Phương pháp lập kế hoạch hàng năm cấp tỉnh

Một phần của tài liệu đổi mới công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh ở việt nam (Trang 35 - 37)

(NGHIÊN CỨU TỈNH HÒA BÌNH)

2.1.3. Phương pháp lập kế hoạch hàng năm cấp tỉnh

Phương pháp lập kế hoạch cấp tỉnh hiện nay vẫn đi theo lối truyền thống. Cụ thể như sau:

Cách đánh giá thực trạng phổ biến hiện nay là mô tả thống kê tĩnh, chủ yếu chỉ so sánh giữa kết quả thực hiện với chỉ tiêu KH đề ra. Các phương pháp so sánh theo chuỗi thời gian (so sánh kết quả đạt được qua nhiều năm liên tiếp), so sánh chéo (với các tỉnh khác trong cả nước hoặc so sánh với tiềm năng của chính địa phương), so sánh tương quan (ví dụ, thông qua hệ số co giãn…) hầu như không được áp dụng. Các công cụ phổ biến trong lập KH như phân tích môi trường bên trong và môi trường bên ngoài, phân tích cây vấn đề, cây mục tiêu… cũng chưa được đề cập đến. Các tài liệu sử dụng để đánh giá chủ yếu là số liệu thống kê và báo cáo hành chính của các Sở, ngành. Việc tham khảo các nghiên cứu đánh giá khác có liên quan cũng không được chú ý đến. Kết quả là, những nhận định trong đánh giá thực trạng không thực sự giúp địa phương biết được vị trí của địa phương đang ở vị trí nào trong bản đồ phát triển của cả nước.

Trong phần đánh giá thực trạng, nội dung liên quan đến sử dụng nguồn lực tài chính hoàn toàn vắng bóng. Chưa tỉnh nào tiến hành đánh giá về hiệu quả của một vài dự án đầu tư công hay hiệu quả, hiệu lực của các chính sách, chương trình hành động mà tỉnh đang triển khai qua các phương pháp phổ

biến như đánh giá theo khung logic, phân tích lợi ích - chi phí hay chí ít là qua ý kiến phản hồi của người sử dụng. Danh mục các dự án đầu tư XDCB được xây dựng xuất phát từ các nhu cầu được coi là bức xúc của địa phương. Tuy nhiên, những câu hỏi đại loại như liệu để giải quyết những bức xúc đó có thực sự cần một dự án như vậy hay không, dự án đó có được thẩm định về hiệu quả lợi ích - chi phí hay chưa, có cách nào vẫn giải quyết được bức xúc của địa phương mà không cần vốn đầu tư từ NSNN hay không… đều chưa được cân nhắc một cách nghiêm túc.

Việc xác định mục tiêu KH không xuất phát từ Tầm nhìn mà có xu hướng được mô tả dàn trải trên tất cả các mặt và lặp đi lặp lại qua nhiều kỳ KH mà không có sự đột biến. Người phân tích sẽ không thấy được điểm nhấn của từng KH, do đó nhiều KH hàng năm không xác định mục tiêu riêng mà chỉ tính toán các chỉ tiêu KTXH mới cho kỳ KH là đủ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nội dung KHPT KTXH cấp tỉnh hàng năm và KHPT ngành hàng năm không được phân biệt rõ. Trong KHPT KTXH cấp tỉnh hàng năm đưa ra quá nhiều chỉ tiêu chi tiết mà lẽ ra đó là nhiệm vụ của KH ngành. Trái lại, KH ngành hàng năm không cụ thể hóa được nhiệm vụ mà KHPT KTXH cấp tỉnh hàng năm đặt ra cho ngành thành các hành động cụ thể.

Do việc xác định mục tiêu chung chung, không có chủ đề chính theo từng kỳ KH cho nên các giải pháp KH cũng rất mơ hồ, với các động từ thường xuyên được sử dụng như “tăng cường”, “đẩy mạnh”, “giải quyết dứt điểm”… nhưng câu hỏi làm thế nào để “tăng cường”, “đẩy mạnh” hay “giải quyết dứt điểm” thì lại không rõ và không có những câu hỏi gắn mục tiêu với nguồn lực thực hiện như thế nào. Giữa các giải pháp trong năm KH và những yếu kém trong năm báo cáo,nhất là những yếu kém trong bảo đảm nguồn lực tài chính cũng ít có mối liên hệ biện chứng, chứng tỏ địa phương không thực sự chú trọng coi khắc phục những yếu kém đang tồn tại là một nhiệm vụ KH trọng tâm.

Một phần của tài liệu đổi mới công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp tỉnh ở việt nam (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(103 trang)
w