Sự tác động của đạo đức tới pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam (Trang 72 - 79)

Các chuẩn mực đạo đức, đặc biệt là đạo đức truyền thống đã ngấm sâu vào đời sống của người Việt Nam qua các thế hệ, có khả năng chi phối suy nghĩ và hành động của các cá nhân, cũng như tạo ra dư luận xã hội. Chính điều này đã tạo nên sự tác động hai mặt của đạo đức tới pháp luật. Quá trình này được thể hiện cụ thể ở những khía cạnh sau:

- Quy phạm đạo đức tạo nên dư luận xã hội, nó tạo nên một áp lực

chính nghĩa góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vì khi

một cá nhân vi phạm pháp luật, họ không những bị pháp luật xử lý bằng các chế tài mà còn chịu sự lên án của dư luận xã hội. Thậm chí, ở một số tội danh, sự e sợ dư luận xã hội không kém gì sự e sợ các chế tài, bởi vì người Việt Nam rất coi trọng danh dự, sợ bị "mang tiếng để đời". Ví dụ như điều 151, Bộ luật Hình sự quy định: "người nào ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm". Rõ ràng, trong trường hợp này, những hành vi mà điều luật trên quy định là đi ngược lại truyền thống luân lý của gia đình Việt Nam, chúng ta phải chịu "búa rìu" của dư luận. Đây chính là cơ sở kiềm chế những hành vi vi phạm quy định pháp luật này.

- Các quy phạm đạo đức tác động đến tất cả các cá nhân, nhưng mức

độ thẩm thấu vào từng người là khác nhau. Những chủ thể nào đã thấm nhuần

các tư tưởng đạo đức, trở thành "con người đạo đức" thì không nhất thiết là họ đã trở nên miễn dịch đối với sự vi phạm pháp luật, nhưng rõ ràng đây là những chủ thể tiềm tàng khả năng chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Chẳng hạn người nào thấm nhuần tư tưởng " cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác" (kỷ sở bất dục vật thi ư nhân) của Nho giáo thì sẽ rất ít khi có ý nghĩ làm thiệt hại về vật chất hay tinh thần cho người khác. Hoặc quan niệm "đói cho sạch, rách cho thơm" có thể tạo ra những con người có khí phách, kiên định lập trường, dù trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn vẫn không bị dao động trước các cám dỗ vốn là con đường dẫn đến vi phạm pháp luật. Trong các ngành nghề cụ thể, lĩnh vực nào cũng có những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp. Khi những chuẩn mực này được tôn trọng sẽ tạo thuận lợi cho việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong ngành nghề đó. Đối với đội ngũ cán bộ công chức ở nước ta hiện nay, vấn đề đạo đức đang được đặt ra hết sức bức thiết. Tính đúng đắn của các hoạt động công vụ phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức của họ. Khi nghiên cứu luật thực định, ta thấy có rất nhiều vi phạm pháp luật bắt nguồn từ sự sa sút về đạo đức (như các tội phạm trong nhóm tội phạm về chức vụ, các tội xâm phạm hoạt động tư pháp…). Vì vậy, những cơ chế chính sách phù hợp nâng cao được ý thức đạo đức trong đội ngũ cán bộ, công chức là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy việc thực hiện pháp luật, hạn chế vi phạm, đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

- Các giá trị đạo đức trở thành cơ sở cho việc làm phát sinh, thay đổi

hay chấm dứt các quan hệ pháp luật. Quá trình hình thành các quan hệ pháp

luật chính là quá trình xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên. Họ có thể được hưởng lợi hay phải gánh chịu những thiệt hại từ việc tham gia vào các quan hệ pháp luật. Hay nói khác đi, trong các quan hệ pháp luật đều có tính "rủi ro" của nó. Vì vậy, chủ thể phải cân nhắc các yếu tố khi xác lập quan hệ, một trong những cái đó chính là tư cách của đối tác. Thực tế cho thấy, người ta bao giờ cũng thích giao dịch với những người được đánh giá là tốt bụng, sòng phẳng, đứng đắn, giữ chữ tín… chứ không ai muốn làm ăn với những người bị coi là tráo trở, bất lương. Thậm chí, tác giả Henderson trong cuốn "Đạo đức trong kinh doanh" còn cho rằng: "đạo đức kinh doanh là một lợi thế cạnh

tranh". Dân gian Việt Nam có câu "một lần thất tín, vạn lần bất tin" là để nhằm răn mọi người nếu để mất niềm tin thì rất khó lấy lại, rất khó để đối tác tiếp tục duy trì quan hệ.

Trong các mối quan hệ pháp luật liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm nhân sự thì đạo đức là nhân tố quan trọng để cơ quan, tổ chức đánh giá, quyết định có nhận người đó vào làm hay không. Rất nhiều lĩnh vực đưa ra tiêu chuẩn đạo đức để tuyển dụng, bổ nhiệm như: tiêu chuẩn đạo đức của nhà giáo, nhà báo, luật sư, thẩm phán… Nếu các cá nhân không đảm bảo yêu cầu về đạo đức thì quan hệ pháp luật về tuyển dụng, bổ nhiệm sẽ không được xác lập. Trường hợp đang làm việc, nếu vi phạm các quy tắc đạo đức thì tùy mức độ vi phạm mà quan hệ giữa người đó với cơ quan, tổ chức sẽ bị thay đổi hay chấm dứt.

- Đạo đức bổ khuyết cho pháp luật trong những trường hợp pháp luật

bất lực. Thực tế cho thấy, có nhiều quan hệ xã hội mà sự điều chỉnh của pháp

luật chỉ mang tính nguyên tắc, kêu gọi, cơ chế kiểm soát xem các chủ thể có thực hiện đúng hay không là tương đối khó khăn. Ví dụ như những trường hợp nạn nhân của các tai nạn giao thông chẳng những không được cứu giúp mà còn bị lấy hết đồ đạc. Đối với những trường hợp đặc thù như thế này (đường vắng vẻ, không có nhà chức trách, nạn nhân bị ngất…) thì rõ ràng pháp luật không thể vươn tới được. Lúc này, chỉ có những chuẩn mực đạo đức tạo ra sự day dứt về lương tâm… mới có khả năng ngăn chặn những hành vi xấu và kích thích hành vi giúp đỡ người bị nạn. Khi đó, một hành vi đạo đức được thực hiện cũng chính là sự ngăn chặn đứng một hành vi vi phạm pháp luật.

Trong giai đoạn quá độ hiện nay ở nước ta, các quan hệ kinh tế - xã hội vừa đa dạng vừa phức tạp, lợi ích trở thành cái thôi thúc các cá nhân. Trong khi đó, các quy định pháp luật chưa phải là đã đầy đủ và hoàn thiện, cơ chế để đưa pháp luật vào cuộc sống và kiểm tra sự thực hiện pháp luật còn phải tiếp tục được bổ sung. Bản thân các quy tắc đạo đức đã có một lịch sử lâu đời và tính

thích nghi cao đối với sự vận động rất nhanh của các quan hệ xã hội, tạo nên khả năng hỗ trợ khi mà pháp luật bộc lộ những hạn chế. Ở nước ta, thời gian qua đã xuất hiện nhiều trường hợp mà những xử sự của chủ thể bắt nguồn từ ý thức đạo đức. Ví dụ như: trong diễn ra dịch cúm gia cầm, trong khi có nhiều chủ nuôi gà không tuân theo đúng quy định pháp luật, thì cũng có những người kiên trì đợi hết thời hạn 28 ngày sau khi tiêm chủng thì mới bán gà. Khi được phỏng vấn vì sao lại là như vậy thì họ trả lời đơn giản: "nếu bán trước thời hạn, người ta ăn vào mà bị bệnh thì phải tội lắm". Rõ ràng, xử sự của họ là xuất phát từ việc đặt mình vào địa vị người khác, không muốn người khác phải đau khổ vì việc làm của mình, mặc dù cơ chế pháp luật để giám sát họ có tuân thủ đúng thời hạn hay không là hầu như không thể, và họ cũng rất cần có thu nhập.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, pháp luật không thể dự liệu và điều chỉnh được tất cả các quan hệ xã hội, trong những trường hợp như vậy, các quy phạm xã hội nói chung, trong đó có đạo đức sẽ phát huy tác dụng, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cơ chế điều chỉnh xã hội, làm cho sự điều chỉnh các quan hệ xã hội trở nên rộng khắp và hiệu quả hơn.

- Những tác động tiêu cực đến pháp luật. Ở trên, chúng ta đã phân tích

những tác động tích cực của đạo đức tới pháp luật. Nhưng trong các quy tắc đạo đức, không phải cái nào cũng là tốt đẹp, có những quy tắc đã trở nên lỗi thời lạc hậu, có những quan niệm mới lại là sự cực đoan hay sự du nhập một cách lai căng từ bên ngoài. Đây chính là những yếu tố tác động một cách tiêu cực tới pháp luật. Sự tác động này bao gồm một số khía cạnh sau:

Một là, sự tác động của những quan niệm đạo đức truyền thống đã lạc

hậu đến đời sống xã hội.

Hai là, sự tác động tiêu cực của những quan niệm mới được du nhập

Trước hết, chúng ta nói đến tác động của các quan niệm đạo đức truyền thống đã lạc hậu đến đời sống xã hội nói chung.

Đầu tiên phải nói đến các quan niệm đạo đức đề cao một cách thái hóa các giá trị cộng đồng, chưa coi trọng các giá trị cá nhân, như "chết đống hơn sống một", "xấu đều hơn tốt lỏi"… Đây cũng là một nguyên nhân làm cho một số quy định pháp luật, chính sách của nhà nước giải quyết mối tương quan giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích của nhà nước chưa thực sự thỏa đáng. Đồng thời vấn đề chưa tạo điều kiện đầy đủ cho các cá nhân (phẩm chất cá nhân, ý kiến cá nhân, sáng kiến cá nhân…) được phát triển, được thể hiện khả năng của mình cũng có nguyên nhân từ quan niệm này. Đạo đức phong kiến trước đây đề cao trật tự đẳng cấp, tạo ra hệ thống thang bậc địa vị xã hội và bắt mọi người phải khép mình trong khuôn khổ đó (trọng nam khinh nữ, trọng quan nhẹ dân…) đã tạo ra những quy định pháp luật bất bình đẳng như "bát nghị" "thất xuất"… (Điều 3, 310 Bộ luật Hồng Đức). Hiện nay những tư tưởng đó không còn được thừa nhận về mặt chính thức, nhưng quán tính của chúng không hẳn đã hoàn toàn mất đi. Điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chưa thực sự bình đẳng trong một số hoạt động của cơ quan nhà nước (dân vi phạm thì bị xử theo luật, cán bộ, công chức vi phạm thì xử lý nội bộ, người dân chậm nộp thuế thì bị xử lý, cán bộ thu thuế làm việc dây dưa thì chưa có chế tài làm phát sinh tiêu cực…). Bên cạnh đó còn phải kể đến tư tưởng "đề cao các giá trị đạo đức đến mức thái quá, tự mê hoặc bởi các giá trị đạo đức thủ cựu và mù quáng tôn sùng đạo đức như một sức mạnh vạn năng" [11, tr. 7], chủ quan xem nhẹ các yếu tố cơ chế, pháp luật dẫn đến việc thiếu chú trọng, chậm xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật… tạo kẽ hở cho vi phạm pháp luật phát sinh.

Tác động của các quan niệm đạo đức lạc hậu tới đội ngũ cán bộ, công chức khá đa dạng và phức tạp. Chúng không chỉ dẫn đến sự lệch lạc trong lối sống mà còn làm méo mó, sai lệch hoạt động công vụ. Theo tinh thần trong bài viết của tác giả Nguyễn Bình Yên thì đó là một số "căn bệnh".

Thứ nhất, tư tưởng địa vị là nguyên nhân dẫn đến việc có những công chức bằng mọi giá phải đặt được một vị trí nào đó có quyền lực, để từ đó có thể hưởng lợi. Thực tế ở nhiều nơi xảy ra tình trạng tranh giành địa vị, mất đoàn kết nội bộ… không ít cán bộ không đủ năng lực… nhưng vẫn tìm đủ mọi cách giữ "ghế".

Thứ hai, tư tưởng gia trưởng, gia đình chủ nghĩa. Tư tưởng gia trưởng

dẫn đến sự độc đoán, chuyên quyền vi phạm nguyên tắc dân chủ, nhiều quyết định mang tính cảm tính chứ không theo quy chế, pháp luật dẫn đến sai phạm. Cùng với tư cách gia trưởng thì tư tưởng gia đình chủ nghĩa cũng đưa đến nhiều tác hại như: Đưa họ hàng thân quen vào nắm giữ các chức vụ trong cơ quan, biến quan hệ công tác thành quan hệ kiểu gia đình, "anh em đóng cửa bảo nhau" làm tê liệt tình thần phê và tự phê bình, che đậy những mầm mống mất đoàn kết, là tiền đề cho sự vi phạm pháp luật.

Thứ ba, tư tưởng cục bộ, địa phương làm hạn chế tầm nhìn trong cách

đáng giá và bố trí cán bộ, chỉ chú trọng phát triển địa phương mình chứ không tính đến lợi ích của các địa phương khác và cả nước.

Thứ tư, tư tưởng trọng nam khinh nữ, xem thường lớp trẻ làm nảy sinh

sự bất bình đẳng trong đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ. không dám mạnh dạn thử thách cán bộ trẻ, thực chất vừa làm lãng phí vừa kìm hãm sự phát triển.

Ở trên chúng ta đã đề cập đến những ảnh hưởng tiêu cực của những quan niệm đạo đức lạc hậu, bên cạnh đó, trong điều kiện nền kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập hiện nay, một số quan niệm mới hình thành, hoặc du nhập vào nước ta chưa có thời gian kiểm nghiệm thì một số người đã vội hô hào là "tân tiến" "hiện đại"… nhưng thực tế chúng lại làm đảo lộn nhiều mối quan hệ xã hội, là tiền đề dẫn đến sự vi phạm pháp luật. Theo điều tra đánh giá thì hiện nay ở nước ta đã có những biến đổi rõ rệt thang giá trị đạo đức của xã hội, đó là:

- Mẫu người cá nhân đang dần dần thay thế cho mẫu người vì xã hội tập thể;

- Lối sống thực dụng đã và đang thế chỗ cho lối sống lý tưởng;

- Việc coi trọng đồng tiền đến sùng bái đồng tiền là một trào lưu đang có nguy cơ lan tràn trong xã hội;

- Trước đây lên án người giàu đến nay đã ưu ái người giàu đến tôn sùng người giầu và hình thành xu hướng mong muốn làm giầu nhanh chóng bằng mọi giá;

- Lối sống khiêm tốn, lành mạnh, giản dị bị coi là lỗi thời;

- Những thói quen tôn trọng gia đình, cộng đồng dần bị xem nhẹ, dẫn đến buông thả, coi thường dư luận, coi thường pháp luật… [27, tr. 38].

- Những quan niệm sống cực đoan, sai trái như trên đã tác động mạnh đến suy nghĩ của nhiều người dân và một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Chính điều này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thực trạng đáng lo ngại về vi phạm pháp luật và các tệ nạn xã hội ở nước ta hiện nay.

Chương 2

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam (Trang 72 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)