2.1 .Pháp luật Việt Nam về công ty chứng khoán
2.1.3. Quy định pháp luật về hoạt động công ty chứng khoán
Luật Chứng khoán xác định nội dung kinh doanh chứng khoán là việc thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành
chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán [15, Điều 6.19]. Theo đó, CTCK được thực hiện các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán có quy định bổ sung CTCK được nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân, cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính và các dịch vụ tài chính khác theo quy định của Bộ Tài chính.
Như vậy, bên cạnh bốn nghiệp vụ kinh doanh chính (môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư), CTCK có quyền thực hiện nghiệp vụ lưu ký chứng khoán sau khi được cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán mà ở Việt Nam là UBCKNN cấp phép và một số nghiệp vụ bổ trợ khác như tư vấn tài chính, ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân. Pháp luật chứng khoán hiện hành quy định mang tính liệt kê các hoạt động kinh doanh mà công ty thực hiện để giải thích thuật ngữ CTCK là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh chứng khoán, thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các nghiệp vụ: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán. Việc quy định liệt kê như vậy dẫn đến cách hiểu không đầy đủ và toàn diện về CTCK, về hoạt động của CTCK; đồng thời cũng không đảm bảo tính ổn định của quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam mới hình thành và phát triển thì pháp luật chứng khoán được thiết kế theo hướng liệt kê là phù hợp, kịp thời đáp ứng yêu cầu xây dựng khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Xác định CTCK là một loại hình doanh nghiệp và thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán nhất định, Luật Chứng khoán tiếp tục quy định giải thích khái niệm của từng nghiệp vụ và Thông tư số 210/2012/TT-BTC hướng dẫn cụ thể nguyên tắc hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên tham gia đối với từng nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.
trúc thị trường chứng khoán được phê duyệt tháng 12/2012, trong năm 2015, hoạt động của các CTCK tiếp tục đạt kết quả khả quan. Tính đến đầu tháng 8/2016, trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ còn 79 CTCK đang hoạt động bình thường, chỉ tính riêng năm 2016, UBCKNN đã tiến hành chấm dứt hoạt động 5 công ty (CTCK Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long, CTCK Golden Bridge Việt Nam, CIMB-Vinashin, Việt Quốc, Viễn Đông), hợp nhất 2 CTCK (An Thành, Phú Hưng). Mặc dù số lượng công ty có lãi và tổng giá trị lợi nhuận giảm nhẹ so với năm 2014 nhưng cả doanh thu và lợi nhuận đều duy trì ở mức khá so với các năm từ 2011 trở lại đây. Tính chung cả năm, tổng doanh thu đạt trên 10 nghìn tỷ, tổng lợi nhuận đạt 2,81 nghìn tỷ, mức cao thứ hai trong 5 năm 2011 - 2015, số lượng CTCK có lãi cũng tăng 30% so với năm 2011. Bên cạnh việc tăng vốn điều lệ, kết quả kinh doanh tích cực cũng khiến quy mô vốn chủ sở hữu của các CTCK tăng đều qua các năm, qua đó cải thiện tình hình an toàn tài chính. Tính đến 31/12/2015, tổng vốn chủ sở hữu đạt gần 45 nghìn tỷ đồng, tăng gần 21% so với cuối năm 2011. Kết quả hoạt động năm 2015 cho thấy nghiệp vụ môi giới và tự doanh vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động của các CTCK với tỷ trọng doanh thu đạt trên 47% tổng doanh thu của các CTCK. Tuy nhiên, tỷ trọng doanh thu hoạt động tự doanh có xu hướng giảm dần qua các năm, trong khi doanh thu các nghiệp vụ có tính an toàn hơn có xu hướng tăng lên. Cụ thể, doanh thu nghiệp vụ tự doanh năm 2015 chỉ chiếm 23% tổng doanh thu, trong khi tỷ lệ này năm 2014 là 26% và năm 2013 là 30%. Đặc biệt, mặc dù vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng doanh thu của các CTCK từ hoạt động bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán năm 2015 tăng mạnh, đạt hơn 1000 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2014. Riêng doanh thu từ hoạt động bảo lãnh phát hành có xu hướng tăng đều qua các năm, đạt 219 tỷ đồng năm 2015, tăng 12% so với năm 2014 và tăng gấp 4 lần so với năm 2011 [43]. Như vậy, với trình độ nhân lực và năng lực về công nghệ thông tin cũng như chất lượng quản trị ngày càng cải thiện sau quá trình tái cấu trúc, cơ cấu hoạt động của các CTCK được cải thiện rõ rệt qua các năm với xu hướng giảm dần tỷ trọng hoạt động tự doanh và tăng dần các hoạt động khác có tính an toàn hơn. Nhìn chung, tình hình
tài chính và hiệu quả hoạt động của các CTCK ngày càng được cải thiện sau quá trình tái cấu trúc và các CTCK tiếp tục thực hiện tốt chức năng là cầu nối giữa nhà đầu tư với TTCK, đảm bảo giao dịch của khách hàng được thông suốt, an toàn, bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
Hiện tại, khái niệm về CTCK có căn cứ pháp lý là Nghị định số 86/2016/NĐ-CP, cụ thể: “CTCK là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật chứng khoán để thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các nghiệp vụ: Môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và được cung cấp dịch vụ tài chính theo quy định của pháp luật chứng khoán.” [25, Điều 2.1]
Nghị định số 86/2016/NĐ-CP một lần nữa khẳng định hoạt động kinh doanh chứng khoán của CTCK là một hoạt động kinh doanh có điều kiện; do vậy, trong quá trình hoạt động, CTCK phải đảm bảo tuân thủ và duy trì các điều kiện quy định tại Nghị định số 86/2016/NĐ-CP, các điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán khác tại Luật Chứng khoán và Nghị định của Chính phủ. Việc yêu cầu CTCK phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán khác tại Nghị định của Chính phủ sẽ dẫn đến hai cách hiểu khác nhau. Một là, các điều kiện khác đó được xác định tại Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực chứng khoán, tức là thuộc hệ thống pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán; hiện tại là Nghị định số 58/2012/NĐ-CP và Nghị định số 60/2015/NĐ-CP. Hai là, CTCK phải tuân thủ tất cả điều kiện khác tại các Nghị định của Chính phủ có liên quan đến đầu tư, kinh doanh chứng khoán, nghĩa là ngoài Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP còn các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư thuộc hệ thống pháp luật về đầu tư.
Như vậy, pháp luật về hoạt động của CTCK chưa thống nhất, rõ ràng do không xác định được lĩnh vực pháp luật điều chỉnh. Bởi lẽ, về bản chất, Nghị định số 86/2016/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở yêu cầu của Luật Đầu tư. Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, nghề đầu tư kinh doanh chứng khoán đã được ban hành và kịp thời đưa các quy định về điều kiện đầu tư
kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh chứng khoán tại các văn bản Thông tư của Bộ Tài chính lên quy định tại Nghị định do các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh tại Thông tư sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016.
Về phương thức cung cấp qua biên giới tại Biểu cam kết dịch vụ WTO, Việt Nam cam kết biện pháp hạn chế tiếp cận thị trường đối với các dịch vụ (k) cung cấp và chuyển thông tin tài chính, các phần mềm liên quan của các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán và (l) Tư vấn, trung gian và các dịch vụ phụ trợ liên quan đến chứng khoán, bao gồm tư vấn và nghiên cứu đầu tư, danh mục đầu tư, tư vấn về mua lại công ty, lập chiến lược và cơ cấu lại công ty. Tương tự, theo Phụ lục Thương mại qua biên giới (CBT) tại Chương Dịch vụ tài chính của TPP, đối với Việt Nam, Điều 11.6.1 Thương mại qua biên giới được áp dụng đối với việc cung cấp hoặc thương mại qua biên giới các dịch vụ tài chính được định nghĩa trong khoản (a) của định nghĩa về cung cấp các dịch vụ tài chính qua biên giới trong Điều 11.1 đối với: (a) Việc cung cấp và chuyển thông tin tài chính, xử lý dữ liệu tài chính và phần mềm liên quan được nhắc đến trong khoản (o) của định nghĩa dịch vụ tài chính tại Điều 11.1, tùy thuộc việc cấp phép trước từ cơ quan quản lý liên quan theo yêu cầu và (b) Các dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ khác, không bao gồm trung gian liên quan đến dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác được nhắc đến trong khoản (p) của định nghĩa dịch vụ tài chính tại Điều 11.1, trong trường hợp các dịch vụ này được Việt Nam cho phép thực hiện trong tương lai.
Như vậy, khi tham chiếu với các quy định pháp luật về nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của CTCK, Việt Nam cho phép thực hiện cung cấp qua biên giới đối với các dịch vụ tư vấn và chuyển thông tin tài chính. Các quy định của khung pháp lý hiện hành về CTCK mặc dù không có quy định về việc cho phép cung cấp qua biên giới đối với hai dịch vụ này nhưng cũng không có quy định cấm. Do đó, đây được coi là một khoảng trống pháp lý, tuy nhiên có thể được giải quyết bằng việc ban hành quy định bổ sung hoặc giải quyết theo vụ việc trong trường hợp phát sinh nhu cầu của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài. Theo đó, nhận thấy mức độ tuân thủ đối với cam kết này của Việt Nam là chưa cao nhưng đã có cơ sở để tuân thủ.