Tác động của hoạt động khai thác đá tới con người và mô

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá qua thực tiễn tỉnh ninh bình (Trang 55 - 59)

2.1 Thực trạng khai thác đá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

2.1.3 Tác động của hoạt động khai thác đá tới con người và mô

* Tác động của hoạt động khai thác đá đến sức khỏe, cuộc sống con người

Việc phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác đá đã diễn ra trong một thời gian dài, khu vực xung quanh các mỏ khai thác đá không ngày nào không có bụi đá và tiếng ồn phát ra từ các mỏ đá và các xe tải, xe công nông tự chế vận chuyển đá. Việc ô nhiễm nghiêm trọng, kéo dài khiến nhiều người dân bị mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm xoang, phổi... tiếng ồn liên tục đã tác động xấu đến hệ thần kinh, gây ù tai, mất ngủ,… Theo thống kê của Trạm y tế xã Ninh Vân, trung bình mỗi tháng có từ 600 - 700 lượt người khám. Các bệnh thông thường người dân hay mắc phải như viêm da dị ứng, viêm kết mạc, viêm họng, viêm xoang mũi. Những người trực tiếp làm nghề đá có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn hẳn [34].

Tiếng ồn trong khai thác đá là nguyên nhân gây nên các bệnh nghề nghiệp đối với những công nhân có thời gian tiếp xúc trên 3 tháng về thính giác. Khi tiếng ồn vượt quá giới hạn cho phép ảnh hưởng lớn đến hệ thần kinh, giảm năng suất lao động từ 20 – 40 %, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động [22, tr.50].

Đồ bảo hộ lao động sử dụng trong hoạt động khai thác đá đều chưa đạt chuẩn, có nhiều lao động chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề an toàn lao động, do vậy trong quá trình sản xuất, nhiều người đã không sử dụng thiết bị bảo hộ. Đối với các công nhân làm ở các xưởng khai thác đá có nguy cơ tai nạn nhiều hơn, vì họ phải làm việc trên cao mà không hề thắt dây an toàn…

Đặc biệt việc nổ mìn khai thác đá đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu nhà của người dân gần mỏ, hệ quả của nó là những ngôi nhà kiên cố bằng bê tông cốt thép mới xây được vài năm đã xuất hiện những vết nứt, bong tróc do hoạt động nổ mìn. Cuối năm 2013 đã xảy ra sự việc [57]: Nổ mìn khai thác thác đá ở mỏ Giếng Hang, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình do

Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Công Đính thực hiện đã gây hiện tượng rạn nứt nhà cửa của người dân khu vực xung quanh, đá từ các vụ nổ ngổn ngang khắp đồng ruộng, người dân lo sợ bị đá văng vào người. Hiện nay mỏ trên đã dừng hoạt động do những tác động của nó tới môi trường quá lớn.

Trên cơ sở quan sát thực tế, có thể nhận thấy hoạt động khai thác đá nói riêng và khai thác khoáng sản nói chung trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có những tác động tiêu cực đến môi trường đất, môi trường không khí, môi trường nước, tài nguyên sinh vật và môi trường văn hoá xã hội.

* Tác động của hoạt động khai thác đá đến môi trường đất

Các mỏ khai thác ở Ninh Bình đều được khai thác lộ thiên vì thế gây nên những biến động lớn đối với tài nguyên đất.

Hàng loạt mỏ khai thác đá xây dựng, đá vôi xi măng, sét gạch ngói trong tỉnh, tính theo công suất hàng năm cũng di chuyển và xúc bốc hàng triệu m3 đất đá, gây ra sự biến đổi đáng kể về địa hình.

Khai thác mỏ ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên đất, do chất thải hòa tan đem lại cho đất chủ yếu các nguyên tố Fe, Ca, Mg dễ tạo ra kết vón laterit làm mất độ màu mỡ cho cây trồng [58, tr.21].

* Sự ô nhiễm và suy thoái nguồn tài nguyên nước

Biến động tài nguyên nước rất đa dạng, trong quá trình khai thác đá ở mỏ thường sản sinh ra nhiều loại chất thải khác nhau, gây ô nhiễm môi trường tự nhiên trong khu vực mỏ, trong đó có vai trò đóng góp của các kim loại nặng, các chất độc hại. Những hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước cần phải tính đến là bùn, bụi đá, các chất có hại sinh ra trong quá trình nổ mìn lẫn vào bùn bụi đá di chuyển xuống sông suối hoặc thấm xuống các tầng nước ngầm ở phía dưới khu mỏ rồi di chuyển theo sông ngầm, theo khe nứt của các tầng đá ra môi trường xung quanh v.v.. Vấn đề này hiện vẫn chưa được nghiên cứu với những loạt số liệu rõ ràng trong các diện tích khai thác đặc biệt là ở các huyện Nho

Quan, Yên Mô, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp, là những nơi đã và sẽ trở thành những trung tâm khai thác chế biến các loại đá lớn của tỉnh Ninh Bình. Trong các dạng di chuyển khác nhau của kim loại nặng và chất độc hại; thì cách thức di chuyển do dòng chảy (dòng chảy nước mặt, dòng chảy nước ngầm) đóng vai trò quyết định, các dạng di chuyển khác (khuếch tán, bụi mang đi do gió...) có vai trò nhỏ hơn.

Nước thải trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản đã làm vẩn đục, bồi lắng gây ô nhiễm nước không chỉ ở nơi khai thác mà cả ở miền hạ lưu làm bẩn nguồn nước sinh hoạt của nhân dân địa phương.

* Sự ô nhiễm môi trường không khí do khai thác khoáng sản

Tác nhân gây ô nhiễm không khí trong công tác khai thác đá là nổ mìn, xúc bốc, vận chuyển, xay nghiền đá, hoạt động của các thiết bị động cơ diezen.

Tiếng ồn, độ rung và chấn động trong khai thác và chế biến khoáng sản là không thể tránh khỏi. Tiếng ồn, độ rung và chấn động sinh ra do nổ mìn, do các thiết bị nặng (như máy xúc, máy gạt và các phương tiện vận chuyển khoáng sản) làm việc sinh ra.

Tác động nổ mìn đã sinh ra bụi và khí CO, CO2, H2S, NO2 rất cao so với tiêu chuẩn của Bộ Khoa học công nghệ và môi trường. Hàng năm, lượng thuốc nổ được sử dụng để khai thác đá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lên tới 1.000 tấn. Với khối lượng thuốc nổ như vậy sẽ thải ra không khí rất nhiều khí độc. Những khí này gây hiệu ứng nhà kính, làm không khí nóng lên và phá hủy tầng ôzôn.

Trong các khu mỏ khai thác và chế biến vật liệu xây dựng với sản lượng khai thác đá các loại trong tỉnh hàng năm là trên 6.000.000 m3, thì nồng độ bụi trong không khí lúc cao nhất có thể vượt 2 đến 3 lần tiêu chuẩn cho phép. Các khu dân cư nằm gần khu vực khai thác sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng.

cũng là nguồn đáng kể để gây ô nhiễm không khí. Trong thành phần khí thải của các phương tiện có động cơ đốt trong chứa bụi SO2, NO, CO, tổng hydrocarbon và Pb. Các chất này phát sinh từ các nguồn phân tán và tác động tới môi trường. Mức độ tác động của các chất này phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa hình và điều kiện khí hậu trong khu vực.

Với sản lượng khai thác đá các loại trong tỉnh hàng năm là 6.000.000m3, thì mỗi năm từ các khu khai thác đã đưa vào khí quyển một lượng khí thải đáng kể (gấp 20 lần các con số theo tính toán của WHO), trước hết gây ô nhiễm bầu không khí trong khu vực khai thác, ảnh hưởng tới điều kiện khí hậu khu vực và các vùng lân cận [58, tr.23].

* Sự tác động làm biến đổi môi trường văn hóa - xã hội, dân cư

- Tác động tích cực: Thực tế quá trình khai thác và chế tạo đá các loại đã tạo ra một nguồn thu đáng kể góp phần nâng cao trình độ kinh tế - văn hóa - xã hội ở các khu mỏ và khu vực lân cận.

Quá trình phát triển công nghiệp khai khoáng, đã tạo ra chỗ làm việc tương đối ổn định cho khối lượng đáng kể người lao động, góp phần điều hòa mật độ dân cư giữa các vùng và nâng cao đời sống người lao động.

- Tác động tiêu cực: Tác động tiêu cực đối với môi trường kinh tế - xã hội chủ yếu xảy ra ở những nơi khai thác đá trái phép và khai thác nhỏ lẻ. Những hậu quả về môi trường kinh tế - xã hội của khai thác khoáng sản tự do và nhỏ lẻ có thể nhận thấy rất rõ ràng: Gây ô nhiễm môi trường, do công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu và do các cơ quan có chức năng, thẩm quyền không kiểm soát, giám sát được; Tập trung lượng lao động phổ thông lớn, chủ yếu từ nông thôn tới các khu công nghiệp khai thác, chế biến sản xuất khoáng sản, làm thay đổi cơ cấu lao động của các khu vực kinh tế; Gây xáo trộn đời sống kinh tế và xã hội các vùng khai thác khoáng sản, tạo nên sự cách biệt trong sinh hoạt giữa người khai thác với các tầng lớp nhân dân lao động ở địa

phương; Thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách địa phương, Nhà nước; Bệnh tật, tai nạn lao động và tệ nạn xã hội, xảy ra ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh của địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá qua thực tiễn tỉnh ninh bình (Trang 55 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)