Cam kết về dịch vụ chứng khoán trong Tổ chức thương mại thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về công ty chứng khoán bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế (Trang 32 - 37)

1.3 .Các cam kết quốc tế có liên quan đến công ty chứng khoán

1.3.1. Cam kết về dịch vụ chứng khoán trong Tổ chức thương mại thế giới

1.3.1.1. Nguyên tắc cơ bản của Tổ chức thương mại thế giới

Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO là một tổ chức quốc tế có chức năng giám sát các hiệp định thương mại giữa các nước thành viên với nhau theo các quy tắc thương mại. WTO gồm những quy định pháp lý nền tảng của thương mại quốc tế, tạo ra một hệ thống pháp lý chung làm căn cứ để mỗi thành viên hoạch định và thực thi chính sách nhằm mở rộng thương mại, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và

nâng cao đời sống nhân dân các nước thành viên. Các văn bản pháp lý này bản chất là các “hợp đồng”, theo đó các Chính phủ các nước tham gia ký kết, công nhận thông qua việc gia nhập và trở thành thành viên của WTO cam kết duy trì chính sách thương mại trong khuôn khổ những vấn đề đã thoả thuận. Cũng như các tổ chức khác trên thế giới, WTO hoạt động dựa trên nền tảng quan trọng nhất là nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử thể hiện ở hai nguyên tắc là đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia.

1.3.1.2. Hình thức thể hiện và phương thức tiếp cận cam kết về dịch vụ trong Tổ chức thương mại thế giới [7]

Các nước chưa là thành viên của WTO tiến hành đàm phán mở cửa thị trường trong nước với các nước đã là thành viên của WTO theo yêu cầu đàm phán mà các nước thành viên đưa ra. Kết quả đàm phán cuối cùng được thể hiện trong một biểu theo mẫu quy định của WTO gọi là Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ hay Biểu cam kết dịch vụ. Biểu cam kết dịch vụ gồm ba phần: Phần cam kết chung, phần cam kết cụ thể và danh mục các biện pháp miễn trừ nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN).

Phần cam kết chung là các cam kết áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ nêu

trong Biểu cam kết, thường là các điều kiện về phương thức cung cấp dịch vụ như hiện diện thương mại hay hiện diện của thể nhân.

Phần cam kết cụ thể là các cam kết áp dụng cho từng dịch vụ đưa vào Biểu

cam kết dịch vụ bao gồm các điều kiện tiếp cận thị trường cụ thể trong từng ngành dịch vụ (trường hợp có khác biệt giữa cam kết chung và cam kết riêng thì áp dụng quy định tại cam kết riêng).

Danh mục các biện pháp miễn trừ MFN liệt kê các biện pháp tuy vi phạm nguyên tắc đối xử tối huệ quốc của WTO nhưng được các thành viên WTO thông qua đàm phán cho phép duy trì.

Biểu cam kết dịch vụ gồm bốn cột: (i) cột mô tả ngành/ phân ngành; (ii) cột liệt kê các biện pháp về tiếp cận thị trường; (iii) cột liệt kê các biện pháp về đối xử quốc gia và (iv) cột liệt kê các cam kết bổ sung.

Phương thức tiếp cận được sử dụng phổ biến trong tự do hóa thương mại dịch vụ là (1) Phương thức tiếp cận chọn cho - positive list, còn gọi là phương thức tiếp cận từ dưới lên trên - bottom up và (2) Phương thức tiếp cận chọn bỏ- negative list, còn gọi là phương thức tiếp cận từ trên xuống dưới- top down. WTO sử dụng phương pháp chọn cho khi xác định phạm vi cam kết tức là các ngành/ phân ngành dịch vụ được đưa vào biểu cam kết dịch vụ hay là việc chủ động liệt kê các cam kết cụ thể đối với các ngành, phân ngành trong đàm phán các. Như vậy, các nước sẽ chỉ cam kết đối với các ngành, các lĩnh vực, phạm vi và phương thức tiếp cận thị trường với điều kiện đã được liệt kê cụ thể tại Biểu cam kết. Đối với những nội dung không được liệt kê thì được hiểu là không cam kết, không ràng buộc nghĩa vụ của nước đó. Mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ tỷ lệ thuận với mức độ cụ thể của biểu cam kết, nghĩa là càng liệt kê nhiều biện pháp hay cam kết tại biểu cam kết thì mức độ ràng buộc đối với Hiệp định càng cao, mức độ tự do hóa thương mại dịch vụ càng lớn.

Hiện tại, GATS thống nhất quy định bốn phương thức cung cấp dịch vụ:

Phương thức 1 (mode 1): Cung cấp qua biên giới là phương thức mà theo đó,

dịch vụ được cung cấp từ lãnh thổ của một thành viên này sang lãnh thổ của một thành viên khác hay nói cách khác dịch vụ được cung cấp và tiêu thụ “qua biên giới”.

Phương thức 2 (mode 2): Tiêu dùng ngoài lãnh thổ là phương thức mà theo

đó, người tiêu dùng của một thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một thành viên khác để tiêu dùng dịch vụ.

Phương thức 3 (mode 3): Hiện diện thương mại là phương thức mà theo đó,

nhà cung cấp dịch vụ của một thành viên thiết lập các hình thức hiện diện như công ty 100% vốn nước ngoài, công ty liên doanh, chi nhánh, … trên lãnh thổ của một

thành viên khác để cung cấp dịch vụ. Đây là phương thức phổ biến nhất trong các

phương thức cung ứng dịch vụ.

Phương thức 4 (mode 4): Hiện diện thể nhân là phương thức theo đó, thể nhân cung cấp dịch vụ của một thành viên di chuyển sang lãnh thổ của một thành

viên khác để cung cấp dịch vụ.

Như vậy, một nước thành viên sẽ phải đưa ra cam kết mở cửa đối với từng dịch vụ cho từng phương thức (từng Mode) từ 1 đến 4 trong hai cột hạn chế về tiếp cận thị trường và hạn chế về đối xử quốc gia.

Biểu cam kết dịch vụ là tài liệu mang tính ràng buộc pháp lý nên việc có hay không có các hạn chế tiếp cận thị trường hay đối xử quốc gia phải được thể hiện một cách chính xác và thống nhất.

1.3.1.3. Cam kết của Việt Nam về dịch vụ chứng khoán trong Tổ chức thương mại thế giới

Theo nội dung cam kết, về các dịch vụ chứng khoán, Việt Nam cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia cung cấp các dịch vụ liên quan đến chứng khoán như thông tin tài chính, tư vấn tài chính, dịch vụ trung gian và hỗ trợ kinh doanh chứng khoán. Cụ thể tại Biểu cam kết dịch vụ chứng khoán, Việt Nam cho phép nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài thực hiện:

(f) Giao dịch cho tài khoản của mình hoặc tài khoản của khách hàng tại SGDCK, thị trường giao dịch trực tiếp (OTC) hay các thị trường khác những sản phẩm sau: Các công cụ phái sinh, bao gồm cả hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền lựa chọn; Các chứng khoán có thể chuyển nhượng; Các công cụ có thể chuyển nhượng khác và các tài sản tài chính, trừ vàng khối. (Các dịch vụ này bao gồm cả nghiệp vụ môi giới)

(g) Tham gia vào các đợt phát hành mọi loại chứng khoán, bao gồm bảo lãnh phát hành, và làm đại lý bán (chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng), cung cấp các dịch vụ liên quan đến các đợt phát hành đó);

(i) Quản lý tài sản (bao gồm quản lý danh mục đầu tư, mọi hình thức quản lý đầu tư tập thể, quản lý quỹ hưu trí, các dịch vụ lưu ký và tín thác);

(j) Các dịch vụ thanh toán và thanh toán bù trừ chứng khoán, các công cụ phái sinh và các sản phẩm liên quan đến chứng khoán khác;

(k) Cung cấp và chuyển thông tin tài chính, các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán.

(l) Tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ liên quan đến chứng khoán, ngoại trừ các hoạt động tại tiểu mục (f), bao gồm tư vấn và nghiên cứu đầu tư, danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại công ty, lập chiến lược và cơ cấu lại công ty [4].

Theo bốn phương thức cung cấp dịch vụ của WTO nêu trên, các cam kết cụ thể của Việt Nam trong lĩnh vực chứng khoán như sau:

Đối với phương thức Cung cấp dịch vụ qua biên giới (Mode 1): Việt Nam chưa cam kết, trừ các dịch vụ C(k) và C(l) về hạn chế tiếp cận thị trường và chưa cam kết về hạn chế đối xử quốc gia. Điều đó có nghĩa là Việt Nam chỉ cam kết cho phép cung cấp dịch vụ qua biên giới (không đòi hỏi phải thông qua hiện diện thương mại) đối với các dịch vụ: (k) Cung cấp và chuyển thông tin tài chính, các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán và (l) Tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ liên quan đến chứng khoán, ngoại trừ các hoạt động tại tiểu mục (f), bao gồm tư vấn và nghiên cứu đầu tư, danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại công ty, lập chiến lược và cơ cấu lại công ty.

Đối với phương thức Tiêu dùng dịch vụ ngoài biên giới (tiêu dùng ở nước ngoài – Mode 2): Việt Nam đều cam kết không hạn chế về hạn chế tiếp cận thị trường và hạn chế đối xử quốc gia. Nghĩa là Việt Nam cam kết không hạn chế, không giới hạn việc tiêu dùng dịch vụ ngoài biên giới đối với toàn bộ các dịch vụ chứng khoán được liệt kê tại Biểu cam kết dịch vụ (toàn bộ các dịch vụ từ (f) đến (l) kể trên).

Đối với phương thức Hiện diện thương mại (Mode 3): Tại cột hạn chế tiếp

cận thị trường, mức độ cam kết được thể hiện cụ thể nhất. Việc hạn chế tiếp cận thị

trường đối với hiện diện thương mại được Việt Nam đưa ra một lộ trình rõ ràng. Đối với hình thức liên doanh, văn phòng đại diện, ngay khi gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện và công ty liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 49%. Như vậy, ngay từ khi gia nhập, CTCK, công ty quản lý quỹ nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện và công ty liên doanh với tỷ lệ sở hữu của bên nước ngoài tối đa là 49%. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, Việt Nam

cam kết sau năm năm kể từ khi gia nhập, cho phép thành lập doanh nghiệp chứng khoán 100% vốn đầu tư nước ngoài. Điều này có nghĩa là từ năm 2012, cho phép thành lập CTCK, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Về việc thành lập chi nhánh, Việt Nam cam kết, sau năm năm kể từ khi gia nhập, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài thành lập chi nhánh đối với các dịch vụ từ C(i) tới C(l). Tuy nhiên, Việt Nam cam kết không hạn chế về đối xử quốc gia đối với phương thức hiện diện thương mại.

Đối với phương thức Hiện diện thể nhân (Mode 4): Việt Nam đều chưa cam kết về hạn chế tiếp cận thị trường và hạn chế đối xử quốc gia, trừ các cam kết chung.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về công ty chứng khoán bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)