát đến tối tăm đầu óc con người…Còn chúng tôi phải vụng trộm, che dấu và chính sự vụng trộm người đời cho là tà dâm đã dẫn đến bao điều đau khổ”[269-270].

Như vậy, chỉ qua những dòng ngôn ngữ nội tâm của nhân vật bà Mến, đã đưa đến cho người đọc nhiều suy tư, băn khoan và trăn trở. Hiện thực nông thôn với những luật định “bất thành văn” nhưng lại hết sức hà khắc đã ăn sâu trong tâm lý của bao thế hệ buộc người phụ nữ mà ở đây là những người phụ nữ không may có

chồng bị chết phải suốt đời chịu cảnh goá phụ đơn chiếc, suốt đời phải sống gò mình mà không hề có sự phản kháng, đấu tranh cho quyền lợi được sống, cho hạnh phúc cá nhân của bản thân mình. Thông qua ngôn ngữ nội tâm kia, một mặt cho thấy cái nhìn cảm thông, thương xót cho số phận của những người phụ nữ có hoàn cảnh bất hạnh của tác giả, đồng thời là tiếng nói muốn xoá bỏ những rào cản, những định kiến có phần cố hữu mà chính vì nó đã khiến cho cuộc sống của những người phụ nữ lâm vào cảnh “vụng trộm người đời cho là tà dâm đã dẫn đến bao điều đau khổ” và “bao sự oái oăm khác”.

Ngôn ngữ nội tâm nhân vật ngoài việc được tác giả thể hiện ở nhân vật bà Mến còn được tác giả tập trung thể hiện ở nhân vật Cả Thuần. Đây được coi là người phụ nữ nết na, được tiếng vì chồng vì con nhất xã Thanh Khê. Chồng mất sớm khi tuổi thanh xuân còn dài, cả Thuần đã cố gắng ở vậy, bỏ qua mọi lời ong tiếng ve để nuôi dạy con cho lên người. Sau này khi về già, trước bao biến động của cuộc sống đời thường phải đối mặt đã dẫn đến những suy nghĩ trong nội tâm của nhân vật: “Làm người đàn bà gó có muôn vàn nỗi khổ nỗi khổ nhục, buộc chặt thắt lưng, thắt chặt dây yếm không dám để thiên hạ nhìn thấy bầu vú còn tròn căng; trông thấy người đàn ông khoẻ mạnh, gân guốc, má bỗng ửng đỏ, người nóng bừng, phải quay mặt đi tự xỉ vả mình. Nỗi khao khát được chiều chồng, mong có người gánh đỡ cái gánh đời nặng trĩu hành hạ suốt cả đời thanh xuân. Được miệng đời khen chính chuyên thờ chồng nuôi con, đêm nằm cắn răng lại, khóc thầm. Ấy thế, nhưng nào có được yên, đi đâu cũng có kẻ nhòm ngó, đêm nào cũng có kẻ lén rìng. Nhiều lúc cũng muốn nhắm mắt cho qua, kiếm lấy một người sống cho bõ lẻ đêm đông. Nhưng mà còn các con, bập vào ông nào nặng gánh, vợ nọ con kia, ghen tuông đánh chửi nhau, cắn xé nhau, còn khổ nhục hơn ức vạn lần. Và còn danh tiết, nề nếp gia giáo hai bên nội ngoại, trăm thứ đè nặng lên đầu, ngăn cản. Thôi thế, cứ đành phận chờ năm tháng cho tuổi già đến, người teo tóp đi, rồi xuống lỗ thế là xong”[470]. Nếu tình cảnh của bà Mến là tình cảnh chồng chết khi tuổi đã xế chiều với niềm ước ao cháy bỏng, mong mỏi có được đứa con làm chỗ nương tựa tuổi già thì tình cảnh của cả Thuần lại có sự khác biệt lớn hơn: đó chính là việc chồng chết

sớm khi tuổi thanh xuân đang vào độ chín cùng với đó là hai đứa con vẫn còn thơ dại. Ở chị luôn có sự ý thức về tuổi xuân và nhan sắc của mình. Cũng mong mỏi tìm được một chỗ dựa khác để chia sẻ với những gáng nặng mà chị đang phải cố gắng làm trong trách nhiệm. Nhưng vì “danh tiết, nề nếp gia giáo hai bên nội ngoại, trăm thứ đè nặng lên đầu, ngăn cản” đã khiến chị không dám sống với chính bản thân mình.

Như vây, ngôn ngữ nội tâm được thể hiện thông qua số phận của bà Mến và Cả Thuần là số phận của những người phụ nữ có sự khác biệt nhau trong hoàn cảnh nhưng tựu chung giữa họ lại có những điểm tương đồng rất lớn. Họ là những người phụ nữ bất hạnh khi chồng chết, giữa họ luôn có sự ý thức về hạnh phúc gia đình và tuổi thanh xuân. Luôn có những khát khao chính đáng, mong được đáp ứng xét dưới góc độ tính dục. Nhưng cả hai đều là những người không thể vượt qua những giới hạn- rào cản của xã hội, để chiến thắng được chính bản thân mình, sống đúng với những gì mình mong muốn, khao khát. Nhưng dưới ánh sáng của chế độ mới, khi mà mọi việc trong xã hội hiện đại đều hướng đến quyền làm chủ, quyền tự do cá nhân của mỗi con người thì thông qua nội tâm của hai nhân vật này, chính là sự mong mỏi của tác giả, muốn hướng tới số phận của biết bao những người phụ nữ khác có hoàn cảnh bất hạnh hãy luôn dũng cảm đối diện với thực tế, dũng cảm vượt qua những định kiến rào cản để sống đúng với với những gì mình khao khát, hướng tới. Đây chính là tính chất nhân văn, vì con người mà nhà văn Đào Thắng luôn hướng tới và luôn theo đuổi.

Nói về việc sử dụng ngôn ngữ nội tâm nhân vật thì Nguyễn Minh Châu cũng là một trong số ít các nhà văn luôn có ý thức sử dụng chúng như một biện pháp nghệ thuật. Với việc sử dụng này, đã giúp nhà văn phơi bày nội tâm nhân vật, mô tả nó từ bên trong với những diễn biến tâm lý hết sức phong phú, phức tạp và bí ẩn. Nhân vật bác Thông trong Sống mãi với cây xanh là một trong những trường hợp thể hiện rõ điều này. Qua ngôn ngữ nội tâm, đã cho thấy cảm giác của bác Thông với ba đời làm nghề trồng cây khi chứng kiến cảnh những người công nhân trong tổ khai thác làm thịt cây sấu mà ông nội bác đã trồng. Bác là người “lấy việc trò truyện

với cây cối làm niềm vui duy nhất, nguồn sống duy nhất”, “chân tay run lẩy bẩy”, bác nhìn những người công nhân chuẩn bị cưa cành mà “thấy đau như sắp phải phải đứng để cho người ta cưa chân cưa tay”. Bác nhìn thấy người ta “xông vào lột da cây sấu như lột da một con bò ở lò sát sinh…khoảng vỏ mới bị lột nom đỏ như da đứa trẻ sơ sinh”. Sau khi cây sấu bị đốn, bác nằm liệt giường, giữa đêm khuya ra thăm lại cây sấu thấy cây sấu như một thi thể bị hành quyết. Trở về và “nhìn những súc gỗ đày mấu mắt”, bác Thông “không đủ can đảm nhìn cái phần xương thịt đẽo ra từ cơ thể sống của một người thân yêu”[18,674-677].

KẾT LUẬN

1. Nông thôn được nhìn nhận, đánh giá sau đổi mới là một mảng đề tài lớn, có sức thu hút và hấp dẫn đối với nhiều nhà văn. Nguyễn Khắc Trường và Đào Thắng là hai trong số ít các nhà văn có được thành công và đã khẳng định được vị trí và chỗ đứng của mình trong dòng văn học này. Vì viết về một thời đã qua, cùng với tinh thần dân chủ “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” được đại hội Đảng VI mang lại, nên vấn đề con người và nghệ thuật thể hiện đóng vai trò quan trọng trong tổ chức tác phẩm. Vấn đề con người và nghệ thuật thể hiện, vì thế là vấn đề nổi bật và có ý nghĩa sâu sắc khi viết về nông thôn sau đổi mới.

2. Con người là vấn đề trung tâm. Trong hai tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều maDòng sông mía, các tác giả đều đã thể hiện cách nhìn nhận con người dưới các góc độ: con người qua bi kịch gia tộc – dòng họ; con người qua bi kịch cải cách ruộng đất và con người qua số phận của những người phụ nữ. Nổi bật lên trong tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường là cách nhìn nhận con người qua bi kịch gia tộc- dòng họ. Ở đây, người đọc có dịp nhận ra một hiện thực nông thôn rùng rợn, tàn bạo mà không kém phần sắc nét, được phản ánh một cách chân thực xung quanh mối hận thù giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình. Mối hận thù này hết sức quyết liệt và dai dẳng. Chính ý thức về dòng họ như một sợi dây có sức mạnh vô hình đã chi phối hết thảy mọi ý nghĩ và hành động của từng con người trong hai dòng họ này. Nổi bật trong tiểu thuyết của Đào Thắng là bi kịch dòng họ được tác giả tập trung, phản ánh trong nội tộc họ nhà Đoàn- mà cụ thể là ở đời con ông Đoàn Quĩ Nhất. Thằng Lẹp là con ngoài giá thú của ông với bà Mến. Chính vì sự thật này bị giấu kín nên Lẹp đã phạm vào tội loạn luận khi yêu chính người em gái cùng cha khác mẹ của mình là cô Bé và cũng chính sự dấu kín của câu chuyện này mà giữa Lẹp và ông Quĩ nếu không may mắn đã lâm vào cảnh cha giết con. Từ sự cấm đoán trong mối tình của mình với cô Bé, mà Lẹp không hay biết về sự thật đau lòng kia mà hắn cứ nghĩ một cách chắc chắn là từ phía gia đình nhà ông Quĩ đã gây lên sự nung nấu trong ý định quyết tâm trả thù. Và chính điều này đã gây lên biết bao hành động sai trái, ngông cuồng của Lẹp, khiến hắn trở thành biểu trưng cho các tội ác tột

cùng ở xã Thanh Khê. Chính điều này đã làm cho bi kịch của dòng họ Đoàn trở nên xót xa, thương cảm biết bao. Vì vậy, việc tái hiện lịch sử qua bi kịch dòng họ-gia đình, qua bi kịch cá nhân đời tư là một đóng góp đáng kể của tiểu thuyết viết về hiện thực nông thôn sau đổi mới.

3. Về nghệ thuật thể hiện có sự đóng góp quan trọng của hai yếu tố là giọng điệu nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, tác giả đã sử dụng giọng điệu hài hước và giọng điệu bi thảm. Giọng điệu hài hước được tác giả vận dụng một cách triệt để, như một phương tiện hỗ trợ đặc lực trong việc phản ánh con người và hiện thực nông thôn ở làng Giếng Chùa. Nhờ có giọng điệu này mà ta có thể nhận ra những tác dụng tích cực: một mặt làm cho các vấn đề căng thẳng được trình bày một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn, tạo ra sự lôi cuốn ở bạn đọc nhưng mặt khác cũng là một cách tương phản để chế giễu đã kích những người, những nguyên nhân tạo nên những cảnh đời ngang trái. Với giọng điệu bi thảm đã góp phần hỗ trợ tác giả rất nhiều trong việc đưa lại cái nhìn chân thực, sắc nét về một xã hội thu nhỏ là làng Giếng Chùa với biết bao tranh chấp, trục lợi vì mục đích mưu cầu riêng. Nói là ra những điều này, không phải tác giả thể hiện một cái nhìn bi quan, tiêu cực, một thái độ lệch lạc, sai trái mà vượt lên tất cả, đó là sự phản ánh một cách chân thực những số phận bi cực của những kiếp người, những mảnh tối vẫn luôn tồn tại đâu đó trong xã hội ta, để từ đó, mỗi chúng ta biết chấp nhận, dũng cảm dám nhìn thẳng vào những sự thật để từ đó biết cách sửa sai, không phải mắc lại những sai lầm cố hữu đó nữa, góp phần vào việc thúc đẩy xã hội phát triển đi lên.

Trong Dòng sông mía nhằm đưa lại những mảng sáng-tối khác nhau của hiện thực đời sống, đồng thời thể hiện quan điểm, thái độ và lập trường của bản thân, tác giả đã sử dụng giọng điệu triết lý và giọng điệu cảm thương - xót xa. Với giọng điệu triết lý, có thể thấy nhà văn đã tạo hiệu quả cao trong việc bộc lộ sự trải nghiệm của

Một phần của tài liệu tiểu thuyết về nông thôn sau đổi mới (qua mảnh đất lắm người nhiều ma của nguyễn khắc trường và dòng sông của đào thắng) (Trang 104)