Một số bài học cho lập KH phát triển KTXH cấp tỉnh

Một phần của tài liệu đổi mới công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh ở việt nam (Trang 61 - 64)

(NGHIÊN CỨU TỈNH HÒA BÌNH)

2.5.Một số bài học cho lập KH phát triển KTXH cấp tỉnh

Một là, công tác lập kế hoạch phát triển KTXH cấp tỉnh cần phải được thể chế hóa

Về mặt thể chế cho công tác lập KH đến nay vẫn còn rất đơn giản và thiếu nhiều văn bản chặt chẽ, có tính pháp lý cao, cũng như những quy định hướng dẫn cụ thể về phương pháp, quy trình, nội dung lập KH và công tác TDĐG thực hiện KH. Mặt khác, quá trình soạn thảo các văn bản có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh công tác lập KH trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở nước ta vẫn còn đang ở bước đầu, do đó trong thời gian tới cần đẩy nhanh việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về xây dựng kế hoạch.

Hai là, các bên hữu quan cần phải thay đổi nhận thức trong việc lập kế hoạch phát triển KTXH

Việc thay đổi nhận thức của các bên hữu quan trong việc lập KH phát triển KTXH là điều kiện tiên quyết đối với việc thành bại trong việc lập KH phát triển KTXH. Bản kế hoạch được xây dựng có chất lượng khi và chỉ khi có sự thống nhất cao của các cấp lãnh đạo trong việc coi kế hoạch là công cụ quản lý và điều hành kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của địa phương phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đổi mới kế hoạch, phải tham gia một cách tích cực trong việc đổi mới kế hoạch, để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho chất lượng của bản kế hoạch.

Ba là, cần thực hiện việc phân cấp trong quản lý thực hiện kế hoạch

Thực tế cho thấy, các cấp chính quyền vẫn tập trung vào xử lý các công việc mang tính chất sự vụ, chưa coi trọng nhiệm vụ hoạch định chiến lược phát triển và xây dựng KH phát triển KTXH cho địa phương. Việc giao quyền chưa gắn với trách nhiệm cụ thể trong quản lý và điều hành KH, nhất là trách nhiệm cung ứng các đầu ra đã cam kết. Do đó, việc phân cấp trong quản lý kế hoạch là việc làm hết sức cần thiết và cần được đẩy mạnh trong thời gian tới, đặc biệt là việc phân cấp

KH giữa Trung ương và Địa phương, giữa cấp tỉnh với cấp huyện, xã.

Bốn là, cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác lập KH phát triển KTXH

Đa số các ngành, các cấp của địa phương đều có quan điểm coi việc lập KH là nhiệm vụ riêng của cơ quan KH. Sự phối hợp (nếu có) mới chỉ dừng lại ở cung cấp thông tin đầu vào. Còn sự tham gia từ khi đánh giá thực trạng đến xác định mục tiêu chiến lược và đề xuất các giải pháp theo đúng chức năng của ngành mình, cấp mình còn mờ nhạt. Vì vậy, để bản KH mang tính khả thi cao thì việc phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc xây dựng KH là hết sức cần thiết.

Năm là, các địa phương cần phải xây dựng được cho mình một hệ thống thông tin và tổ chức phục vụ công tác kế KHH

Hệ thống thông tin để phục vụ cho việc lập KH phát triển KTXH của địa phương hiện nay còn rất yếu, vừa không đầy đủ, liên tục, không kịp thời và không chuẩn xác. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc thiết lập một mạng thông tin phục vụ KH, song cho đến nay, kết quả thu được vẫn chưa đáng kể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cản trở việc áp dụng các mô hình phân tích và dự báo phục vụ công tác KHH cũng như triển khai có hiệu quả hoạt động TDĐG thực hiện KH. Vì vậy, các địa phương cần phải xây dựng được cho mình một cơ sở dữ liệu đầy đủ để phục vụ cho việc lập KH phát triển KTXH. Địa phương nào có cơ sở dữ liệu đầy đủ và đồng bộ thì địa phương đó sẽ có nhiều thuận lợi trong việc đưa ra các đánh giá thực hiện kế hoạch, đồng thời đưa ra được các nhận định sẽ sát với thực tế nhất và sử dụng nguồn lực khi đó đạt được hiệu quả cao nhất.

Sáu là, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác kế hoạch ở địa phương

Trong nhiều năm qua, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác KH ở địa phương đã được chú trọng, nhờ đó chất lượng cán bộ ở địa

phương đã dần được tăng lên. Tuy nhiên, so sánh mặt bằng chung thì chất lượng cán bộ làm công tác KH vẫn còn yếu so với mặt bằng chung và so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, cần phải tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác KH ở địa phương các kỹ năng về dự báo, phân tích, ưu tiên hóa, dự toán nguồn lực, huy động sự tham gia, bên cạnh các năng lực thông thường khác.

Bảy là, cần phải có sự thay đổi trong cách thức xây dựng kế hoạch

Việc lập KH phát triển KTXH cấp tỉnh hiện nay chủ yếu được thực hiện theo phương pháp truyền thống, bản kế hoạch mang tính chất là thực hiện nguồn lực được phân bổ, do đó không phản ánh một cách trung thực tình hình thực tế của địa phương. Để khắc phục nhược điểm này, cần phải có sự thay đổi trong cách thức xây dựng kế hoạch từ quy trình, nội dung và phương pháp lập KH. KH được xây dựng phải mang tính chiến lược, gắn với nguồn lực thực hiện, có sự tham gia của các bên trong công tác xây dựng KH, phải mang tính lồng ghép và phải theo dõi và đánh giá được.

Tám là, các địa phương cần chủ động trong công tác lập KH phát triển KTXH

Công tác lập KH phát triển KTXH của địa phương hiện nay vẫn mang tính thụ động là chủ yếu. Việc triển khai xây dựng KH hàng năm của địa phương chỉ được triển khai xây dựng khi có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ KHĐT, do đó thời gian cho việc lập KH của địa phương là rất ngắn, vì vậy chất lượng của các bản KH nhiều khi không được bảo đảm; đôi khi các bản KH được lập chỉ chỉ mang tính chất đối phó để nộp cho các cơ quan cấp trên. Để khắc phục nhược điểm này, các địa phương cần phải chủ động trong việc xây dựng kế hoạch của địa phương mình. Việc chủ động trong xây dựng KH của địa phương sẽ giúp cho địa phương xây dựng được một bản kế hoạch được tổng hợp từ dưới lên và của các ban ngành hữu quan trên địa bàn. Khi đó, bản kế hoạch sẽ phản ánh một bức tranh đầy đủ và toàn

diện về tình hình phát triển của địa phương, căn cứ vào đó các thành phần kinh tế sẽ lấy đó làm KH chuẩn để xây dựng kế hoạch cho mình hoạt động.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu đổi mới công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh ở việt nam (Trang 61 - 64)