Mặt tích cực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam (Trang 79 - 84)

Các chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh đều lấy mục tiêu đạt tới lợi nhuận. Chính yêu cầu từ việc phải thu được lợi nhuận càng nhiều càng tốt đã làm cho các hoạt động kinh doanh không phải lúc nào cũng phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, các yêu cầu của pháp luật. Thậm chí, nhiều chủ thể tham gia kinh doanh, vì lợi ích cá nhân, đã bất chấp đạo đức xã hội, pháp luật của nhà nước, sử dụng những thủ đoạn nhằm triệt hạ đối thủ cạnh tranh, lừa dối người tiêu dùng…

Nhận thức được thực trạng trên là nguy cơ lớn kìm hãm sự phát triển kinh tế, phá vỡ các quan hệ xã hội tốt đẹp… nhà nước đã ban hành được nhiều văn bản pháp luật trong đó có các quy định nhằm khuyến khích những việc làm đạo đức và trừng trị những hành vi vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Bởi vì, thực tế nếu một chủ thể tham gia kinh doanh mà không sẵn sàng một nền tảng đạo đức thì sớm muộn cũng sẽ đi đến vi phạm pháp luật bởi vì đời

sống kinh tế - xã hội bao giờ cũng vận động rất nhanh, không bao giờ chúng ta cũng kịp ban hành các quy định pháp luật để điều chỉnh, đồng thời cơ chế nào cũng không thể hoàn hảo tuyệt đối, chúng vẫn phải có kẽ hở nhất định nào đó. Đấy chính là những điểm, à kẻ xấu có thể lợi dụng. Hiện nay, trong các văn bản của lĩnh vực kinh doanh như Bộ luật dân sự, Luật thương mại, Luật cạnh tranh… đều có các quy định nhằm bảo vệ các giá trị đạo đức. Trong Bộ luật dân sự 2005 có rất nhiều quy định như tại nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận (Điều 4), bình đẳng (Điều 5), thiện trí, trung thực (Điều 6), tôn trọng đạo đức, truyền thống tốt đẹp (Điều 8)… Tại Điều 389 khi đề cập nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự- mảng quan trọng nhất trong dân sự đã quy định: việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

+ Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái với pháp luật, đạo đức xã hội;

+ Tự nguyện, bình đẳng thiện chí, hợp tác, trung thực ngay thẳng. Rõ ràng là dạng quy định mà tính chất đạo đức là rất "đậm đặc".

Trong hoạt động kinh doanh mối quan hệ giữa chủ thể kinh doanh và khách hàng là quan trọng nhất, Nhưng trong mối quan hệ này, không phải lúc nào quyền lợi chính đáng của khách hàng cũng được chủ thể kinh doanh bảo đảm, cho dù họ chính là nguồn mang lại lợi nhuận cho chủ thể kinh doanh. Bảo vệ quyền lợi của khách hàng là một vấn đề bức xúc hiện nay. Để đáp ứng yêu cầu này, pháp luật đã có nhiều quy định cụ thể. Ví dụ như điều 162, Bộ luật Hình sự quy định: " Người nào trong việc buôn bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng… thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm". Cũng trong Bộ luật Hình sự, Điều 156

quy định về "tội sản xuất buôn bán hàng giả" Điều 157 quy định về "Tội buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phóng bệnh", Điều 158 quy định về: "Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng vật nuôi"… Trong pháp lệnh hàng hóa năm 1999 cũng có nhiều quy định để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng như: "Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa do mình sản xuất kinh doanh" (Điều 20), "Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo quy định của pháp luật, đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng đã công bố; kiểm tra chất lượng hàng hóa và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa do mình sản xuất kinh doanh" (Điều 20), tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo trung thực chính xác trong việc thông tin, quảng cáo về chất lượng hàng hóa của mình; phải đảm bảo hàng hóa có nhãn ghi rõ tiêu chuẩn, đặc tính, công dụng, hạn sử dụng và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; công bố điều kiện, thời gian địa điểm bảo hành và hướng dẫn sử dụng hàng hóa cho khách hàng… Những quy định này chính là sự phản ánh và đảm bảo cho chuẩn mực đạo đức cao nhất trong kinh doanh đó là chữ "Tín".

Bên cạnh đó, trong kinh doanh còn có một mối quan hệ cũng rất quan trọng là mối quan hệ giữa chính những chủ thể kinh doanh với nhau, và một vấn đề quan trọng nảy sinh giữa họ là cạnh tranh. Khi trong cùng một lĩnh vực mà có nhiều chủ thể kinh doanh, tất yếu dẫn đến sự cạnh tranh. Đây là một điều bình thường trong cơ chế thị trường nó còn là động lực buộc các chủ thể kinh doanh, nhà cung cấp dịch vụ… ngày càng hoàn thiện, nhờ đó mà người tiêu dùng cũng được lợi… Nhưng chính sức ép lợi nhuận mà nhiều chủ thể kinh doanh đã bất chấp đạo đức xã hội sử dụng những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh nhằm giành giật khách hàng, cơ hội kinh doanh… gây thiệt hại cho đối thủ để bành trướng doanh nghiệp của mình, đi dần đến độc quyền. Để

nhằm ngăn chặn và khắc phục tình trạng không tốt này và để bảo vệ đạo đức trong kinh doanh, nhà nước đã ban hành nhiều quy định pháp luật, mà trực tiếp là trong các luật cạnh tranh, Luật thương mại… Điều 39, Luật cạnh tranh 2004 đã liệt kê cụ thể nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm:

1. Chỉ dẫn gây nhầm lẫn;

2. Xâm phạm bí mật kinh doanh; 3. Ép buộc trong kinh doanh; 4. Gièm pha doanh nghiệp khác;

5. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; 6. Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh;

7. Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; 8. Phân biệt đối xử của hiệp hội;

9. Bán hàng đa cấp bất chính;

10. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác [43]. Đây chính là nhóm những hành vi vi phạm đến các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh như: trung thực, minh bạch, thiện chí… Đơn cử như "Gièm pha doanh nghiệp khác" được giải thích ở Điều 43 là: "… trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác…"

Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy một điều là, việc nhà nước ban hành các quy định pháp luật nhằm bảo vệ, duy trì các giá trị đạo đức trong kinh doanh rất tốt, nhưng chưa phải tất cả. Vấn đề là phải tạo ra cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu để đảm bảo các quy định đó được thực hiện. Đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất các kẽ hở trong pháp luật, kiên quyết và kiên trì buộc các chủ thể kinh doanh phải thực hiện theo thói quen của họ. Đây chính là sự tác động đến đạo đức trong kinh doanh một cách tốt nhất.

Ở chiều hướng ngược lại, những giá trị tốt đẹp trong đạo đức truyền thống của dân tộc ta cũng như những giá trị đạo đức tiến bộ của thế giới được tiếp thu cũng có những tác động tích cực đến pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh. Cụ thể là một số lĩnh vực sau:

Chủ nghĩa yêu nước là một giá trị đạo đức cơ bản trong truyền thống của dân tộc ta. Nó được thể hiện ở tình yêu quê hương đất nước, sự trung thành với Tổ quốc Việt Nam, mong muốn sự thịnh vượng cho đất nước… Chủ nghĩa yêu nước đã thấm sâu vào suy nghĩ của các thế hệ người Việt Nam và trở thành động lực thúc đẩy việc xây dựng và thực hiện các văn bản pháp luật nhằm thể hiện tinh thần dân tộc, bảo vệ lợi ích của dân tộc. Điều 15, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) quy định: "Nhà nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực…". Đây là phương châm chiến lược nhằm đảm bảo nền kinh tế nước ta không quá lệ thuộc vào vốn, công nghệ của nước ngoài. Quá trình đàm phán để gia nhập vào các tổ chức kinh tế quốc tế là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh, có nhượng bộ nhưng cũng kiên quyết với những vấn đề nguyên tắc… Bên cạnh đó, thời gian qua chúng ta cũng đã ban hành nhiều văn bản nhằm bảo hộ, hỗ trợ sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam (đặc biệt thông qua công cụ thuế…) ban hành một số văn bản nhằm đảm bảo an ninh kinh tế…

Đức tính nhân ái, nhường nhịn, nhẫn nại… là những điểm nổi bật trong tính cách người Việt Nam. Chúng đã phần nào phát huy tác dụng trong đời sống kinh doanh hiện nay và được thể hiện trong nhiều quy định pháp luật. Điều 8, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: "Việc xác lập, thực hiện nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn… tình đoàn kết, tương thân tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cồng đồng vì mỗi người…". Trong hoạt động kinh doanh, việc xẩy ra tranh chấp là điều khó tránh khỏi, nhưng nếu phát huy được những đức tính trên thì vẫn có thể thoát ra khỏi sự tranh chấp một cách êm đẹp, đỡ gây tổn thất. Để phản ánh nhân tố này, trong pháp luật tố tụng nước ta đã có quy định: "Trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án có trách nhiệm hòa giải để các

đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án". Thông qua hoạt động hòa giải, các bên có điều kiện ngồi lại để đàm phán, thương lượng, nhượng bộ, xin lỗi, thông cảm… lẫn nhau, chính là thể hiện nét đạo lý tốt đẹp, đồng thời giải quyết được tranh chấp mà không tốn thời gian, tiền bạc, công sức của họ lẫn cơ quan nhà nước.

Nền kinh tế thị trường và sự giao lưu quốc tế đã mang đến cho tính cách của bộ phận không nhỏ người Việt Nam những nét mới. Kết quả điều tra cho thấy hiện nay nhiều người Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ đã có những chuyển biến mạnh trong cách nghĩ, đó là:

1. Biết tính toán hiệu quả kinh tế; 2.Chấp nhận thi đua, cạnh tranh;

3. Hăng say học tập, lao động thay cho "trung bình chủ nghĩa"; 4. Dám chấp nhận phiêu lưu mạo hiểm… [17, tr. 187]. Đây chính là động lực thúc đẩy một cá nhân dám bước vào thương trường, phấn đấu để mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội, biến quy định của Hiến pháp năm 1992: "công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật" (điều 57) thành hiện thực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam (Trang 79 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)