6. Bố cục khóa luận
2.3. Chính sách bành trướng của đế quốc Nga ở phương Đông
2.3.1. Can thiệp vào Trun gÁ
Sau chiến tranh Nga – Thổ, đế quốc Nga mở rộng bành trướng với âm mưu xâm lược các vùng đất khác. Lúc này chủ nghĩa tư bản Nga đang phát triển mạnh mẽ, sự hạn hẹp của thị trường trong nước đã buộc chính phủ Nga hoàng, giai cấp địa chủ và tư sản phải tìm những thị trường tiêu thụ và tìm nguồn nguyên liệu mới.
Đế quốc Nga đã hướng sự quan tâm của mình vào khu vực Trung Á – vùng đất ở hướng đông nam từ biên giới lãnh thổ của Sa hoàng. Nó trải dài từ vùng núi phía Tây Tạng đến biển Caspi, từ biên giới Iran và Afghanistan đến Nam Urals và Siberia. Sự phát triển về kinh tế của các dân tộc Trung Á rất hạn chế. Chăn nuôi gia súc, nông nghiệp và sản xuất buôn bán sản phẩm thủ công là những ngành nghề chủ yếu, không có ngành công nghiệp nào đáng kể. Chế độ phụ hệ, nô lệ và sự áp bức chư hầu của các lãnh chúa phong kiến là điển hình về chính trị của các dân tộc Trung Á.
Tuy nhiên ở Trung Á, ba khu vực riêng biệt: Tiểu vương quốc Bukhara, Khiva khanates và Kokand, có sự phát triển mạnh về thương mại. Trong khi đó, về vị trí địa lý Trung Á cũng rất quan trọng, từ đây có thể kiểm soát khu vực Đông Âu và có biên giới tiếp giáp Trung Quốc – một nước giàu tài nguyên ở Đông Á. Vì vậy nên tranh chấp Trung Á của các cường quốc lớn cũng rất gay gắt, Anh đã lên kế hoạch xâm chiếm Trung Á. Triều đình Nga hoàng tỏ ra lo ngại trước những cố gắng về ngoại giao của Anh nhằm chiếm lấy các Hãn quốc
Kokand và Khiva thông qua vua Afghanistan. Lợi ích của hai cường quốc đã đụng độ, đế quốc Nga không còn cách nào khác ngoài việc ngăn chặn người Anh xâm nhập và giữ được ảnh hưởng của mình ở Trung Á.
Để làm được điều đó, đế quốc Nga trước hết tiến hành việc xâm nhập một cách hòa bình. Từ lâu Nga đã cho các chiến lược gia về quân sự thám hiểm Trung Á. Các cuộc thám hiểm của người Nga đến Trung Á đã được tiến hành để thiết lập các chính sách đối ngoại hòa bình ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, vào năm 1863, các điều kiện tiên quyết cho một cuộc xâm lược quân sự đã nảy sinh do sự cố ở Kokand.
Từ tháng 6-1864, Nga hoàng đã thực hiện cuộc tấn công chống lại vương quốc Kokand (là một trong ba vương quốc ở Trung Á bây giờ). Sự can thiệp của vua Bukhara là lý do để quân Nga tiến hành chiến tranh chống luôn vương quốc Bukhara. Việc chiếm Tashken năm 1865 là giai đoạn quan trọng trong quá trình xâm lược của Nga. Năm 1868, Kokand và Bukhara chịu thất bại, năm 1873 Khiva bị chiếm. Ở các vùng bị sáp nhập vào Nga, một chính quyền hỗn hợp quân sự và dân sự được hình thành. Năm 1876, tỉnh Turkestan do tỉnh trưởng đứng đầu được được thành lập, với trung tâm là Tashken – một thành phố lớn nhất ở Trung Á. Một số bộ lạc Kirghiz, trước đây vẫn ở bên ngoài Nga, đã tự nguyện gia nhập đế quốc vào những năm 50. Vì vậy, đến cuối những năm 70 thế kỷ XIX cả miền Bắc và miền Nam Kirghizia chịu sự cai quản của chế độ phong kiến Nga hoàng.
Lúc này chỉ còn Turmenia chưa bị xâm chiếm vì chính phủ Nga đang cần phải củng cố địa vị ở các vùng đã chiếm. Ngoài ra, việc công bố các “hiệp ước” giữa Nga với Khiva và Bukhara đã gây sự chống đối quyết liệt trong giới cầm quyền Anh. Giai cấp tư sản Anh sợ Nga lấn tới Biên giới Ấn Độ, nên một kế hoạch chiến tranh với Nga được thảo vội vàng ở Bộ chiến tranh Anh. Trong nước, quần chúng nhân dân cũng nổi dậy chống thực dân Nga. Năm 1873, một cuộc khởi nghĩa chống phong kiến, giải phóng dân tộc đã nổ ra, cầm đầu phong trào là Ixkhan Mula, một người Kirghiz. Khởi nghĩa kéo dài đến năm 1876.
Quần chúng nhân dân đấu tranh chống phong kiến, còn giai cấp quý tộc phong kiến lại theo đuổi những mục đích hẹp hòi nên họ đã hòa hoãn và câu kết với chế độ Nga hoàng. Nhờ vậy, quân đội Nga hoàng dễ dàng đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân.
Trong những năm 1880 – 1884, Turmenia cũng bị Nga thôn tính. Vùng này trở thành trung tâm cung cấp bông và là thị trường tiêu thụ của công nghiệp Nga. Quan hệ Anh – Nga trở nên cực kỳ căng thẳng. Nước Nga ở bên miệng hố chiến tranh với Anh vì sự phân chia Trung Á, song cuộc xung đột này được giải quyết bằng việc ký thỏa thuận, theo đó Nga được toàn bộ ốc đảo Penda đến sông Kusku. Năm 1895, Pamir bị sáp nhập vào đế quốc Nga [10;282].
Việc can thiệp vào Trung Á giúp Nga đạt được nhiều lợi ích về kinh tế và chính trị, là bước quan trọng trong quá trình bành trướng ở phương Đông. Từ đây đế quốc Nga có nhiều tiền đề thuận lợi để tiếp tục hướng mũi nhọn ngoại giao vào khu vực Đông Á với miếng mồi Trung Quốc và đặc biệt là khu vực chiến lược Đông Bắc Á.