• Nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ quản lý nhà nước về môi trường
Các quy định của pháp luật chỉ được áp dụng, áp dụng một cách hiệu quả vào đời sống trên cơ sở một cơ chế thi hành pháp luật hiệu quả, trong đó con người đóng vai trò quyết định. Chính vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, chúng ta cần có các giải pháp nhằm nâng cao năng lực thi hành pháp luật của các cơ quan quản lý nhằm đạt kết quả tốt nhất trong công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Trong phạm vi luận văn, tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây:
ـ Các cấp chính quyền, đặc biệt là cấp xã cần có đội ngũ cán bộ là những người hiểu biết về pháp luật, gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Kiến thức pháp luật của cán bộ cơ sở có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng trong việc quản lý môi trường bằng pháp luật.
- Cần khắc phục tình trạng năng lực quản lý yếu kém của cán bộ quản lý môi trường thông qua các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ của cán bộ sở tại. Việc bồi dưỡng cán bộ cần diễn ra thường xuyên và là một hoạt động mang tính bắt buộc đối với các cán bộ quản lý. Bên cạnh các chương trình bồi dưỡng có quy mô lớn, có thể tổ chức các lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý môi trường với phạm vi nhỏ hơn là trong địa phương, chương trình đào tạo lúc đó sẽ gắn trực tiếp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương, mang tính thiết thực và đạt hiệu quả cao hơn.
- Cần yêu cầu cán bộ quản lý phải thường xuyên cập nhật thông tin về chính sách, văn bản pháp luật mới; đòi hỏi cán bộ cơ sở phải thật sự có thái độ nghiêm túc, cầu thị học hỏi nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật.
Hiện nay, các văn bản pháp luật liên tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung đáp ứng các yêu cầu từ thực tiễn. Các cán bộ quản lý về môi trường chỉ có thể hoàn thành trách nhiệm quản lý của mình nếu nắm rõ về sự thay đổi các quy định của pháp luật.
• Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả trong quản lý và thực hiện công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường
Về tổ chức hoạt động của hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá, cần quy định một cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá. Hiện tại, có rất nhiều cơ quan cùng có chức năng liên quan đến quản lý nhà nước đối với việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong các hoạt động khai thác đá như Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình, Chi cục Thuế tỉnh Ninh Bình, Sở tài chính tỉnh Ninh Bình, Sở tư pháp tỉnh Ninh Bình, UBND xã nơi đặt mỏ khai thác… Để có thể quản lý và giải quyết các vấn đề về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá, cần có một cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết và điều phối sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan khác. Cần quy định theo hướng tập trung trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời quy định rõ sự phối kết hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan khác trong và ngoài tỉnh trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá.
Một trong những điểm yếu nhất trong quản lý nhà nước về kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá tại Ninh Bình nói riêng, đó là chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Với một hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường
trong hoạt động khai thác đá, nhất thiết phải có một cơ chế gắn kết chúng, điều phối hoạt động giữa chúng nhằm nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Cơ chế phối hợp này sẽ giúp làm rõ chức năng của các cơ quan trong việc giải quyết các sự cố trong quá trình khai thác đá, quản lý các vấn đề về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong suốt quá trình hoạt động của các mỏ khai thác.
Mỗi cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm quản lý trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Sự phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên giữa các cơ quan thuộc bộ máy nhà nước có trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực môi trường có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn tỉnh.
Ví dụ: Mỗi dự án mở mỏ khai đá phải thực hiện báo cáo ĐTM, lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khi dự án kết thúc theo quy định của pháp luật và được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình phê duyệt.
Các tài liệu trên được Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Ninh Bình lưu trữ và quản lý.
Việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường thực hiện tại Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh Ninh Bình.