Đàn cá thí nghiệm ở các nghiệm thức được lựa chọn đồng đều về kích thước. TL và BW dao động trong khoảng 24,8-25,6 cm và 261-287 g/con. Sau thời gian thí nghiệm, đàn cá không tăng về kích thước, đặc biệt trong mùa cá thành thục và đẻ
trứng từ tháng 4 đến tháng 8. Ở cuối đợt thí nghiệm, TL và BW đo được ở các nghiệm thức dao động trong khoảng 25,8-27,5 cm và 305-329 g/con. Kết quả phân tích thống kê cho thấy không có sự sai khác có ý nghĩa thống kê về TL và BW giữa các nghiệm thức và giữa các tháng trong năm (P>0,05). Sự biến động về TL và BW
ở các lần thu mẫu được trình bày ở Phụ lục 2.
Hàm lượng T, 11-KT, E2 và P trong huyết tương cá cái thể hiện sự biến động khá phức tạp trong chu kỳ sinh sản và chịu ảnh hưởng của độ mặn. T tăng từ tháng 3
đến tháng 5 ở cả 3 nghiệm thức, trong đó nghiệm thức 30 ‰ có hàm lượng T cao hơn 2 nghiệm thức còn lại. Trong giai đoạn tháng 5-7, T giảm xuống và thể hiện sự
không sai khác giữa các nghiệm thức. Trong tháng 8, hàm lượng T biến động giữa các nghiệm thức, trong đó nghiệm thức 30 ‰ có giá trị thấp nhất (154 pg/ml) và nghiệm thức 10 ‰ có giá trị cao nhất (483 pg/ml). Ở nghiệm thức 20 ‰, T tăng và
đạt cực đại vào tháng 9 (707 pg/ml), sau đó giảm xuống cho đến tháng 12. Ở cả 3 nghiệm thức, T giảm từ tháng 10 cho đến tháng 12 và thể hiện không sai khác giữa các nghiệm thức.
Hàm lượng 11-KT không chịu ảnh hưởng của độ mặn giai đoạn tháng 3-7. Giai đoạn tháng 8-12, 11-KT biến động và khác nhau giữa các nghiệm thức. 11-KT
đạt cực đại vào tháng 9 ở nghiệm thức 10 và 20 ‰ (56-63 pg/ml), sau đó giảm ở
những tháng tiếp theo. Nhìn chung, 11-KT trong huyết tương cá cái đo được khá thấp so với các hormon steroid khác.
Hình 3.10: Biến động hàm lượng T, 11-KT, E2 và P trong huyết tương cá Chẽm Mõm Nhọn cái nuôi ở 3 thang độ mặn khác nhau. Các ký tự khác nhau ở
Đối với E2, sự biến động trong chu kỳ sinh sản và ảnh hưởng của độ mặn thể
hiện khá rõ. Trong thời kỳ tháng 4-6, E2 tăng đáng kể và đạt cực đại vào tháng 6 ở
cả 3 nghiệm thức (602-629 pg/ml). Sau đó, E2 giảm xuống cho đến tháng 8 và thể
hiện sự khác nhau giữa các nghiệm thức. Trong tháng 8, E2 ở nghiệm thức 20 và 30 ‰ có giá trị thấp hơn (61-70 pg/ml) so với nghiệm thức 10 ‰ (270 pg/ml). Sang tháng 9, E2 tăng trở lại ở nghiệm thức 20 và 30 ‰. Giai đoạn tháng 10-12, E2 giảm mạnh và thể hiện không sai khác ở cả 3 nghiệm thức. Hàm lượng E2 đo được ở cả 3 nghiệm thức giai đoạn này là 11-55 pg/ml.
Hàm lượng P tăng từ tháng 3 và đạt cực đại vào tháng 5 ở nghiệm thức 10 và 30 ‰ (691-734 pg/ml). Sau đó P giảm cho đến tháng 9 và thể hiện không sai khác giữa các nghiệm thức. Ở nghiệm thức 30 ‰, P tăng mạnh trở lại ở tháng 10 (484 pg/ml) và ở tháng 11 (407 pg/ml) đối với nghiệm thức 10 ‰. Sang tháng 12, P giảm xuống và thể hiện không khác nhau về hàm lượng ở cả 3 nghiệm thức (48-64 pg/ml) (Hình 3.10).
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng hàm lượng hormon steroid trong huyết tương cá Chẽm Mõm Nhọn biến động trong chu kỳ sinh sản và chịu ảnh hưởng của độ
mặn. Một số nghiên cứu trước cũng thông báo rằng trong điều kiện nuôi nhốt, sự
biến động của hormon còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố khác như tỷ lệ đực cái, thức ăn và nhiệt độ nước [274]. Đối với các loài cá có chu kỳ rụng trứng ngắn, trong buồng trứng luôn tồn tại nhiều noãn bào ở các giai đoạn phát triển khác nhau nên sự
hiện diện của nhiều loại hormon steroid để kiểm soát sự phát triển của các noãn bào là dễ nhận thấy [203]. T trong huyết tương biến động theo mùa và giữa các nghiệm thức cho thấy độ mặn có ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp và tiết T ở cá Chẽm Mõm Nhọn. Đối với loài cá rộng muối, việc thích nghi với độ mặn là một quá trình phức tạp bao gồm hàng loạt các phản ứng sinh lý khi môi trường thay đổi và hoạt
động điều hòa áp suất thẩm thấu [139; 243]. Vì vậy, các nghiên cứu về cơ chế quá trình tiết hormon liên quan đến độ mặn là cần thiết. T và E2 đạt giá trị cao trong mùa sinh sản (tháng 4-9) có thể gợi ý mối quan hệ giữa E2 và T trong việc kích thích quá trình tổng hợp Vtg trên cá Chẽm Mõm Nhọn.
Vai trò của T trong giai đoạn chín và rụng trứng ở cá chưa được biết đến nhiều. Mặc dù vậy, T đạt giá trị cao trong thời kỳđẻ trứng của cá Chẽm Mõm Nhọn có thể cho nhận định rằng T đóng vai trò trong việc duy trì hay bảo vệ các noãn bào khi quá trình tích lũy noãn hoàng kết thúc và trước khi trứng chín [113]. T ở cả 3 nghiệm thức không thể hiện rõ giá trị cực đại trong mùa sinh sản như E2. Điều này có thể do T có nhiều chức năng sinh lý trong cơ thể cá cái và T là tiền chất của các estrogen hoặc là các hormon steroid khác trong thời kỳ tích luỹ chất noãn hoàng. T giảm ở tháng 10-12 cho thấy chức năng của T là tiền chất của E2 trong mùa sinh sản càng rõ rệt.
Mặc dù 11-KT đo được ở nồng độ thấp, nhưng 11-KT thể hiện sự biến động và sai khác có ý nghĩa thống kê giữa các tháng thu mẫu. Sự gia tăng hàm lượng 11- KT trong huyết tương trước mùa sinh sản chính chứng tỏ vai trò của 11-KT trong việc kích thích sự phát triển của các noãn bào trong thời kỳ sinh trưởng chất và biến
đổi nhân [118; 119]. Hàm lượng 11-KT không khác nhau trong thời gian tháng 3-7 giữa các nghiệm thức cho thấy độ mặn không ảnh hưởng đến quá trình tiết 11-KT ở
cá giai đoạn này. Hay nói cách khác vai trò của 11-KT ở cá cái trong mùa sinh sản là không rõ ràng hay khả năng thích nghi cao trong phạm vi độ mặn 10-30 ‰.
Trong mùa đẻ trứng, E2 trong huyết tương biến động theo thời gian và giữa các nghiệm thức vềđộ mặn. Tuy nhiên sự biến động này không thể hiện mối quan hệ với các giai đoạn phát triển buồng trứng, đặc biệt là thời kỳ tích lũy chất noãn hoàng trong thời gian thí nghiệm tháng 3-12. Hàm lượng E2 giảm thấp trong một vài thời điểm trong thời gian đẻ trứng (tháng 3-4) và cuối tháng 8-9 có lẽ liên quan
đến thời điểm thu mẫu khi các noãn bào vừa kết thúc quá trình tích lũy noãn hoàng [35; 157; 171]. E2 tăng nhanh trong giai đoạn tháng 4-6 và đạt cực đại tại tháng 6 ở
cả 3 nghiệm thức cho thấy đây là giai đoạn tích lũy noãn hoàng tích cực và độ mặn trở nên không ảnh hưởng đến quá trình tích lũy noãn hoàng ở cá Chẽm Mõm Nhọn. Trong một nghiên cứu trên cá Chình (Anguilla anguilla) Petersen và Korsgaard (1989) [194] thông báo rằng E2 ngoại sinh có khả năng kích thích quá trình tổng hợp chất noãn hoàng khi cá được nuôi trong môi trường nước ngọt hoặc nước mặn.
Tamaru và cộng sự (1994) [248] chứng minh trong môi trường độ mặn 0-35 ‰, cá
Đối (Mugil cephalus)bắt đầu tích lũy noãn hoàng. Tuy nhiên ở môi trường có độ
mặn thấp hơn, đặc biệt là nước ngọt, tỷ lệ noãn bào thành thục thấp hơn và tỷ lệ cá cái hoàn tất giai đoạn tích lũy noãn hoàng thấp hơn nhiều so với môi trường có độ
mặn cao hơn. Ngược lại, Zanuy và Carrillo (1984) [282] thông báo rằng sự thay đổi
đường kính trứng và thời gian tái thành thục là tương đương nhau ở cá Vược (Dicentrarchus labrax)nuôi ở 3,5 hoặc 37,8 ‰. Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy độ mặn không ảnh hưởng mang tính quy luật lên hàm lượng hormon steroid hay sự phát triển buồng trứng. Vì vậy có thể nói sự bắt đầu và duy trì quá trình tích lũy noãn hoàng ở cá Chẽm Mõm Nhọn thể hiện sự phụ thuộc nhiều hơn vào mùa vụ
và chu kỳ sinh sản của nó hơn là độ mặn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng E2 có mối quan hệ với GSI trong giai đoạn tháng 5-7 và tháng 10-12. Một vài nghiên cứu trước đây cũng thông báo rằng E2 và GSI có mối quan hệ trong thời kỳ tích lũy noãn hoàng ở nhiều loài cá [64; 70; 102; 228]. Điều này cho thấy vai trò của E2 trong việc kích thích tế bào gan tổng hợp chất noãn hoàng và kết nạp chúng vào noãn bào ở cá Chẽm Mõm Nhọn. Hàm lượng E2 giảm mạnh sau tháng 9 ở cả 3 nghiệm thức độ mặn chỉ ra rằng đây là thời kỳ chuẩn bị kết thúc sự tích lũy noãn hoàng. Kết quả nghiên cứu cũng khẳng
định vai trò của E2 trong việc điều khiển hoạt động tích lũy noãn hoàng trên cá Chẽm Mõm Nhọn.
P đạt cực đại vào tháng 5 ở cả 3 nghiệm thức, sau đó giảm cho đến tháng 9 và thể hiện sự không sai khác giữa các nghiệm thức. Ngoài ra, quan sát cũng thấy rằng ở nghiệm thức 10 ‰, P tăng vào tháng 11, cao hơn so với các nghiệm thức còn lại, một lần nữa chứng tỏ khả năng thích nghi với độ mặn ở cá Chẽm Mõm Nhọn trong môi trường 10 ‰. Mặc dù vai trò của P trong việc hỗ trợ chức năng sinh sản ở
cá chưa được hiểu biết đầy đủ, nhưng hàm lượng P đạt giá trị cao trong một vài thời
điểm trong chu kỳ sinh sản gợi ý vai trò của P trong việc kiểm soát sự thành thục ở
cá [37]. Kết quả thu được cho thấy hormon steroid sinh dục trong huyết tương cá Chẽm Mõm Nhọn thay đổi trong chu kỳ sinh sản với phạm vi độ mặn 10-30 ‰.
Hàm lượng hormon steroid cũng biểu hiện khác nhau giữa các độ mặn trong một vài thời điểm nhưng sự khác nhau này rõ ràng không ảnh hưởng lên sự thành thục khi được nuôi ở các độ mặn khác nhau. Điều này gợi ý rằng cá Chẽm Mõm Nhọn cái có khả năng tổng hợp và tiết hormon steroid sinh dục như nhau trong phạm vi độ mặn 10-30 ‰.