Sự hình thành và phát triển

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển trong luật quốc tế hiện đại - Liên hệ với chủ quyền trên biển của Việt Nam (Trang 44 - 46)

4. Phương pháp nghiên cứu

2.2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia

2.2.2.1. Sự hình thành và phát triển

Mối tương quan giữa pháp luật và vũ lực là một trong những vấn đề trung tâm của bất kỳ hệ thống pháp luật nào. Trong mỗi quốc gia, việc dùng sức mạnh hợp pháp được tập trung độc quyền vào trong tay Nhà nước. Trong đời sống quốc tế không tồn tại bất kỳ một cơ quan quyền lực siêu quốc gia nào thì sức mạnh nằm trong tay chính các chủ thể của luật quốc tế. Khi ấy chỉ có cách duy nhất làphải thiết lập khung pháp lý của việc dùng sức mạnh.

Ngay từ khi mới sinh ra tư tưởng luật quốc tế, F. De Victoria và B. Aiala- Thế kỷ 17, đã cho rằng chiến tranh chỉ có thể được sử dụng trong trường hợp tự vệ hoặc như là phương tiện cuối cùng để bảo vệ trật tự pháp luật. Tuy nhiên khi ấy các quốc gia không chuẩn bị để đón nhận quan điểm này. Bằng chủ quyền của mình, các quốc gia thường cho rằng họ có quyền tiến hành chiến tranh không hạn chế, rằng chiến tranh là phương tiện để giải quyết tranh chấp bất đồng quốc tế. Hơn thế nữa, Luật gia Anh L.Oppenheim đã có quan điểm cho rằng “nhìn từ góc độ pháp lý thì quyền tiến hành chiến tranh là quyền tự nhiên vốn có của mỗi quốc gia”. Trước khi “không sử dụng vũ lực và đe doạ bằng vũ lực” trở thành nguyên tắc của luật quốc tế thì nhân loại đã phải trả giá đắt cho lịch sử của mình.

Các Công ước Lahaye năm 1899 về hoà bình giải quyết tranh chấp quốc tế và Công ước năm 1907 về hạn chế sử dụng vũ lực đối với quốc gia vi phạm cam kết quốc tế là những công ước quốc tế toàn cầu lần đầu tiên đã không coi việc tiến hành chiến tranh là quyền của quốc gia nhưng cũng chưa đưa ra quy định ngăn cấm chiến tranh, mà chỉ kêu gọi các quốc gia “với khả năng có thể” thì ngăn ngừa nguy cơ dẫn tới dùng vũ lực [ 45, tr. 107 ].

Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) đã xuất hiện Quy chế Hội Quốc Liên. Điều 12 Quy chế Hội Quốc Liên quy định các nước thành viên không được sử dụng chiến tranh khi chưa áp dụng các biện pháp hòa bình. Như vậy, mặc dù đã có bước tiến mới so với Công ước Lahay 1899 và Công ước năm 1907 nói trên nhưng Quy chế Hội Quốc Liên vẫn chưa đưa ra quy định cấm dùng vũ lực, vẫn coi việc áp dụng vũ lực là phương pháp cuối cùng để giải quyết các tranh chấp quốc tế và vẫn chưa đáp ứng được những điều loài người mong đợi.

Nguyên tắc khước từ chiến tranh, không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp quốc tế được hình thành trong luật quốc tế gắn bó chặt chẽ với tên tuổi hai chính khách Pháp và Mỹ. Đó là ông Briand – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp và ông Kellog - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ vào cuối những năm 20 của thế kỷ XX. Ngày 27/8/1928, hai ông đã thay mặt Chính phủ Pháp và Chính phủ Mỹ ký Hiệp ước về khước từ chiến tranh với tính cách là công cụ của chính sách nhà nước. Hiệp ước này sau được thừa nhận rộng rãi và trở thành điều ước quốc tế nhiều bên. Điều 1 của Hiệp ước ghi nhận “các bên trịnh trọng tuyên bố, nhân danh nước mình, lên án việc dùng chiến tranh để giải quyết tranh chấp quốc tế và khước từ chiến tranh trong quan hệ quốc tế như một công cụ của chính sách nhà nước”. Điều 2 khẳng định: “các bên tham gia Hiệp ước có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hoà bình” [ 47, tr. 10 ]. So với các công ước quốc tế về vấn đề cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế thì Hiệp ước Pari 1928 quả là một bước tiến quan trọng đầu tiên trong việc hình thành nguyên tắc không sử dụng vũ lực với tư cách là quy phạm tập quán của luật quốc tế. Tuy nhiên,

trước khi vấn đề này được cả thế giới công nhận, loài người đã phải trải qua những thảm họa kinh hoàng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945).

Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, Liên hợp quốc ra đời, cộng đồng quốc tế đã trịnh trọng tuyên bố quyết tâm: “Phòng ngừa cho những thế hệ tương lai

khỏi thảm hoạ chiến tranh đã 2 lần xảy ra trong đời chúng ta, gây ra cho nhân loại đau thương không kể xiết” [ 07, Lời mở đầu ]. Cũng từ đây, tư tưởng và

nguyện vọng của loài người về cấm chiến tranh xâm lược đã được nâng lên thành nguyên tắc “không sử dụng vũ lực và đe doạ bằng vũ lực”. Khoản 4 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc quy định: “Tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc

từ bỏ đe doạ bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên Hợp quốc”. Tuy nhiên, với quy định trên đây, Hiến chương Liên hợp quốc mới chỉ

dừng lại ở việc đưa ra tên gọi của nguyên tắc này, còn việc giải thích định nghĩa như thế nào là "vũ lực" và "đe dọa dùng vũ lực" trong quan hệ quốc tế lại phụ thuộc vào cách hiểu của các quốc gia. Điều này tạo ra sự giải thích khác nhau yêu cầu phải xây dựng hệ thống các nguyên tắc và có sự giải thích thống nhất nguyên tắc trong cộng đồng quốc tế. Phải đến năm 1970 khi các quốc gia trong Liên hợp quốc ký kết một điều ước quốc tế về hệ thống các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, thì những khái niệm như: "vũ lực", "đe dọa dùng vũ lực" mới thực sự được giải thích rất rõ ràng. Với những nội dung cụ thể hơn, chứng tỏ nguyên tắc đã giành được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia cũng như giá trị thực tiễn áp dụng của nó trong đời sống chính trị quốc tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Nguyên tắc giải quyết tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển trong luật quốc tế hiện đại - Liên hệ với chủ quyền trên biển của Việt Nam (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(161 trang)