2.1 Thực trạng khai thác đá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
2.1.1 Khái quát đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội ảnh hưởng tới hoạt
hoạt động khai thác đá tỉnh Ninh Bình
Ninh Bình là một tỉnh cực nam của đồng bằng Sông Hồng, nằm ở vị trí ranh giới 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Tỉnh này cũng nằm giữa 3 vùng kinh tế: vùng Hà Nội, vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng duyên hải miền Trung. Các đơn vị hành chính trong tỉnh gồm thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và 6 huyện: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Kim Sơn, Yên Mô, Yên Khánh. Thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị, kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh.
Tỉnh Ninh Bình có vị trí địa lý rất thuận lợi đối với sự phát triển công nghiệp khai khoáng sản xuất vật liệu xây dựng. Tỉnh có nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng rất phong phú với chất lượng tốt lại nằm gần vùng kinh tế trọng điểm ở phía bắc gồm nhiều tỉnh không có loại khoáng sản này như: Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định và thủ đô Hà Nội.
Dân số của tỉnh Ninh Bình năm 2013 có khoảng 926.995 người, tăng 1,2% so với năm 2012. Trong đó, dân số thành thị chiếm khoảng 12,4%. Trung bình từ năm 2010, mỗi năm dân số của tỉnh tăng thêm khoảng 7.100 người. Mật độ dân số của tỉnh là 673 người/km2, thuộc loại thấp so với mật độ trung bình của vùng đồng bằng sông Hồng (932 người/km2). Dân cư phân bố khá đều giữa các địa phương trong tỉnh, tập trung đông ở thành phố Ninh Bình (2.467 người/km2) thấp nhất là huyện Nho Quan (khoảng 331 người/km2) [19, tr.3].
Kinh tế Ninh Bình giai đoạn 2006 - 2010 có mức tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2006 - 2010 đạt 15,6%/năm, trong giai đoạn 2011-2013, đạt 11,9%/năm. Căn cứ vào giá trị tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các ngành kinh tế cho thấy, cơ cấu kinh tế hiện tại của Ninh Bình là cơ cấu công nghiệp – xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông, lâm, thủy sản. Tổng thu trong 05 năm 2006-2010 đạt khoảng 23.632 tỷ đồng, gấp 4,7 lần tổng thu 5 năm 2001- 2005. Tổng thu trên địa bàn tỉnh năm 2013 đạt trên 5.400 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với năm 2010 [43, tr.4].
Đời sống văn hoá xã hội của tỉnh ngày càng được nâng cao, đời sống nhân dân ổn định và được cải thiện về nhiều mặt, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới. Lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo: Phát triển cả về qui mô, chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, công tác xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh. Hệ thống y tế của tỉnh cũng tương đối phát triển. 100% xã, phường có trạm y tế, 95% thôn bản có nhân viên y tế, 45,5% trạm y tế có bác sỹ, trên 90% trạm y tế xã khám chữa bệnh cho nhân dân theo thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Đời sống văn hoá văn nghệ ngày càng được nâng cao. Cơ sở phát thanh, truyền hình, thông tin liên lạc phát triển khá nhanh, đáp ứng được nhu cầu nhân dân trong tỉnh.
Ninh Bình được đánh giá là địa phương có tiềm năng chủ yếu về khoáng sản vật liệu xây dựng (phong phú về chủng loại và có trữ lượng lớn) như: đá vôi xi măng, đá vôi xây dựng, dolomit, sét xi măng, sét gạch ngói, đất đá san lấp. Còn lại hầu như không có khoáng sản quý hiếm hoặc có nhưng trữ lượng quá nhỏ không có giá trị công nghiệp.
Trên cơ sở phân tích nhu cầu xi măng đá xây dựng, đất đá san lấp ở tỉnh Ninh Bình và khu vực Đồng bằng sông Hồng, nhóm nghiên cứu Phòng Khoáng sản, Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Ninh Bình đưa ra dự báo nhu cầu các nguyên liệu khoáng chủ yếu (đá vôi xi măng, sét xi măng, đá xây
dựng, đất đá san lấp) để phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh từ năm 2007 đến năm 2050 như sau [58, tr.13]:
* Về nhu cầu đá vôi xi măng, sét xi măng:
- Đá vôi xi măng: Giai đoạn 2007 - 2020 khoảng 175,6 triệu tấn; trong đó giai đoạn 2007 - 2010 khoảng 44,3 triệu tấn, giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 131,3 triệu tấn. Nếu 6 nhà máy xi măng trong tỉnh (Nhà máy xi măng Tam Điệp, nhà máy xi măng Hệ Dưỡng, nhà máy xi măng Duyên Hà, nhà máy xi măng Hướng Dương, nhà máy xi măng Vinakansai, nhà máy xi măng Phú Sơn) hoạt động liên tục đến năm 2050 với tổng công suất 12,86 tấn/năm thì nhu cầu đá vôi xi măng cần khoảng 678,7 triệu tấn.
- Sét xi măng: Giai đoạn 2007 - 2020 khoảng 94,6 triệu tấn; trong đó giai đoạn 2007 - 2010 khoảng 23,9 triệu tấn, giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 70,7 triệu tấn. Nếu 6 nhà máy xi măng trong tỉnh hoạt động liên tục đến năm 2050 với tổng công suất 12,86 tấn/năm thì nhu cầu đá vôi xi măng cần khoảng 365,5 triệu tấn.
* Về nhu cầu đá xây dựng, đất đá làm vật liệu san lấp:
Căn cứ sự phát triển kinh tế - xã hội và sản lượng khai thác đá xây dựng và đất đá san lấp của tỉnh; căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2010 và 2020; trên cơ sở sản lượng khai thác đá xây dựng và đất đá san lấp của tỉnh năm 2006; nhu cầu các loại đá xây dựng và vật liệu san lấp của tỉnh đến năm 2020 được dự báo như sau:
- Đá xây dựng: Giai đoạn 2007 - 2020 khoảng 100 - 120 triệu m3; trong đó giai đoạn 2007 - 2010 khoảng 20 - 30 triệu m3; giai đoạn 2010 - 2020 khoảng 80 - 90 triệu m3.
- Đất đá san lấp: Giai đoạn 2007 - 2020 khoảng 80 - 100 triệu m3; trong đó giai đoạn 2007 - 2010 khoảng 15 - 20 triệu m3; giai đoạn 2010 - 2020 khoảng 70 - 80 triệu m3.
Có thể thấy rằng, nguồn tài nguyên khoáng sản tỉnh Ninh Bình tuy không đa dạng về chủng loại nhưng thực tế những lợi ích thu được từ hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trong những năm qua đã góp phần đáng kể nhất định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh. Việc tăng cường phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản trong tỉnh không chỉ phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh mà còn cho các thị trường ở tỉnh bạn và trong cả nước.