Nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển trong luật quốc tế hiện đại - Liên hệ với chủ quyền trên biển của Việt Nam (Trang 63 - 66)

4. Phương pháp nghiên cứu

2.2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia

2.2.4. Nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ

Giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển không chỉ liên quan tới việc phân định các vùng biển mà còn liên quan tới việc xác lập chủ quyền trên các đảo, quần đảo vô chủ hoặc bị bỏ rơi. Và tất nhiên, điều này phải tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ. Trong luận văn này, tác giả chỉ tập trung vào nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ điển hình nhất là nguyên tắc chiếm hữu thực sự (hay còn gọi là chiếm cứ hữu hiệu), đã được nhắc đến rất nhiều trong pháp luật quốc tế.

2.2.4.1. Sự hình thành nguyên tắc.

Lãnh thổ quốc gia là toàn vẹn và bất khả xâm phạm nhưng không phải vì vậy mà lãnh thổ quốc gia không thể có những thay đổi một cách hợp pháp dựa trên những cơ sở và phương thức do luật quốc tế quy định. Cho đến trước thế kỷ 15, vấn đề tranh chấp lãnh thổ thường chỉ diễn ra trên từng khu vực lục địa của thế giới, do đó chưa xuất hiện những nguyên tắc pháp luật có tính quốc tế về thiết lập chủ quyền lãnh thổ.

Những tiến bộ về hàng hải cùng những yêu cầu phát triển thương mại đã dẫn tới việc các cường quốc Châu Âu, trước hết là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, dồn dập phát hiện ra những vùng đất mới. Tình hình đó đòi hỏi cần phải có nguyên tắc về phân định chủ quyền lãnh thổ.

Vào Thế kỷ 14, 15, người ta đã thừa nhận rằng việc cấp đất của Giáo hoàng đủ để trao chủ quyền cho một nước đối với lãnh thổ vô chủ. Tập quán

này bắt đầu bằng sắc lệnh Intercotera (ký ngày 04/5/1493) của Giáo hoàng Alexandre (Alếch-xăng-đrơ) VI (Borgia), về nguyên tắc phân chia các vùng lãnh thổ mới phát hiện ngoài Châu Âu giữa Tây Ba Nha và Bồ Đào Nha. Theo Sắc lệnh này, tất cả các vùng lãnh thổ bao gồm “tất cả các đảo và đất liền đã tìm thấy và sẽ tìm thấy, đã phát hiện và sẽ phát hiện” ở phía đông một đường tưởng tượng chạy từ địa cực này sang địa cực khác qua phía tây đảo Cáp Ve 100 hải lý là thuộc Bồ Đào Nha. Còn các vùng lãnh thổ ở phía tây đường đó là thuộc Tây Ban Nha. Theo Hiệp ước Toócđêxila do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ký kết với nhau ngày 07/6/1494 và được Giáo hoàng Jules II xác nhận năm 1506 thì con đường tưởng tượng được dịch về phía tây 170 hải lý.

Cách cấp đất này bị phản đối khi có những nước khác khám phá và đã sống trên các lãnh thổ chưa phải là đối tượng chiếm hữu thực tế của các nước Châu Âu. Trong giai đoạn từ đầu thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, các nước Hà Lan, Anh, Pháp phát triển dần trở thành cường quốc, bị đụng chạm quyền lợi, không chịu chấp hành sắc lệnh của Giáo Hoàng Alexandre VI về xác định nguyên tắc phân chia các vùng lãnh thổ mới phát hiện ngoài Châu Âu. Khi quyền của Giáo hoàng bị đưa ra tranh cãi, người ta đã tìm ra nguyên tắc mới về thiết lập chủ quyền trên những vùng lãnh thổ mà họ phát hiện. Từ đầu thế kỷ 16, để thiết lập chủ quyền tại các hải đảo mới phát hiện, các nước trên thế giới áp dụng thuyết "quyền ưu tiên chiếm hữu" (ai phát hiện ra trước là của người đó), công nhận quyền sở hữu nhờ khám phá, gọi tắt là thuyết quyền phát hiện. Theo thuyết này thì chỉ cần các nhà hàng hải của một quốc gia cắm

một lá cờ lên một hòn đảo, thậm chí một thuyền trưởng của một nước nhìn qua ống nhòm thấy một vùng đất mới là quốc gia đó có quyền ưu tiên chiếm hữu. Nhưng trên thực tế, việc phát hiện như trên chưa bao giờ tự nó đem lại cho quốc gia phát hiện chủ quyền lãnh thổ vì rất khó xác định chính xác thế nào là phát hiện, xác nhận việc phát hiện và xác định giá trị pháp lý của việc phát hiện ra một vùng lãnh thổ. Và tiêu chí này về sau coi như chưa đủ để chứng minh chủ quyền chiếm hữu.

Thuyết "quyền ưu tiên chiếm hữu" bị phê phán từ Thế kỷ 17, khi các luật gia cho rằng: Khám phá mới là “danh nghĩa ban đầu”, một danh nghĩa phôi thai không thể tự nó tạo nên một danh nghĩa chủ quyền đầy đủ. Vì thế, thuyết về phát hiện đã mau chóng được bổ sung bằng quan điểm về chiếm hữu trên danh nghĩa, nghĩa là quốc gia phát hiện ra một vùng lãnh thổ phải để lại dấu vết chứng tỏ chủ quyền trên vùng lãnh thổ mà họ phát hiện. Ví dụ: phải có một bia hay một mốc chủ quyền, hoặc một dấu hiệu quốc gia có giá trị tương tự thì mới có chủ quyền lãnh thổ. Thuyết này là thuyết chiếm hữu về danh nghĩa được áp dụng từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19 [ 40, tr. 44 ].

Tuy nhiên, thuyết chiếm hữu về danh nghĩa cũng ngày càng bộc lộ nhược điểm. Do các biểu hiện chủ quyền một cách thụ động như bia, mốc…v.v. không chịu nổi thử thách của thời gian, không xác định được phạm vi chủ quyền lãnh thổ nên có những quốc gia “vô tình” hay cố ỷ lại “phát hiện” và đặt dấu hiệu về chủ quyền lên những vùng lãnh thổ mà các quốc gia khác đã xí phần. Do đó mà nảy sinh ra nhiều vụ tranh chấp.

Các luật gia ngày càng thấy rằng việc phát hiện, kể cả việc phát hiện có để lại dấu vết chỉ đem lại cho quốc gia phát hiện vùng lãnh thổ một danh nghĩa phôi thai, chưa hoàn chỉnh. Danh nghĩa này có thể bị mất đi nếu như không được củng cố bằng những hành động tích cực. Chủ quyền muốn được xác lập thì phải là thật sự, có hiệu quả, tức là đòi hỏi sự có mặt thực tế của quốc gia chiếm hữu trên vùng lãnh thổ đó. Quan điểm này ngày càng chiếm ưu thế và đã được đưa ra bàn luận tại Hội nghị Berlin (Béclin) về Châu Phi năm 1885 của 13 nước Châu Âu và Hoa Kỳ, sau đó được nâng lên trở thành nguyên tắc áp dụng giải quyết các vấn đề liên quan tới lãnh thổ giữa các nước tham gia Định ước Béclin. Nguyên tắc về tính có hiệu lực của việc chiếm hữu lãnh thổ lại tiếp tục được đưa ra tại khoá họp của Viện Pháp luật quốc tế ở Lausanne - Thuỵ Sĩ (IDI Lausanne), năm 1888, với Tuyên bố Lodan. Tuyên bố của Viện Pháp luật quốc tế Lausanne (Lôdan) năm 1888 đã nhấn mạnh “mọi sự chiếm hữu muốn tạo nên một danh nghĩa sở hữu độc quyền…thì phải là thật sự tức là thực tế, không phải là danh nghĩa”. Chính tuyên bố Lôdan đã

làm cho nguyên tắc thật sự nói trong Định ước Béclin vốn chỉ có giá trị đối với lục địa Châu Phi và chỉ có giá trị đối với các quốc gia ký Định ước hoặc sau này tham gia Định ước, trở thành một nguyên tắc có giá trị phổ biến của pháp luật quốc tế, có thể áp dụng cho mọi vùng lãnh thổ [ 40, tr. 45 ].

Như vậy, có thể nói bắt đầu từ Định ước Béclin và Tuyên bố Lôdan, pháp luật quốc tế đã hình thành một nguyên tắc mới điều chỉnh hoạt động chiếm hữu lãnh thổ của các quốc gia, nguyên tắc chiếm hữu thật sự (hay còn gọi là nguyên tắc chiếm cứ hữu hiệu).

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển trong luật quốc tế hiện đại - Liên hệ với chủ quyền trên biển của Việt Nam (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)