6. Bố cục khóa luận
2.4. Tham gia khối Hiệp ước và Chiến tranh thế giới thứ nhất
2.4.1. Trở thành thành viên khối Hiệp ước
Chính sách đối ngoại của Nga giai đoạn cuối thế kỉ XIX không những có ảnh hưởng đến chính nước Nga, mà còn để lại hệ quả trong quan hệ quốc tế cho đến giai đoạn đầu thế kỉ XX. Chính những động thái bành trướng của đế quốc Nga cuối thế kỉ XIX đã tạo nên tiền đề cho sự liên minh giữa Nga và các nước đế quốc khác có chung lợi ích. Đưa đến sự hình thành của khối Hiệp ước – một trong hai khối quân sự đối đầu và châm ngòi cho sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Khối Hiệp ước là một liên minh giữa ba nước Nga – Anh – Pháp đối địch với liên minh các nước Trung Âu là Đức – Áo Hung – Ý. Khối Hiệp ước được hình thành giai đoạn đầu thế kỉ XX với bước mở đầu là một hiệp ước giữa Anh và Pháp và sau là hiệp ước giữa Anh và Nga. Nhưng từ cuối thế kỉ XIX đã có những tiền đề đầu tiên tạo dựng quan hệ giữa ba nước. Đó chính là Hiệp định quân sự bí mật giữa Pháp – Nga được ký kết tháng 8-1892. Liên minh Pháp – Nga từ đây đã đặt nền móng cho khối Hiệp ước sau này.
Đến đầu thế kỉ XX, châu Âu đã hình thành của hai khối quân sự đối địch, do tác động từ sự phá sản chính sách “cô lập vẻ vang” của Anh và chính sách hướng về phương Đông của Đức. Chính sách “cô lập vẻ vang” của Anh đã không còn tác dụng. Sự tăng cường chạy đua vũ trang cùng với quá trình bành trướng thuộc địa của Đức đã đe dọa đến quyền lợi của Anh trên trường quốc tế.
Đối với Đức, đây là thời kì nền công nghiệp Đức có bước phát triển vượt bậc. Yêu cầu về nguyên liệu và thị trường xuất khẩu tư bản trở thành nhu cầu bức thiết. Trong khi đó nguyên liệu cướp bóc được từ thị trường châu Phi quá ít ỏi không đủ cung cấp cho sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp trong nước. Đã đến lúc Đức ông khai đòi chia lại thị trường thế giới. Thủ tướng Đức Von Buelow trắng trợn tuyên bố: “Đã qua rồi cái thời mà các dân tộc chia
nhau đất đai và biển cả, còn chúng ta – những người Đức – tự hài lòng với bầu trời xanh và chỉ cần một chỗ đứng dưới ánh mặt trời” [27;26]. Để thực hiện
tham vọng của mình, đế quốc Đức chọn đối thủ của mình là đế quốc Anh vì Anh là nước có diện tích thuộc địa lớn nhất thế giới. Mâu thuẫn Anh – Đức trở thành mâu thuẫn chủ yếu và trở thành vấn đề nổi cộm ở châu Âu nói riêng, trong quan hệ quốc tế nói chung.
Hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Đức lúc này là bành trướng sang khu vực Tiểu Á với khẩu hiệu “Tiến sang phương Đông”. Quyền bá chủ của Anh trên mặt biển bị đe dọa nghiêm trọng khi Hoàng đế Đức Wilhelm II tuyên bố: “Tương lai của nước Đức là trên mặt biển” [15;98]. Tất cả những động thái của Đức khiến Anh thay đổi chính sách đối ngoại, đi đến việc tìm bạn đồng minh mới trong những năm đầu thế kỉ XX để phân chia thị trường thế giới cho cuộc chiến tranh trong tương lai. Bạn đồng minh mà Anh hướng đến chính là Pháp và Nga.
Tuy vào cuối thế kỉ XIX, Anh và Pháp có nhiều mâu thuẫn với nhau trong quá trình tranh cướp châu Phi, song việc Đức lên tiếng công khai đòi chia lại thế giới làm cho các cường quốc thực dân như Anh, Pháp, Nga đều lo ngại tìm cách đối phó. Cuồng vọng bá chủ của Đức buộc Anh và Pháp phải tạm gác những bất đồng của mình để bắt tay nhau thông qua việc kí kết một hiệp ước vào ngày 8-9- 1904. Nội dung cơ bản của Hiệp ước là Anh thừa nhận Pháp chiếm Maroc, còn Pháp thì nhận Anh chiếm Ai Cập [18;24]. Về hình thức thì đây chỉ là một bản trao đổi thuộc địa, song nó có tác dụng củng cố quan hệ đồng minh Anh – Pháp.
Hiệp ước không nói gì về hợp tác quân sự hay cùng nhau liên minh chống lại Đức nhưng thực chất đây là bước chuẩn bị cho hai nước đối phó với Đức trong giai đoạn sau. Lênin đánh giá Hiệp ước này là “Chia cắt châu Phi để
chuẩn bị chiến tranh chống Đức” [21;82]. Sau khi hiệp ước này ra đời, Anh bắt
đầu tập trung ngoài khơi bờ biển Anh và tiến hành xây dựng căn cứ hải quân và quân sự quân sự ở vùng duyên hải để hướng về phía Đức. Anh tích cực chuẩn bị chiến tranh chống Đức khiến quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi. Hoàng đế Wilhelm II rất lo sợ đối thủ của mình, ông từng nói: “Nếu nước Anh tuyên bố chống lại chúng ta, tương lai của nước Đức sẽ nằm dưới nước” [27;78].
Về phía Nga, sau chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905), địa vị quốc tế của Nga suy giảm nhiều. Chế độ Nga hoàng phụ thuộc nhiều hơn vào chủ nghĩa đế quốc Phương Tây. Lo lắng trước sự phá triển ảnh hưởng của Đức ở Balkan và của Thổ Nhĩ Kỳ ở Cận Đông, chính phủ Nga hoàng quay sang thân thiết với Anh. Anh và Pháp cũng kết thân hơn nữa với Nga vì Anh sợ Nhật Bản mạnh lên sẽ đe dọa quyền lợi của Anh ở Trung Quốc và Thái Bình Dương. Còn Pháp sợ mất thế cân bằng ở châu Âu nếu Nga về phía Đức. Mâu thuẫn Anh – Nga ở khu vực Trung Á cũng rất lớn nhưng trước tham vọng bành trướng thuộc địa của Đức và những chính sách Đức đang thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ, Đức trở thành kẻ
thù chung của Nga. Anh quan điểm rằng: “Thà để cho Nga chiếm
Constantinople còn hơn là phải chứng kiến các kho tàng quân sự của Đức ở
vịnh Ba Tư” [21;83].
Trong khi đó, đế quốc Nga đang phải đối phó với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa và phụ thuộc, nhất là ở các nước châu Á. Điều này càng khiến Nga xích lại gần với Anh. Với vai trò trung gian của Pháp, ngày 18-8-1907, Hiệp ước phân định quyền lợi của Nga và Anh ở Iran, Afghanistan và Tây Tạng được ký kết ở Saint Peterburg. Theo đó Iran bị chia thành 3 vùng: miền Bắc – thuộc khu vực ảnh hưởng của Nga, miền Trung là vùng trung lập và miền Nam và Đông Nam thuộc phạm vi ảnh hưởng của Anh. Riêng Afghanistan thuộc quyền ảnh hưởng của Anh và nếu Nga muốn quan hệ với Afghanistan thì phải thông qua Chính phủ Anh [15;101]. Hai nước chia đôi ảnh hưởng ở Ba Tư (Nga ở phía Bắc, Anh ở phía Nam) [1;357]. Lênin đã đánh
giá hiệp ước năm 1907: “Chia nhau Afghanistan, Ba Tư và Tây Tạng để chuẩn
bị chiến tranh chống Đức” [21;82].
Hiệp ước Anh – Nga là bước cuối đưa đến hình thành khối Hiệp ước trong giai đoạn thế chiến thứ nhất. Như vậy, đến năm 1907 thông qua việc kí những hiệp ước tay đôi: Pháp – Nga (1891-1893), Anh – Pháp (1904) và Anh – Nga (1907) sự liên minh giữa ba nước trong khối Hiệp ước đã ra đời, chống lại liên minh Đức – Áo Hung – Ý ( còn được gọi là khối “Khối Trung Âu”).
Sau khi ký hiệp ước với Anh, Nga bộc lộ mối quan tâm đặc biệt đối với vùng Balkan và Cận Đông. Năm 1908, khi cách mạng nổ ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Áo quyết định lợi dụng cơ hội để chiếm Bosnia và Hersegovina. Áo được Đức ủng hộ nên Nga buộc phải chấp nhận việc đã rồi. Sự việc này thể hiện yếu thế của Nga trong quan hệ quốc tế lúc đó. Nó cũng cho thấy mâu thuẫn trong quan hệ giữa đế quốc Nga đối với các cường quốc tư bản thù địch, mâu thuẫn giữa phe Hiệp ước với phe Liên minh Đức – Áo Hung – Ý. Các cuộc khủng hoảng và chiến tranh cục bộ đã làm cho mâu thuẫn giữa hai khối đế quốc lên đỉnh điểm. Đế quốc Nga nói riêng và các nước đế quốc khác chuẩn bị bước vào một cuộc chiến tranh thế giới sắp sửa bùng nổ.