Hiện trạng sản xuất giống tôm TCT ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Điều tra hiện trạng kỹ thuật và đánh giá hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (litopenaeus vannamei) thương phẩm tại tỉnh ninh thuận (Trang 25 - 26)

Cho đến nay nghề nuôi tôm TCT ở Việt Nam chủ yếu vẫn phải dựa vào nguồn giống hoặc tôm bố mẹ nhập khẩu từ Thái Lan, Hawaii, Singapore, làm tăng chi phí và thiếu chủ động trong sản xuất. Để phục vụ sản xuất giống và phát triển nuôi tôm TCT, trong những năm qua các đơn vị khoa học của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nghiên cứu một số công trình khoa học như: Quy trình nuôi vỗ tôm bố mẹ và cho sinh sản nhân tạo; Nghiên cứu sản xuất tôm chân trắng bố mẹ chất lượng và sạch bệnh có nguồn gốc nhập từ Hawaii phục vụ sản xuất giống nhân tạo; Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất giống tôm TCT sạch bệnh. Tuy nhiên, trong lĩnh vực di truyền chọn giống, tạo đàn tôm TCT bố mẹ có chất lượng cao và khả năng kháng bệnh trong điều kiện nuôi ở Việt Nam đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào được thực hiện. Tôm bố mẹ không chủ động, khó kiểm soát do nhập từ nhiều nguồn khác nhau đã trở thành thách thức chính đối với sự phát triển của nghề nuôi tôm TCT ở Việt Nam. [38]

Hiện nay giá tôm bố mẹ nhập khẩu vẫn khá cao, thủ tục xin phép nhập khẩu và hải quan còn khá phức tạp, các cơ sở sản xuất nhỏ không thể trực tiếp nhập mà chủ yếu mua tôm bố mẹ trôi nổi ngoài thị trường với giá rẻ. Chất lượng đàn tôm bố mẹ tại

các trại không có nguồn gốc xuất xứ thường kém do bị khai thác triệt để, số lần đẻ nhiều đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng con giống. [38]

Năm 2008, Tập đoàn chăn nuôi C.P. Thái Lan - CPF - đã tạo ra được thế hệ tôm chân trắng CPF - Turbo. Đây là dòng bố mẹ mới, có sức đề kháng tốt với virus Taura, đặc biệt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn giống tôm TCT thời kỳ trước đến 45 %. Ở Việt Nam, tôm giống bố mẹ CPF - Turbo đã được nhập từ Charoen Pokphand Foods (CPF) để sản xuất ở các trại giống C.P tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Nghệ An và Bến Tre từ tháng 8/2008. [64]

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu NTTS III, năm 2009 cả nước có 490 trại sản xuất giống tôm TCT, mỗi năm sản xuất được khoảng 10 tỷ con giống trong khi nhu cầu thực tế cần khoảng 20 - 25 tỷ con giống. Theo dự báo, đến năm 2012 nhu cầu con giống lên tới khoảng 50 tỷ con. Như vậy nguồn tôm giống chân trắng sản xuất tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng được rất ít (20 %) so với nhu cầu thực tế. [38]

* Tôm chân trắng bố mẹ của Việt Nam

Để tạo nguồn tôm bố mẹ chất lượng cao, phù hợp với điều kiện nuôi của Việt Nam, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp, giúp các cơ sở sản xuất giống trong nước hạ giá thành, nâng cao chất lượng tôm giống và cung cấp cho người nuôi kịp thời vụ, Viện nghiên cứu NTTS III đã sử dụng đàn tôm hậu bị nhập từ Viện Hải dương học Hawaii (Mỹ), nuôi vỗ đến thành thục sinh dục và cho sinh sản chéo giữa các cặp tôm bố mẹ. Sau khi tuyển chọn qua nhiều thế hệ, nhóm nghiên cứu đã tạo ra đàn tôm TCT bố mẹ mới gồm 6.000 cặp và đã cho 2.850 cặp sinh sản, thu được 1,831 tỷ ấu trùng (Nauplius). [63]

Kết quả nghiên cứu cho thấy đàn tôm bố mẹ mới có những đặc điểm nổi trội như tỷ lệ sinh sản tương đối ổn định, số lượng trứng trung bình mỗi lần sinh sản đạt 200.000 – 230.000 trứng/ tôm mẹ, cao hơn so với 170.000 – 190.000 trứng của tôm bố mẹ Hawaii gốc. So với các lô đối chứng, tỷ lệ nở và tỷ lệ thụ tinh của tôm F1-V3-VN cao hơn, thời gian từ lúc cắt mắt (kích thích sinh sản) đến khi tôm đẻ cũng ngắn hơn. Tỷ lệ sống của tôm qua thời gian nuôi thành thục đạt 93,3 %. Giá thành của tôm giống F1-V3-VN chỉ bằng 50 % so với tôm giống được sinh sản bằng nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu từ Thái Lan và bằng 30 % so với tôm bố mẹ nhập từ Hawaii. [63]

Một phần của tài liệu Điều tra hiện trạng kỹ thuật và đánh giá hiệu quả kinh tế của nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (litopenaeus vannamei) thương phẩm tại tỉnh ninh thuận (Trang 25 - 26)