Chiến tranh Nga – Thổ (1877-1878) và hệ quả

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của đế quốc nga 1861 1917 (Trang 48 - 51)

6. Bố cục khóa luận

2.1. Phục hồi địa vị của đế quốc Nga sau chiến tranh Krym

2.1.2. Chiến tranh Nga – Thổ (1877-1878) và hệ quả

* Nguyên nhân và diễn biến chiến tranh Nga – Thổ

Với những lợi ích đạt được trong việc xóa bỏ những điều khoản của hòa ước năm 1856, chính phủ Nga hoàng tiếp tục thúc đẩy quá trình khôi phục ảnh hưởng của mình. Mục tiêu đế quốc Nga hướng đến là vùng Balkan.

Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (1877–1878) đã bùng nổ bắt nguồn từ sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc tại bán đảo Balkan, cũng như mục tiêu của Nga trong việc lấy lại các phần lãnh thổ đã mất trong Chiến tranh Krym và thiết lập lại ảnh hưởng của Nga tại Biển Đen. Từ năm 1875, một cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Bosnia và Hersegovina, sau đó năm 1876 nhân dân Bulgaria nổi dậy. Serbia và Montenegro bắt đầu chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Nước Nga đã tỏ rõ thiện cảm của mình đối với cuộc đấu tranh của các dân tộc Slav miền Nam. Sự bất bình của Nga được bộc lộ trong việc chống các hành động thô bạo của chính quyền và các đội quân Thổ Nhĩ Kỳ thâm nhập vào Balkan nhằm chống lại những người giải phóng Slav. Nhiều nhà dân chủ Nga đã tình nguyện tham gia quân khởi nghĩa Slav để giúp các dân tộc bị áp bức giành tự do. Trong khi đó, giới cầm quyền Nga âm mưu lợi dụng phong trào của người Slav để củng cố và phát triển ảnh hưởng của Nga hoàng.

Chính phủ Nga đã hành động như người bênh vực quyền lợi của các dân tộc Slav miền Nam. Họ đòi Thổ Nhĩ Kỳ trao quyền tự trị cho các dân tộc Balkan. Hội nghị các cường quốc họp ở Constantinople vào cuối năm 1876, đầu năm 1877 đã thảo dự án về quyền tự trị của Bosnia, Hersegovina và Bulgaria. Nhưng được sự ủng hộ ngầm của ngoại giao Anh, Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ dự thảo. Tháng 1-1877, Nga kết thúc thương lượng với Áo – Hung.

Ngày 12-4-1877, Nga hoàng tuyên chiến với Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến tranh diễn ra trên hai mặt trận Balkan và Kavkav. Rumania liên minh với Nga, các đội quân tình nguyện Bulgaria cũng tham chiến. Tháng 6-1877, quân đội Nga chiếm vùng Danube, sau đó diễn ra trận chiến đấu ác liệt quanh các công sự Pleven. Cùng thời gian đó là cuộc chiến trên đèo Sipca (qua dãy núi Balkan), ở đó quân

đội Nga và Bulgaria đã phòng thủ dũng cảm. Cuối tháng 11-1877, quân Nga sau khi nhận viện binh, đã buộc quân đồn trú Pleven đầu hàng. Trước đó ít ngày, quân Nga chiếm pháo đài Carse ở Kavkaz. Tháng 12-1877, quân Nga vượt núi Balkan trong điều kiện mùa đông khắc nghiệt và chiếm Sophia. Tháng 1-1878, họ chiếm Philippopolis và Adrianopol rồi tiến gần Constantinople. Ngày 29-12- 1878, hòa ước được ký ở San Stephano (gần Constantinople).

Theo hòa ước ký ở San Stephano, Serbia, Rumania và Montenegro được độc lập. Bulgaria được tuyên bố là nước tự trị nhưng về danh nghĩa vẫn là công quốc phụ thuộc Thổ Nhĩ Kỳ với lãnh thổ trải từ Danube đến biển Aegean và từ Biển Đen đến hồ Orit. Bosnia và Hersegovina trở thành những nước tự trị. Dải đất Bessarabia mà Nga mất sau chiến tranh Krym được trả lại. Nga còn được Batum, Karse và vài thành phố khác [10;280]. Lợi dụng sự suy yếu của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, Nga còn tìm cách chiếm những vùng đất thuộc quyền kiểm soát của Thổ, mà trước hết là ở khu vực bán đảo Balkan. Trên thực tế Nga muốn độc chiếm Balkan, loại trừ các nước khác như Áo – Hung ra khỏi khu vực này.

* Hệ quả của chiến tranh Nga – Thổ

Đế quốc Nga đã đạt được nhiều đất đai và quyền lợi sau chiến tranh, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thắng lợi của Nga giành được ở Balkan trong cuộc chiến với Thổ không những làm cho Áo – Hung mà cả Anh rất lo ngại về quyền lợi của họ ở khu vực này sẽ bị đe dọa. Một quốc gia Bulgaria sẽ khiến cho đế quốc Áo-Hung bị ngăn chặn từ biển Aegean và Constantinople, còn đế quốc Anh thì rất lo sợ người Nga sẽ mang ảnh hưởng lớn lao vào các eo biển và Kênh đào Suez. Mâu thuẫn giữa Nga với Anh và Áo – Hung căng thẳng đến mức hai nước muốn dùng vũ lực giúp Thổ đánh Nga. Thủ tướng Đức Bismarck đã lợi dụng tình hình này để đưa Đức thoát khỏi tình trạng bị cô lập về ngoại giao và vươn lên hàng cường quốc số một ở châu Âu, đồng thời thắt chặt quan hệ với liên hiệp Áo – Hung.

Dưới áp lực của Anh, Áo – Hung và của cả Đức, chính phủ Nga buộc phải chấp nhận việc xét lại Hiệp ước San Stephano. Thủ tướng Đức đã mời các

cường quốc châu Âu đến Berlin tham dự một hội nghị do Đức chủ trì năm 1878. Theo quy định của Hiệp định Berlin, Bulgaria bị chia làm ba phần: phần phía bắc dãy núi Balkan là công quốc Bulgaria tự trị, còn hai phần kia phụ thuộc Thổ Nhĩ Kỳ với những điều kiện khác nhau [10;280]. Các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục bị đóng kín đối với tàu thuyền Nga [18;14]. Anh giành được quyền kiểm soát đảo Sip – một vị trí chiến lược nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, án ngữ lối ra vào kênh đào Suez. Còn đế quốc Áo – Hung giành được quyền kiểm soát đối với Bosnia và Hersegovina [27;58].

Đế quốc Nga bị ép phải nhượng bộ, mất đi hầu hết thành quả từ cuộc xâm lược. Quan hệ giữa đế quốc Nga với đế quốc Đức ngày càng xấu đi do Đức thiên vị ủng hộ Áo – Hung và Anh đã phá ảnh hưởng của Nga ở Balkan cũng như vùng Cận Đông. Trong cuốn Forty year of diplomacy (Bốn mươi năm ngoại

giao), Baron Rosen đã viết: “Công luận ở Nga xem kết quả của hội nghị Berlin

là một nỗi thất vọng lớn lao, mà trách nhiệm một phần được quy cho sự thiếu năng lực trong ngoại giao của chúng ta và phần khác là từ thất bại của Hoàng thân Bismarck trong sự hỗ trợ luận điểm của nước Nga bằng tất cả ảnh hưởng của ông ta trong tư cách Chủ tịch Hội nghị” [34;37].

Như vậy, sau chiến tranh Nga – Thổ, đế quốc Nga đã thu về những thành quả nhất định. Tuy nhiên, sự can thiệp của các cường quốc châu Âu đã tước đi những lợi ích mà Nga đạt được. Đế quốc Nga phải tìm cách giải quyết những khó khăn ở phương Tây, nơi mà Nga bị nhiều nước đế quốc cạnh tranh gay gắt về quyền lợi. Tuy nhiên mục tiêu này của đế quốc Nga vấp phải rất nhiều khó khăn thách thức và đòi hỏi Nga hoàng phải có những đối sách phù hợp.

Từ những khó khăn trên, đối sách ngoại giao trong giai đoạn sau của đế quốc Nga một mặt tiếp tục theo đuổi việc bình định châu Âu – một chính sách ngoại giao hòa bình để giải quyết những khó khăn ở phương Tây. Mặt khác tiến hành bành trường ở phương Đông để tìm kiếm nguồn lợi phát triển đất nước, mở rộng tầm ảnh hưởng ở châu Á và cũng đồng thời giúp Nga thoát khỏi thế bị kìm kẹp ở phương Tây.

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của đế quốc nga 1861 1917 (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)