Khái niệm tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại trong Luật hình sự Việt Nam (Trang 27 - 29)

7. Kết cấu của Luận văn

1.1. Một số vấn đề lý luận về quản lý chất thải nguy hại

1.1.3. Khái niệm tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại

Việc nghiên cứu về bất kỳ tội phạm nào khâu đầu tiên cũng cần đưa ra được khái niệm về tội phạm ấy. Khi nghiên cứu để đưa ra được khái niệm về tội phạm cụ thể nào cũng cần xuất phát từ khái niệm tội phạm nói chung được quy định tại Điều 8 của BLHS năm 1999. Theo Điều 8 BLHS năm 1999 thì:

“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa” [39].

Như vậy có thể rút ra khái niệm ngắn gọn về tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt [58, tr.45]. Đây là khái niệm tội phạm nói chung, tất cả các khái niệm tội phạm cụ

thể được quy định trong phần các tội phạm của BLHS đều phải có những đặc điểm cơ bản của khái niệm này.

Để nghiên cứu đưa ra được khái niệm tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại chúng ta cần xuất phát từ khái niệm được quy định tại Điều 182a BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định cụ thể như sau:

“Người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 182 của Bộ luật này, thì...”[45]. Như vậy, Điều 182a BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 không đưa ra khái niệm thế nào là tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại mà dẫn chiếu đến các quy định khác về quản lý chất thải nguy hại. Theo đó, người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại có hậu quả là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác thì phạm tội này.

Điều này dẫn đến việc chúng ta phải nghiên cứu thế nào là vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại. Như tại tiểu mục 1.1. đã phân tích, chất thải nguy hại là một loại chất thải, có các đặc tính lý, hóa hoặc sinh học có thể gây nguy hại trực tiếp hay gián tiếp khi tương tác với các chất khác. Còn quản lý CTNH gồm các hoạt động liên quan đến việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý (kể cả tái chế, thu hồi), tiêu huỷ chất thải nguy hại. Như vậy, vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại là việc các chủ thể có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đã không tuân thủ các quy định liên quan đến phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý, tiêu hủy đối với loại chất thải có đặc tính lý, hóa hoặc sinh học có thể gây nguy hại trực tiếp cho sức khỏe của con người hoặc môi trường.

Với tính chất nguy hiểm và độc hại của loại chất thải này, Nhà nước đã ban hành quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan đến quản lý chất thải nguy hại nhằm đảm bảo các chủ thể có nghĩa vụ trong quản lý loại chất thải

này có trách nhiệm hơn trong việc phòng ngừa, giảm thiểu, phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý (kể cả tái chế, thu hồi), tiêu huỷ chất thải nguy hại. Trong đó có cả chế tài về hình sự được quy định tại Điều 182a BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Như vậy, xuất phát từ khái niệm tội phạm nói chung được quy định trong BLHS năm 1999 và khái niệm vi phạm về quản lý chất thải nguy hại chúng ta có thể rút ra khái niệm tội vi phạm quy định về quản lý chất thải

nguy hại như sau: Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại là hành

vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự được thực hiện bởi người có năng lực trách nhiệm hình sự và có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thông qua việc chủ thể đó không tuân thủ các quy định liên quan đến quản lý chất thải nguy hại.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại trong Luật hình sự Việt Nam (Trang 27 - 29)