Sự hình thành chủ nghĩa đế quốc nửa sau thế kỉ XIX

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của đế quốc nga 1861 1917 (Trang 26 - 29)

6. Bố cục khóa luận

1.2. Nhân tố khách quan tác động đến chính sách đối ngoại của đế quốc Nga

1.2.1. Sự hình thành chủ nghĩa đế quốc nửa sau thế kỉ XIX

Trong những năm cuối thế kỉ XIX với sự thành công của cuộc cách mạng công nghiệp, các nước tư bản Âu, Mĩ và Nhật Bản đã phát triển vô cùng mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, các nước tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn độc quyền hay chủ nghĩa đế quốc. Chủ nghĩa đế quốc chính là chính sách mở rộng quyền lực và tầm ảnh hưởng của một quốc gia thông qua hoạt động thuộc địa hóa bằng vũ lực hoặc các phương thức khác.

Trong nhiều lĩnh vực sản xuất, tự do cạnh tranh dần được thay thế bằng các “tổ chức độc quyền” (tổ chức lũng đoạn) xuất hiện, dưới nhiều hình thức khác nhau như: Cacten, Xanhdica, Torot. Sự xuất hiện của các tổ chức độc quyền một mặt đánh dấu bước phát triển lớn trong tổ chức và quản lí sản xuất, tạo nên một khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn và chất lượng cao; mặt khác, là sự phổ biến của hiện tượng các xí nghiệp sử dụng những phương pháp cạnh tranh quyết liệt để thu phục hoặc đánh bại đối thủ cạnh tranh yếu thế hơn, và sự bóc lột công nhân cũng dã man và tinh vi hơn. Các tổ chức độc quyền xuất hiện là đặc trưng quan trọng nhất, là tiêu chí số một để xác định chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang giai đoạn đế quốc.

Cùng với sự xuất hiện của các tổ chức độc quyền, hình thức đặc biệt của tư bản là “tư bản tài chính”. Nó phát triển trên cơ sở các tổ chức lũng đoạn. “Xuất khẩu tư bản” là đặc trưng quan trọng của thời kì lũng đoạn. Nếu như ở thời kì tự do cạnh tranh, các nhà tư bản chủ yếu xuất khẩu hàng hóa, thì ở giai đoạn lũng đoạn, họ chủ yếu chuyển vốn ra nước ngoài, kinh doanh dưới hình thức mở các xí nghiệp, xây dựng các công trình giao thông hay đem cho vay nặng lãi để thu lời lớn.

Trong quá trình xuất khẩu tư bản, các nước tư bản “già” (Anh, Pháp) thường thu được nhiều lợi nhuận hơn các nước tư bản “trẻ” (Đức, Mĩ, Nhật) vì có nhiều thuộc địa hơn, vì thế thuộc địa trở thành vấn đề căng thẳng và mâu thuẫn sâu sắc giữa các đế quốc. Để tạm thời hòa hoãn mâu thuẫn, các liên minh

độc quyền thương lượng với nhau lập nên “các tổ chức lũng đoạn quốc tế”, nhằm mục đích phân chia lại thị trường tiêu thụ hàng hóa và đầu tư tư bản. Thời kì này, “xâm lược thuộc địa” cũng được các cường quốc tư bản đẩy mạnh hơn, nhắm đến những vùng đất “vô chủ”.

Sau khi phân tích một cách khoa học giai đoạn phát triển mới của chủ nghĩa tư bản, nêu lên bản chất và địa vị lịch sử của nó, V.I. Lênin đã khái quát một cách ngắn gọn 5 đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa đế quốc:

- Sự tập trung sản xuất và tư bản đạt tới mức độ phát triển cao, tạo thành những tổ chức lũng đoạn có một vai trò quyết định trong sinh hoạt kinh tế. - Tư bản ngân hàng kết hợp với tư bản công nghiệp thành tư bản tài chính. - Việc xuất khẩu tư bản thành đặc biệt quan trọng.

- Sự hình thành những khối liên minh tư bản độc quyền chia nhau thế giới.

- Các cường quốc tư bản lớn nhất đã chia nhau xong đất đai trên thế giới [1;133].

Các nước đế quốc cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX đều có 5 đặc trưng trên. Mỗi nước đã chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc với những đặc trưng riêng biệt. Ở Mĩ là sự hình thành các “torot khổng lồ” với những tập đoàn tư bản tài chính giàu sụ; ở Anh là “đế quốc thực dân” với hệ thống thuộc địa rộng lớn và đông dân; ở Pháp là “đế quốc cho vay lãi” với những món tiền cho vay xuất khẩu sang các nước khác; ở Đức là “đế quốc tư sản – Iuncơ” với sự cấu kết về quyền lợi giữa hai giai cấp tư sản và quý tộc; và ở Nhật Bản là “đế quốc phong kiến – quân sự”.

Có thể thấy, đến cuối thế kỉ XIX các nước tư bản trên thế giới có sự chuyển nhất định. Một số nước đi vào con đường tư bản muộn nhưng phát huy được những lợi thế riêng, đặc biệt là việc áp dụng được những thành tựu khoa học kĩ thuật đã có tốc độ tăng trưởng nhảy vọt, vượt qua các nước tư bản cũ. Mâu thuẫn lợi ích chính trị - kinh tế giữa các nước đế quốc liên tục nổ ra. Việc liên minh giữa các nước đế quốc đưa tới sự hình thành các khối quân sự và

chính trị ở châu Âu: Liên minh Ba Hoàng đế Đức – Áo – Nga năm 1873; Liên minh Đức – Áo Hung – Ý năm 1882.

Trong những năm 30 cuối thế kỉ XIX, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản tiến lên chủ nghĩa đế quốc thúc giục các cường quốc tư bản đẩy mạnh chính sách xâm lược thuộc địa, nhằm mở rộng hơn thị trường tiêu thụ hàng cho chính quốc, độc chiếm những nguồn cung cấp nguyên liệu và các khu vực đầu tư béo bở nhất. Cuộc đấu tranh để phân chia lại thế giới nổ ra, đối tượng chính của các cuộc bành trướng là các nước chậm tiến ở châu Âu, châu Á, châu Phi và khu vực châu Mĩ Latinh.

Cuộc chiến tranh giành giật châu Á của các cường quốc tư bản diễn ra rất ác liệt. Trong thập kỉ 80 của thế kỉ XIX, Anh đã hoàn thành việc chinh phục Mã Lai, Miến Điện. Pháp chiếm được Việt Nam và tìm cách tiến sang Lào. Trung Quốc – một quốc gia rộng lớn, đông dân và giàu có là nơi cạnh tranh gay gắt của các cường quốc tư bản: Anh, Pháp, Đức, Nhật. Ở châu Phi, tuy tiến hành xâm chiếm thuộc địa muộn, song Đức cũng chinh phục được một số thuộc địa ở Tây Phi và Nam Phi. Bồ Đào Nha chiếm được Angola và Modambich, còn Bỉ kiểm soát lưu vực sông Congo. Vào những năm cuối thế kỉ XIX, phần lớn mặt địa cầu đã bị các cường quốc tư bản phân chia xong, chỉ còn một số vùng đất chưa bị các nước đế quốc cướp đoạt: Maroc, Etiopia, Ba Tư và một số nước Mĩ Latinh. Tuy nhiên các nước này vẫn bị lệ thuộc vào nước ngoài.

Như vậy, khi chủ nghĩa tư bản phát triển và tiến lên chủ nghĩa đế quốc, mỗi nước đế quốc đều có những tham vọng và tính toán riêng của mình để tranh giành lợi thế và ảnh hưởng trên thế giới. Điều này tác động to lớn khiến quan hệ quốc tế giai đoạn này cực biến động và phức tạp. Những biến động giai đoạn này là thách thức to lớn đối với đế quốc Nga và đối với ngoại giao Nga nói riêng. Nó đặt ra yêu cầu cho đế quốc Nga phải xây dựng và triển khai những những kế hoạch ngoại giao đúng đắn. Các quyết sách ngoại giao của đế quốc Nga đã được thi hành với mục tiêu nâng cao vị thế của mình, giành giật được nhiều nguồn lợi để xây dựng và phát triển đất nước hùng mạnh.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của đế quốc nga 1861 1917 (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)