Giọng điệu cảm thƣơng – chia xót

Một phần của tài liệu tiểu thuyết về nông thôn sau đổi mới (qua mảnh đất lắm người nhiều ma của nguyễn khắc trường và dòng sông của đào thắng) (Trang 88)

Bên cạnh giọng điệu triết lý, đến với nghệ thuật của Đào Thắng trong tiểu thuyết này, ta còn bắt gặp tác giả sử dụng giọng điệu cảm thương- chia xót. Với việc đi vào tìm hiểu giọng điệu này, ta sẽ nhận ra một con người với tấm lòng rộng mở, bao dung, thấm đẫm tình yêu thương đối với con người- đặc biệt là với những người phụ nữ có số phận bất hạnh hay hạnh phúc không trọn vẹn. Bằng giọng điệu này, tác giả đã theo sát từng bước đi về những con người đó để góp phần hiểu rõ hơn những nỗi niềm riêng tư, những góc khuất trong trái tim mỗi người, để cảm thông chia sẻ, giúp họ vơi đi bớt phần nào.

Trước hết giọng điệu cảm thương- chia xót thể hiện qua số phận của nhân vật bà Mến. Là người phụ nữ có tiếng ở làng không chỉ bởi những đức tính tốt đẹp, mà ở bà còn cho thấy tính cách của một con người sống chan hoà, nhân hậu, đầy tình

yêu thương. Có một điểm gợi lên sự thương cảm ở bà Mến với những người sống quanh bà, đó là mặc dù đã lấy chồng và đã đứng tuổi nhưng bà vẫn chưa có một mụn con, tức là ở bà vẫn chưa có cơ hội để thể hiện thiên chức trọn vẹn của người phụ nữ là làm mẹ. Mong ước này luôn da diết, trở thành nỗi khát khao của bà Mến. Nó càng cháy bỏng và trở nên mãnh liệt hơn khi phải đối mặt với cái chết của người chồng- tức ông Chép vì đi bắt cá thần mà bị cá đâm chết. Bởi vậy mà bà đã rất đau khổ, trở nên tuyệt vọng trước lời cuối dành cho người chồng: “Ông Chép ơi, tôi đi đỡ đẽ cho bao nhiêu người. Người ta đẻ ra con đàn cháu đống, dòng dõi đề huề, duyên cơ làm sao ông không cho tôi một mụn con. Tôi sẽ là gái già cô độc. Tôi làm người ở góa”[64]. Lời nói của bà Mến từng câu, từng chữ như một sự kìm nén quá mức bởi bấy lâu nay bà đã phải cố gắng núi giữ trong lòng mà sự ra đi của ông Chép như một liều thuốc đắng đau đớn đến tột cùng khiến cho bà phải nói hết những suy nghĩ đó ra. Tác giả đã rất thấu hiểu và thông cảm với số phận của bà Mến vì với người phụ nữ có nỗi đau nào lại lớn hơn nỗi đau không thể thực hiện trọn vẹn thiên chức của người làm mẹ. Vì vậy, chính từ sự đau khổ này, cùng với một trái tim bị thương tổn lớn và một thân thể mệt mỏi, buồn chán đã dẫn đến cuộc tình chấp nhoáng giữa bà với ông chủ lò mía lớn nhất ở Thanh Khê, mà kết quả chính là thằng Lẹp được sinh ra. Khi viết ra những trang văn này, chắc chắn ở tác giả đã có sự đấu tranh mạnh mẽ giữa một bên là hiện thực và hư ảo, giữa một bên là điều có thể và điều không thể, với một bên là cái được và cái mất…Cuối cùng bằng tình yêu thương con người, bằng sự chia sẻ với những mất mát của người phụ nữ, tác giả đã vượt lên trên tất cả từ những định kiến cố hữu của xã hội cho đến những giá trị đạo đức truyền thống, sẵn sàng để nhân vật của mình lựa chọn theo tiếng gọi của bản năng, sự thúc giục mạnh mẽ của con tim. Phải là một nhà văn có tấm lòng nhân hậu, có sự bao dung lớn lao cùng với đó là sự hiểu đời, hiểu mình mới có thể đưa đến cho người đọc những trải nghiệm có phần mới mẻ nhưng xứng đáng nhận được chia sẻ, cảm thông. Giọng điệu thương cảm xót xa một lần nữa được tác giả đã gửi gắm qua những suy nghĩ của bà Mến, khi mà những nỗi đau đớn của cuộc sống kia buộc bà phải chứng kiến, khi mà với bà cái chết giờ đây đã không còn quá quan

trọng nữa: “Lạy mẹ Maria lòng thành, nói theo mẹ con đã mơ ước, câu xin một sự chân thành sâu xa, xin có một đứa con và “ông ấy” đã cho con như ý nguyện. Lạy chúa tôi, tôi không dập tắt được nỗi khát khao, được sống với một người đàn ông mạnh mẽ, được thoả mãn, được toại nguyện. Đây là một ước mơ ma sao ước mơ ấy xa lạ với chúng tôi. Lạy chúa tôi sáng láng vô cùng, sao ở chốn quê mùa dân dã, người đàn bà chết chồng chúng tôi sao mà khổ thế. Phải chôn vùi tuổi xuân của mình xuống bùn đen năm tháng, suốt cả thòi tuổi trẻ sống khát khao và thèm khát đến tối tăm đầu óc con người…Còn chúng tôi phải vụng trộm, che dấu và chính sự vụng trộm người đời cho là tà dâm đã dẫn đến biết bao điều khổ đau [270]”. Thông qua suy nghĩ có phần thầm kín này, tác giả đã thể hiện sự thương cảm-xót xa cho số phận những người phụ nữ lâm vào cạnh ngộ bị chết chồng- phải sống trong cảnh goạ bụa, cô đơn cho đến già.

Nếu cuộc đời của bà Mến là chuỗi dài những ngày tháng phải sống cơ cực, nghèo khổ không được thoả mãn, nhưng đến khi ước vọng có con được đáp đền thì cũng là lúc bà cay đắng nhận ra rằng “khi ý nguyện thành điều thật tôi đã phải gánh với nó biết bao điều ác” khiến bà suy sụp đến tột cùng thì đến với cuộc đời của nhân vật Cả Thuần, giọng điệu thương cảm- xót xa đã được tác giả dùng đến như một sự quan tâm, chia sẻ với số phận của người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh, trắc trở trong cuộc sống.

Với chị cả Thuần, việc lấy được anh Thuần- con cả ông Quĩ Nhất những tưởng là một điều sung sướng, sẽ mang lại cho chị một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn, đầy đủ ấm lo. Nhưng cuộc sống diễn ra vốn lại không đúng như những gì người ta hay định trước. Mọi sinh hoạt trong cuộc sống gia đình đều do một tay chị thu xếp, lo toan và vun vén bởi anh Thuần không giúp gì cho chị trong việc gia đình, hơn nữa mang tiếng là con nhà giàu nhưng để nhận được sự giúp đỡ từ phía gia đình chồng hầu như lại không đáng là bao. Bởi vậy mà đối với chị cả Thuần: “Vợ mà như làm chị một đứa em”, riêng với anh Thuần thì “vẫn chưa qua tính nết của một đứa trẻ con. Ăn ở với nhau có hai mặt con rồi cũng vẫn vậy, anh nghịch ngợm, nồng nàn, hăng hái một cách hơi thái quá bên cạnh tấm thân gọn gàng, rắn chắc của vợ, vội

đến rồi vội đi, anh còn nhiều thú vui khác, đi học, đi chăn trâu, nhẩy đu trên những cành nhàn đuổi nhau, nhảy ra sông tắm hàng giờ lặn ngụp, tìm bắt nhau….nhiều khi như vô tình anh quên bẵng còn có chị đang mong đợi trong căn buồng này…”[352]. Sự cảm thông, xót xa được tác giả thể hiện rõ trong đoạn văn trên. Bởi với mỗi gia đình, dù lớn hay nhỏ thì người đàn ông luôn là người phải có trọng trách gánh vác gia đình, luôn là người “đứng mũi chịu sào” phải thể hiện rõ vai trò trụ cột của mình đối với gia đình. Nhưng trong hoàn cảnh của gia đình này, anh Thuần không những không cho thấy vai trò trụ cột của mình mà ngược lại mọi gánh nặng gia đình đều đè nặng trên đôi vai nhỏ bé của chị. Và với Đào Thắng, sự tinh tế, nhạy bén của ông không chỉ được thể hiện ở việc nhận ra những khó khăn về mặt vật chất trong cuộc sống gia đình mà người phụ nữ phải một mình gánh chịu mà sâu sắc hơn, ông còn nhận ra và chia sẻ với những thiệt thòi mà người phụ nữ không được thoả mãn, đáp ứng trong cuộc sống riêng tư vợ chồng, bởi ở anh Thuần “vẫn chưa qua tính nết một đứa trẻ con”, luôn “hăng hái một cách thái quá” bởi ở anh “còn nhiều thú vui khác nữa”.

Giọng điệu thương cảm- xót xa được tác giả một lần nữa sử dụng khi thể hiện tình cảm của mình trước sự việc chị Thuần vì vô tình, không kiểm soát mình mà thất tiết với chồng. Cái chết của anh Thuần đã khiến cho chị đau đơn và buồn tủi cho số phận mình biết bao. Chồng chết khi tuổi đời còn quá trẻ, từ đây chị sẽ phải sống trong cảnh goá phụ khi tuổi xuân vẫn tràn đầy, hơn nữa gánh nặng nuôi hai đứa con mà anh để lại cũng không hề nhỏ. Tất cả công việc ấy, giờ đây chị phải một mình đảm trách mà không có ai sẻ chia, không có ai để nương nhờ. Cảnh sống của chị gợi lên biết bao nghĩ suy. Thế rồi cái phút giây như đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời chị cũng đã đến, nó đến như sự minh chứng cho sự ra đời của thằng Các- đứa con thứ ba của chị với anh đội trưởng Đồi. Đưa ra chi tiết này, tác giả không hề có ý định muốn lên án hay trì triết đối với hành động của chị Thuần bởi tác giả hơn ai hết hiểu rõ những khổ đau dằn vặt mà người phụ nữ phải hứng chịu, hơn nữa với ngôn ngữ nửa trực tiếp thông qua suy nghĩ của Cả Thuần khi tuổi đã về già, tác giả đã thể hiện rõ sự thương cảm, xót xa cho số phận những

người phụ nữ: “Thật kĩ càng, thật gần gũi, thật khao khát. Người ấy làm công việc của đàn ông, thay mặt trời phật mới thiêng liêng làm sao! Thật cay đắng, phút giây phá tan đức hạnh của bà nó lại khiến bà sung sướng, hạnh phúc nhất trong kiếp người”[471]. Tác giả đã thể hiện sự thương cảm, chia sẻ với những bất hạnh của người phụ nữ thông qua lời nói của Cả Thuần:“Làm người đàn bà goá có muôn ngàn nỗi khổ nhục, buộc chặt thắt lưng, thắt chặt dây yếm không dám để thiên hạ nhìn thấy bầu vú còn tròn căng, trông thấy người đàn ông khoẻ mạnh, gân guốc, má bỗng ửng đỏ, người nóng bừng, phải quay mặt đi tự xỉ vả mình. Nỗi khao khát được chiều chuộng, mong có người gánh đỡ cái gánh đời nặng trĩu hành hạ suốt cả thời thanh xuân. Được miệng đời khen chính chuyên thờ chồng nuôi con, đêm nằm cắn răng lại khóc thầm. Ấy thế nhưng nào có được yên… Và còn danh tiết, nền nếp gia giáo hai bên nội, ngoại, trăm thứ đè nặng lên đầu, ngăn cản. Thôi thế cứ đành phận chờ năm tháng cho tuổi già đến, người teo tóp đi, rồi xuống lỗ thế là xong”[470].

Như vậy, bằng giọng điệu cảm thương – chia xót, tác giả Đào Thắng đã khắc hoạ lên số phận của những người phụ nữ gặp nhiều bất hạnh, trắc trở trong cuộc sống. Đây là một trong những sắc thái giọng điệu giúp người đọc cảm nhận rõ ở tác giả có trái tim nhân hậu, có một tình cảm lớn luôn hướng đến số phận bất hạnh của nhưng người phụ nữ để thể hiện sự cảm thông, chia xót tột bậc của mình. Phải chăng chính điều này đã góp phần không nhỏ khi đưa Đào Thắng trở thành nhà văn nữ quyền của Việt Nam ở thế kỉ 21, như một sự ghi nhận công lao, với những đóng góp của nhà văn với sự nghiệp bình đẳng giới.

Một phần của tài liệu tiểu thuyết về nông thôn sau đổi mới (qua mảnh đất lắm người nhiều ma của nguyễn khắc trường và dòng sông của đào thắng) (Trang 88)