6. Bố cục khóa luận
3.1. Đặc điểm chính sách đối ngoại của đế quốc Nga 1861-1917
3.1.2. Đối ngoại của đế quốc Nga chịu nhiều tác động của nhân tố trong nước
* Tác động của chính phủ Nga hoàng
Đối ngoại của đế quốc Nga chịu sự chi phối rất lớn từ Chính phủ Nga hoàng. Là một đế quốc quốc theo thể chế quân chủ chuyên chế, với quyền lực tập trung trong tay nên Sa hoàng có thể chi phối toàn bộ các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước. Tuy nhiên, đội ngũ cố vấn đó là các bộ trưởng có thẩm quyền như Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Chiến tranh, Bộ trưởng Hải quân cũng có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của Nga hoàng.
Chính sách cải cách quân đội của Sa hoàng Alexander II có sự đóng góp quan trọng của Bộ trưởng Hàng Hải, Đại công tước Kostaitian, anh trai Sa hoàng Alexander II. Đại công tước đã tái tổ chức lại các hạm đội theo lối phương Tây và xây dựng lực lượng quân dự bị. Sau chiến tranh Krym, hạm đội Baltik được xây dựng lại, ngày càng hoàn thiện về số lượng và chất lượng. Sự phục hồi và phát triển của hải quân Nga dưới sự chỉ đạo của Đại công tước Kostaitian là cở sở để Nga hoàng có thể thực hiện các chính sách bành trướng.
Các bộ trưởng Nga giữ vai trò quan trọng đối với các chính sách của triều đại Sa hoàng Alexander III và Nicholas II sau này. Hai vị Sa hoàng đều có tham
vọng bành trướng Đông Bắc Á, đặc biệt là giai đoạn cầm quyền của Sa hoàng Nicholas II. Vấn đề Đông Bắc Á đã gây chia rẽ trong nội bộ các bộ trưởng Nga. Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Ngoại giao chủ trương ôn hòa, tránh xung đột với các nước đế quốc khác. Bộ trưởng Hải quân và Bộ trưởng chiến tranh tham vọng làm chủ Mãn Châu và Triều Tiên.
Bá tước S.Witte, giữ chức Bộ trưởng Tài chính Nga từ 1892 đến 1902, là người luôn mong muốn Nga làm chủ thương mại ở Thái Bình Dương. Ông chủ trương kiềm chế các hoạt động can thiệp tại Trung Hoa, để các quốc gia khác giải quyết phiến loạn ở đó; kịch liệt phản đối việc xâm chiếm Triều Tiên và giữ ảnh hưởng ở Mãn Châu. Trong hồi ký của mình ông viết: “Tôi nói rằng điều cần thiết cho chúng ta là đừng chọc giận Trung Quốc, cũng như bảo vệ vị thế tại Mãn Châu, nơi mà chúng ta sở hữu những quyền lợi tối quan trọng” [33;108].
Đối với cảng Lữ Thuận, Bá tước S. Witte cũng phản đối việc chiếm cảng này vì có thể khiến mâu thuẫn Nga – Nhật thêm gay gắt. Công sứ Nga tại Nhật Baron Rosen, một người cũng ủng hộ chính sách hòa bình, đã viết: “Về vấn đề
giành cảng Lữ Thuận, Hoàng đế cảm thấy phù hợp để tham khảo ý kiến của các bộ trưởng,tuy nhiên, hết thảy các bộ trưởng đề phản đối kế hoạch ấy, trong số họ chủ yếu nhất là Bộ trưởng Tài chính, Witte và Bộ trưởng Hải quân, Đô đốc Tirtoff; ấn tượng chung là dự định này là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm chỉ có thể dẫn tới những tình thế phức tạp với Nhật Bản”[34;197]. Chính vì những cố
vấn không còn được Nga hoàng tin tưởng, ông phải từ chức vào năm 1902. Cùng với Bộ trưởng Tài chính, các Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng là những người ủng hộ chủ trương ôn hòa. Hoàng thân Lobanov – Bộ trưởng Ngoại giao là người ủng hộ cho hòa bình, có cùng quan điểm với Bá tước Witte trong việc bảo toàn lãnh thổ Trung Hoa. Nguyên Công sứ của đế quốc Nga tại Nhật đã khai sáng cho Hoàng thân Lobanov rằng cần thiết phải hết sức cẩn thận trong vấn đề Triều Tiên nếu muốn tránh một cuộc xung đột nghiêm trọng với Nhật Bản. Hoàng thân Lobanov tin tưởng vào sự sáng suốt của lời tư vấn này, tuy nhiên ông lại qua đời đột ngột.
Bá tước Muraviov và Bá tước Lamsdorf là những Bộ trưởng Ngoại giao kế nhiệm. Tuy Bá tước Lamsdorf cũng có khuynh hướng hòa bình, nhưng chính kiến không rõ ràng, cảm thấy không hứng thú với việc một mình gánh lấy trách nhiệm quá sức trọng yếu. Ông cũng không có khả năng hay sở hữu tiếng nói cá nhân có thể ảnh hưởng đến quyết định của Nga hoàng theo hướng mong muốn của một người bảo trợ.
Bộ trưởng Chiến tranh Kuropatkin và Toàn quyền Alexeeff – Tổng tư lệnh hải lục quân ở bán đảo Liêu Đông là những người tích cực ủng hộ cho chính sách bành trướng của Nga ở Đông Bắc Á với mục tiêu là cả Mãn Châu và Triều Tiên. Bộ trưởng Chiến tranh Kuropatkin là người có tham vọng lớn đối với vấn đề Đông Á. Ông ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Nga hoàng là chiếm lấy cảng Lữ Thuận ở bán đảo Liêu Đông. Khi Mãn Châu rơi vào tình trạng nổi loạn, Kuropatkin đã hỗ trợ can thiệp, phản đối việc rút quân sớm.
Toàn quyền Alexeeff cũng ủng hộ mạnh mẽ việc chiếm giữ Mãn Châu. Ông cho rằng việc loại bỏ vùng này chỉ làm cho Nga mất lợi ích và Nhật ngày càng hung hăng. Những tác động từ Bộ trưởng chiến tranh Kuropatkin cũng như Bộ trưởng Hải quân Alexeeff đã khiến Sa hoàng Nicholas II tích cực can thiệp vào Mãn Châu, mâu thuẫn lợi ích Nga – Nhật đã dẫn đến cuộc chiến tranh 1904- 1905 và thất bại. Công sứ Baron Rosen nhận xét về Bộ trưởng Hải quân Alexeeff: “Được gán với cái tên “Alexeeff khét tiếng”, bị buộc tội là đã mang về
cuộc chiến tranh với Nhật Bản, và là vật tế thần cho những thảm họa đã giáng xuống chúng ta sau cuộc chiến” [34;200].
Những mâu thuẫn chia rẽ trong nội bộ Chính phủ ảnh hưởng rất lớn đến các quyết sách của Nga hoàng. Chính sách đối với các vùng đất ở Đông Bắc Á bị chia theo hai định hướng, phụ thuộc vào sự định hướng của các Bộ trưởng. Một số chính sách được Sa hoàng Nicholas II ủng hộ vấp phải sự phản đối của đội ngũ cố vấn, nhưng lại được ủng hộ bởi các thành viên khác trong Chính phủ. Về vấn đề này, Công sứ Rosen nhận xét: “Chính phủ Nga giống như một liên
đoàn vô dụng những ban bệ độc lập chẳng phải lúc nào cũng cùng hợp tác, thậm chí giữ thái độ không rõ ràng, đôi khi còn có xung đột với nhau [34;190].
Cho đến thập niên đầu của thế kỷ XX, đứng trước thềm của cuộc thế chiến lần thứ nhất, trong hoàn cảnh đế quốc Nga lạc hậu hơn về quân sự so với các nước đế quốc khác, những người đứng đầu Bộ tổng tham mưu tiếp tục có những sách lược khiến Nga tổn hại trong cuộc chiến. Cuối năm 1917, Chính phủ đã đề ra cái gọi là “Chương trình lớn về tăng cường quân đội”. Chương trình này dự định đến năm 1917 tăng cường quân số lên 480.000 người [10;329]. Năm 1912, tại cuộc họp với Bộ tổng tham mưu Pháp, phía Pháp đòi Nga xây dựng các con đường sắt chiến lược và tăng cường lực lượng cơ động. Động thái tăng cường quân sự của Chính phủ Nga hoàng đặt nước Nga vào vị trí của kẻ đánh thuê. Tính đến khi triều đại Sa hoàng Nicholas II sụp đổ, đế quốc Nga đã tổn thất binh lực quá lớn cho cuộc chiến tranh phi nghĩa.
* Tác động của phong trào cách mạng
Bên cạnh tác động từ Chính phủ Nga hoàng, chính sách ngoại giao của đế quốc Nga giai đoạn này còn chịu ảnh hưởng của các phong trào cách mạng trong nước. Từ khi ra đời, giai cấp công nhân Nga đã không ngừng đấu tranh chống áp bức và bóc lột. Phong trào công nhân bắt đầu phát triển mạnh từ những năm 1870 với hàng loạt các cuộc bãi công lớn của thợ dệt diễn ra ở Saint Peterburg, Belostok. Cao trào đấu tranh của công nhân trong những năm 80, nửa đầu những năm 90 của thế kỉ XIX cũng đã khiến Chính phủ phải thực hiện những nhượng bộ. Giai đoạn từ nửa sau những năm 90 – thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, dưới sự lãnh đạo của V.I. Lênin, phong trào đấu tranh của công nhân đã phát triển rộng khắp. Khí thế cách mạng ngày càng lớn mạnh, tác động đến cả đối sách ngoại giao của vương triều Sa hoàng Nicholas II.
Sa hoàng Nicholas II cùng giới cầm quyền muốn “bằng một cuộc chiến tranh nhỏ thắng lợi” để tránh một cuộc cách mạng đang chín muồi trong nước. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905). Kết quả đã không như mong muốn. Đó là một cuộc chiến tranh
không hề nhỏ và chế độ Nga hoàng cũng không thể giành thắng lợi. Thay vì ngăn cản cách mạng, nó đã góp phần thúc đẩy nhanh cách mạng trong nước.
Để bảo vệ chế độ chính trị đã lỗi thời, giai cấp thống trị Nga dùng lực lượng quân sự mạnh nhằm duy trì sự ổn định chính trị trong nước và mở rộng ảnh hưởng của Nga trên thế giới. Nhưng xu thế cách mạng ở Nga đã phát triển đến giai đoạn không thể đảo ngược được nữa. Chiến tranh Nga – Nhật nổ ra càng khiến tình hình chính trị Nga khủng hoảng trầm trọng, những mâu thuẫn vốn có trong xã hội nổi lên và dẫn tới nguy cơ bùng nổ cách mạng. Nông dân cũng nổi dậy đấu tranh, đốt phá dinh thự địa chủ và bắt đầu nêu ra những yêu sách chính trị.
Với lực lượng hải quân hùng hậu, đế quốc Nga có quyền tin tưởng vào một chiến thắng trước Nhật Bản, nhưng thực tế hạm đội của Nga lại bị đánh bại bởi lực lượng của một nước đế quốc đang lên ở châu Á. Nga dù còn tiềm lực để tiếp tục chiến tranh, nhưng nếu kéo dài chiến tranh với Nhật sẽ kích động phong trào đấu tranh của quần chúng lên đỉnh điểm. Vì vậy, Nga có xu hướng muốn ngồi vào bàn thương lượng để kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Lúc này, với mục đích tiến hành hòa giải cho chiến tranh Nga – Nhật, Tổng thống Mỹ T. Roosevetl đã gặp đại diện Nga và Nhật Bản để bàn luận về các điều khoản cho một cuộc đàm phán.
Mặc dù đang ở thế thua thiệt nhưng ngay từ đầu đại diện của Nga – Iulievich Witte đã khẳng định Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu nào mang tính bôi nhọ, không trả bất cứ một khoản bồi thường dưới bất kỳ hình thức nào. Sự phản đối của Nga được dựa chủ yếu trên luận điểm Nga vẫn chưa phải là một quốc gia bại trận, “không có kẻ chiến thắng ở đây và do đó không có kẻ bại
trận” [9;23]. Tổng thống Mỹ T. Roosevelt đã thuyết phục, khuyến khích, yêu
cầu và cảnh báo Hoàng đế Nga để khiến cho Sa hoàng Nicholas II phải chấp thuận các điều khoản hòa bình. Roosevetl thậm chí còn đe dọa Sa hoàng Nga nếu không chấp thuận ngay lập tức các điều khoản hòa bình, Nhật sẽ hành động trước và khi đó nội chiến sẽ nổ ra ở Nga. Nội chiến chính là một trong những
mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền Sa hoàng lúc này. Vì vậy ngày 5- 9-1905, Nga chấp nhận ký Hòa ước Portsmouth với Nhật, theo đó Nga phải chấp nhận nhượng rất nhiều quyền lợi cho Nhật Bản.
Giới cầm quyền Nga đã chấp nhận những điều khoản nhục nhã của kẻ thù bên ngoài để có thể tập trung lực lượng đối phó với cách mạng trong nước. Cách mạng Dân chủ tư sản Nga lần thứ nhất đã thất bại nhưng vẫn để lại dấu ấn sâu sắc. Nó không những tác động đến chính sách đối ngoại của đế quốc Nga mà nó còn làm lung lay mạnh mẽ cơ sở của chế độ chuyên chế Nga, mở đầu cho một cao trào cách mạng rầm rộ đầu thế kỉ XX.
Trước nguy cơ của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất sắp bùng nổ, những người Bolshevik ở Nga đã tăng cường hoạt động trong công nhân, nông dân và binh lính. Họ tích cực tuyên truyền, giải thích cho quần chúng về chính sách phản dân của chế độ chuyên chế và tuyên truyền cách mạng. Ý thức cách mạng bắt đầu phát triển trong bộ phận tiên tiến của nông dân và binh lính. Năm 1912, thủy thủ ở hạm đội Baltik và hạm đội Biển Đen dự định khởi nghĩa, nhưng kế hoạch bị lộ và bị Chính phủ Nga hoàng khủng bố dã man. Tháng 7-1914, phong trào bãi công của công nhân Saint Peterburg đã lôi cuốn đến 2000 người tham gia và mang tính chất chính trị sâu sắc [10;330].
Chính quyền Nga hoàng lo sợ, tăng cường truy lùng và bắt bớ những người Bolshevik. Dưới tác động lớn lao của tình hình cách mạng trong nước, Nga hoàng đã quyết định tham chiến trong thế chiến thứ nhất với hy vọng nhờ chiến tranh để thoát khỏi cách mạng, củng cố địa vị của mình. Nhưng chiến tranh lại là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc cách mạng lật đổ chế độ chuyên chế, chấm dứt triều đại cuối cùng của chính quyền phong kiến Nga hoàng. Đối ngoại của đế quốc Nga nói riêng và chính quyền phong kiến Nga hoàng nói chung đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình. Như vậy, sự phát triển mạnh mẽ và thành công của phong trào cách mạng Nga đã mở ra thời kỳ phát triển mới cho lịch sử Nga đầu thế kỉ XX. Nước Nga từ đây có bước phát triển rên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là đối ngoại của đất nước theo hướng tích cực phù hợp hơn.
3.2. Tác động của chính sách đối ngoại đế quốc Nga 1861-1917