Qua các nhân vật chính của Dòng sông mía

Một phần của tài liệu tiểu thuyết về nông thôn sau đổi mới (qua mảnh đất lắm người nhiều ma của nguyễn khắc trường và dòng sông của đào thắng) (Trang 49)

Nếu Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường đề cập đến việc đấu đá, tranh giành quyền lực lẫn nhau giữa hai dòng họ Trịnh - Vũ ở làng Giếng Chùa thì đến với Dòng sông mía của Đào Thắng, bi kịch dòng họ đã được tác giả thể hiện chỉ trong nội tộc họ nhà Đoàn- mà cụ thể là bi kịch xuất hiện trong gia đình của ông Đoàn Quí Nhất.

Ông Quĩ Nhất thuộc hạng đàn ông dọc ngang trời đất, ngang tàng nổi tiếng cả vùng hai bờ sông Châu Giang. Ngay từ thời còn nhỏ, người dân xóm trại đã phong ông là người “gan nhất, nhanh nhất, liều nhất, cơ mưu nhất”. Điều này bắt nguồn từ việc ông Quĩ đã dũng cảm, mưu trí một mình chống lại tên tướng cướp đã

cả gan đến cướp làng mạc. Tiếp đó, bằng cái gan liều của kẻ trai võ nghệ cao cường, Quĩ đã thuần nhất được con trâu đầu đàn của dân làng Mạc, làm cả đàn trâu bên làng Mạc theo con trâu đầu đàn bơi qua sông trong đêm khuya về phía nhà mình. Từ đấy khiến cho dân làng Mạc một phen bội phục. Thế rồi, thời gian thấm thoát trôi đi, giờ đây, ông Quĩ Nhất đã làm chủ vựa mía lớn ở Thanh Khê. Cuộc đời của ông gắn liền với hai bà vợ. Bà vợ cả của ông mất sớm nhưng đã kịp để lại cho ông hai người con: người con trai là anh cả Thuần và người con gái là cô Bé. Người vợ thứ hai của ông là bà Quyền, một người phụ nữ xinh đẹp, đảm đang và giỏi giang trong làm ăn, vì vậy đã đỡ đần được ông rất nhiều trong công việc kinh doanh - cụ thể là kinh doanh đường mía.

Bên cạnh nhân vật Quĩ Nhất là nhân vật thằng Lẹp. Thằng Lẹp là con bà Mến- một người phụ nữ tốt bụng, hiền lành ở trong làng Thanh Khê chuyên làm những việc phúc đức. Ngay từ hồi còn nhỏ, thằng Lẹp đã được ở trong khu nhà ông Quĩ Nhất bởi bà Mến phải đi làm công ở đây. Bởi vậy, con cháu nhà ông Quĩ cũng chơi thân với Lẹp. Trong tâm trí thơ dại, còn non nớt của chúng, chưa hề có sự phân biệt đứa nào là cháu ông bà chủ, và đứa nào ở vị thế kẻ ăn người làm. Lớn lên trong phận tôi tớ, cung cúc tận tuỵ trong mọi công việc, mặc dù vậy Lẹp đâu chịu yên trong cái phận ấy. Nó được ăn, ở, vui chơi trong nhà ông Quĩ, nhiều lúc trong sâu thẳm tâm trí của nó luôn thèm khát một sự ngang bằng và nó hành động một cách tự nhiên theo hướng ấy. Vì có tài bơi lặn, nên Lẹp được bà Quyền giao cho nhiệm vụ vớt mía ở dưới sông. Cũng nhờ công việc đó mà Lẹp đã xin được bà Quyền cho lên cầm cây. Nhưng thật không may cho Lẹp, ngay đêm đầu tiên trong đời được chính thức đi làm thuê đã xảy ra sự cố bi thảm trong cuộc đời còn mới bắt đầu của nó: hai cánh tay của nó đã bị “rút vào cái khe rất xít giữa hai ông bà hàng đá, xương ngón tay, rồi xương bàn tay bị nghiến rau ráu”. Thằng Lẹp lúc này trở nên dị dạng, do mất cả hai bàn tay nên nó “chưa biết dấu hai mỏm tay cụt, đi đâu cũng đưa ra ngó ngoáy, ai trông thấy cũng thất kinh. Cuộc sống của hai mẹ Lẹp trở nên khó khăn. Mãi sau Lẹp cũng tìm được kế sinh nhai, trở xuống làng chài làm nghề mò trai, bắt trùng trục, cào hến mang về bến, đổi cho bà Quyền lấy gạo nuôi thân, bởi

bà Quyền và cô Bé đều thích ăn cháo trai. Trong một lần đi mò trai, nó thấy người phát cuồng vì sắp chết đói lả đến nơi, chỉ cần một bước hẫng xuống hõm sâu ngập đầu là nó có thể bị chìm, không may cho Lẹp trong buổi mò trai ngày hôm đó đã gặp phải “cá thần”. Bởi vậy chỉ sau cái quẫy đuôi, bằng cái quạt nước kinh khủng đã cuốn Lẹp xuống cái vực tối đen, nước sủi lên ầm ầm. Nếu như sự việc dừng ở đây dẫn đến cái chết của Lẹp, hoặc giả như Lẹp không chết lại được một ai khác cứu sống mà không phải là cô Bé thì tấn bi kịch trong dòng họ Đoàn đã không thể xảy ra, và chuỗi các tội ác của Lẹp cũng không thể nào thực hiện được. Nhưng sự đời thật trớ trêu, như sự sắp đặt trước của định mệnh bởi người cứu Lẹp trong tình thế hiểm nghèo này không ai khác chính là cô Bé. Cô rất hiểu cứu người trong hoàn cảnh bị Hà Bá bắt có ý nghĩa như nào bởi ai cứu người chết đuối sẽ phải thí mạng mình để thay thế, nhưng vượt lên trên tất cả sự sợ hãi, bất chấp những lời đàm tiếu sẽ đổ lên đầu khi cô cõng một kẽ đàn ông hạ tiện không quần áo vào ruộng mía nhà mình, cô đã quyết định phải cứu Lẹp. Và ngay trong đêm đó, lòng kiêu hãnh, sự khát khao của tuổi thanh xuân; sự mủi lòng- động lòng thương hại; sự ban ơn muốn bù đắp cho kẻ tàn tật; sự phân cách tôi- tớ, phân cách giàu nghèo- sang hèn đã không còn ý nghĩa gì trước sự khao khát của cuộc sống. Tất tả cả những gì là thầm kín, là trong trắng, là những gì quý giá thuộc về người con gái thì đến giờ cô Bé đã trao cho thằng Lẹp. Với tình yêu xen lẫn giữa lòng thương hại và sự mê muội, những ngày tiếp sau đó, cô Bé đã chủ động làm một cái ổ ở gần gốc cây gạo gù làm điểm hẹn hò của hai người. Mối tình giữa Lẹp và cô Bé đã không thể giữ kín mãi được lâu bởi cuối cùng ông Quĩ Nhất cũng đã biết. Sự thật này đối với ông quả đau đớn và xót xa, bởi ở ông có niềm kiêu hãnh không bờ bến của một dòng họ danh giá, có sự gan góc- oai phong mà cả vùng phải nể sợ. Đó còn là uy tín và danh dự mà dòng họ ông đã dầy công gây dựng. Giờ đây, người con gái vốn là niềm tự hào, là niềm kiêu hãnh của gia đình ông thì đến giờ nó trở thành nỗi xấu hổ, xỉ nhục, là vớt nhơ mà dòng họ ông không sao gột rửa được. Ông Quĩ quyết tâm phải giết chết thằng Lẹp bằng con dao to bản sắc như nước để rửa sạch nỗi ô nhục cho dòng họ Đoàn. Nếu bà Mến không xuất hiện thì chắc chắn thằng Lẹp đã chết trong tay ông

Quĩ Nhất và bi kịch của dòng họ Đoàn lúc này sẽ chỉ dừng lại ở một bi kịch là Cha giết Con, bởi thằng Lẹp chính là con ngoài giá thú giữa ông với bà Mến nhưng ông không hề hay biết sự thật này. Và nếu có biết được sự thật phũ phàng kia vào lúc này đi chăng nữa, chẳng phải nó sẽ là đòn chí mạng vào bi kịch dòng họ Đoàn của ông hay sao. Nhưng thật “may mắn”, sự xuất hiện của bà Mến cùng với lời van xin ông Quĩ đã khiến cho ông Quĩ Nhất lơi tay dao. Nhờ vậy mà thằng Lẹp chạy thoát được. Nhưng liệu việc thằng Lẹp chạy thoát có phải là may mắn cho dòng họ Đoàn hay lại thêm lần nữa, tấn bi kịch kia bị lặp lại, khi mà sau này với sự tồn tại của nó, hàng loạt tội ác dã ma đã được Lẹp thực hiện.

Sau khi chạy thoát khỏi tay ông Quĩ Nhất, bà Mến đã quyết định cho Lẹp phải dời xa chốn này một thời gian, bởi bà hiểu rõ mối tình giữa Lẹp và Bé không thể tiếp tục. Bà Mến đã nói rõ sự thật cho Bé biết rằng: “Con ơi, thằng Lẹp nó là con của mẹ với ông Quĩ! Chúng may là anh em ruột của nhau!”. Quá đau lòng và cảm thấy tủi nhục trước sự thực này, trong lòng cô Bé đã nghĩ đến việc quyên sinh. Và từ sau cái đêm tối ấy, cái đêm ghi dấu sự chia tay giữa thằng Lẹp và cô Bé, cái đêm thằng Lẹp phải nghe theo lời bà Mến trở về quê gốc dân hạ bạn xuôi theo dòng sông Cái là những ngày bắt đầu chuỗi hành động tội ác của Lẹp. Vì bà Mến có lời nhờ, nên ông Nghệ đã sai hai đứa con của mình là cô chị Bê Lớn và cậu em trai Bê Con đưa thằng Lẹp xuống phía quê của ông Chép chồng bà. Trên đường đi, với hành động cuồng thú của mình, Lẹp đã điên cuồng hành lạc trên người Bê Lớn mặc sự chống trả của cô, còn với Bê Con hắn đã không còn tính người, bị hắn kẹp chặt cổ cho đến chết. Cái cách mà hắn trả ơn những người giúp đỡ khi hắn gặp khó khăn là như vậy. Thực đúng là con người đột lốt thú vật. Trâng tráo và trắng trợn hơn, thằng Lẹp còn thản nhiên nhắn người bà con về cho ông bà Nghệ biết rằng thằng Bê Con đã bị càm lạnh chết ngay trong đêm đó, còn Bê Lớn đã đồng ý lấy hắn làm chồng. Thời gian trôi đi, vợ chồng Lẹp sống cảnh mò cua bắt ốc qua ngày. Lẽ ra hắn cũng tạm bằng lòng, yên thân với cuộc sống hiện tại nếu như không có những lời đồn đại xung quanh các sự kiện Di dân thiên chúa vào Nam, Đả phá địa chủ, về sự đổi ngôi địa chủ phú nông xuống dưới, bần nông cố nông cưỡi lên trên. Lẹp thấy

vui mừng trở lại bởi nó cảm thấy đây sẽ là cơ hội tốt nhất để mối thù giữa nó với ông Quí Nhất được trả nợ, cơ hội tốt để nó đè đầu ông Nghĩa- em trai ông Quĩ Nhất, người mà nó nghĩ đã đề xuất ý kiến khiến cô Bé đã rời xa nó mãi mãi mà nó không hề hay biết đây chính là những con người ruột thịt với hắn. Bởi vậy, hai vợ chồng Lẹp quyết định trở về làng Thanh Khê, nơi vốn gắn liền với tuổi thơ của Lẹp, gắn liền với những kỉ niệm đẹp giữa nó với cô Bé.

Công cuộc cải cách với những mặt tiêu cực của nó đã xuất hiện. Giờ đây, Lẹp và cô Bê Lớn được xác định là thành phần cốt cán, là chỗ dựa vững chắc cho công cuộc đổi mới này. Trong cuộc đấu tố địa chủ, ông Nghĩa bị đem ra xử tội. Thằng Lẹp đã thoả mãn cơn ác thú khi chính nó được cầm súng bắn ông Nghĩa, nó đâu biết rằng, người bị nó đem ra xử bắn kia lại chính là chú ruột của nó. Chưa dừng lại ở đây, với âm ưu chiếm đoạt chị cả Thuần- vốn đã ba mặt con, Lẹp chủ động gây ra vụ mất trộm ở nhà chị khiến bé Khuê chạy một mạch đến nơi mà ông Nghĩa vừa bị xư tử, nơi có chị Thuần ở đấy, vừa khóc vừa kể lể sự tình. Và khi biết rõ ông mình bị bắn bởi tên Lẹp, khuê đã đứng phắt dậy, chỉ tay hỏi lớn: “Thằng Lẹp cụt, thuyền chài kia, mày bắn ông Nghĩa tao phải không?”. Và chỉ trực đến lúc này là âm ưu của Lẹp đã thành công, thành công trong việc gắn cho Khuê tội “âm ưu phá hoại, bọn phản động nhiều âm ưu thâm độc, dựa vào miệng lưỡi trẻ con phát ngôn để chống phá cách mạng”. Rồi Lẹp cũng không quên mục đích chính của mình, hắn dùng hai cùi tay cụt kẹp chặt lấy cổ tay chị cả Thuần, đưa về xã để thẩm vấn. Thẩm vấn đâu không thấy, chỉ thấy thằng Lẹp dùng những lời lẽ gạ gẫm, dụ dỗ, tán tỉnh chị hòng chiếm đoạt, thoã mãn thú tính của hắn. Khi những lời nói đó không đem lại kết quả gì, Lẹp bắt đầu dùng sức mạnh của mình giở trò đồi bại ngay cả khi mà chị cả Thuần đã bị ngất.

Thật không thể ngờ, thằng Lẹp đã bước qua từng tội ác một cách dã man mà không mảy may gợn chút suy nghĩ, ám ảnh gì. Từ cả gan kẹp cổ chết tươi một đứa bé (Bê Con), cướp trắng trợn đứa con gái mà người ta dày công nuôi dưỡng (Bê Lớn), đến việc dí súng bắn chết tươi ông Nghĩa (vốn là chú ruột) trong cuộc đấu đố địa chủ, thì đến nay Lẹp lại tiếp túc giở trò thú vật với ngay chị cả Thuần (vốn là chị

dâu của hắn). Tội ác của hắn quả thật đất không dung - trời không tha. Chính những tội ác mà Lẹp đã gây ra là kết quả của đứa con của hắn. Con của Lẹp do Bê Lớn sinh ra là một quái thai “hài nhi không có chân, mặt người, mắt như mắt cá, bùng nhùng như một chậu thịt, mầu đỏ bầm”và vợ của Lẹp từ đấy cũng mắc phải chứng bệnh không nói vĩnh viễn. Từ đấy cho đến về sau Lẹp và cô Bê Lớn đã hai lần nữa sinh con, nhưng cả hai lần ấy vẫn chỉ là “nửa người, nửa quái, lèo nhèo, phập phồng, vứt vào đầy lùm cái chậu men cỡ đại” buộc Lẹp sau mỗi lần sinh nở ấy đều phải “đổ gio nóng, phủ kín mặt chậu…vội cắp nách cái chậu ấy khệ nệ đưa ra ngoài bờ sông, đổ ùm xuống nước”. Còn Bê Lớn chỉ còn là một người cả ngày lẫn đêm chỉ sống với cõi âm, không bước chân ra khỏi cửa nhà bao giờ, suốt ngày lẩm nhẩm một mình như nói chuyện với ma. Đây cũng có thể coi là sự trừng phạt của tạo hoá dành cho gia đình Lẹp bởi những tội ác do hắn gây ra.

Như vậy, có thể thấy bi kịch mà dòng họ Đoàn phải gánh chịu là bi kịch của mối quan hệ loạn luân, chà đạp lên luân thường đạo lý, những tiêu chuẩn đạo đức của xã hội: là mối quan hệ: anh- em (Lẹp và cô Bé) và mối quan hệ giữa em họ và chị dâu (Lẹp và chị Cả Thuần). Bên cạnh đấy là tấn bi kịch về sự thù hận giữa những giữa những người thân trong gia đình: thằng Lẹp đã thù hận ông Quĩ Nhất (chính là cha đẻ của nó); và cũng chính thằng Lẹp đã nổ súng giết ông Nghĩa (chú ruột của nó). Thông qua tác phẩm của mình, Đào Thắng đã góp phần đưa đến cho người đọc một cách tiếp cận mới trong bi kịch gia tộc- dòng họ: nó không chỉ đơn thuần là sự mâu thuẫn xung đột giữa các dòng họ trong làng xã, mà ở mức cao hơn đó là bi kịch xảy ra chỉ trong một gia đình- dòng họ. Đó chính là bi kịch văn hoá. Xung đột dòng họ là xung đột văn hoá.

Một phần của tài liệu tiểu thuyết về nông thôn sau đổi mới (qua mảnh đất lắm người nhiều ma của nguyễn khắc trường và dòng sông của đào thắng) (Trang 49)