Pháp luật cần đến đạo đức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam (Trang 31 - 36)

Mong muốn lớn nhất của nhà nước là các quy định pháp luật ban hành ra phải được các chủ thể thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Nhưng việc pháp luật có được thực hiện hay không lại phụ thuộc vào ý thức con người. Đời

sống nội tâm của mỗi cá nhân bao hàm những trạng thái cực kỳ đa dạng và phức tạp, sự e sợ bị cưỡng chế chỉ là một phần của vấn đề. Chưa kể đến việc các cá nhân không thể biết hết được các điều luật và chế tài của chúng mà e ngại. Nhưng nếu các chuẩn mực đạo đức như "lương tâm", "cái thiện", "vị tha"… phát huy tác dụng sẽ mang lại cho ý thức cá nhân những quan niệm chính xác về đúng sai, phải trái… đây chính là những tiền đề thuận lợi để pháp luật được thực hiện. Bên cạnh đó, sự xử lý của pháp luật đối với các vi phạm căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm nhưng pháp luật lại chưa thể xử lý những ý đồ xấu, tức là những sự "vi phạm" về mặt ý thức, vốn là tiền đề của những sự vi phạm về hành vi. So với pháp luật ở khía cạnh này, đạo đức có khả năng tác động sâu hơn vào đời sống ý thức của mỗi cá nhân. Ý thức đạo đức của mọi người sẽ phê phán người đó ngay khi họ có những ý xấu. Ví dụ như trong quan niệm tu "thập thiện" của Phật giáo bao hàm ba bộ phận: thân, khẩu, ý. Trong đó "ý" là ý niệm, là phạm trù ý thức mà con người phải thực hiện đúng nếu không sẽ bị "quả báo" bao gồm: không tham "không được ham muốn nhiều, có ý chiếm đoạt người khác"; không sân "không tức giận, nóng nảy, có ý nghĩ muốn làm tổn hại người khác"; không si "không được mê lầm cố chấp". Rõ ràng khi các cá nhân tiếp nhận sự giáo dục và tự giáo dục sẽ hình thành nên ý thức đạo đức, làm cho vai trò của đạo đức được phát huy, "chế tài" lương tâm được thực hiện thì sẽ giảm được việc phải áp dụng chế tài của pháp luật. Chế tài luân lý thay cho chế tài pháp lý! Ngay cả đối với trường hợp một hành vi vi phạm pháp luật đã được thực hiện thì phải phát huy vai trò của đạo đức để tác động vào nội tâm của chủ thể vi phạm. Bởi vì sự day dứt lương tâm chính là tiền đề cho sự hối cải, ngăn ngừa sự tái phạm. Cho nên, trong pháp luật cổ đại Trung Quốc có một hình phạt rất độc đáo có tên gọi những "hòn đá đẹp" (gia thạch). Trong hình phạt này, "phạm nhân bị phạt ngồi trên một hòn đá vân rất đẹp, đặt ở phía bên trái công đường. Ngồi ngắm vân đá rất đều, phạm nhân sẽ thấy lương tâm cắn rứt và hối tiếc về việc lầm lỗi mình đã phạm khiến trật tự bị rối loạn" [34, tr. 155]. Bàn về vấn

đề này Khổng Tử cho rằng: nếu nhà cầm quyền dùng hình phạt để ngăn cấm thì người dân có thể không phạm pháp nhưng là do sợ hãi, nó không bền được, kế sách lâu dài là phải dùng đạo đức, lễ nghĩa thì người dân sẽ biết danh dự, liêm sỉ mà theo về đường tốt, không làm điều xấu (đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách - Luận ngữ, chương Vi chính). Khổng tử đã ý thức rõ về việc suy nghĩ sẽ chi phối hành vi con người và ông muốn đưa vào suy nghĩ của mọi người những nhân tố lành mạnh và hướng thiện, hướng đến một xã hội mà các thành viên ít xung đột với nhau, giảm thiểu việc phải sử dụng hình phạt.

Đạo đức còn có vai trò quan trọng trong việc tạo nên dư luận xã hội như một màng lưới có khả năng ngăn chặn, lọc bỏ những ý xấu, lên án những hành vi xấu. Người Việt chúng ta thường có từ "bia miệng" được nói đến như là hậu quả mà một người thực hiện hành vi xấu phải gánh chịu. Mọi người thường đề cập đến "bia miệng" với một sự e sợ không nhỏ, bởi nó không chỉ gay gắt mà còn dai dẳng (người ta còn nói một cách ước lệ là "nghìn năm" nghĩa là rất lâu).

Như vậy, nội tâm của con người được thanh lọc bằng những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, lành mạnh chính là môi trường tốt để pháp luật thực hiện, ngăn chặn sự vi phạm pháp luật. Ngược lại, một cá nhân khi không có ý thức về các giá trị đạo đức thì cũng dễ dàng xâm phạm đến lợi ích của người khác, dễ dàng vi phạm pháp luật. Đạo đức thường tác động đến pháp luật từ một số hướng cơ bản sau:

Một là, đạo đức tạo nên dư luận xã hội đúng đắn có tác dụng lên án

những hành vi vi phạm pháp luật, cổ vũ những hành vi hợp pháp.

Hai là, đạo đức thấm sâu vào ý thức và hóa thân thành xử sự của cá

nhân, tạo ra những con người có khả năng "miễn dịch" cao đối với sự vi phạm pháp luật;

Bốn là, đạo đức bổ khuyết cho pháp luật trong những trường hợp pháp luật tỏ ra bất lực.

Ở nước ta, nền chính trị - pháp lý truyền thống chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Trung Quốc. Lịch sử Trung Quốc đã chứng kiến sự tranh chấp giữa hai đường lối Nhân trị và Pháp trị và cuộc đấu tranh này cũng được phản ánh vào lịch sử phong kiến Việt Nam với sự lấn lướt của đường lối Nhân trị của Nho giáo. Khổng Tử cho rằng: "Đức của người quân tử (người quản lý) như gió, mà đức của dân như cỏ, gió thổi cỏ tất rạp xuống" (ý muốn nói đến nếu nhà cầm quyền có phẩm chất, đạo đức tốt, làm việc, sinh hoạt mẫu mực tất sẽ cảm hóa được người dân và họ sẽ làm theo các mệnh lệnh quản lý - Luận ngữ, Nhan uyên). Tuân tử, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Xuân thu - Chiến quốc, rõ ràng hơn trong sự so sánh giữa nhân trị và pháp trị, đã khẳng định: "có pháp luật tốt mà loạn là chuyện chưa từng có rồi. Có quân tử mà loạn, là chuyện chưa từng có" (Tuân tử, thiên Vương chế). Như vậy quan điểm nhất quán của Nho giáo cho rằng: sự tu dưỡng đạo đức sẽ làm nên phẩm chất của nhà quản lý, họ cảm hóa người dân và người dân sẽ cư xử một cách có đạo đức là con đường tất yếu dẫn đến trạng thái bình, thịnh trị cho xã hội. Ưu điểm của thuyết nhân trị là ở sự tu dưỡng, tạo ra được tầng lớp kẻ sĩ với những quan điểm tiến bộ "sĩ chí ư đạo" (chí hướng để ở đạo); "sĩ đương tiên thiên hạ chi

ư, nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc, nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau

cái vui của thiên hạ)… đồng thời tạo ra được một lối sống điều hòa, đề cao đạo đức, ăn ở với nhau có lễ nghĩa… Nhưng hạn chế của thuyết này là sự coi nhẹ yếu tố cơ chế, pháp luật, đề cao quá mức vai trò của phẩm chất cá nhân nên sự quản lý thường mang tính "cảm tính", tùy tiện, thiếu chặt chẽ, minh bạch.

Bước sang thế kỷ XX, những học thuyết chính trị - pháp lý hiện đại từng bước du nhập vào nước ta và nổi lên hiện nay là tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền. Nét nổi bật trong tư tưởng này là sự đề cao vai trò của cơ chế, pháp luật. Nói như quan niệm của J. Madison thì:

Bản thân chính quyền là gì nếu không phải là sự phản ánh rộng lớn nhất trong mọi phản ánh về bản chất con người? nếu con người là những thiên thần thì sẽ không cần thiết phải có chính quyền. Trong việc tạo ra khuôn khổ cho một chính quyền, điều khó khăn nhất là ở chỗ trước hết, chính quyền phải có khả năng kiểm soát những người bị quản lý; kế tiếp, chính quyền phải có nghĩa vụ

tự kiểm soát mình [29, tr. 45].

Quan niệm này tiêu biểu cho tư tưởng phải quản lý xã hội bằng pháp luật, bằng những cơ chế dân chủ chặt chẽ để không ai có thể tùy tiện, không ai có thể đứng trên pháp luật. Đến nay ở nước ta, sự quản lý bằng pháp luật là nguyên tắc hiến định (điều 12 Hiến pháp 1992). Đây chính là quan điểm phù hợp với thực tế khách quan nền kinh tế thị trường ở nước ta cũng như xu thế chung của thế giới đương đại.

Sự xác lập nguyên tắc pháp luật này đã làm thay đổi diện mạo của pháp luật trong cơ chế điều chỉnh xã hội nói chung. Công tác xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, lối suy nghĩ và cách hành xử theo pháp luật sẽ ngày càng vững chắc trong đời sống xã hội. Nhưng đạo đức trong dòng chảy của riêng mình, vẫn không hề mất đi sức sống. Việt Nam là đất nước có lịch sử lâu đời và truyền thống văn hóa đặc sắc, trong đó có truyền thống đạo đức. Về cơ bản, đạo đức truyền thống của dân tộc ta là những giá trị tốt đẹp như: tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, ý thức cộng đồng, nhường nhịn, thủy chung… các giá trị tốt đẹp này đã được phản ánh vào ý thức và xử sự của nhiều người. Chúng thực sự là những tài sản có giá trị để chúng ta phát huy. Bởi vì, trong xu thế toàn cầu hóa, kinh tế thị trường hiện nay, các nước, trong đó có Việt Nam lại đang tìm về bản sắc văn hóa của mình để tạo nên điểm tựa tinh thần, tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Không những vậy, Việt Nam là dân tộc có tinh thần khai phóng, sẵn sàng tiếp nhận những gì là hợp lý. Do đó, một số quan niệm đạo đức mới nhưng tiến bộ của nhân loại đã được xã hội ta đón nhận như vai trò, vị trí cá nhân theo nghĩa lành mạnh của nó, vấn đề bảo vệ môi trường.v.v… Những quan niệm này bước đầu đã phát huy tác dụng trong suy nghĩ và hành động của nhiều người.

Chính vì vậy, trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, pháp luật và đạo đức cần phải bổ sung cho nhau. Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức thực sự là yếu tố khách quan. Mục tiêu hướng đến là tìm ra được sự kết hợp hài hòa nhằm khai thác, phát huy những mặt mạnh, khắc phục những mặt hạn chế của cả pháp luật và đạo đức để đạt được hiệu quả quản lý cao nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam (Trang 31 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)