Tham vọng bành trướng mở rộng từ Nga hoàng Alexander II đến Nga

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của đế quốc nga 1861 1917 (Trang 39 - 43)

6. Bố cục khóa luận

1.3. Nhân tố chủ quan tác động đến chính sách đối ngoại của đế quốc Nga

1.3.2. Tham vọng bành trướng mở rộng từ Nga hoàng Alexander II đến Nga

hoàng Nicholas II

Truyền thống về đối ngoại của đế quốc Nga tiếp tục được các triều đại Nga hoàng Alexander II , Nga hoàng Alexander III và Nga hoàng Nicholas II thực hiện trong giai đoạn 1861-1917. Bên cạnh đó, mỗi vị Sa hoàng lại có những định hướng khác nhau và thi hành các chính sách đối ngoại Nga phù hợp với bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế.

Nga hoàng Alexander II trị quốc trong giai đoạn 1855-1881, ông lên ngôi khi đế quốc Nga đang ở trong cuộc chiến tranh Krym (1853-1856). Thất bại trong cuộc chiến tranh Krym đã ảnh hưởng rất lớn đến đối ngoại của Nga sau này. Bên cạnh việc giải quyết những hậu quả sau chiến tranh Krym, đế quốc Nga dưới sự thống trị của Sa hoàng Alexander II – mang trong mình dòng máu của dòng họ Romanov tiếp tục chính sách đối ngoại bành trướng.

Để chuẩn bị hiện thực hóa tham vọng của mình, Sa hoàng Alexander II đã tiến hành cùng lúc cải cách nông nô và cải cách về quân đội, đặc biệt là hải quân. Năm 1874, Hiến chương bắt buộc được thông qua. Theo đó, chế độ cưỡng bách tòng quân toàn dân được thực hiện. Nhờ cải cách, nhà nước đã tạo ra được một đội quân đổi mới với số lượng đáng kể. Đó là lực lượng quân đội đông đảo sẵn sàng tham chiến trong trường hợp có chiến tranh.

Đồng thời, quân đội Nga đã trở nên hiện đại hơn về cơ cấu, chiến thuật và vũ khí. Năm 1861, Nga đã đặt hàng con tàu bọc thép đầu tiên từ Vương quốc Anh. Trong hai năm, hàng loạt tàu bọc thép đã được chế tạo tại Saint Petersburg. Năm 1864, tàu bọc thép Sevastopol đầu tiên của Nga, với lượng giãn nước 6.145

tấn, đã được hạ thủy ở tại Kronstadt, Vịnh Phần Lan [38]. Năm 1872, dưới sự chỉ đạo của Đô đốc Popov, Nga đã sản xuất tàu chiến tháp pháo lớn nhất và mạnh nhất thế giới Pyotr Veliky (Pyotr Đại đế). Vào cuối những năm 1870, sức mạnh quân sự của hạm đội Nga đã được xếp hạng thứ ba trên thế giới. Sức mạnh quân sự của Nga ngày càng lớn mạnh là cơ sở để Nga hoàng tiến hành bành trướng, mở rộng lãnh thổ và tranh giành quyền lợi trên phạm vi quốc tế. Nó cùng là một minh chứng cho những tham vọng lớn lao của Nga hoàng Alexander II nói riêng và đế quốc Nga nói chung.

Triều đình Sa hoàng Alexander II đã có những bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng của mình ở châu Âu. Một trong những động thái bành trướng đầu tiên là sự kiện quân Nga đã trấn áp khởi nghĩa Tháng Giêng năm 1863 ở Ba Lan. Từ đây, Nga tiếp tục xây dựng các kế hoạch bành trướng, mở rộng ra các vùng đất quan trọng khác ở châu Âu. Những động thái can thiệp chính trị và chiến tranh của chính quyền Sa hoàng đã khiến các cường quốc châu Âu rất lo lắng và tìm mọi cách hạn chế tầm ảnh hưởng của đế quốc Nga.

Phương Đông cũng là vùng đất mà đế quốc Nga hướng đến ngay từ thời kì Alexander II cầm quyền. Chính sách đối ngoại của Sa hoàng Alexander II hướng đến tham vọng thực dân hóa vùng đất này và phát triển quan hệ ngoại thương giữa Nga và nhà Mãn Thanh của Trung Quốc. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính quyền Nga hoàng đó là giành quyền sở hữu những cảng quân sự chiến lược. Các nước đế quốc khác như đế quốc Anh đã được tự do đi vào tất cả các đại dương và các cửa biển của thế giới; nước Pháp hướng mặt về Đại Tây Dương và nắm giữ một phần bờ biển Địa Trung Hải; nước Đức nắm giữ đường giao thương huyết mạch nhờ kênh đào Kiel, kênh đào ở biển Bắc. Về phía mình, đế quốc Nga gặp nhiều bất lợi về vị trí địa lý, khao khát sở hữu cảng biển nước ấm càng thôi thúc chính quyền Nga hoàng Alexander II mở rộng bành trướng.

Tham vọng bành trướng phương Đông của đế quốc Nga tiếp tục được các vị Hoàng đế kế nhiệm Sa hoàng Alexander II thực hiện, nhất là giai đoạn cầm

quyền của Sa hoàng Nicholas II. Mục tiêu của chính phủ Nicholas II chính là Mãn Châu và Triều Tiên. Tham vọng của đế quốc Nga đã động chạm đến quyền lợi mà các nước đế quốc khác cũng hướng đến ở khu vực này, khiến cho mâu thuẫn giữa Nga với các đế quốc có chung lợi ích ngày càng gay gắt. Tuy nhiên, tham vọng mở rộng bành trướng lãnh thổ đã thôi thúc đế quốc Nga tiếp tục triển khai các đối sách của mình ở Đông Á. Mục tiêu kìm hãm các thế lực đối địch có thể đe dọa Nga ở phía Đông, mà tiêu biểu nhất là đế quốc Nhật Bản chính là một trong những trọng tâm của đối ngoại. Nga hoàng Nicholas II đã từng nói với Hoàng tử Henry của Phổ: “Ta không hề muốn Cao Ly cho riêng mình nhưng ta

cũng không thể cho phép người Nhật đặt chân lên đó. Nếu họ chiếm nó, đó sẽ là một sự khiêu khích Nga. Sự hiện diện của người Nhật trên đất Cao Ly sẽ giống như một Bosporus mới của chúng ta tại Đông Á vậy. Nga không bao giờ chấp nhận điều đó” [37;41].

Giai đoạn cuối thế kỉ XIX, cũng như các nước đế quốc khác, chính sách đối ngoại Sa hoàng Nicholas II vẫn tiếp tục là bành trướng và mở rộng lãnh thổ. Câu nói nổi tiếng của vị Sa hoàng cuối cùng trong lịch sử Nga khi xâm chiếm đảo Sakhalin là: “Khi lá cờ của Nga tung bay ở bất cứ nơi nào thì chắc chắn nó

sẽ không được hạ xuống” [23;5]. Điều đó thể hiện tham vọng bành trướng, khao

khát chinh phục phương Đông cũng như xâm chiếm các vùng lãnh thổ khác của Sa hoàng Nicholas II và chế độ quân chủ chuyên chế.

Truyền thống đối ngoại của đế quốc Nga nói chung, những tham vọng bành trướng của các triều đại từ Nga hoàng Alexander II đến Nga hoàng Nicholas II nói riêng có ảnh hưởng rất lớn đến các đối sách ngoại giao của đế quốc Nga thời cận đại. Các Sa hoàng đã thể hiện tham vọng xây dựng một đế quốc Nga hùng mạnh. Thể chế quân chủ chuyên chế - quyền lực tập trung trong tay hoàng đế là yếu tố quan trọng giúp các Sa hoàng thực hiện chính sách đối ngoại theo định hướng của triều đại mình. Vì vậy, một trong những nhân tố tác động đến đối ngoại đế quốc Nga 1861-1917, chính là chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các vị Nga hoàng cai trị trong giai đoạn này.

Tiểu kết chương 1

Nước Nga là một quốc gia hùng mạnh có bề dày truyền thống lịch sử, chế độ quân chủ chuyên chế với sự thống trị của các vương triều Sa hoàng cũng đã trải qua một quá trình xây dựng và củng cố trong nhiều thế kỉ. Trong giai đoạn 1861-1917, lịch sử thế giới cận đại chứng kiến sự thay đổi và những bước tiến mới trong rất nhiều lĩnh vực. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đối với đế quốc Nga. Một mặt, nước Nga vẫn giữ lại nền móng của đất nước, mặt khác trong lòng nước Nga cũng có những biến động mới, phù hợp với sự phát triển chung của lịch sử giai đoạn này.

Đối nội thay đổi sẽ tác động sâu sắc đến các chính sách ngoại giao. Với cuộc cải cách nông nô 1861, Sa hoàng vẫn giữ được quyền thống trị của mình, không những kế thừa truyền thống đối ngoại của các vương triều trong lịch sử mà còn có những định hướng tham vọng riêng. Kinh tế Nga bước vào giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng tồn tại nhiều hạn chế. Xã hội Nga chồng chéo những mâu thuẫn gay gắt. Bên cạnh đó, chủ nghĩa tư bản trên thế giới đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ, tiến lên chủ nghĩa đế quốc, những mâu thuẫn trong quan hệ quốc tế khiến đế quốc Nga không thể đứng ngoài cuộc.

Tất cả những khía cạnh này đã góp phần hình thành và thúc đẩy các chính sách đối ngoại Nga giai đoạn 1861-1917. Các đối sách ngoại giao của đế quốc Nga sau này đều được cân nhắc để phù hợp với tình hình trong nước cũng như quan hệ quốc tế nửa cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX.

CHƯƠNG 2 . NỘI DUNG VÀ QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA ĐẾ QUỐC NGA 1861-1917

Một phần của tài liệu Chính sách đối ngoại của đế quốc nga 1861 1917 (Trang 39 - 43)