2.1 .Pháp luật Việt Nam về công ty chứng khoán
3.2.3. Sửa đổi quy định về tổ chức và hoạt động công ty chứng khoán
Về thành lập chi nhánh của CTCK nước ngoài tại Việt Nam, như đánh giá ở Chương 2, hiện tại, các quy định pháp luật (Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, Nghị định số 86/2016/NĐ-CP, Thông tư số 91/2013/TT-BTC) đang có sự mâu thuẫn khi cùng điều chỉnh việc thành lập chi nhánh tại Việt Nam của CTCK nước ngoài và công ty quản lý quỹ nước ngoài. Theo đó, đặt ra yêu cầu sửa đổi các văn bản hướng dẫn thực thi Luật một cách tổng thể, toàn diện với mục tiêu đảm bảo tính thống nhất, phù hợp của khung pháp lý về CTCK nói riêng và hệ thống pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán nói chung. Bên cạnh đó, các quy định về thành lập chi nhánh của CTCK nước ngoài tại Việt Nam được đưa vào Nghị định số 86/2016/NĐ-CP nhằm kịp thời tuân thủ cam kết quốc tế về dịch vụ mà chưa được đánh giá tác động một cách đầy đủ. Như vậy, có thể nói, việc tuân thủ cam kết quốc tế của pháp luật về CTCK là chưa hoàn toàn triệt để và theo hướng bền vững. Để tránh việc bổ sung quy định pháp luật “chỉ để cho có”, cơ quan soạn thảo văn bản cần thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cụ thể phải đánh giá tác động chính sách đầy đủ, toàn diện và khoa học (tác động về kinh tế, về thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật) trên cơ sở đánh giá, tổng kết thi hành (tình hình thực hiện) pháp luật; khảo sát, đánh giá thực trạng CTCK và nghiên cứu điều ước quốc tế có liên quan đến CTCK mà Việt Nam là thành viên để xác
định nội dung công việc phải triển khai để thực hiện các điều ước.
Về nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của CTCK, pháp luật chứng khoán cần sửa đổi theo hướng quy định phân biệt giữa hoạt động nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán với các hoạt động kinh doanh khác mà CTCK được phép làm. Bởi lẽ, theo quy định của Hiến pháp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm. Do vậy, pháp luật chuyên ngành về chứng khoán cần có các quy định để phân tách các hoạt động nghiệp vụ chứng khoán và các hoạt động khác để đảm bảo việc quy định về an toàn tài chính hay việc đáp ứng các điều kiện về vốn pháp định đối với từng nghiệp vụ trở nên có ý nghĩa.
Tác giả cho rằng, nên chăng cần bổ sung quy định về việc phân tách rõ các hoạt động nghiệp vụ và việc hoạch toán, quản lý tách bạch các hoạt động này của tổ chức kinh doanh chứng khoán. Bổ sung quy định cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện nghiệp vụ lưu ký chứng khoán nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể hóa nội dung của từng nghiệp vụ cho các công ty chứng khoán nhằm tạo điều kiện từng bước áp dụng cơ chế giám sát trên cơ sở rủi ro nhằm phát triển hệ thống công ty chứng khoán theo hướng chuyên biệt hóa đồng thời tối ưu hóa hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Về dịch vụ tư vấn và chuyển thông tin tài chính, hiện tại Luật Chứng khoán chưa có quy định về dịch vụ xử lý dữ liệu tài chính. Tuy nhiên, Thông tư số 210/2012/TT-BTC và Thông tư số 212/2012/TT-BTC ngày 05/12/2012 hướng dẫn về thành lập, tổ chức và hoạt động công ty quản lý quỹ đã có hướng dẫn liên quan đến xử lý dữ liệu đối với nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, cụ thể là:
Khoản 2 Điều 36 Thông tư số 212/2012/TT-BTC: Các thông tin, dữ liệu, dự báo kinh tế cung cấp cho khách hàng phải dựa trên những sự kiện có thực và kèm theo các tài liệu dẫn chiếu đáng tin cậy phát hành bởi các tổ chức kinh tế tài chính chuyên nghiệp và đã được công bố công khai.
Các nội dung tư vấn đầu tư chứng khoán phải có cơ sở hợp lý và phù hợp dựa trên thông tin đáng tin cậy, phân tích logic. Khuyến nghị đầu tư chứng khoán
được đưa ra phải liên quan và phù hợp với nội dung phân tích chứng khoán và thị trường chứng khoán. Các báo cáo phân tích chứng khoán và thị trường chứng khoán, khuyến nghị đầu tư phải ghi rõ nguồn trích dẫn số liệu và tên người chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo, khuyến nghị đầu tư chứng khoán [33, Điều 56.3].
Hai nội dung tư nêu trên liên quan đến nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, dù có đề cập đến việc cung cấp thông tin, dữ liệu, báo cáo phân tích cho khách hàng nhưng mới dừng lại ở các thông tin cơ bản, chưa quy định cụ thể và chặt chẽ về phạm vi cung cấp, điều kiện cấp phép cho các dịch vụ cung cấp, chuyển thông tin tài chính và xử lý các dữ liệu tài chính đối với phương thức cung cấp qua biên giới lẫn phương thức hiện diện thương mại tại Việt Nam. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành cần lưu ý bổ sung các thuật ngữ, khái niệm liên quan đến các hoạt động mà cam kết quốc tế về dịch vụ chứng khoán đã đề cập đến.
Về nâng cao năng lực của các CTCK, cần mở rộng và quy định cụ thể phạm vi các dịch vụ tài chính CTCK được cung cấp cho khách hàng. Phân biệt rõ các dịch vụ liên quan đến chứng khoán và dịch vụ tài chính khác nhằm hỗ trợ CTCK phát triển các dịch vụ mới. Nâng cao năng lực của hệ thống các CTCK thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty huy động các nguồn vốn trong xã hội, mở rộng các sản phẩm, dịch vụ CTCK được cung cấp. Theo đó, Bộ Tài chính cần nhanh chóng quy định danh mục dịch vụ thuộc dịch vụ tài chính khác trên cơ sở khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã ủy quyền.
Ngoài ra, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của CTCK, pháp luật cần quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của CTCK trong việc đưa ra các biện pháp giám sát giao dịch của khách hàng; bổ sung các quy định cụ thể về quản trị công ty và quản trị rủi ro nhằm đảm bảo các CTCK xây dựng hệ thống quản trị công ty và quản trị rủi ro theo các thông lệ tốt; tối ưu hóa việc quản lý giám sát của cơ quan giám sát dựa trên cơ sở nguồn lực hiện có; từng bước chuyển cơ chế quản lý giám sát của cơ quan quản lý theo hướng quản lý giám sát dựa trên cơ sở rủi ro.