2.2 Thực tiễn áp dụng pháp luật về kiểm soá tô nhiễm môi trường
2.2.8 Quan trắc môi trường
“Quan trắc môi trường là quá trình theo dõi có hệ thống về thành phần môi trường, các yếu tố tác động lên môi trường nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đối với môi trường” Khoản 17 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2005 và Khoản 20 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014 có sự thống nhất về cách hiểu đối với hoạt động quan trắc môi trường. Hiện trạng môi trường ngày càng xấu đi càng thể hiện rõ vai trò của công tác đánh giá hiện trạng, dự báo diễn biến môi trường. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá chất lượng môi trường, khoanh vùng ô nhiễm, từ đó kiểm soát ô nhiễm môi trường hướng tới mục tiêu bảo vệ và phát triển bền vững môi trường.
Với mục tiêu xây dựng một hệ thống quan trắc môi trường quốc gia thống nhất và toàn diện, Luật bảo vệ môi trường 2014 có một chương riêng về Quan trắc môi trường thay đổi về hình thức so với Luật bảo vệ môi trường 2005 (Quan trắc môi trường và thông tin về môi trường được quy định trong 01 chương (Chương X) của Luật bảo vệ môi trường 2005). Không chỉ thay đổi về hình thức, những quy định trong Chương XII Luật
bảo vệ môi trường 2014 về Quan trắc môi trường cũng có nhiều thay đổi, bổ sung về mặt nội dung.
Thứ nhất, thành phần môi trường và chất thải cần được quan trắc được xác định cụ thể tại Điều 122, bao gồm:
1. Môi trường nước gồm nước mặt lục địa, nước dưới đất, nước biển; 2. Môi trường không khí gồm không khí trong nhà, không khí ngoài trời; 3. Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng; 4. Môi trường đất, trầm tích; 5. Phóng xạ; 6. Nước thải, khí thải, chất thải rắn; 7. Hóa chất nguy hại phát thải và tích tụ trong môi trường; 8. Đa dạng sinh học [42, Điều 122].
Thứ hai, Điều 123 Luật bảo vệ môi trường 2014 về Chương trình quan trắc môi trường quy định dựa trên cơ sở phân chia về cấp độ thực hiện: Chương trình quan trắc môi trường quốc gia; Chương trình quan trắc môi trường cấp tỉnh; Chương trình quan trắc môi trường của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trước đây theo Luật bảo vệ môi trường 2005, “Chương trình quan trắc môi trường bao gồm chương trình quan trắc hiện trạng môi trường và chương trình quan trắc tác động môi trường từ các hoạt động kinh tế - xã hội” [39, Điều 97, Khoản 1]. Với xu hướng quy định hiện nay, giới hạn về phạm vi của đối tượng quan trắc được xác định rõ ràng hơn, nhiệm vụ quan trắc, đánh giá môi trường cụ thể hơn so với trước kia.
Thứ ba, quy định về hệ thống quan trắc môi trường tại Điều 124 Luật bảo vệ môi trường 2014 tiếp tục quy định theo hướng phân chia như Điều 123: “Hệ thống quan trắc môi trường gồm: a) Quan trắc môi trường quốc gia; b) Quan trắc môi trường cấp tỉnh; c) Quan trắc môi trường tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” [42, Điều 124]. Điều này thể hiện sự khác biệt lớn so với quy định trước đây tại Khoản 1 Điều 95 Luật bảo vệ môi trường 2005:
“Hệ thống quan trắc môi trường bao gồm: a) Các trạm lấy mẫu, đo đạc phục vụ hoạt động quan trắc môi trường; b) Các phòng thí nghiệm, trung tâm phân tích mẫu, quản lý và xử lý số liệu quan trắc môi trường” [39, Điều 95, Khoản 1].
Thứ tư, Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định trách nhiệm quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, khu công nghiệp, khu chế xuất… tại Điều 125 thống nhất với cách phân chia về chương trình và hệ thống quan trắc tại Điều 123 và Điều 124. Vấn đề này trước đó được quy định tại Khoản 2 Điều 94 Luật môi trường 2005, tuy nhiên dựa trên cơ sở là đối tượng của hoạt động quan trắc kết hợp sự phân cấp trong quản lý.
Thứ năm, các tổ chức tham gia hệ thống quan trắc môi trường lần đầu được quy định tại Khoản 2 Điều 124 Luật bảo vệ môi trường 2014, gồm:
a) Tổ chức lấy mẫu, đo đạc mẫu môi trường tại hiện trường; b) Phòng thí nghiệm, phân tích mẫu môi trường; c) Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường; d) Tổ chức quản lý, xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả quan trắc môi trường [42, Điều 124¸Khoản 2].
Thực tế hoạt động quan trắc trong khai thác đá tại tỉnh Ninh Bình còn rất nhiều hạn chế. Công tác quan trắc môi trường mới được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Đối với từng mỏ khai thác đá cụ thể, hoạt động quan trắc môi trường được tiến hành trong quá trình lập Báo cáo ĐTM, trong đó có đánh giá hiện trạng môi trường, dự kiến những tác động của dự án khai thác tới môi trường với những chỉ số cụ thể, do tổ chức có đủ điều kiện thực hiện quan trắc môi trường thực hiện và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi đi vào hoạt động, hoạt động quan trắc môi trường không được chủ dự án tiến hành thường xuyên. Cơ quan quản lý nhà nước về môi trường do không đủ kinh phí và thiếu nguồn lực để tiến hành đánh giá môi trường tại từng mỏ khai thác. Vì vậy công tác quan trắc môi trường thường được tiến hành thực
hiện luôn phiên đối với các mỏ, hoặc tiến hành lựa chọn quan trắc điển hình ở một số mỏ khai thác đá.