4. Phương pháp nghiên cứu
2.2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia
2.2.5.2. Nội dung của nguyên tắc
Việc mở rộng quyền lực quốc gia ra hướng biển được quyết định bởi các nhân tố chính trị và khoa học kỹ thuật, nhưng không thể tách rời cơ sở pháp lý được cộng đồng quốc tế thừa nhận, đó là chủ quyền lãnh thổ. Công ước Luật biển 1982 trong khi đề cập đến lãnh hải đã khẳng định, chính lãnh thổ đất liền là điều kiện tiên quyết để mở rộng chủ quyền của quốc gia ven biển ra ngoài lãnh thổ và nội thuỷ của mình, bao gồm cả đối với trường hợp của quốc gia quần đảo: “Chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra
ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình, và trong trường hợp một quốc gia quần đảo, ra ngoài vùng nước quần đảo, đến một vùng biển tiếp liền, gọi là lãnh hải (merterritoriale)”. [ 08, Điều 2 khoản 1 ] Chính chủ quyền của quốc gia quần
đảo trên các đảo của mình là cơ sở cho cộng đồng quốc tế chấp nhận học thuyết quốc gia quần đảo và mở rộng chủ quyền đó ra vùng nước quần đảo, bất kể chiều sâu và khoảng cách xa bờ của chúng thể nào. Quan điểm này được thể hiện rõ nét trong Điều 49 Công ước 1982: “Chủ quyền của quốc gia quần đảo
mở rộng ra vùng nước ở phía trong đường cơ sở quần đảo được vạch ra theo đúng Điều 47, được gọi là vùng nước quần đảo (eaux archipélagiques), bất kể chiều sâu và khoảng cách xa bờ của chúng thế nào”.
Khái niệm lãnh thổ theo ghi nhận của nguyên tắc này là lãnh thổ đất (bao hàm cả đảo tự nhiên hoặc quần đảo). Trong lý thuyết về lãnh thổ, lãnh thổ đất là cơ sở để xác lập các vùng lãnh thổ khác, như lãnh thổ biển, lãnh thổ vùng trời và vùng lòng đất. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, diện tích lãnh thổ lớn không đồng nghĩa với việc có diện tích các vùng biển lớn, mà chiều dài bờ biển mới có giá trị là sự tỷ lệ thuận với diện tích các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Giá trị pháp lý quan trọng của nguyên tắc đất thống trị biển là ở chỗ, diện tích lãnh thổ đất liền có thể nhỏ nhưng lại là cơ sở để mở rộng chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển. Việc mở rộng đó không bao hàm nghĩa sửa
chữa lại điều kiện tự nhiên về lãnh thổ của mỗi quốc gia, theo đó, mỗi quốc gia được quyền hưởng phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ mình ra biển. Ngay cả khi một vùng đáy biển gần lãnh thổ của một quốc gia hơn là lãnh thổ của mọi quốc gia khác người ta cũng không thể coi rằng nó thuộc quốc gia này nếu nó không phải là phần mở rộng tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó ra biển. Điều này lý giải vì sao tranh chấp chủ quyền hay phân định đối với một hòn đảo ngoài khơi có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển và mở rộng diện tích lãnh thổ của các quốc gia hiện đại [ 24, tr. 37 ].
Sự hình thành nguyên tắc “đất thống trị biển” có ý nghĩa rất quan trọng đối với các quốc gia ven biển, nhất là các quốc gia đang phát triển. Nó cho phép khẳng định và bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển. Nguyên tắc này đã được pháp điển hoá vào Công ước Luật biển 1982 thông qua các quy định về nội thuỷ, lãnh hải, đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Ví dụ, sự khẳng định rõ bề rộng lãnh hải quốc gia ven bờ không quá 12 hải lý so với việc không quy định được bề rộng của vùng này ở Công ước 1958 là biểu hiện của việc khẳng định chủ quyền quốc gia ven bờ trong luật biển quốc tế hiện đại. Sự hình thành của vùng đặc quyền kinh tế về bản chất là mở rộng chủ quyền của quốc gia ven bờ ra biển. Các tiêu chí xác định thềm lục địa pháp lý theo Công ước 1982 (tiêu chuẩn bờ ngoài rìa lục địa) đều thể hiện rõ quan điểm lấy cơ sở lãnh thổ đất liền làm nền tảng để mở rộng chủ quyền và quyền chủ quyền của quốc gia ra hướng biển. Nó là cơ sở để giải quyết công bằng và hiệu quả các tranh chấp biển giữa các quốc gia, nhất là tranh chấp về phân định biển giữa các quốc gia hữu quan.
Tuy nhiên, các quốc gia cũng không thể lạm dụng nguyên tắc đất thống trị biển để mở rộng mãi thẩm quyền của mình ra biển hoặc đơn phương yêu sách những vùng biển rộng lớn hơn, không phù hợp với luật quốc tế.
Nguyên tắc đất thống trị biển có mối liên hệ với nguyên tắc tự do biển cả. Về lý luận, hai nguyên tắc này có xuất phát điểm khác nhau. Tự do biển cả là tư tưởng của các học thuyết Res communis, thuyết Res nullis và thuyết tự do của Hugo Grotius được thể chế hoá thành nguyên tắc của Luật biển quốc tế
hiện đại, còn đất thống trị biển có xuất phát điểm từ một số án lệ của Toà án công lý quốc tế của Liên hợp quốc. Nhưng trong lịch sử, nguyên tắc đất thống trị biển thực ra đã không xa lạ với quan niệm về chủ quyền của nước ven bờ trên các vùng biển theo quan điểm về sở hữu nhà nước đối với các vùng biển bao quanh nước Anh của học giả John Selden thể hiện trong cuốn “biển đóng” xuất bản năm 1635. Về pháp lý, tự do biển cả xuất phát từ nhu cầu về phát triển và giao lưu hàng hải, thương mại quốc tế giữa các quốc gia, còn đất thống trị biển thì lại từ nhu cầu thiết lập và thực hiện chủ quyền lãnh thổ của quốc gia ven biển. Đây là 2 nhu cầu chủ yếu trong quá trình sử dụng biển, thể hiện sự xung đột giữa 2 nhóm lợi ích tồn tại trong các hoạt động trên biển và việc điều hoà sự xung đột đó lại được giải quyết bằng sự hiện hữu của cả 2 nguyên tắc trong điều chỉnh pháp lý việc thiết lập và thực hiện quy chế pháp lý của các vùng biển. Hai nguyên tắc tồn tại trong luật biển hiện đại để bảo vệ cho 2 nhóm lợi ích vừa có sự đối lập, vừa có sự thống nhất với nhau, đó là lợi ích của các quốc gia ven biển và lợi ích của cộng đồng quốc tế trong quá trình sử dụng biển.
Trong Luật biển hiện đại, nguyên tắc đất thống trị biển cụ thể hoá các quyền của quốc gia ven biển khi xác lập chủ quyền lãnh thổ tại các vùng được xác định là nội thuỷ, lãnh hải của quốc gia đó và các quyền chủ quyền trên các vùng tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia.
Liên quan tới nguyên tắc đất thống trị biển, nguyên tắc tự do biển cả mà một mặt là sự giới hạn cần thiết đối với việc vận dụng nguyên tắc đất thống trị biển để mở rộng chủ quyền quốc gia ven biển ra phía biển cả, mặt khác bảo đảm các quyền tự do trên biển cho mọi quốc gia (bao gồm cả quốc gia ven biển) trên biển cả và các vùng thuộc chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia khác.
Sự đối lập giữa những nhóm lợi ích trong sử dụng biển làm cho quá trình phát triển của luật biển luôn luôn là quá trình đấu tranh giữa các tương quan lực lượng hòng để dung hoà các nhóm lợi ích căn bản này và nếu không dung hoà được thì không thể tồn tại một trật tự pháp lý quốc tế trên biển. Mặt khác, từng quốc gia, bất kể là thuộc nhóm quốc gia có biển hay không có biển lại không
chỉ có duy nhất lợi ích quốc gia mà còn tồn tại cả lợi ích mang tính cộng đồng khi quốc gia đó tham gia vào sử dụng biển cả và sử dụng các vùng biển thuộc về quốc gia khác. Việc nhân nhượng lẫn nhau vì thế cũng là tất yếu, xuất phát từ nhu cầu bảo vệ lợi ích riêng. Điểm này tạo ra sự thống nhất giữa lợi ích riêng với lợi ích cộng đồng trong lĩnh vực luật biển và là cơ sở để tồn tại đồng thời cả 2 nguyên tắc. Mối quan hệ qua lại giữa 2 nguyên tắc trên đảm bảo để các quy phạm của Luật biển quốc tế hình thành được một trật tự công bằng, bình đẳng và dân chủ trong sử dụng biển. Trật tự này sẽ bị phá vỡ nếu không có sự kết hợp của cả 2 nguyên tắc đó trong tổng thể cơ chế điều chỉnh chung đối với các hoạt động kinh tế – xã hội diễn ra tại các vùng biển. Ngoài ra, sự kết hợp của cả 2 nguyên tắc nhằm tạo ra trật tự công bằng trong quá trình phân định biển (theo nghĩa rộng) và giải quyết các tranh chấp về biển theo nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế mà luật quốc tế đã ghi nhận.