6. Bố cục khóa luận
3.1. Đặc điểm chính sách đối ngoại của đế quốc Nga 1861-1917
3.1.1. Đối ngoại của đế quốc Nga mang tính chất “ngoại giao pháo hạm”
“Ngoại giao pháo hạm” (gunboat diplomacy) là việc dùng sức mạnh quân sự với mục đích đe dọa chiến tranh và thông qua đó đạt được các mục tiêu của chính sách đối ngoại, như buộc quốc gia bị đe dọa phải nhượng bộ quyền lợi trong các vấn đề lãnh thổ hay thương mại. Mục đích của “ngoại giao pháo hạm” còn là việc đi xâm chiếm của một nước đế quốc với một nước phong kiến, hoặc tranh giành thuộc địa giữa các nước đế quốc với nhau.
“Ngoại giao pháo hạm” xuất hiện trong thời kỳ diễn ra các cuộc xâm chiếm thuộc địa trên thế giới của các cường quốc châu Âu (khoảng nửa sau thế kỷ XIX). Trong thời kỳ này, các cường quốc châu Âu thường cho tàu chiến neo đậu ngoài khơi các quốc gia mà họ muốn đe dọa và gây áp lực trong quá trình đàm phán các hiệp ước bất bình đẳng. Đôi khi để tăng tính đe dọa, các tàu chiến này còn được biểu dương lực lượng bằng cách nã đại bác trên biển.
Đối ngoại của đế quốc Nga giai đoạn 1861-1917 đã thể hiện rõ tính chất “ngoại giao pháo hạm”. Dưới triều đại của Sa hoàng Alexander II, bằng sách lược ngoại giao này Nga đã có những bước tiến trong tham vọng bành trướng phương Đông. Các triều đại trước đó đã luôn mong muốn xây dựng đế quốc Nga trở thành một cường quốc hải quân ở Thái Bình Dương. Nga đã thực hiện điều này bằng cách thiết lập các tiền đồn hải quân gần lưu vực sông Amur, khuyến khích dân Nga đến định cư, và dần triển khai hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực. Trung Quốc chưa bao giờ thực sự cai trị khu vực này, do đó việc người Nga tiến vào khu vực đã không được phía Trung Quốc chú ý.
Từ 1850 đến 1864, nhân lúc triều đình Trung Quốc phải chống chọi với quân Thái Bình Thiên Quốc, Toàn quyền Viễn Đông Nikolay Muraviev đã cắm hàng chục doanh trại với nhiều binh lính trên biên giới với Mông Cổ và Mãn Châu. Đó là sự chuẩn bị để thực hiện việc kiểm soát hợp pháp của Nga đối
với Amur từ khu định cư trong quá khứ. Muraviev nắm lấy cơ hội khi nó xuất hiện rõ ràng rằng phía Trung Quốc đã thua trong cuộc chiến tranh Nha phiến thứ hai, và đe dọa chiến tranh với Trung Quốc trên một mặt trận thứ hai. Nhà Thanh đã chấp nhận đàm phán với Nga. Trong lúc cuộc đàm phán diễn ra căng thẳng, phi đội Thái Bình Dương gồm mười tàu tuần dương hơi nước của Đô đốc Likhachev đã xuất hiện [38]. Lực lượng hải quân Nga liên tục bắn đạn súng thần công thị uy và đe dọa trục xuất người dân địa phương. Việc thể hiện sức mạnh hải quân đã đem lại kết quả Trung Quốc phải ký hiệp ước Aigun với Nga. Với Hiệp ước Aigun, Nga chiếm được tả ngạn sông Amur [7;38].
“Ngoại giao pháo hạm” cũng là chính sách cơ bản của đế quốc Nga trong những giai đoạn tiếp theo. Việc sử dụng vũ lực trong các vấn đề ngoại giao, tranh chấp là phương thức cơ bản được Nga thực hiện. Sau khi xóa bỏ được các điều khoản của hiệp ước Paris 1856, đế quốc Nga tiến hành chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ (1877-1878). Chiến tranh là cách Nga lựa chọn để lấy lại phần lãnh thổ đã mất sau chiến tranh Krym, cũng như nhằm mục đích khôi phục ảnh hưởng của Nga ở Biển Đen. Bằng thắng lợi chiến tranh, Nga đã đạt được mục đích của mình, ít nhất là đến khi bị các nước đế quốc phương Tây can thiệp. Chiến tranh xâm lược Trung Á cũng là một minh chứng rất rõ cho những nỗ lực của Nga theo con đường “ngoại giao pháo hạm”. Thành quả thu được sau chiến tranh Trung Á càng khiến đế quốc Nga theo đuổi sách lược ngoại giao này.
Ngoài Cận Đông và Trung Á, khu vực Đông Bắc Á và đặc biệt là bán đảo Triều Tiên, khu vực Mãn Châu là mục tiêu hướng tới hàng đầu trong chính sách mở rộng lãnh thổ của đế quốc Nga. Trong khi đó, các nước đế quốc khác và đặc biệt là Nhật Bản cũng có tham vọng lớn lao với những vùng đất này. Do vậy, việc sử dụng ngoại giao quân sự càng cần thiết hơn.
Ngoại giao pháo hạm tiếp tục được thể hiện bằng sự kiện “Tam cường can thiệp” – sự kiện trực tiếp dẫn tới mâu thuẫn giữa Nga – Nhật ở Đông Bắc Á. Theo đó, thắng lợi của Nhật Bản trước Trung Quốc trong cuộc chiến tranh 1894 – 1895, đã giúp nước này sở hữu bán đảo Liêu Đông ở Nam Mãn Châu theo
điều khoản của hòa ước Simonoseki. Chỉ hai tuần sau khi Hiệp ước Simonoseki được kí kết, Nga – Pháp – Đức đã lịch sự gửi đến chính quyền Minh Trị một thông điệp nhưng mang đầy tính mệnh lệnh, khuyên Nhật Bản từ bỏ Liêu Đông. Đồng thời với việc gửi thông điệp đó, ba đế quốc cũng cho hải quân của mình tập trung ở khu vực phía Đông của Nhật Bản. Nga thậm chí còn chuẩn bị lệnh động viên gấp để tăng cường các đơn vị tập trung tại khu vực Lữ Thuận. Đế quốc Anh mặc dù không trực tiếp tham gia nhưng công sứ Anh ở Nhật Bản trước hành động của tam cường cũng đã gửi đến Thiên hoàng một lời khuyên chân thành về việc nên mau chóng chấp nhận những đề nghị được đưa ra. Điều này khiến Nhật phải chấp nhận những yêu cầu của phía Nga – Pháp – Đức.
Dù không tiến hành chiến tranh nhưng bằng sách lược “ngoại giao pháo hạm”, Nga đã buộc Nhật Bản phải từ bỏ các quyền lợi của Nhật có ảnh hưởng tiêu cực đến đế quốc Nga. Một mặt, Nga cho thấy rằng mình không hề có ý định chiến tranh nhưng một mặt lại liên tục gửi tàu chiến đến Viễn Đông, uy hiếp đối thủ. Hải quân Nga đã có một thời gian dài củng cố, phát triển từ sau chiến tranh Krym. Đó chính là cơ sở để Nga thực hiện các chiến lược đối ngoại của mình trong các cuộc tranh chấp thuộc địa ở phương Đông nói riêng.
Sau sự kiện “Tam cường can thiệp”, những thành quả mà người dân Nhật Bản phải đánh đổi bằng mồ hôi và xương máu đã bị tước đoạt. Mâu thuẫn Nga – Nhật ngày càng sâu sắc. Nhật Bản có cơ sở để đối đầu với Nga trong một cuộc chiến tranh đế quốc, lực lượng quân đội và đặc biệt là hải quân đã được tăng cường, sẵn sàng cho một cuộc đối đầu ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên Chính phủ Nhật đã nỗ lực thực hiện những giải pháp hòa bình cho những tranh chấp ở Triều Tiên và Mãn Châu. Nhưng đế quốc Nga đã thể hiện thái độ thiếu thiện cảm. Cả Nga và Nhật Bản đã sử dụng chính sách “ngoại giao pháo hạm” như một giải pháp tất yếu khi không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết tranh chấp ở Đông Bắc Á. Chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905) đã trở thành một trong những sự kiện tiêu biểu nhất cho chính sách “ngoại giao pháo hạm” của chính quyền Nga hoàng.
Sau khi cuộc đàm phám bị phá vỡ vào năm 1904, hải quân Nhật Bản đã mở chiến sự bằng sự kiện tấn công hạm đội Đông Nga tại cảng Lữ Thuận. Ban đầu Nga vẫn tin tưởng vào sức mạnh hải quân của mình, và cho rằng một nước đế quốc mới nổi ở châu Á như Nhật Bản khó có thể đe dọa được đế quốc Nga hùng mạnh lúc này. Khi Nga liên tiếp thất bại trước Nhật Bản, thì Sa hoàng Nicholas II vẫn bị thuyết phục rằng Nga sẽ chiến thắng. Nga hoàng vẫn tiếp tục tham chiến để giữ gìn phẩm giá của đế quốc Nga, từ chối ý tưởng đưa tranh chấp ra Tòa án Trọng tài The Hague để giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Đế quốc Nga đã chọn chiến tranh, chọn “ngoại giao pháo hạm” để giải quyết tranh chấp với Nhật Bản. Qua đó có thể thấy rằng, khi giải quyết các vấn đề ngoại giao thì chính sách “ngoại giao pháo hạm” luôn là sự lựa chọn hàng đầu của chính quyền Sa hoàng. Sau thất bại trong cuộc chiến với Nhật, đế quốc Nga đã phải trả giá đắt cho những bước đi sai lầm mà “ngoại giao pháo hạm” gây nên.
Một minh chứng tiếp theo cho tính chất “ngoại giao pháo hạm” của đế quốc Nga, là quyết định tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ nhất của chính quyền Sa hoàng. Nếu như chiến tranh với Nhật là cuộc tranh giành thuộc địa giữa hai nước đế quốc với nhau, thì thế chiến thứ nhất Nga hoàng đã tham chiến trong khối Hiệp ước (Anh – Pháp – Nga) để đối đầu với phe Liên minh (Đức – Áo Hung – Ý). Những mâu thuẫn căng thẳng trong tranh việc chấp quyền lợi giữa hai phe không thể giải quyết bằng biện pháp hòa bình, giống như chiến tranh Nga – Nhật mâu thuẫn giữa các khối này chỉ có thể giải quyết bằng chiến tranh. Hai phe Liên minh và Hiệp ước cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đụng độ, và ngay khi ngòi nổ chiến tranh được châm ngòi ở Serbia, thế chiến thứ nhất đã bùng nổ.
Chính sách “ngoại giao pháo hạm” trong thế chiến thứ nhất đã thể hiện tính chất và đặc điểm về ngoại giao của các nước tham chiến nói chung và đế quốc Nga nói riêng. Sự hiếu chiến của đế quốc Nga và các nước đế quốc còn lại đã gây nên một trong những cuộc chiến thảm khốc nhất lịch sử loài người. Để phục vụ cho những tham vọng của mình, các nước đế quốc đã đánh đổi bằng
xương máu của người dân mình và nhân dân trên toàn thế giới. Các nước đế quốc phải gánh phần trách nhiệm lớn lao với những tổn thất về kinh tế và nhân mạng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Như vậy, trong giai đoạn 1861-1917, đối ngoại của đế quốc Nga đã thể hiện tính chất “ngoại giao pháo hạm” một cách rõ nét. “Ngoại giao pháo hạm” đã giúp đế quốc Nga có được nhiều quyền lợi, nâng cao tầm ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế. Mặt khác, “ngoại giao pháo hạm” cũng để lại những hệ quả tiêu cực đối với sự phát triển của nước Nga. Chính sách “ngoại giao pháo hạm” đã khiến Nga mất đi quyền lợi ở Đông Bắc Á, kiệt quệ trong quá trình tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Những hệ quả đó khẳng định ảnh hưởng sâu sắc mà chính sách “ngoại giao pháo hạm” đã để lại, nó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của đế quốc Nga giai đoạn 1861-1917 và sau này.