Tranh chấp lãnh thổ biển trong luật quốc tế hiện đại

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển trong luật quốc tế hiện đại - Liên hệ với chủ quyền trên biển của Việt Nam (Trang 25 - 30)

4. Phương pháp nghiên cứu

2.1.2. Tranh chấp lãnh thổ biển trong luật quốc tế hiện đại

Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là điều thiêng liêng của mỗi dân tộc. Biên giới của mỗi quốc gia là biểu hiện của nền độc lập dân tộc bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia đó. Quốc gia bao hàm trong nó 3 vấn đề lớn: dân tộc, chủ quyền và lãnh thổ. Biên giới luôn luôn gắn liền với lãnh thổ nên luật pháp

và tập quán quốc tế thừa nhận tính bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia. Biên giới được định nghĩa theo khía cạnh chủ quyền là “cái khung” của chủ quyền. Do đó, việc bảo vệ biên giới cũng chính là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ chống lại mọi hình thức ngoại xâm.

Loài người chúng ta, từ thời xa xưa, đã biết sử dụng biển làm nguồn cung cấp muối ăn và một phần thực phẩm cho mình trong mối giao lưu ven bờ biển của một quốc gia hay rộng hơn là giữa các quốc gia trong khu vực.

Khoảng 2.000-3.000 năm trước Công nguyên, đảo Grete chỉ rộng hơn 8.000km2 nhưng đã biết tận dụng và phát huy ưu thế của biển nên đã trở thành một quốc gia phồn vinh với một nền văn minh rực rỡ. Liên bang biển Athenes đã xuất hiện từ thế kỷ thứ V trước Công nguyên với trung tâm của nó là hòn đảo Delos chỉ rộng có 3 km2. Do đã thực hiện chế độ miễn thuế nên Delos đã trở thành một trung tâm thương mại ở vùng Địa Trung Hải. Theo thời gian, cùng với sự đòi hỏi của nhu cầu cuộc sống và sự phát triển khoa học kỹ thuật, con người đã nhận biết được giá trị to lớn của biển cả. Nhưng đồng thời, việc tăng cường quyền tài phán của các quốc gia ven biển càng làm cho các mâu thuẫn, tranh chấp trên biển trở nên gay gắt và phức tạp hơn. Các tranh chấp phát sinh trong quá trình phân định biển (đặc biệt là phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế), các tranh chấp về việc khai thác và sử dụng biển, đặc biệt tại các khu vực chồng lấn, các khu vực giáp ranh với đường phân giới biển … ngày càng nhiều, thậm chí có khu vực tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang, đe dọa hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.

Bàn về vấn đề tranh chấp biên giới lãnh thổ trên biển, cho đến ngày nay, lịch sử đã trải qua hai thời kỳ biến chuyển mang tính toàn cầu là: Thời kỳ tranh chấp các vùng biển gần bờ và Thời kỳ tranh chấp các vùng biển mở rộng.

2.1.2.1. Thời kỳ thứ nhất: Thời kỳ tranh chấp các vùng biển gần bờ.

Bắt đầu từ thế kỷ XV với những phát kiến địa lý vĩ đại, trong đó có sự kiện Christophe Colomb tìm ra Châu Mỹ vào năm 1492 đã dẫn tới sự bành trướng như vũ bão của các nước tư bản Châu Âu trên các đại dương khiến cho nền kinh tế thế giới đã phát triển một bước nhảy vọt, hình thành nên một thị trường thế giới duy nhất. Trước đó, biển cả chỉ là môi trường phục vụ cho hàng hải, sự truyền đạo và các cuộc thám hiểm, con người quan niệm tài nguyên biển cả là vô tận nên không có các cuộc đấu tranh giành quyền lực trên biển (và có thể nói rằng các quyền sơ khai đầu tiên chính là các quyền tự do biển cả). Nhưng từ thế kỷ XV, biển cả từ một môi trường, một phương tiện trở thành đối tượng chinh phục của các quốc gia muốn mở rộng quyền lực của mình ra biển. Điều này thêm trầm trọng khi người ta ý thức được rằng tài nguyên biển không phải là

vô tận [ 44, tr. 14 ]. Các đế quốc Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã trở nên hùng mạnh và phồn vinh là do họ đã biết tận dụng ưu thế của biển để đi xâm chiếm các thuộc địa. Nhiều nước đã từng đấu tranh để giành quyền làm chủ ở vùng biển gần bờ mà ngày nay được gọi là lãnh hải, và nhân loại đã từng chứng kiến nhiều cuộc tranh chấp, xung đột đẫm máu, như tranh chấp giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha (thế kỷ 15 – 16) đã dẫn đến việc phân xử của Giáo hoàng A-lếch-xan VI chia Đại Tây Dương và ấn Độ Dương cho 2 nước này; giữa Anh, Pháp, Hà Lan để giành bá quyền trên các đường hàng hải quốc tế (thế kỷ 17, 18); xung đột giữa các nước đế quốc trên các biển và đại dương trong các cuộc chiến tranh thế giới thứ I và thứ II của Thế kỷ 20 [ 31, tr. 12 ].

2.1.2.2. Thời kỳ thứ hai: Thời kỳ tranh chấp các vùng biển mở rộng.

Bắt đầu từ sau chiến tranh thế giới thứ II, với đặc trưng là sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là khoa học kỹ thuật biển và sự hiểu biết, quan tâm của con người về biển đã có những bước chuyển biến mới mạnh mẽ hơn trước. Giáo sư người Pháp, Yves Lacoste đã viết: “Trước đây hàng trăm,

hàng ngàn năm các quốc gia chỉ tranh nhau các vùng đất nổi, nhưng ngày nay các nhà nước cố gắng mở rộng tối đa chủ quyền trên biển và trên các đại dương. Trên các bản đồ, các đường biên giới được vạch qua màu xanh của biển, các vùng yêu sách đôi khi ra tới hàng ngàn km cách bờ; ngay cả Bắc Băng Dương, người ta cũng cãi cọ nhau về các quyền lịch sử đối với mõm đá bốn bề sóng vỗ”. Thật vậy, ngày nay con người đã coi biển và đại dương là

niềm hy vọng của loài người, là nguồn cung cấp thức ăn, nguyên liệu và năng lượng quan trọng cho con người trong hoàn cảnh dân số trên trái đất này ngày một tăng cao mà tài nguyên trong lòng đất lại ngày càng cạn kiệt. Một học giả người Mỹ đã viết: “Chúng ta đang ở vào một buổi bình minh của thời đại

mới: thời đại biển”.Có lẽ vì thế mà con người đã, đang và ngày càng quan tâm nhiều đến biển thậm chí tham vọng của họ còn hướng tới cả những hải đảo ở xa tít ngoài khơi. Năm 1955, Nữ hoàng Anh đã ra lệnh cắm cờ và dựng bia chủ quyền tại Rock All là một mõm đá rộng 3m2 cách nước Anh 200 hải

lý và đến năm 1977, bà đã ra lệnh cho một viên sĩ quan hải quân Anh ra sống ở đó trong một tiềm thủy cầu được buộc vào đá Rock All trong vòng 40 ngày để nước Anh có cơ sở tuyên bố rằng trên Rock All đã có thần dân Anh sinh sống và do đó Rock All là thuộc chủ quyền của Anh và nó hoàn toàn có quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Nhật Bản đã bỏ ra khoảng 200 triệu USD để xây dựng một công trình bảo vệ bãi đá Okinotorishina chỉ rộng mấy mét vuông ở ngoài khơi Thái Bình Dương, cách nước Nhật 1.700km.

Cuối thế kỷ XIX, những cuộc khảo sát biển của nước Anh phát hiện dưới đáy biển, bên ngoài lãnh hải, có một phần đất rộng lớn tiếp giáp đất liền, có nước biển phủ lên trên, nhưng chưa xác định cụ thể nó là gì và giá trị của nó đối với đời sống của người ra sao. Năm 1916, nước Nga thông báo với thế giới rằng: một số đảo mới phát hiện ở phía Bắc Siberi là “phần kéo dài về phía Bắc thềm lục địa Siberi”. Đây là lần đầu tiên thuật ngữ “thềm lục địa” và cả khái niệm “phần kéo dài của thềm lục địa” được sử dụng. Ngày nay, khoa học xác định được rằng bên ngoài lãnh thổ của quốc gia ven biển cũng có một dải đất bằng phẳng, với kích thước khác nhau dưới đáy biển, có độ dốc rất thoải, dần dần đi xuống thấp cho đến một vùng rất sâu, gọi là “bình nguyên sâu thẳm”. Phần đáy biển trung gian giữa đất liền và bình nguyên sâu thẳm, đó chính là thềm lục địa. Tổng diện tích thềm lục địa bao quanh các châu lục lên đến khoảng 27.500.000 km2, bằng 8% diện tích đáy biển. Phân bổ rất không đồng đều giữa các nước ven biển do cấu trúc địa chất của các nước không giống nhau. Có nước hầu như không có (Colombia), hoặc có thềm lục địa hẹp các nước ảrập, châu Phi). Có nước có thềm lục địa rộng bao la (Hoa Kỳ, Nga, Canada, Ireland, Argentina, Australia, Srilanka...).

Hai nguyên tắc cơ bản về luật biển, hình thành từ thế kỷ XVIII (lãnh hải rộng 3 hải lý và tự do biển cả), không còn phù hợp. Xuất hiện xu hướng mở rộng tối đa quyền tài phán quốc gia ra các vùng biển nhằm mục đích xác định chủ quyền đối với tài nguyên sinh vật và không sinh vật, tăng cường vị thế nước ven biển trong khu vực và trên thế giới. Hoa Kỳ là nước đầu tiên nêu yêu sách về thềm lục địa. Tháng 9 năm 1945, Tổng thống Hoa Kỳ Truman

tuyên bố: Chính phủ Hoa Kỳ coi các tài nguyên của lòng đất dưới đáy biển thuộc thềm lục địa là thuộc về Hoa Kỳ và đặt dưới quyền tài phán và kiểm soát của mình. Một số nước Mỹ Latinh cũng đơn phương tuyên bố mở rộng các vùng biển quốc gia đến 200 hải lý. Trong khi đó Anh vẫn bám giữ lập trường đã lỗi thời về chiều rộng lãnh hải bằng 3 hải lý... Nhiều cuộc tranh chấp biển đã nổ ra với diễn biến kéo dài và phức tạp. Trong số những tranh chấp đó, có những vụ tranh chấp đã được giải quyết bằng các phán quyết của Tòa án pháp lý quốc tế và về sau trở thành nguồn quan trọng cho việc hình thành Luật biển quốc tế hiện đại như: Vụ eo biển Corfou ngày 9/4/1949 (Anh – Albani), Vụ ngư trường Anh – Na Uy ngày 18/12/1951 về đường cơ sở thẳng, vụ thềm lục địa biển Bắc ngày 20/2/1969 về xác định bản chất pháp lý của thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lục địa ra biển…

Châu á Thái Bình Dương là khu vực địa lý rộng nhất trên thế giới, là nơi có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên vào loại dồi dào nhất, và là nơi tập trung số lượng các quốc gia đảo và quốc gia quần đảo nhiều nhất thế giới. Với một tiềm năng và vị trí chiến lược quan trọng như vậy, Châu á Thái Bình Dương cũng là nơi tập trung đủ các loại mâu thuẫn và tranh chấp trong lĩnh vực biển. Do tính chất bất cân xứng giữa đất liền và biển cả ở Thái Bình Dương, cho nên các cuộc tranh chấp ở đây không chỉ diễn ra với số lượng lớn mà còn rất phức tạp, có sự tham gia của nhiều nước trong khu vực. Chúng ta có thể kể ra một loạt các tranh chấp biển đảo ở khu vực này, như: Tranh chấp giữa Nga và Nhật về chủ quyền đối với Quần đảo Kuril (theo cách gọi của Nga) hay còn gọi là quần đảo Chishima (theo cách gọi của) Nhật Bản. Tất cả các đảo này hiện nay đều thuộc quyền tài phán của Nga, mặc dù có sự tranh chấp chủ quyền giữa Nga và Nhật Bản đối với 4 đảo xa nhất về phía nam. Tranh chấp giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đối với đảo Liancourt (tên quốc tế gọi nhóm các đảo nhỏ nằm giữa Nhật Bản và Hàn Quốc). Đảo nằm án ngữ đường ra Thái Bình Dương của biển

Nhật Bản nên có vai trò vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng đối với cả hai phía

thuộc huyện Ulleung, tỉnh Gyeongsang Bắc. Người Nhật thì khẳng định đảo này thuộc Okinoshima, địa hạt Oki, quận Shimane, Nhật Bản. Ngoài ra, còn có cuộc tranh chấp giữa các nước Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan về Quần đảo Senkaku (hay là Điếu Ngư Đài theo cách gọi của Trung Quốc). Hiện nay Nhật Bản đang cai quản quần đảo và coi nó thuộc quần đảo Lưu Cầu của Nhật Bản trên biển Hoa Đông.

Nói tới tranh chấp lãnh thổ biển đảo tại Thái Bình Dương, không thể không nhắc tới cuộc tranh chấp đang rất nóng bỏng hiện nay giữa các nước

Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Philippine, Brunei và Việt Nam với hai

quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa – Hai quần đảo chiến lược tại biển Đông. Đây có thể coi là một trường hợp tranh chấp điển hình, mang đầy đủ các đặc điểm của tranh chấp biển đảo. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo, nhưng để giải được vấn đề tranh chấp, có lẽ vẫn còn hết sức nan giải.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển trong luật quốc tế hiện đại - Liên hệ với chủ quyền trên biển của Việt Nam (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)