Sự hình thành nguyên tắc

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển trong luật quốc tế hiện đại - Liên hệ với chủ quyền trên biển của Việt Nam (Trang 52 - 55)

4. Phương pháp nghiên cứu

2.2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia

2.2.3.1. Sự hình thành nguyên tắc

Hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế là một trong các nguyên tắc được hình thành trong thế kỷ 20, cùng một thời gian với nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe doạ bằng vũ lực nhưng là hệ quả tất yếu của nguyên tắc này. Mặc dù luật quốc tế ngay từ buổi bình minh của nó đã không xa lạ với các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế như ngoại giao, đàm phán, môi giới, trung gian…nhưng khi ấy chưa có những quy phạm bắt buộc các quốc gia phải giải quyết tranh chấp chỉ bằng phương pháp hoà bình mà không bằng vũ lực.

Trong hệ thống Công ước Lahaye 1899 và 1907 có Công ước về hoà bình giải quyết xung đột quốc tế, là công ước đa phương đầu tiên đề cập tới vấn đề quan trọng này. Tuy nhiên công ước cũng chỉ đưa ra lời kêu gọi các

quốc gia “với khả năng có thể thì ngăn ngừa việc dùng vũ lực” và “sử dụng tối đa các biện pháp trung gian, hoà giải trước khi dùng vũ khí”.

Quy chế Hội quốc liên ở mức độ nhất định đã đưa ra quyền của các quốc gia dùng chiến tranh như phương tiện giải quyết tranh chấp, lần đầu tiên đã xác định nghĩa vụ của các quốc gia giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình như giải quyết ở Toà án hoặc đưa ra Hội đồng của Hội quốc liên. Và như vậy, dù loài người vừa trải qua đau thương không kể xiết trong Thế chiến thứ I, Quy chế Hội quốc liên vẫn không quy định cấm chiến tranh và đã làm tiêu tan niềm hy vọng giải quyết hoà bình tranh chấp là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc của mọi quốc gia.

Hiệp ước Paris năm 1928 về khước từ chiến tranh đã tuyên bố cấm chiến tranh xâm lược và nêu rõ trách nhiệm của quốc gia chỉ giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình. Điều 2 Hiệp ước đã khẳng định các bên “công nhận rằng điều chỉnh hoặc giải quyết mọi tranh chấp hoặc xung đột

phát sinh với bất kỳ tính chất và nguyên nhân nào chỉ có thể bằng các phương pháp hoà bình”. Vậy là, nếu như trước khi có Hiệp ước Paris năm 1928, các

biện pháp hoà bình chỉ là một trong những khả năng để giải quyết tranh chấp quốc tế thì từ khi có Hiệp ước, việc giải quyết mọi tranh chấp hay bất đồng chỉ có thể thực hiện thông qua các biện pháp hoà bình [ 45, tr. 118 ].

Với sự ra đời của Liên hợp quốc, Hiến chương của tổ chức này lần đầu tiên nâng vấn đề giải quyết các tranh chấp quốc tế thành nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia, đã trịnh trọng tuyên bố “Tất cả các thành viên của

Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hoà bình, an ninh và công lý”. Nguyên tắc này tiếp tục được cụ thể hoá trong

Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1970 về “Những nguyên tắc của luật quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc”. Kể từ đây, nguyên tắc trở thành một điều kiện tiên quyết đối với các quốc gia khi thực hiện các hoạt động giải quyết các tranh chấp quốc.

Hoà bình và an ninh quốc tế có thể được đảm bảo bằng các biện pháp và phương tiện khác nhau, trong đó pháp luật được coi là phương tiện hữu hiệu nhất. Luật điều chỉnh các hoạt động gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế chủ yếu bao gồm các điều ước quốc tế toàn cầu, khu vực, đa phương và song phương, trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan tới lĩnh vực này. ở phạm vi toàn cầu, ngoài Hiến chương Liên hợp quốc còn có các điều ước quốc tế trong lĩnh vực giải trừ quân bị, như: Hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân (năm 1968), Hiệp ước về cấm đặt vũ khí hạt nhân và các vũ khí giết người hàng loạt ở đáy biển, đáy đại dương, năm 1971 (Việt Nam tham gia năm 1980)… ở phạm vi khu vực, có điều ước quốc tế của các tổ chức quốc tế khu vực về an ninh, giải trừ quân bị, về các biện pháp củng cố lòng tin và thiết lập các khu vực phi hạt nhân: Hiệp ước về khu vực phi hạt nhân Nam Thái Bình Dương năm 1985, Hiệp ước về Đông Nam á không có vũ khí hạt nhân năm 1995 (Việt Nam tham gia ngày 05/11/1996)...

Trong quan hệ song phương, có các điều ước quốc tế về hoà bình và hữu nghị, được ký kết giữa các quốc gia láng giềng hoặc giữa các quốc gia, tuy ở cách xa nhau về địa lý nhưng là bạn bè và đối tác tin cậy của nhau. Ngoài ra còn có các điều ước quốc tế có ý nghĩa quan trọng của quá trình giải trừ quân bị, được ký kết giữa các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, ví dụ: Hiệp ước Nga – Mỹ về tiếp tục giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược, năm 1993.

Ngoài các điều ước quốc tế song phương và đa phương, toàn cầu và khu vực, trực tiếp điều chỉnh các vấn đề về gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế, các Nghị quyết quan trọng của Liên hợp quốc, mang tính khuyến nghị cũng được coi là phương tiện bổ trợ nguồn trong lĩnh vực này. Trong số đó phải kể đến các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, như Nghị quyết ngày 5/12/1986 “về thiết lập hệ thống hoà bình và an ninh toàn cầu”; Nghị quyết ngày 7/12/1988 “Quan điểm tổng thế về củng cố hoà bình và an ninh quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc”. Nội dung cơ bản của các nghị quyết này là sự cần thiết phải thiết lập hệ thống quan hệ quốc tế với tổ

chức bộ máy có đầy đủ khả năng bảo đảm cho một thế giới không có chiến tranh, hoà bình và an ninh bền vững.

Nguyên tắc hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế về biển được ghi nhận trong Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, là cơ sở, tôn chỉ để các bên tiến hành các hoạt động giải quyết tranh chấp.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển trong luật quốc tế hiện đại - Liên hệ với chủ quyền trên biển của Việt Nam (Trang 52 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)