Giọng điệu triết lý

Một phần của tài liệu tiểu thuyết về nông thôn sau đổi mới (qua mảnh đất lắm người nhiều ma của nguyễn khắc trường và dòng sông của đào thắng) (Trang 84)

Cũng như nhiều nhà văn khác, ở nhà văn Đào Thắng luôn có thiên hướng kiếm tìm ý nghĩa triết lý nhân sinh qua việc tái hiện hiện thực cuộc sống nhằm đem lại cho tác phẩm chiều sâu triết lý. Trong xu hướng đổi mới trên các mặt đời sống nói chung (sau Đại hội VI) và đổi mới trong cách nhìn nhận, đánh giá văn học nói riêng thì cảm hứng triết lí nhân sinh đã trở thành dòng mạch chính của văn học Việt Nam đương đại. Đã có các nhà văn với các sáng tác của mình như Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp…cũng mang tầm triết lý sâu sắc, nhưng với Đào Thắng, ông đã tạo ra cho riêng mình tích chất giọng điệu triết lý riêng, góp phần không nhỏ đưa đến thành công của tác phẩm.

Trong tiểu thuyết Dòng sông mía, giọng điệu triết lý trước hết được tác giả thể hiện qua phát ngôn của lão Chép. Lão Chép là người mà cuộc sống vốn gắn liền với vùng sông nước Châu Giang. Nguồn sống chủ yếu của lão chính là “bằng kho cá vô tận”. Với lão việc bắt cá chỉ như một trò vui, trò tiêu khiển nghịch ngợm, đùa giỡn. Ở lão Chép là người “có tài lặn, sâu hàng vài khắc là thường”. Và với một người trong cung cách sống luôn có một chút gi đó còn rất nguyên thủy thì việc đưa ra quan điểm sống kia cũng là điều dễ hiểu: “Trời tao cũng không sợ! Tao là người,

tao đã cầm được cái gì trong tay, thì trời đất gì tao cũng diệt hết”[57]. Chính quan niệm sống “không sợ ai” của lão đã dẫn đến hành đồng đi bắt cá thần (một biểu tượng vốn rất thiêng liêng trong kí ức của những người dân vùng sông nước) mà kết quả của sự ngông cuồng, bất chấp lời can ngăn của mọi người được đánh đổi bằng cái chết của chính lão. Có ai ngờ một con người vốn quanh năm chỉ biết đến có sông nước- cuộc sống vốn chỉ gắn liền với việc bơi lội bắt cá; một con người ngông cuồng, ngay đến trời đất cũng không biết sợ là vậy, nhưng khi đối mặt với cái chết, biết chắc mình sắp “gần đất xa trời” lại có thể đưa ra lời trăn trối gợi lên biết bao ẩn ức: “Mình ơi, tôi không sống được. Tôi ngông cuồng giết hại sinh linh, tàn phá sinh linh muốn sống hiền hoà với mình. Giờ thì nghĩ lại, muộn quá rồi. Mình ơi, nhớ…không phải ở đời cái gì cũng ăn được, cũng uống được, cũng lấy được, giống gì cũng giết được. Giết hết thì mình sống với ai. Phá hết thì mình ở chỗ nào. Những kẻ lấy chết chóc làm vui sướng, làm sự oanh liệt trước sau thế nào cũng bị quả báo. Tôi bị trời phạt. Mình! ”[63]. Lời chăn chối của lão Chép với những từ ngữ thật giản dị, nhưng lại chứa đựng nhiều góc cạnh của một con người từng trải. Giờ đây, khi cái chết cận kề, lão đã nhận ra nhiều điều. Thì ra cuộc sống kia vốn tồn tại dưới muôn hình vạn trạng nhưng cũng có những luật định riêng của nó. Những luật định đó buộc mỗi chúng ta phải tuân thủ, thực hiện một cách nghiêm ngặt. Bởi vì ở đời không phải “cái gì cũng ăn được, cũng uống được, cũng lấy được, cũng giết được”. Thiên nhiên và con người luôn có sự phát triển tương hỗ với nhau. Thiên nhiên vốn tồn tại không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, nó phát triển theo những qui luật khách quan nhất định, nhờ có thiên nhiên mà cuộc sống của con người được bảo đảm, sự sống được duy trì và phát triển. Với con người, có sự tồn tại là nhờ có mẹ thiên nhiên trở che. Vì lẽ đó, cái chết của lão Chép như có ý nghĩa nhắc nhở mỗi chúng ta rằng, trong cuôc sống vốn tươi đẹp này, ta luôn phải biết có những giới hạn, biết điểm dừng và quan trọng hơn là trước khi làm những công việc có ảnh hưởng đến thiên nhiên, làm tổn hại đến thiên nhiên ta cần phải cân nhắc cho thấu đáo, tránh không để dẫn đến hậu quả khi đối mặt với cái chết mới đốn ngộ ra chân lý. Và phải chăng một điều mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc thông qua

cái chết này chính là mỗi chúng ta nên biết hoà mình vào cuộc sống cùng thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên để cuộc sống ngày càng trở nên tốt đẹp hơn như sự phát triển vốn có của tự nhiên.

Với Đào Thắng, giọng điệu triết lý còn được nhà văn sử dụng thông qua phát ngôn của nhân vật ông Nghĩa. Trong tiểu thuyết Dòng sông mía, nhân vật ông Nghĩa được tác giả xây dựng là em trai của ông Quĩ Nhất, một dòng họ có thế lực về kinh tế ở vùng đất Thanh Khê vốn nổi tiếng với nghề trồng mía. Không giống như ông anh trai Quĩ Nhất- vốn theo đuổi con đường kinh doanh, ông Nghĩa từ nhỏ đã được cho vào nhà dòng học làm thầy cả. Học thi gần đỗ linh mục thì ông lại bỏ tu về làm ông giáo làng, mê ruộng vườn. Cả đời ông luôn ham nghiên cứu, mong muốn tìm ra những giống cây trồng phù hợp với với thổ nhưỡng riêng của vùng châu thổ Châu Giang, nhằm góp phần nhỏ bé của mình đem lại cuộc sống lo đủ hơn cho những người nông dân vốn cuộc sống đã gặp phải quá nhiều khó khăn. Như vậy, có thể thấy ông Nghĩa là một người am tường, có những hiểu biết, kiến thức sâu rộng trong cuộc sống và là người có tình cảm lớn. Bởi vậy, trong cuộc nói chuyện với ông Quĩ sau sự việc tày đình thằng Lẹp và cô Bé đã ngủ với nhau, ông Nghĩa đã nói: “…Dân mình bây giờ theo nhiều thứ đạo, mỗi thứ đạo đều giúp cho người mình tốt lên. Đạo chúa dạy nhiều điều lành, dậy người sống rộng lượng, khoan thứ, khoan dung. Đạo của Thích Ca dậy người từ bi, hỉ xả, đạo của Khổng Tử dậy nhiều, trong đó có Lễ. Người ta tốt rồi phải có lễ, hiểu lễ mới thấy hết bổn phận của mình. Các cụ nhà mình có tài, có trí lớn làm giàu, quá trọng làm ăn, ít dậy lễ nghĩa cho con cái…”[135]. Nổi bật lên trong lời của ông Nghĩa là có nhắc đến Lễ. Lễ là những qui tắc ứng xử có tích chất khuôn mẫu, buộc mọi người phải tuân theo. Đây là gốc trong mọi hành vi của con người. Hiểu và thực hiện đúng lễ, con người trong xã hội mới được đảm bảo theo đúng tôn ti trật tự; theo đúng cấp bậc trên dưới, cao thấp. Từ đó gốc của xã hội là gia đình mới phát triển bền vững, tạo đà thuận lợi cho một xã hội đi lên chắc chắc. Điều này thực có ý nghĩa biết bao khi trong xã hội hiện đại ngày nay, cuộc sống với sự phát triển không ngừng của khoa học kĩ thuật- công nghệ thông tin là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự bào mòn trong

những nấc thang của giá trị đạo đức, mà yếu tố lễ nghi lại là biểu hiện của sự sa sút nghiêm trọng. Cuộc sống hiện đại với sự gấp gáp, bận rộn khiến cho con người nhanh chóng quên đi hay không cảm thấy những biểu hiện của giá trị đạo đức truyền thống là quan trọng, nên trong xã hội đã dẫn đến nhiều biểu hiện có tính tiêu cực, nhiều hành vi sai trái, đưa đến nhiều hậu quả đáng tiếc xảy ra ngày càng mang tính phổ quát. Chính vì vậy, vấn đề mà tác giả đưa ra càng có ý nghĩa quan trọng. Nó như hồi chuông thức tỉnh mỗi chúng ta cần phải biết giữ gìn và trân trọng những giá trị đạo đức truyền thống mà yếu tố lễ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định lên nhân cách, giá trị của mỗi con người. Điều này trong xã hội ngày nay càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Với giọng điệu triết lý, đây được coi như phương tiện hữu hiệu giúp nhà văn đưa đến cho độc giả những vấn đề mang tính thời sự của xã hội. Bởi với Đào Thắng độc giả không phải là người tiếp thu một cách thụ động mà cao hơn cả đấy chính là đối tượng cùng với nhà văn tìm ra chiều sâu trong tính triết lý, từ đó tạo ra tính chất dân chủ bình đẳng, gần gũi trong mối quan hệ giữa nhà văn với bạn đọc. Đây được coi là sự cách tân đặc biệt so với những chặng phát triển của văn học trước đây. Bởi vậy, nhà văn luôn có ý thức trong việc nâng cao tầm triết lý của mình.

Trong Dòng sông mía, màu sắc triết lý còn thể hiện qua ngôn ngữ. Đó là khi ông Nghĩa nói lời cầu xin cuối cùng với tên chánh toà trước khi bị đem ra xử bắn trong cuộc đấu tố, quy kết thành phần địa chủ: “Thưa ông, thưa các ông, nếu các ông bắn tôi, trước khi chết tôi chỉ xin một điều, các ông đừng cho đập phá đền chùa, miếu mạo, vì đó là tài sản cha ông để lại cho con cháu. Ông ơi, làm người cần dành chỗ để thờ, còn giữ cái để mà sợ. Không kính, không thờ thì con cháu sẽ đánh chửi lại cha mẹ; không còn gì để sợ thì từ ngôi cao nhất đến người cùng đinh tất thảy sẽ thành kẻ ác”[218]. Tầm triết lý thể hiện rõ trong lời nói. Lời nói được nói ra một cách rành rọt, cụ thể và rất tỉ mỉ. Để lại những suy nghĩ sâu sắc. Với ông Nghĩa, ngay cả khi đối mặt với cái chết, thì trong lòng ông vẫn luôn mong mỏi, hướng đến những điều tốt đẹp nhất để lại cho các thế hệ mai sau. Đó là việc cần và nên giữ lại “đền chùa, miếu mạo”, không phải đơn thuần chúng là những di tích lịch sử, những

danh lam thắng cảnh, mà quan trọng và thiết yếu hơn cả, đây chính là những tài sản vô giá mà những thế hệ đi trước truyền lại cho các thế hệ sau. Mục đích để giúp cho các thế hệ sau nhớ về nguồn cội, nhớ về các bậc sinh thành, nhớ về những người đã có công. Đây là một trong những biểu hiện trong việc giữ gìn truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta. Một truyền thống tốt đẹp là vậy, ví thử trong xã hội một khi nó bị mai mọt hay mất đi thì sự phát triển của xã hội sẽ đi đến đâu? Một tương lai không xa mà tác giả dự báo, đưa đến cho chúng ta “con cháu sẽ đánh chửi lại cha mẹ, không còn gì để sợ thì từ ngôi cao nhất đến người cùng đinh tất thảy sẽ thành kẻ ác”. Với tầm triết lý, chiêm nghiệm của mình, tác giả đã đem đến cho người đọc những trải nghiệm, những suy nghĩ sâu sắc về sự phát triển của một xã hội bên vững mà hành trang thiết yếu không thể thiếu là những giá trị đạo đức truyền thống cần phải được giữ gìn và phát huy.

Với giọng điệu triết lý, có thể thấy nhà văn đã tạo hiệu quả cao trong việc bộc lộ sự trải nghiệm của bản thân mình về cuộc đời và con người trong xã hội ngày nay. Nhờ có giọng điệu này, Đào Thắng đã lôi cuốn, hấp dẫn người đọc, gợi lên trong mỗi người chúng ta suy nghĩ, trăn trở về thế sự, đồng thời thể hiện một cái nhìn tích cực, một khao khát muốn tìm đến những chân lý của nhà văn.

Một phần của tài liệu tiểu thuyết về nông thôn sau đổi mới (qua mảnh đất lắm người nhiều ma của nguyễn khắc trường và dòng sông của đào thắng) (Trang 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)