Xóa bỏ Hiệp ước Paris 1856

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của đế quốc nga 1861 1917 (Trang 43 - 48)

6. Bố cục khóa luận

2.1. Phục hồi địa vị của đế quốc Nga sau chiến tranh Krym

2.1.1. Xóa bỏ Hiệp ước Paris 1856

* Chiến tranh Krym và Hiệp ước Paris 1856

Từ những năm đầu thế kỉ XIX, nước Nga Sa hoàng đóng vai trò sen đầm Châu Âu, là lực lượng đế quốc tự cho mình có quyền can thiệp vào nội bộ của nước khác. Đế quốc Nga đã mở rộng ảnh hưởng của mình đến các khu vực xung quanh: làm chủ eo biển Bosphore và Dardanelles, phát huy ảnh hưởng của mình ở khu vực Balkan

Khi châu Âu bước vào giai đoạn cao trào của cuộc cách mạng chống chế độ phong kiến thối nát và phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân chống ách bóc lột tư bản chủ nghĩa, đế quốc Nga tăng cường can thiệp chính trị đối với các quốc gia khác, thể hiện sự bành trướng của mình ở phương Tây. Đế quốc Nga đàn áp khởi nghĩa Ba Lan (1830), Hunggari (1848), ngăn cản sự thống nhất Đức và hai lần chuẩn bị dập tắt cách mạng Pháp.

Và đỉnh điểm là việc Nga hoàng Nicholas I đẩy nước Nga vào cuộc chiến tranh Krym (1853-1856) với Anh và Pháp. Chiến tranh Krym lúc đầu là xung đột giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Người Nga cảm thấy người Thổ Nhĩ Kỳ theo Hồi giáo đã đối xử bất công với người Ki-tô giáo ở các lãnh thổ vùng Balkan của đế quốc Ottoman và trong vấn đề hành hương tới các Thánh địa ở Palestine. Ngoài ra, Nga cũng muốn mở đường cho tàu chiến của họ vào biển Đen, mở rộng ảnh hưởng ở Balkan. Anh và Pháp lại muốn loại Nga khỏi biển Đen và khỏi việc phân chia Capcado. Thổ thì theo đuổi mục đích trả thù.

Sau một thời gian tranh chấp về ngoại giao, đến năm 1853 chiến tranh bùng nổ. Cuộc chiến này, đối với cả hai phía Nga và quân đồng minh Anh – Pháp đều mang tính chất xâm lược phi nghĩa. Đế quốc Nga đã thất bại trong cuộc chiến này, do chế độ chính trị thối nát, kinh tế kiệt quệ, các phương tiện chiến tranh lạc hậu và thiếu thốn, thiếu đường xe lửa phục vụ hoạt động tiếp tế

và tăng viện. Chiến tranh Krym kết thúc bằng Hòa ước Paris ký ngày 18-3-1856. theo đó Nga mất vùng nam Betxarabi cửa sông Dunai nhưng được trả lại Sevastopol và các thành phố khác ở Krym để đổi lấy việc trả lại cho Thổ những vùng đất và thành phố của Thổ bị quân Nga chiếm [15;62].

Điều khoản nặng nề nhất đối với Nga là hòa ước tuyên bố “trung lập hóa” Biển Đen và kho tàng quân sự ở Biển Đen. Nga không được phép có hạm đội ở Biển Đen hay xây dựng pháo đài trên bờ [10;237]. Như vậy là khi có chiến tranh, bờ biển Hắc Hải của Nga sẽ không được bảo vệ. Hòa ước Paris cho phép các tàu thuyền các nước tự do thông thương trên sông Dunai, mở rộng đường cho hàng hóa Anh, Áo, Pháp vào Balkan gây thiệt hại cho việc xuất khẩu của Nga. Nga cũng mất quyền bảo vệ lợi ích cư dân theo đạo chính thống ở đế quốc Thổ, mất quyền bảo hộ đối với Serbia và các vương quốc Dunai [15;62]. Do đó ảnh hưởng của Nga ở Cận Đông bị suy yếu.

* Nỗ lực xóa bỏ Hiệp ước Paris 1856 của đế quốc Nga

Sau chiến tranh, chính sách đối ngoại của Nga là bằng mọi giá xóa bỏ những điều khoản của hòa ước Paris. Nga hoàng Alexander II, lên ngôi năm 1855 và chấm dứt triều đại của mình năm 1881, là vị Nga hoàng đã lãnh đạo đế quốc Nga thực hiện nhiệm vụ ngoại giao quan trọng này. Ngoài những điều khoản bất lợi phải chịu khi ký Hiệp ước Paris, thất bại trong chiến tranh Krym đã phá hoại uy tín của Nga trên trường quốc tế. Địa vị quốc tế của Nga giảm sút rõ rệt, khiến kế hoạch đối ngoại của Nga hoàng Alexander II vấp phải những khó khăn chồng chất.

Cụ thể giai đoạn giữa thế kỉ XIX, Anh, Pháp và Mỹ mở rộng bành trướng ở Trung Quốc. Do đó, những quan hệ kinh tế Nga – Trung yếu đi và xuất hiện mối đe dọa đối với đất đai của Nga ở vùng Viễn Đông (vùng Amur). Trong nửa sau thế kỉ XIX, Nga phải tranh chấp để kí với Trung Quốc các hiệp ước Bắc Kinh (1860), Hiệp ước Aigun, Thiên Tân (1868) để phân định vùng lãnh thổ ở biên giới. Các thành phố Nga liên tục xây dựng ven sông Amur: Marisk (1856), Blagovesensk (1858), Khabarovsk (1880) để đảm bảo vị thế ở khu vực này.

Vì khó khăn tài chính và lo ngại không phòng thủ được Alaska - vùng đất giàu có nhất được người Nga khai phá đã hơn 100 năm, Nga có ý định bán nhượng lãnh thổ xa xôi này ở Bắc Mỹ vào giữa XIX. Cùng lúc đó Anh đang mở tầm ảnh hưởng ở tây Canada. Nga lo là sẽ mất trắng Alaska nếu có xung đột quân sự với Anh. Vì lẽ đó, đế quốc Nga quyết định bán vùng đất này cho Mỹ. Sau này, người Nga đã hối hận và cho rằng cha ông họ đã sai lầm khi bán Alaska cho Mỹ với giá quá rẻ mạt so với giá trị của nó.

Do yếu thế trên trường quốc tế, chính phủ Nga không thể đảm bảo an ninh cũng như việc sử dụng tài nguyên của vùng Viễn Đông. Nghề săn bắt sư tử biển (nghề phát triển và có lợi nhất) thực tế đã bị người Mỹ chiếm hoàn toàn dưới dạng thuê mướn. Sự yếu thế của Nga đã khiến Sa hoàng đánh mất quyền sở hữu quần đảo Kurile. Ngày 26-1-1855 tại Shimoda, Hiệp ước Nga – Nhật về thương mại và biên giới được ký, theo đó biên giới giữa Nga và Nhật là đường trung tuyến giữa các đảo Iturubo và Urubo, khu vực đảo Sakhalin không thuộc bên nào, các đảo Nam Kurile thuộc về Nhật Bản. Về khu vực đảo Sakhalin, Nga hoàng và Nhật Bản đã tiến hành ba lần đàm phán vào năm 1859 tại Edo, 1862 và 1867 ở Saint Peterburg song do quan điểm khác nhau nên đàm phán không đạt kết quả. Biên giới giữa Nga và Nhật Bản được thay đổi năm 1875 khi Nga và Nhật ký Hiệp định Saint Peterburg, theo đó Nga sở hữu đảo Sakhalin còn tất cả các đảo ở quần đảo Kurile thuộc Nhật [26;15]. Nhật Bản giành lại được quần đảo Kurile, về danh nghĩa là đổi phần Nam Sakhalin, nhưng thực tế đó là vùng của Nga và Nga đã khai thác Sakhalin từ nửa đầu thế kỷ XIX.

Những hệ quả tiêu cực trên cho thấy những thách thức mà đế quốc Nga phải đối mặt. Đồng thời nó là minh chứng để khẳng định những nỗ lực rất lớn của chính quyền Nga hoàng trong việc giải quyết khó khăn, quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu phục hồi địa vị của đế quốc Nga sau chiến tranh Krym. Vấn đề chính trong chính sách đối ngoại mà Nga hoàng quyết định thực hiện là xét lại những điều khoản của Hiệp ước Paris về việc cấm Nga duy trì hạm đội quân sự và xây dựng pháo đài ở khu vực Biển Đen.

Để thực hiện được ý đồ này, Nga cần phải có một đồng minh đáng tin cậy. Thời bấy giờ, Anh là đối thủ nguy hiểm nhất của Nga, tranh giành thuộc địa với Nga tại vùng Transcaucasia và Trung Á. Đế quốc Áo – Hung thì cố gắng lập lại trật tự tại vùng Balkan. Đế quốc Ottoman thì thực hiện chính sách thân Anh, còn Phổ là một nước yếu. Như vậy Nga cần phải nối lại tình hữu nghị với đế chế Pháp - nước cạnh tranh với đế quốc Anh tại Địa Trung Hải. Ngoại giao Nga đã tìm cách gần gũi với với Pháp nhằm mục đích tranh thủ sự ủng hộ của nước này khi xét lại hiệp ước Paris. Nhưng mâu thuẫn giữa hai nước trong vấn đề Ba Lan và mối lo của Pháp về sự phát triển ảnh hưởng của Nga ở vùng Balkan đã ngăn cản việc thực hiện ý đồ đó của Nga.

Quan hệ Nga – Pháp bất ổn, Nga bèn quay sang ủng hộ Bismarck – Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phổ trong sự nghiệp thống nhất Đức vì ông này hứa sẽ giúp Nga xét lại Hiệp ước Paris. Trong những năm 60 vai trò của Phổ ở châu Âu đã được tăng cường, điều đó càng khảng định lựa chọn của Nga là đúng đắn. Bismarck không muốn Nga can thiệp vào vấn đề thống nhất nước Đức, nên hứa ủng hộ Nga xóa bỏ những điều khoản của hòa ước Paris.

Năm 1870, khi chiến tranh Pháp – Phổ nổ ra, Nga giữ lập trường trung lập có lợi cho Phổ. Thất bại của Pháp đã loại Pháp ra khỏi khối chống đối Nga. Nga lợi dụng cơ hội đó để đơn phương tuyên bố từ bỏ việc thực hiện những điều khoản của hòa ước Paris. Các cường quốc Anh, Áo, Thổ lên tiếng phản đối. Phổ không phản đối và đề nghị triệu tập một hội nghị gồm các nước kí hòa ước (Nga, Pháp, Anh, Phổ, Áo và Thổ). Tại hội nghị London, Nga đòi xét lại những điều kiện của hòa ước. Nga được sự ủng hộ của Phổ và vấn đề xóa bỏ những điều khoản hạn chế của hòa ước được giải quyết theo hướng có lợi cho Nga. Nga được quyền xây dựng công sự và có hạm đội ở Biển Đen [15;63]. Đó là một thành công lớn về ngoại giao của Nga. An ninh ở biên giới phía Nam cũng như ảnh hưởng của Nga ở Balkan được khôi phục.

Sau thất bại của Pháp trong chiến tranh Pháp – Phổ đã giúp Nga gần gũi với Đức, Áo – Hung. Đó là do ba nước có lợi ích chung tạm thời ở châu Âu và

Cận Đông, cũng như do mâu thuẫn giữa ba nước với Anh, mặc dù Nga hết sức lo lắng sự lớn mạnh của nước Đức thống nhất cũng như sự tăng cường của Áo ở Balkan. Năm 1863, Nga và Đức đã kí hiệp ước tương trợ về quân sự trong trường hợp bị nước thứ ba tấn công. Tiếp đó, Nga cũng kí với Áo một hiệp ước chính trị, khác với Hiệp ước Nga – Đức là không bị ràng buộc về quân sự. Mùa thu năm đó, Đức cũng tham gia hiệp ước này. Một liên minh giữa ba nước đã được thành lập, gọi là “Liên minh tam hoàng”.

Đế quốc Nga cùng với 2 đế quốc trong liên minh của mình cùng nhau kiểm soát Đông Âu, đảm bảo rằng các nhóm dân tộc kiên cường như người Ba Lan được kiểm soát. Nga dành được ưu thế ở phía Đông Balkan nhờ sự ủng hộ của Đức. Do vậy đế quốc Nga chẳng những thoát khỏi thế bị cô lập mà còn khôi phục được ảnh hưởng trong nền chính trị châu Âu.

Song những mâu thuẫn giữa Nga, Phổ và Áo đã khiến cho liên minh này khó bền vững. Năm 1875, đế quốc Đức âm mưu tiến hành một cuộc chiến tranh mới chống Pháp nên tỏ ý muốn Nga và Áo – Hung ủng hộ tham vọng đó của mình. Nhưng Nga hoàng phản đối vì không muốn Đức quá mạnh, muốn duy trì thế cân bằng giữa Pháp – Đức và điều này sẽ có lợi cho Nga. Việc Nga kiên quyết chống lại mưu toan của Phổ muốn tiến hành cuộc chiến tranh mới chống Pháp cùng với những mâu thuẫn ở khu vực Balkan đã bồi thêm đòn quyết định cho Liên minh tam hoàng tan vỡ. Nhưng sự tồn tại ngắn ngủi của Liên minh tam hoàng cũng đã giúp Nga đạt được những lợi ích quan trọng trong quá trình ngoại giao của mình.

Như vậy, Nga đã đạt được mục tiêu quan trọng trong việc phục hồi địa vị của mình sau chiến tranh Krym. Sự khéo léo trong việc lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước đế quốc đã đem lại thành quả là xóa bỏ sự ràng buộc bởi các điều khoản của hiệp ước Paris, là những điều khoản nhằm hạn chế sự ảnh hưởng của đế quốc Nga. Từ đây Nga dần lấy lại những lợi ích đã mất của mình, hơn thế còn mở rộng tầm ảnh hưởng của mình. Đó là một trong những thành quả tích cực và quan trọng hàng đầu mà đế quốc Nga đạt được trong giai đoạn này.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của đế quốc nga 1861 1917 (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)