Mâu thuẫn căng thẳng trong quan hệ quốc tế đầu thế kỉ XX

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của đế quốc nga 1861 1917 (Trang 29 - 32)

6. Bố cục khóa luận

1.2. Nhân tố khách quan tác động đến chính sách đối ngoại của đế quốc Nga

1.2.2. Mâu thuẫn căng thẳng trong quan hệ quốc tế đầu thế kỉ XX

Sự phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản cuối thế thế kỉ XIX còn dẫn đến những mâu thuẫn, tranh chấp giữa các nước đế quốc giai đoạn đầu thế kỉ XX. Những nước đế quốc “già” như Anh, Pháp ngày càng suy yếu về kinh tế nhưng vẫn nắm trong tay nhiều thuộc địa. Cho đến năm 1900, diện tích đất đai thuộc Anh lên tới 33 triệu km2 với số dân là 370 triệu người, gấp 7 lần thuộc địa của Pháp và gấp 10 lần thuộc địa của Nga [15;74].

Các đế quốc “trẻ” như Đức, Mĩ, Nhật không có nhiều thị trường thuộc địa, muốn chiếm nhiều vùng đất mới nhưng thế giới lúc này gần như đã được phân chia hết, không còn chỗ trống. Vấn đề bành trướng thuộc địa lúc này bên cạnh việc xâm chiếm các vùng đất “vô chủ”, còn là sự tranh chấp để giành giật thuộc địa của nhau giữa các cường quốc.

Đó là nguyên nhân chính đưa đến những cuộc chiến tranh giành thuộc địa giữa các đế quốc.Chiến tranh Mĩ – Tây Ban Nha nổ ra 1898, là cuộc chiến tranh đế quốc đầu tiên nhằm phân chia lại thế giới. Duyên cớ trực tiếp để Mĩ gây chiến là vụ nổ chiếc tàu chiến Maino, neo đậu tại La Habana (Cuba). Để che đậy mưu đồ xâm lược của mình, Mĩ lên tiếng ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân các nước Cuba, Philippin đang đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha. Nhưng sau khi chiến thắng Mĩ đã biến Cuba và Philippin thành những đầu cầu để bành trướng sang khu vực Mĩ Latinh và miền Tây Thái Bình Dương, trước tiên là Trung Quốc.

Chiến tranh Anh – Boer (1889 – 1902) là động thái bành trướng tiếp theo của đế quốc Anh trong giai đoạn này. Hai xứ Orangio và Toranxvan, là hai sứ sở nhỏ bé của người Boer nhưng lại rất quan trọng vì có nhiều mỏ vàng và kim cương. Sau nhiều thất bại trong âm mưu khuất phục người Boer, tháng 10-1899 Anh đánh chiếm vùng đất này. Phải mất tới 31 tháng và chịu nhiều tổn thất, Anh mới đánh bại được cuộc kháng chiến kiên cường của nhân dân Orangio và Toranxvan. Từ đây, thuộc địa của Anh nối liền một dải đất rộng lớn từ Keptao đến Cairo, càng gây thêm mâu thuẫn với các đế quốc khác như Pháp, Đức.

Ở châu Á và đặc biệt là Đông Bắc Á, sự tranh chấp giữa các nước đế quốc cũng được thể hiện rõ nét, trong đó Nhật Bản và Nga là hai cường quốc có chung mục tiêu xâm chiếm khu vực này. Triều Tiên và Mãn Châu ở Đông Bắc Á từ lâu đã được Nhật Bản hướng đến vì vị trí chiến lược về chính trị và nguồn lợi kinh tế khổng lồ. Triều Tiên sở hữu những cảng biển thương mại quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để làm chủ Thái Bình Dương của Nhật như Pusan, Masampo. Nguồn tài nguyên dồi dào như gỗ, quặng kim loại… đều là những nguyên liệu cần thiết cho các ngành công nghiệp của đế quốc Nhật - một đế quốc trẻ đang lên. Để hiện thực hóa những tham vọng của mình, đế quốc Nhật đã từng bước xâm nhập vào Triều Tiên và Mãn Châu. Tham vọng của Nhật Bản đã động chậm đến lợi ích mà đế quốc Nga cũng đang khao khát ở Đông Bắc Á. Do vậy, tranh chấp giữa đế quốc Nga và Nhật Bản gia tăng và mẫu thuẫn giữa hai nước đế quốc ngày càng găy gắt, có tác động lớn đến sự phát triển của khu vực Đông Bác Á giai đoạn này.

Những cuộc khủng hoảng đầu thế kỉ XX càng góp phần khiến mâu thuẫn giữa các nước đế quốc trầm trọng hơn. Trước hết là khủng hoảng Maroc lần thứ nhất (1905-1906). Về phía Đức, do thất bại trong việc phá vỡ liên minh Nga – Pháp cũng như việc ngăn cản quá trình hình thành liên minh Pháp – Anh nên đã công khai đòi chia lại quyền lợi ở Maroc. Giới tư bản công nghiệp Đức rất thèm khát vùng đất giàu có tài nguyên và khoáng sản này nên đã xúi giục chính phủ Đức gây ra cuộc khủng hoảng ở Maroc lần thứ nhất. Hội nghị quốc tế và vấn đề Maroc được tổ chức từ tháng 1 đến tháng 4-1906 với sự tham gia của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Áo và Đức. Hội nghị đã thông qua nghị quyết hoàn toàn bất lợi cho Đức.

Khủng hoảng Maroc lần thứ hai (1911) tiếp tục nổ ra. Pháp lấy cớ lập lại trật tự và bảo vệ kiều dân, cho quân đội vào chiếm đóng Phet. Nhân cơ hội đó, Đức phái chiến hạm “Con báo” với sự hỗ trợ của tuần dương hạm Berlin tới cảng Agadia với lí do bảo vệ kiều dân Đức để đòi Pháp phân chia một phần đất đai Maroc. Quan hệ Đức – Pháp trở nên căng thẳng, sẵn sàng xung đột với nhau.

Nước Ý coi cuộc khủng hoảng ở Maroc lần thứ hai là thời cơ thuận lợi nhất để thực thi hiệp ước đã kí với Pháp trước đây, trong đó Ý thừa nhận để Pháp chiếm Maroc còn Pháp để cho Ý được tự do hành động ở Sirenaica và Tripolitani, lúc bấy giờ đang là thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 28-9-1911, cuộc chiến tranh giữa Ý với Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ đánh dấu cho cuộc khủng hoảng tiếp theo trong giai đoạn này.

Chiến tranh Ý – Thổ đã làm cho lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ bị suy yếu nghiêm trọng, tạo điều kiện cho các quốc gia ở khu vực Balkan xích lại gần nhau. Hai nước lớn trong khu vực là Serbia và Bungari gạt bỏ mối thâm thù trước đây để hợp lực cùng nhau tiến hành chiến tranh chống Thổ. Tháng 10- 1912 chiến tranh bùng nổ và kết thúc bằng sự thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ. Lợi dụng các nước Balkan tranh giành nhau phần hơn trong việc phân chia quyền lợi sau chiến tranh, các nước Đức và Áo – Hung tìm cách chia rẽ liên minh Balkan. Mâu thuẫn nội bộ trong các nước Balkan nảy sinh dẫn đến cuộc chiến tranh Balkan lần hai. Kết quả, Bungari thất bại, buộc phải kí hiệp định đình chiến 10- 8-1913. Sự thất bại của Bungari đã làm cho hai khối Đức – Áo – Hung và Nga – Anh – Pháp không hài lòng. Cuộc khủng hoảng Balkan (1912-1913) là bước cuối đưa xung đột giữa hai khối lên đỉnh điểm.

Như vậy, vào những năm đầu thế kỉ XX, vấn đề dùng vũ lực để phân chia lại mặt trận địa cầu đã trở thành tâm điểm trong chính sách ngoại giao của các cường quốc tư bản. Sự tranh giành thị trường và thuộc địa giữa các nước đế quốc tất yếu đưa đến việc gây chiến với nhau để chia lại đất đai trên thế giới. Đế quốc Đức hung hăng nhất vì Đức có tiềm lực kinh tế và quân sự nhưng lại có ít thuộc địa. Từ đó, ở châu Âu hình thành hai tập đoàn đế quốc tư bản chủ nghĩa gây chiến chống đối nhau, ôm mộng xâm lược và điên cuồng chạy đua vũ trang. Mâu thuẫn căng thẳng trong quan hệ quốc tế giai đoạn này có ảnh hưởng to lớn đến đế quốc Nga. Đứng trong hàng ngũ của các nước đế quốc, Nga đã bộc lộ những tham vọng về thị trường thuộc địa và mở rộng tầm ảnh hưởng trên phạm vi quốc tế. Một đế quốc Nga hùng mạnh với lãnh thổ và lợi ích gắn liền

với hai lục địa Á-Âu, sẽ không thể đứng ngoài cuộc nhìn những nguồn lợi khổng lồ về kinh tế và chính trị bị các đối thủ cướp lấy. Các cuộc chiến tranh giữa các nước đế quốc liên tiếp nổ ra càng thúc dục Nga tiếp tục tiến chen chân vào công cuộc tranh giành thị trưởng thuộc địa đầu thế kỉ XX vốn đã quá chật chội.

Những mâu thuẫn căng thẳng trong quan hệ quốc tế đầu thế kỉ XX đã đẩy đế quốc Nga lún sâu vào vòng xoáy của những tham vọng giành giật thuộc địa, thị trường của hệ thống đế quốc chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc lúc này không thể giải quyết theo xu hướng hòa bình, một cuộc chiến tranh là điều tất yếu sẽ xảy đến. Các cuộc khủng hoảng và chiến tranh cục bộ, đặc biệt là hai cuộc chiến tranh Balkan là những tiếng súng báo hiệu một cuộc chiến sắp nổ ra. Đế quốc Nga và các cường quốc tư bản khác đã quyết định tham chiến trong thế chiến thứ nhất - một cuộc chiến tranh phi nghĩa và tổn thất bậc nhất trong lịch sử loài người.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của đế quốc nga 1861 1917 (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)