Điều khiển quá trình phát triển buồng trứng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự biến động hàm lượng hormon steroid sinh dục và sinh sản trong huyết tương cá chẽm mõm nhọn (psammoperca waigiensis cuvier, 1828) ở điều kiện nuôi vỗ (Trang 32)

Ở cá cái, E2 điều khiển sự phát triển của noãn bào, đặc biệt là giai đoạn tích lũy Vtg dưới ảnh hưởng của KDT tuyến yên (FSH). Trong buồng trứng, E2 được tổng hợp theo mô hình 2 kiểu tế bào (Hình 1.6). Trong quá trình tích lũy noãn hoàng, lớp tế bào vỏ tổng hợp T từ cholesterol, sau đó chuyển T vào lớp tế bào hạt,

ở đó dưới tác dụng của enzym aromatase, T được chuyển thành E2. Trong thời kỳ

tích lũy noãn hoàng, E2 thực hiện hai chức năng chính, một là điều khiển sự phát triển của noãn bào và hai là kích thích tế bào gan tổng hợp Vtg.

Khi quá trình tích lũy noãn hoàng kết thúc, tuyến yên bắt đầu tăng tiết LH, kích thích sự chuyển dịch hoạt động sinh tổng hợp hormon steroid trong buồng trứng bằng cách giảm sản xuất T và E2, đồng thời tăng cường sinh tổng hợp hormon steroid gây chín (MIS). Điều này được thực hiện thông qua sự giảm hoạt động của enzym aromatase và tăng hoạt động của enzym tạo MIS. Hai hormon steroid gây chín đã được xác định ở cá là 17,20βP hoặc DHP và 20βS. Cả hai 17,20βP và 20βS

đều có vai trò gây chín noãn bào như nhau ở nhiều loài cá. Tuy nhiên một trong hai chất trên có tính năng vượt trội hơn ở những loài cá khác nhau. 17,20βP là MIS chính ở một vài loài cá Hồi và một số loài không thuộc họ cá Hồi, trong khi đó, 20βS là MIS chính đối với các loài Micropogonias undulatus, Cynoscion nebulosus, Morone saxatilisAcanthopagrus schlegelii.

Hình 1.4: Mô hình hai kiểu tế bào tổng hợp hormon steroid điều khiển sự lớn lên và chín noãn bào [168].

Quá trình tổng hợp MIS cũng được thực hiện theo mô hình hai kiểu tế bào. Ở đó, enzym 17α hydroxyprogesterone được tổng hợp ở lớp tế bào vỏ và chuyển thành 17,20βP tại lớp tế bào hạt dưới tác dụng của enzym 20β-hydosysteroid dehydrogenase. Như vậy LH và MIS cùng điều khiển quá trình thành thục của buồng trứng. MIS không trực tiếp kích thích sự thành thục tuyến sinh dục mà thông qua sự tương tác của nhiều yếu tố khác nhau bao gồm các prostaglandin (PGE1, PGE2, PGF1α, PGF2α), IGF-I và IGF-II (insulin-like growth factor), activin B và các yếu tố khác [81]. Trong thời kỳ cá thành thục, MIS tăng lên, nhưng các hormon steroid khác cũng không giảm đi. Vì vậy ở nhiều loài cá, hàm lượng các estrogen trong máu vẫn duy trì ở mức cao trong giai đoạn thành thục. Ở các loài cá đẻ nhiều lần trong năm và một vài loài đẻ một lần trong năm, hàm lượng MIS trong huyết tương có quan hệ chặt chẽ với chu kỳ thành thục và hàm lượng E2 được duy trì trong toàn bộ thời kỳ thành thục.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự biến động hàm lượng hormon steroid sinh dục và sinh sản trong huyết tương cá chẽm mõm nhọn (psammoperca waigiensis cuvier, 1828) ở điều kiện nuôi vỗ (Trang 32)