Sự phát triển của tuyến sinh dục

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự biến động hàm lượng hormon steroid sinh dục và sinh sản trong huyết tương cá chẽm mõm nhọn (psammoperca waigiensis cuvier, 1828) ở điều kiện nuôi vỗ (Trang 70)

Phát triển của buồng trứng trong chu kỳ sinh sản

Cá Chẽm Mõm Nhọn là loài cá đẻ nhiều lần trong năm [15; 224], vì vậy quá trình phát triển của buồng trứng khá phức tạp và cho thấy có sự hiện diện cùng lúc noãn bào ở các giai đoạn khác nhau, đặc biệt trong mùa đẻ trứng. Trước mùa sinh sản (tháng 1-2), hầu hết buồng trứng đều chưa thành thục, kích thước nhỏ nằm sát vào xoang thân và có màu hồng nhạt. Dọc theo buồng trứng là mạch máu lớn với nhiều nhánh nhỏ. Ở giai đoạn này buồng trứng thường có nhiều mô mỡ bám xung quanh và được xác định là giai đoạn II (100 %). Trên tiêu bản tổ chức buồng trứng chỉ có các noãn bào đang trong thời kỳ sinh trưởng nguyên sinh chất và biến đổi nhân. Sang tháng 3, khoảng 20 % số buồng trứng đã chuyển sang giai đoạn III. Kích thước buồng trứng tăng nhanh và trở nên căng phồng. Các mạch máu phát triển dầy hơn, bao quanh buồng trứng. Bằng mắt thường có thể nhìn thấy rõ các noãn bào. Trên tiêu bản tổ chức học, các không bào bắt đầu xuất hiện trong noãn bào. Nang trứng dầy và rõ hơn. Noãn bào bước vào thời kỳ tích lũy chất noãn hoàng. Tuy nhiên trong tháng 3, đại đa số buồng trứng vẫn còn ở giai đoạn II (80 %) (Hình 3.1). Vào mùa sinh sản chính (tháng 4-9), buồng trứng phát triển rất nhanh, đạt đến kích thước tối đa và thành thục hoàn toàn. Một số cá cái có buồng trứng căng tròn, mềm, nếu vuốt nhẹ ở bụng, trứng có thể chảy ra ngoài. Trong buồng trứng tồn tại nhiều noãn bào đại diện cho các giai đoạn phát triển khác nhau, nhưng chủ yếu là các giai đoạn III, IV và V. Giai đoạn VI cũng tồn tại trong buồng trứng, nhưng chiếm tỷ lệ thấp vì sự tồn tại của giai đoạn này khá ngắn, ngay sau khi cá đẻ xong và sau đó quay về giai đoạn III.

Hình 3.1: Tần suất bắt gặp các giai đoạn phát triển tuyến sinh dục trong năm.

Các số A Rập phía trên đồ thịở các tháng thu mẫu cho biết số lượng mẫu (n) thu

được hàng tháng. Tuyến sinh dục giai đoạn I không bắt gặp trong thời gian thu mẫu trên đàn cá nghiên cứu.

Ở cuối mùa sinh sản (tháng 11-12), buồng trứng trở về giai đoạn II (100 %). Trên cơ sở quan sát quá trình phát triển buồng trứng, chúng tôi nhận định rằng, mùa vụ sinh sản của cá Chẽm Mõm Nhọn xảy ra trong giai đoạn tháng 3-10. Giai đoạn tháng từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau được hiểu như là thời kỳ tích lũy năng lượng chuẩn bị cho chu kỳ sinh sản tiếp theo.

Hình 3.2: Tổ chức buồng trứng cá Chẽm Mõm Nhọn giữa các tháng trong năm.

A: tháng 1-2; B: tháng 3; C: tháng 4; D: tháng 6; E: tháng 7; F: tháng 8; G: tháng 9; H: tháng 11 - 12. 1: tiền tích lũy noãn hoàng; 2: không bào hóa; 3: kết thúc tích lũy noãn; 4: túi mầm di chuyển ra ngoại biên ; 5: nang trứng tách khỏi tế bào trứng I; 6: Nang trứng đã rụng khỏi tế bào trứng.

Đặc điểm hình thái cũng như tổ chức học buồng trứng cá Chẽm Mõm Nhọn ở

từng giai đoạn phát triển đã được mô tả trong các công trình nghiên cứu trước đây [15; 224]. Trong nghiên cứu này, việc xác định các giai đoạn phát triển của buồng trứng cá Chẽm Mõm Nhọn dựa trên bậc thang của Sakun & Butskaia (1968) [18] và Bagenal and Tesch (1978) [36]. Ngoài ra, đểđảm bảo tính chính xác, các tiêu bản tổ

chức học buồng trứng được kiểm tra trên kính hiển vi. Nhìn chung, sự thay đổi về tỷ

lệ của các giai đoạn buồng trứng trong quá trình phát triển cho thấy cá Chẽm Mõm Nhọn là loài cá đẻ nhiều lần trong năm. Sự có mặt của tất cả các giai đoạn phát triển của noãn bào ở cá trong giai đoạn đẻ trứng cho thấy khả năng đẻ nhiều đợt trong mùa sinh sản. Kết quả nghiên cứu này trùng hợp với các nghiên cứu trước đây trên

đàn cá đánh bắt ngoài tự nhiên ở vùng biển Khánh Hòa [15] Việt Nam và vùng đảo Okinawa, Nhật Bản [224]. Ngoài ra, số liệu thu được cũng cho thấy các loài cá biển nhiệt đới có chu kỳ phát triển buồng trứng ngắn và liên tục trong mùa sinh sản [40; 143; 198]. Sự thay đổi về tổ chức học buồng trứng cá Chẽm Mõm Nhọn giữa các tháng trong chu kỳ sinh sản được thể hiện qua Hình 3.2.

Phát triển của tinh sào trong chu kỳ sinh sản

Ở cá đực, sự thành thục của tinh sào dường như xảy ra sớm hơn và kéo dài hơn so với cá cái (Hình 3.1). Quá trình tạo tinh thể hiện khá phức tạp và có nhiều sự chồng chéo của các giai đoạn. Trong cùng một ống sinh tinh, các tinh bào phát triển khá đồng bộ. Tuy nhiên, khi quan sát sự phát triển của tinh bào lại thể hiện sự không đồng bộ khá rõ giữa các ống sinh tinh (Hình 3.3). Điều đó khẳng định đây là loài cá có sự thành thục liên tục, hay nói cách khác là sinh sản nhiều lần trong năm. Vào đầu mùa sinh sản (tháng 1) toàn bộ tinh sào cá đực (100 %) được xác định là giai đoạn II. Tuy nhiên sang tháng 2, đã có khoảng 60 % tinh sào chuyển sang giai đoạn III (Hình 3.1). Ở giai đoạn này tinh sào tăng lên về thể tích. Trên tiêu bản tổ chức học đã đã xuất hiện các ống chứa tinh nhỏ, trong đó có các tinh bào cấp I, cấp II và một ít tinh tử. Khoảng 40 % tinh sào ở tháng 3 vẫn còn đang ở giai đoạn II, giai đoạn chưa thành thục.

Hình 3.3: Tổ chức tinh sào cá Chẽm Mõm Nhọn giữa các tháng trong năm. A: tháng 2; B: tháng 3; C: tháng 4; D: tháng 6; E: tháng 7; F: tháng 9; G: tháng 11 và H: tháng 12;1, 2 và 3: tinh bào cấp II; 4: tinh trùng; 5: ống dẫn; 6: mạng lưới mô liên kết.

Vào mùa sinh sản (tháng 3-11), hầu hết cá đực đã thành thục, tinh sào thu được bao gồm các giai đoạn III, IV, V và VI, trong đó giai đoạn IV và V chiếm tỷ lệ khá cao (Hình 3.1). Tinh sào đạt kích thước tối đa và có màu trắng sữa. Bụng cá tròn và mềm, nếu vuốt nhẹ hay uốn cong cá, sẹ trắng chảy ra ngoài. Đây là giai đoạn thể hiện tình trạng đang sinh sản của cá đực. Trên các tiêu bản tổ chức học luôn tồn tại nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của tinh bào trong các ống sinh tinh, bao gồm các tinh tử, tinh trùng và những tinh nguyên bào lớn là nguồn dự trữ cho lần sinh sản sau (Hình 3.3). Giai đoạn VI cũng tồn tại, nhưng chiếm tỷ lệ thấp vì trên thực tế sau khi cá đực tham gia sinh sản, tinh sào trở lại giai đoạn III. Đặc trưng của giai đoạn VI là tinh sào co lại có dạng như một giải mỏng và mềm nhão. Ở tháng 12, tinh sào quay lại giai đoạn II (100 %) giống như ở tháng 1. Đây là thời kỳ không sinh sản ở cá đực, bên trong các túi chứa tinh chỉ còn các mô liên kết và tinh bào giai đoạn II (Hình 3.3).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sự biến động hàm lượng hormon steroid sinh dục và sinh sản trong huyết tương cá chẽm mõm nhọn (psammoperca waigiensis cuvier, 1828) ở điều kiện nuôi vỗ (Trang 70)