Quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá qua thực tiễn tỉnh ninh bình (Trang 78 - 80)

2.2 Thực tiễn áp dụng pháp luật về kiểm soá tô nhiễm môi trường

2.2.7 Quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung

Trước đây theo quy định của Luật bảo vệ môi trường 2005 chỉ có:

“Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ vượt quá tiêu chuẩn môi trường phải có trách nhiệm kiểm soát, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường” [39, Điều 85, Khoản 1]. Với quy định như trên không đảm bảo hiệu quả việc kiểm soát tiếng ồn và độ rung bởi: Cách thức kiểm soát bằng cách xử lý khi việc “vượt quá tiêu chuẩn môi trường” đã xảy ra, đã có sự tác động nhất định tới môi trường mà không chú trọng tới việc ngăn ngừa từ nguồn gây tiếng ồn, độ rung.

Vấn đề trên đã được khắc phục trong quy định tại Khoản 1 Điều 103 Luật bảo vệ môi trường: “Tổ chức, cá nhân gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải kiểm soát, xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường” [39]. Những nội dung khác của công tác quản lý và kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ tại Điều 103 cơ bản kế thừa các quy định tại Điều 85 Luật bảo vệ môi trường 2005 chỉ khác về câu chữ, cụ thể như sau:

2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư.

3. Tổ chức, cá nhân quản lý tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải có biện pháp giảm thiểu, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

4. Cấm sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo nổ. Việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng pháo hoa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ [39, Điều 85].

a) Quản lý và kiểm soát tiếng ồn trong hoạt động khai thác đá trên phạm vi tỉnh Ninh Bình

• Tiếng ồn do máy khoan phá đá: Kết quả đo đạc của Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho thấy cường độ tiếng ồn do máy khoan đập thủy lực gây ra ở mức 66,7 – 74,5 dBA. Tiếng ồn này ảnh hưởng trực tiếp đến công nhân điều khiển máy.

Tiếng ồn do nổ mìn: Tiếng ồn do bắn mìn phá đá có cường độ âm thanh lớn, vang đi xa, số liệu ghi nhận được tiếng nổ tức thời (cách tâm nổ 100m) từ 90 – 120 dBA, tối đa có thể đạt đến 160 dBA. Con số này vượt xa giới hạn cho phép của tiếng ồn đối với người lao động và có tác động tới khu vực xung quanh trong bán kính khoảng 500 – 1000m.

Tiếng ồn do bốc xúc, vận chuyển: Kết quả khảo sát ở các mỏ đá hiện đang khai thác cho thấy tiếng ồn đều vượt quá giới hạn 75 dBA, con số có thể lên tới 90 – 95 dBA [22, tr.51].

• Ô nhiễm tiếng ồn có thể được giảm thiểu bằng các biện pháp như: Tuân thủ chế độ làm việc 2 ca, không làm việc từ 22h đến 6h sáng. Bố trí thời gian hoạt động của các phương tiện thi công phù hợp, tránh gây ồn ào vào thời gian nghỉ ngơi của công nhân; Thường xuyên bảo trì các thiết bị, phương tiện thi công để làm giảm tiếng ồn; Bố trí nơi ở, sinh hoạt cách xa khu vực thi công. Việc này còn phụ thuộc vào các yếu tố như đặc điểm địa hình khu mỏ, phương tiện đi lại của công nhân, tiến độ khai thác của dự án… Trang bị nút tai, mũ chụp cho công nhân tham gia thi công trên công trường. Thiết bị an toàn lao động trên công trường phần lớn đều không đạt hiệu quả chống ồn, chỉ có thể đảm bảo chống bụi một phần, bên cạnh đó còn phụ thuộc vào ý thức tự bảo vệ của công nhân trong quá trình làm việc.

b) Quản lý và kiểm soát độ rung trong hoạt động khai thác đá trên phạm vi tỉnh Ninh Bình

Nổ mìn tạo ra chấn động ảnh hưởng đến các nền đất đá gần biên giới công trường, có thể gây sụt, lở đất ảnh hưởng tới khu vực xung quanh. Như vậy, có thể thấy rằng việc kiểm soát tiếng ồn, độ rung và cả ô nhiễm đất phụ thuộc phần lớn vào việc giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình nổ mìn với các biện pháp cơ bản sau: Thời gian nổ chỉ hoạt động vào giờ nhất định từ 11h đến 1h 30; Nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn trong nổ mìn; Xác định cụ thể phạm vi an toàn đối với người và các thiết bị theo quy định về an toàn trong các mỏ lộ thiên; Nghiên cứu tính hợp lý và sử dụng các loại thuốc nổ không gây ô nhiễm, sử dụng thuốc nổ ANFO sinh ra ít độc hại tới môi trường và phương pháp nổ Visai theo hàng để giảm độ rung địa chấn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực khai thác đá qua thực tiễn tỉnh ninh bình (Trang 78 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)