4. Phương pháp nghiên cứu
3.1.2. Việc vận dụng các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển
biển Đông của Việt Nam.
Như đã nói ở phần trên, cho đến nay, Việt Nam đã đạt được một số thành quả tích cực trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển. Để đạt được những thành công ấy, trên cơ sở pháp luật quốc tế, Việt Nam đã vận dụng một cách khéo léo, sáng tạo các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển như: Nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp, Nguyên tắc thoả thuận để đưa đến một giải pháp công bằng trong giải quyết tranh chấp
biển…Thông qua những kết quả đạt được, chúng ta sẽ càng nhận thấy rõ nét hơn vai trò của pháp luật quốc tế nói chung và của hệ thống các nguyên tắc này nói riêng trong việc giải quyết các vấn đề thời sự trên biển hiện nay.
3.1.2.1. Nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Là một quốc gia yêu chuộng hoà bình, Việt Nam chủ trương giải quyết mọi tranh chấp quốc tế một cách hoà bình, bằng các biện pháp hoà bình, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp trên biển, giải quyết vấn đề hoạch định ranh giới biền liên quan với các nước làng giềng. Quan điểm này của Việt Nam được thể hiện rõ nét trong các tuyên bố và văn bản pháp quy. Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ngày 12/5/1977 khẳng định "Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt
Nam sẽ cùng các bên liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề về vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên".
Phát biểu tại Hội nghị Luật biển lần thứ 3, đại diện của phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị đã phát biểu “Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam mong muốn được giải quyết với các nước có liên quan vấn đề phân định các vùng biển, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau, phù hợp với tinh thần hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, và tôn trọng sự bình đẳng và những lợi ích chính đáng của các bên, làm sao thực hiện được những nguyên tắc công bằng và tránh làm thiệt hại quá đáng đến những quyền lợi dân tộc của bất cứ một nước hữu quan nào…”
Quan điểm này của Việt Nam được thể hiện rõ hơn trong Nghị quyết của Quốc hội tháng 6/1994 khi phê chuẩn Công ước 1982, Việt Nam "chủ
trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hoà bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; trong khi nỗ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ bản lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định
trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực". Lập trường của Việt Nam đã được chứng minh thông qua các hành vi ứng xử của quốc gia đối với các vấn đề quốc tế. Trong giải quyết các tranh chấp song phương, Việt Nam đã đạt được một loạt các thoả thuận hoà bình, hữu nghị, hợp tác với các nước trong cũng như ngoài khu vực về các vấn đề liên quan tới chủ quyền lãnh thổ biển (các hiệp định, thoả thuận này đã được nói ở phần trên).
Việt Nam cũng đang tích cực chủ động tiến hành đàm phán với các nước khác để giải quyết sớm các tranh chấp. Đối với tranh chấp trên Biển Đông, Việt Nam chủ động tìm mọi cơ hội giải quyết hoà bình trong cả quan hệ song phương và đa phương. Ngay cả khi bị tấn công một cách bất hợp pháp bằng vũ lực trên quần đảo Trường Sa vào tháng 3/1988, Việt Nam vẫn kiên trì tìm một giải pháp hoà bình. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo Trung Quốc giải quyết các tranh chấp giữa hai nước bằng con đường đối thoại. Tinh thần này đã được khẳng định trong các Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước các ngày 10/11/1991, 4/12/1992, 22/11/1994 và tháng 11/1995, trong chuyến thăm của Thủ tướng Lý Bằng tham dự Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 28/6/1996, chuyến thăm Trung Quốc tháng 7/1997 của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười, của Thủ tướng Phan Văn Khải ngày 19/10/1998; Tuyên bố chung của các Tổng bí thư Giang Trạch Dân và Lê Khả Phiêu ngày 25/2/1999, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và Hồ Cẩm Đào tháng 2/2003. Tuyên bố Việt Nam-Trung Quốc tháng 12/2000, khẳng định quyết tâm tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ Việt Nam-Trung Quốc theo nguyên tắc "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Đối với Phi-líp-pin, trong chuyến thăm Hà Nội của đoàn đại biểu Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Hạ nghị viện Phi- líp-pin năm 1988, hai bên đã đưa ra Tuyên bố chung ngày 07/11/1995 tại Hà Nội khẳng định sẽ giải quyết tất cả các tranh chấp có liên quan đến quần đảo Trường Sa qua đàm phán hoà bình, trên tinh thần hữu nghị, công bằng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Tháng 01/ 2004, Việt Nam và Phi-líp-pin đã thành
lập một cơ chế hợp tác mới - Nhóm làm việc chung về các vấn đề biển và đại dương - nhằm thống nhất hành động của các bên trong khuôn khổ thực thi Công ước 1982. Tháng 9/1983, sau khi lực lượng vũ trang Malaysia đổ bộ lên đảo Hoa Lau, Việt Nam và Malaysia đã đi đến thoả thuận giải quyết các yêu sách của hai bên trên một số đảo, đảo nhỏ và bãi cạn nửa nổi nửa chìm trong Biển Đông bằng con đường đàm phán.
Sau sự kiện Vành Khăn năm 1995, trước nguy cơ leo thang đối đầu trong khu vực, Việt Nam và Phi-líp-pin đã có sáng kiến thúc đẩy xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). COC với các biện pháp xây dựng lòng tin giữa các bên được coi là những bước đi đầu tiên, đặt nền móng cho sự hợp tác, giải quyết hoà bình các tranh chấp trong tương lai. Tháng 11/1995 Việt Nam đã ký với Phi-líp-pin "Tám nguyên tắc ứng xử". Năm 1996, trong đàm phán Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam đã đưa ra đề nghị về thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử tương tự. Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ VI (1998) tại Hà Nội. Tuyên bố Hà Nội, khoản 7.16 khuyến nghị các nước ASEAN đẩy mạnh nỗ lực xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông giữa các bên liên quan.
Tháng 3/1999, các quan chức cấp cao của Diễn đàn khu vực ASEAN đã giao cho Việt Nam và Phi-líp-pin dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử của ASEAN. Tháng 11/1999, ASEAN đã đạt được sự nhất trí cao trong việc thông qua bản dự thảo. Bộ luật ứng xử của ASEAN đã được chuyển cho phía Trung Quốc. Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực thuyết phục Trung Quốc thay đổi lập trường, chấp nhận đàm phán về xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) ASEAN-Trung Quốc. ASEAN cũng như Trung Quốc đã vượt qua những bất đồng để đi đến văn kiện chính trị đầu tiên về Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào ngày 4/12/2002. Việt Nam đã đề nghị đưa vào khoản 10 của DOC: trong khi tiến hành thực thi DOC, các bên cần tiếp tục đàm phán để đạt được COC. Các bên liên quan đã khẳng định việc thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông sẽ thúc đẩy hoà bình và ổn định trong khu vực và
đồng ý sẽ tiếp tục làm việc trên cơ sở đồng thuận, để đạt được mục tiêu trên trong tương lai. Các Bên đều nhất trí cho rằng sự kiện này là một đóng góp quan trọng cho hoà bình, an ninh và ổn định trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển và hợp tác.
Điểm 4 của Tuyên bố ghi nhận "Các bên liên quan cam kết tiến hành giải
quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, thông qua tham khảo và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia liên quan trực tiếp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của Luật quốc tế, kể cả Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật biển".
Tuyên bố DOC cũng kêu gọi: "Trong khi chờ đợi giải quyết hoà bình
những vụ tranh chấp lãnh thổ và pháp lý, các bên liên quan tiến hành tăng cường tìm kiếm các phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên, trên tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm: Tiến hành đối thoại và trao đổi ý kiến trong trường hợp thích hợp giữa quan chức quân sự và quốc phòng của các bên; Bảo đảm đối xử nhân đạo và công bằng đối với tất cả những người gặp nguy hiểm hay lâm nạn; Thông báo, trên cơ sở tự nguyện, cho các bên liên quan khác về bất kỳ dự định tập trận quân sự hỗn hợp nào, và Trao đổi, trên cơ sở tự nguyện, các thông tin liên quan".
Điểm 6 của Tuyên bố quy định: "Trong khi chờ đợi một giải pháp toàn
diện và lâu dài cho tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm hoặc tiến hành hoạt động hợp tác. Các hoạt động hợp tác có thể bao gồm: Bảo vệ môi trường biển; Nghiên cứu khoa học biển; An toàn hàng hải và liên lạc trên biển; Hoạt động tìm kiếm và cứu nạn; Đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm nhưng không giới hạn, đối với việc buôn lậu ma tuý, cướp biển và cướp có vũ khí trên biển và buôn lậu vũ khí. Các thể thức, phạm vi và địa điểm liên quan đến hợp tác song phương và đa phương cần được các bên liên quan thoả thuận trước khi thực hiện hoạt động".
Tuyên bố DOC đã khẳng định các bên tôn trọng và cam kết thực hiện quyền tự do hàng hải và hàng không quốc tế ở Biển Đông như đã quy định
bởi các nguyên tắc được thừa nhận chung của Luật quốc tế, bao gồm cả Công ước 1982. Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc có trong Tuyên bố DOC này. DOC là một thành quả quan trọng, là văn kiện pháp lý đầu tiên mở đường cho các hoạt động hợp tác trên biển giữa các bên liên quan, trong các lĩnh vực ít nhạy cảm, nhằm tạo dựng sự tin cậy và lòng tin. Sự đóng góp của Việt Nam vào quá trình thông qua và triển khai thực hiện DOC không nhỏ, khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam ở Biển Đông là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với các quy định của Công ước 1982.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tích cực tham gia Hội thảo kiềm chế xung đột tiềm tàng ở Biển Đông từ năm 1990 được tổ chức theo sáng kiến của In- đô-nê-xi-a và Ca-na-đa, mang tính không chính thức, nhằm tạo lập lòng tin giữa các Bên tranh chấp. Các nhà khoa học Việt Nam đã chủ trì một trong ba dự án của Hội thảo đó là Dự án về đa dạng sinh học; tham gia các chuyến khảo sát Anmabas 2000 và Palawan 2004 với những kết quả khả quan. Hội thảo kiềm chế xung đột tiềm tàng ở Biển Đông đã có những đóng góp nhất định trong việc tạo lập lòng tin, đi đến thông qua DOC ở Biển Đông.
Tháng 10/2003, tại diễn đàn Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ IX diễn ra tại Bali, Indonesia, việc các nước ASEAN đưa ra sáng kiến về an ninh và liên kết phát triển kinh tế khu vực, thông qua “Tuyên bố hoà hợp ASEAN II”, với các trụ cột là hình thức cộng đồng an ninh ASEAN - ASC, Cộng đồng kinh tế ASEAN - AFC và cộng đồng văn hoá - xã hội ASEAN - ASCC từ nay đến năm 2020 và việc Trung Quốc và ấn độ tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác ASEAN (TAC), cam kết không sử dụng vũ lực, giữ ổn định khu vực và mở rộng hợp tác và cùng phát triển đang tạo ra môi trường ngày càng thuận lợi hơn cho việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
Tóm lại, thông qua việc ký kết và thực hiện các “Thoả thuận” trong khu vực về Biển đông, các điều ước về phân định biển và các “Thoả thuận tạm thời” về “Hợp tác cùng phát triển” với các nước hữu quan, Việt Nam đã thể hiện trên thực tế chủ trương đúng đắn là giải quyết mọi tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình; thể hiện quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế xây
dựng trật tự pháp lý công bằng trên biển, tăng cường sự phát triển và hợp tác quốc tế trên biển vì lợi ích của tất cả các nước liên quan, góp phần giữ gìn hoà bình và an ninh ở khu vực và trên thế giới.
3.1.2.2. Nguyên tắc thoả thuận để đưa đến một giải pháp công bằng trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển tại Biển Đông.
Nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp là nguyên tắc cơ bản, nền tảng cho Việt Nam trong việc xem xét và thực hiện các nguyên tắc đặc thù khác của Luật biển áp dụng đối với Biển Đông, trong đó có nguyên tắc thoả thuận để đưa đến một giải pháp công bằng trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển.
a) Việc áp dụng nguyên tắc thoả thuận để đưa đến một giải pháp công bằng trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ biển tại Vịnh Bắc Bộ.
Thực tiễn cho thấy, trước đây, do chưa có đường biên giới và ranh giới biển rõ ràng trong Vịnh Bắc Bộ nên giữa hai nước thường xảy ra các vụ việc tranh chấp phức tạp về đánh bắt hải sản và thăm dò dầu khí, gây bất ổn định và ảnh hưởng không tốt đến quan hệ hai nước, hạn chế việc khai thác bền vững và hiệu quả các tiềm năng sẵn có của vịnh. Do vậy, việc Việt Nam và Trung Quốc tiến hành đàm phán để giải quyết vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ, cụ thể là để xác định rõ ràng đường biên giới lãnh hải, ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, là nhu cầu tất yếu trong công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước, cũng như góp phần vào việc tăng cường mối quan hệ láng giềng, hữu nghị giữa hai nước. Chỉ khi có một đường ranh giới biển rõ ràng trong vịnh, được hai nước thỏa thuận chấp nhận và phù hợp với luật pháp quốc tế, hai nước mới có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành quản lý, sử dụng, khai thác, phát triển và bảo tồn các tài nguyên biển của mình trong Vịnh Bắc Bộ.
Đối với một vụ tranh chấp lãnh thổ biển, việc đưa ra được một nguyên tắc phân định có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng giải quyết là đặc biệt quan trọng, bởi nó liên quan mật thiết tới tính khả thi của cả quá trình đàm phán.
108
Hộp số: 3.1 Sơ đồ đường phân định vịnh Bắc bộ Việt Nam - Trung Quốc
Một nguyên tắc phân định biển phải ra đời dựa trên những đặc trưng riêng có của đối tượng tranh chấp.
Tại Vịnh Bắc Bộ, nơi rộng nhất không đến 200 hải lý, trong khi đó, bờ biển Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu nằm đối diện nhau nên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh bị "chồng lấn" lên nhau. Ngoài ra, tại khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân, nơi bờ biển hai nước tiếp liền nhau, lãnh hải hai nước cũng có sự "chồng lấn". Yêu cầu về việc đàm phán phân định lãnh hải, nhằm xác định biên giới trên biển, ranh giới vùng