Có lẽ, không một làng quê nào ở Việt Nam lại không tồn tại những dấu ấn của sự phát triển những tộc họ. Điều này, có thể bắt nguồn từ thời điểm nền kinh tế nông nghiệp (đặc trưng lúa nước) còn ở dạng tiểu nông và xã hội đang ở trong giai đoạn xã hội thị tộc. Trong thời kỳ này, con người muốn tồn tại và củng cố được vị trí của mình thì phải tập hợp được những cá nhân đồng lòng, đồng sức, biết dựa vào nhau để chống lại các thế lực khác. Mà không gì dễ ràng buộc, gắn kết hơn là những người có cùng huyết thống, cùng dòng họ. Trên cơ sở đó, tộc họ ra đời trở thành một yếu tố cấu thành quan trọng tạo nên cộng đồng làng xã Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng chính là một trở ngại lớn nhất của nông thôn trên con đường phát triển tiến bộ. Bởi đồng thời với việc tập hợp, đoàn kết con người tạo nên sức mạnh tập thể thì tộc họ cũng dễ biến cái tập thể ấy trở nên cục bộ trước cái tập thể khác lớn hơn: đó là cộng đồng làng xã, thậm chí lớn hơn là dân tộc, là đất nước. Ý thức cao về dòng họ của mình dễ làm nảy sinh trong con người thói ganh ghét, thù hận với sự lớn mạnh của những dòng họ khác. Trong làng xã, ai cũng muốn dòng họ của mình nắm quyền cao nhất, từ đó mà rất dễ xảy ra những mâu thuẫn tranh chấp. Và một điều chắc chắn rằng, mỗi tộc họ đều có những lịch sử phát triển lâu dài, quá khứ của tộc họ được truyền từ đời này sang đời khác. Hoà bình thì ít, thù hận thì nhiều. Có những mối thù từ trong quá khứ vẫn luôn hiện hữu, có khi lại càng bị khoét sâu hơn ở những thế hệ sau. Con người không lúc nào thanh thản, thù hận giữa các tộc họ, phe phái làm cho tình làng nghĩa xóm, tình yêu, tình cảm vợ chồng…cũng trở nên không mấy ý nghĩa. Mọi cách sống, nếp nghĩ đều phải làm sao hướng về dòng họ, không làm xấu mặt tổ tiên, dòng họ. Làng quê đã đói nghèo lại càng thêm tăm tối, biết bao số phận con người đã trở thành nạn nhân trong cái vòng xoáy tranh chấp quyền lực ấy.