CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
3.3. Thực trạng các nhân tố ảnh hưởng tới thu ngân sách địa phương tạ
3.3.5. Chất lượng thể chế
Chất lượng thể chế tại địa phương trong luận án được đo lường thông qua biến đại diện là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.
Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2011 cho thấy sự cải thiện trong công tác điều hành của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo VCCI, những lĩnh vực dễ cải cách đã cạn trong khi những vấn đề lớn chưa xoay chuyển
được lại đòi hỏi cân bằng các nhóm lợi ích của địa phương như tính minh bạch và mối quan hệ cá nhân giữa doanh nghiệp và chính quyền. Báo cáo PCI 2011 ghi nhận: “Rất ít thấy những cải cách trong các lĩnh vực nhiều thử thách, chẳng hạn như cải thiện lòng tin vào hệ thống tư pháp, hoặc nâng cao chất lượng lao động địa phương. Dường như các tỉnh thành công từ những thời kỳ đầu cải cách của Việt Nam lại đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình trước các tỉnh bạn khác, những địa phương có thể tăng điểm nhờ những cải cách tương đối dễ”. Đặc biệt, theo kết quả khảo sát, dù doanh nghiệp ghi nhận tình trạng tham nhũng nhỏ (dưới dạng tiền lót tay cán bộ cơ quan hành chính địa phương) đã có cải thiện, nhưng tham nhũng ở quy mô lớn lại gia tăng theo thời gian.
Báo cáo PCI năm 2012 nêu ra một số điểm đáng lo ngại. Theo điều tra, chất lượng điều hành của các địa phương sụt giảm đáng kể. Điểm số của tỉnh trung vị ở mức thấp nhất từ trước tới nay, hơn nữa không một tỉnh nào vượt qua mức 65 điểm dành cho nhóm tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Theo VCCI, sự sụt giảm này một phần xuất phát từ tâm lý bi quan về triển vọng kinh doanh. Dữ liệu năm 2012 cho thấy, chính quyền địa phương đã nỗ lực cải cách những lĩnh vực không phức tạp như cắt giảm thời gian chờ cấp giấy đăng ký kinh doanh, giảm số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Tuy nhiên ở những lĩnh vực liên quan đến kinh doanh khác như giảm thiểu tham nhũng hay bảo vệ quyền tài sản, công tác cải cách không có điểm nổi trội mới.
Năm 2013, PCI có một số thay đổi và điều chỉnh quan trọng về phương pháp để bắt kịp với môi trường kinh doanh và thể chế ở Việt Nam. Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng thêm dữ liệu mới để xây dựng các chỉ số thành phần cũng như loại bỏ các chỉ tiêu không còn phù hợp. Báo cáo đã bổ sung thêm chỉ số mới – cạnh tranh bình đẳng – nhằm phản ánh yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh bình đẳng. Mặc dù có sự thay đổi về mặt phương pháp, song báo cáo PCI vẫn đảm bảo cách xếp hạng nhất quán và hợp lý. Chỉ số PCI năm 2013 không có nhiều thay đổi đáng kể so với 2012.
Báo cáo PCI 2014 ghi nhận những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực Gia nhập thị trường, tiếp đến là Tính minh bạch, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Đào tạo lao động và Chi phí thời gian. So sánh với kết quả chỉ số PCI năm trước, một tỉnh trung vị cho thấy: Thời gian chờ đợi của doanh nghiệp để chính thức đi vào hoạt động giảm đi; Chất lượng và hiệu quả vận hành của các bộ phận một cửa tăng lên; Doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào quá trình hoạch định chính sách, vai trò của các hiệp hội địa phương được khẳng định; Mức độ hài lòng về chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động tăng lên. Tuy nhiên điều tra PCI 2014 cho thấy những sụt giảm đáng lo ngại ở lĩnh vực Chi phí không chính thức, Tính năng động và Tiếp cận đất đai. Đánh giá cả ba lĩnh vực này, doanh nghiệp tại tỉnh trung vi thể hiện tâm lý bi quan nhất kể từ khi tiến hành điều tra PCI trên tất cả các tỉnh, thành phố.
Báo cáo PCI 2015 tiếp tục cho thấy những lo ngại về mức độ tham nhũng ở các địa phương. Nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức cũng như tạo sân chơi bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân chưa phát huy hiệu quả. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết chi trả chi phí không chính thức tăng qua các năm, từ 50% năm 2013 lên 64,5% năm 2014 và 66% năm 2015. Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra cho biết các khoản chi này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với năm 2014. Có tới 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Báo cáo PCI 2016 cho thấy một số xu hướng đáng quan ngại ở các lĩnh vực sau: - Tính minh bạch: Điểm tiếp cận các loại tài liệu về kế hoạch (như ngân sách, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các chính sách ưu đãi đầu tư v.v…) và điểm tiếp cận các tài liệu pháp lý của các doanh nghiệp ở tỉnh trung vị đã thấp hơn mức khởi điểm điều tra PCI năm 2006. Đáng quan ngại là mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2016, 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử năm 2008.
- Chi phí không chính thức: Chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006. Trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013. Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến.
Như vậy có thể thấy, mặc dù có sự cải thiện ở một số chỉ tiêu tính PCI, song đây chủ yếu là các chỉ tiêu/vấn đề dễ thay đổi. Những điểm đáng lo ngại trong báo cáo của VCCI vẫn tập trung vào: (1) chi phí không chính thức; (2) tính minh bạch thông tin; (3) cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Khi chi phí không chính thức vẫn ở mức độ cao, thông tin không mình bạch và còn sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp, chất lượng thể chế ở các địa phương vẫn còn thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới hiệu quả thu thuế/thu ngân sách ở địa phương.