4. Phương pháp nghiên cứu
2.1.3. Giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển là một nhu cầu thiết yếu và tất yếu
Có nhiều quan điểm khác nhau về tranh chấp biển quốc tế. Tuy nhiên, một cách chung nhất, có thể xem tranh chấp quốc tế về biển là một hoàn cảnh thực tế mà trong đó, các chủ thể tham gia có những quan điểm không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau về đối tượng là chủ quyền lãnh thổ biển. Thông thường, những tình thế này là sự không đồng nhất về quyền và lợi ích trong quản lý và sử dụng biển. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp các bên không có sự thống nhất về cách hiểu và áp dụng những quy phạm pháp luật quốc tế về biển... Tuy nhiên, cho dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào đi nữa thì điểm chung nhất của các tranh chấp biển quốc tế đó là nó tạo ra một nhu cầu giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan.
Tranh chấp lãnh thổ biển là tranh chấp quốc tế không chỉ mang tính chất pháp lý mà còn có yếu tố chính trị. Đây cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi vì chủ thể của tranh chấp biển là các quốc gia có chủ quyền. Tranh chấp có chứa yếu tố chính trị thường rất nguy hiểm, do tính chất nhạy cảm, phức tạp và luôn
tiềm ẩn khả năng bùng phát các cuộc xung đột, đe doạ hoà bình, ổn định của khu vực cũng như của thế giới. Do mang trong mình các yếu tố chính trị nên trong việc phát sinh và giải quyết tranh chấp, tranh chấp biển chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: vị trí địa chính trị của vùng biển tranh chấp, mối quan hệ ngoại giao giữa các bên tranh chấp và các nước có liên quan trong khu vực, thái độ của các quốc gia trong việc giải quyết vấn đề, các động cơ chính trị của mỗi bên…v.v.
Hoạt động của quốc gia ở các vùng biển có quy chế khác nhau, bao gồm nhiều mặt: hàng hải, đánh cá, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, nghiên cứu khoa học…v.v. Vì có những hoạt động như vậy ở biển, quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia gắn bó mật thiết với nhau, quyền lợi của quốc gia này là nghĩa vụ của quốc gia kia hay ngược lại. Quyền lợi của các quốc gia là đa dạng và thường đối lập nhau, rất dễ xảy ra các tranh chấp. Nhu cầu giải quyết những tranh chấp xảy ra, đảm bảo quyền lợi cho các nước một cách công bằng, đồng thời, đảm bảo một trật tự pháp lý mới trên biển, góp phần duy trì hoà bình - an ninh trên thế giới là một nhu cầu tất yếu.
Tuy nhiên việc tìm kiếm một cơ chế pháp lý chung, thống nhất trong việc giải quyết tranh chấp biển giữa các quốc gia lại không hề đơn giản. Chúng ta có thể thấy rõ những khó khăn này qua diễn biến và kết quả cuối cùng của vấn đề tại các Hội nghị quốc tế về Luật Biển.
ở Hội nghị Luật Biển lần thứ I – Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1958, người ta chỉ mới đề ra được một cách giải quyết có tính chất bắt buộc những tranh chấp về đánh cá ở Công hải. Nhưng trên thực tế, hệ thống đó không được áp dụng. Ngoài ra người ta còn dự thảo một nghị định thư trao cho Toà án quốc tế quyền xét xử những tranh chấp thuộc nội dung của các công ước luật biển khác. Nhưng nghị định thư đó không được 2/3 số phiếu tán thành, nên không được thông qua. Đến Hội nghị luật biển lần thứ III (1973 – 1982), nhiều nước đang phát triển thuộc “thế giới thứ 3” mong muốn tránh được những áp lực về kinh tế, chính trị, quân sự của các nước đế quốc, thực dân, và mong muốn được thực hiện được nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, nên ra sức đấu tranh để thiết lập
một hệ thống giải quyết những tranh chấp trên biển bằng những biện pháp hoà bình. Về phía các nước phát triển, trước tình hình mới do việc hình thành vùng đặc quyền kinh tế và khu vực quốc tế đáy đại dương, cũng muốn quyền lợi của họ được pháp luật bảo đảm nên họ cũng muốn có một hệ thống giải quyết những tranh chấp xảy ra ở biển…Như vậy, có một sự trùng hợp nào đó giữa các nước trong việc tìm kiếm một hệ thống giải quyết những tranh chấp [ 31, tr. 180 ]. Việc giải quyết tranh chấp quốc tế về biển không chỉ mang lại lợi ích cho các nước hữu quan mà còn mang tới lợi ích cho cả các nước khác, mà điều dễ nhận biết nhất đó chính là hoà bình và an ninh trên biển.
Các quốc gia là đương sự trong một vụ tranh chấp có quyền tự do thoả thuận lựa chọn những phương thức giải quyết tranh chấp một cách phù hợp, có hiệu quả. Nếu những phương thức được chọn không mang lại kết quả thì một trong các bên đương sự có thể đưa tranh chấp ra trước một Toà án có thẩm quyền để xét xử. Tuy nhiên, theo Công ước Luật Biển 1982, không phải tất cả những vấn đề đều có thể đưa ra giải quyết để đưa đến một án quyết có tính chất bắt buộc. Công ước có quy định những trường hợp ngoại lệ không đưa ra xét xử trước các toà án…Điều 298 quy định những trường hợp tranh chấp ngoại lệ đó và dành cho các nước đương sự tự quyết định lấy có đưa hay không đưa những vụ tranh chấp thuộc các loại đó ra giải quyết theo thủ tục bắt buộc. Điều 298 quy định các loại tranh chấp sau đây được coi là ngoại lệ:
a) Phân định các vùng biển hay các vụ tranh chấp về vịnh, vùng nước lịch sử; b) Các hoạt động quân sự;
c) Những tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét.
Đây có thể coi như những “lỗ hổng” của hệ thống giải quyết tranh chấp mà Công ước nêu ra, hệ quả của những nhượng bộ không thể tránh khỏi đối với khái niệm chủ quyền quốc gia. Ngay tại Hội nghị luật biển lần thứ III nhiều quan điểm kiên quyết cho rằng: có những trường hợp ngoại lệ không thể đưa ra giải quyết bằng những biện pháp bắt buộc, vì đó là những vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia không thể uỷ cho một nước thứ 3, hoặc một cơ quan quốc tế
(Toà án, Trọng tài) giải quyết được, do các cường quốc về biển khi đó đưa ra trong Hội nghị luật biển lần thứ III .
Sự xuất hiện của các tranh chấp biển tất yếu dẫn đến hình thành các biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế với hình thức càng đa dạng, phong phú. Tuy nhiên hậu quả của việc giải quyết tranh chấp quốc tế không đơn thuần phụ thuộc vào các biện pháp, các cơ chế pháp lý được sử dụng mà bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố thiện chí của các bên liên quan. Một điều rõ ràng là việc giải quyết hoà bình các tranh chấp biển tế không chỉ là một yêu cầu, một đòi hỏi thực tế mà còn là một khả năng hoàn toàn có thể thực hiện được với điều kiện, các bên có liên quan tuân thủ các quy định của luật quốc tế và “tận tâm, thiện chí” trong việc giải quyết vấn đề. Minh chứng cho sự hợp tác, thiện chí giải quyết tranh chấp và đã thành công là trường hợp của Singapore và Malaysia vừa diễn ra gần đây. Giữa Singapore và Malaysia đã từng tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo Pedra Branca theo tên của Singapore (hay Pulau Batu Puteh theo tên của Malaysia) là một ví dụ. Vụ tranh chấp kéo dài từ năm 1979, hai nước đã quyết định đưa vụ việc giải quyết thông qua Tòa án quốc tế vì công lý (ICJ) vào năm 2003. Theo phán quyết ngày 23/5/2008 của Tòa, đảo chính có tên Pedra Branca (theo tiếng Tây Ban Nha) hay Pulau Batu Puteh (theo tiếng Malaysia) thuộc về Singapore với tỉ lệ biểu quyết 12- 4. Nhóm đảo đá nhỏ Middle Rocks nằm cách đảo chính 1,1km thuộc Malaysia với kết quả ủng hộ 15-1.Và nhóm đảo thứ ba, South Ledge, cách đảo chính 3,8km, chỉ lộ ra khi nước triều rút, nằm ở vùng biên giới chồng lấn giữa hai bên, "thuộc về nước nào có hải phận bao quanh". Cả Singapore và Malaysia đều hài lòng trước kết quả phân xử về chủ quyền đối với nhóm đảo tranh chấp giữa hai bên trong 28 năm qua. Thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long cho biết ông rất vui và nhận định chọn lựa đưa lên Tòa ICJ phân xử là "một cách tốt để (các
nước) có thể giải quyết những bất đồng mà vẫn duy trì quan hệ tốt với nhau".
Cùng suy nghĩ với thủ tướng Thủ tướng Lý Hiển Long, trưởng khoa quan hệ quốc tế Barry Desker của Trường đại học S.Rajaratnam (Singapore) nhận xét: ASEAN đang chuyển biến trong việc chấp nhận các quy tắc rộng hơn của luật quốc tế. Ông giải thích: "Trong quá khứ, ASEAN có xu hướng
cố gắng giải quyết vấn đề chỉ thông qua trung gian hay đàm phán giữa hai bên. Kết quả là các vấn đề gây tranh cãi không được giải quyết rốt ráo, không có cuộc đàm phán nào thành công. Tôi nghĩ chúng ta đang chuyển theo con đường chấp nhận luật quốc tế, tức tự nguyện chấp nhận sự phân xử của quốc tế". Kết quả của việc giải quyết tranh chấp trong trường hợp trên
đã cho thấy khả năng giải quyết các vấn đề nóng bỏng về chủ quyền biển là hoàn toàn có thể, một khi các nước hữu quan thực sự kiên nhẫn, gạt bỏ bất đồng để cùng tìm đến tiếng nói chung.