SỰ TÁC ĐỘNG QUA LẠI GIỮA PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG LĨNH VỰC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam (Trang 92 - 98)

- Mặt hạn chế

2.3. SỰ TÁC ĐỘNG QUA LẠI GIỮA PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG LĨNH VỰC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

LĨNH VỰC HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH

Trong thời gian qua, ở nước ta, hôn nhân và gia đình là một trong những lĩnh vực chịu nhiều thách thức nhất từ sự chuyển đổi cơ chế kinh tế. Trong đời sống xã hội người Việt Nam, hôn nhân và gia đình luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, đây là lĩnh vực chứa đựng những nhân tố đạo đức "đậm đặc" nhất, đồng thời cũng là lĩnh vực nhạy cảm, dễ tổn thương nhất của mỗi cá nhân. Nếu đời sống hôn nhân và gia đình tuân theo các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp sẽ đem đến cho mọi người hạnh phúc, ngược lại sẽ là đau đớn, đổ vỡ… Đồng thời lĩnh vực hôn nhân gia đình cũng ngày càng trở nên phức tạp, đa dạng với các quan hệ tài sản, thừa kế… nên rất cần có sự điều chỉnh hiệu quả bằng pháp luật.

- Mặt tích cực

Ý thức được tầm quan trọng của lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh, trong đó quan trọng nhất là quy định của Hiến pháp 1992, Luật hôn nhân và gia đình 2000 và một số quy định có liên quan trong Bộ Luật Dân sự. Trong các văn bản này, đều chứa đựng nhiều điều khoản đề cao, bảo vệ các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, hướng xử sự của các cá nhân đến tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong hôn nhân và gia đình. Điều 64 Hiến pháp 1992 xác định: "Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ". Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật hôn nhân và gia đình 2000 đã quy định nhiều vấn đề quan trọng như kết hôn, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, ly hôn… theo sát những giá trị đạo đức.

Hôn nhân là việc hệ trọng đối với mỗi người, đồng thời là sự kiện pháp lý xác lập nên quan hệ hôn nhân, tạo nên đời sống gia đình. Ngay từ đầu, nếu hôn nhân được hình thành trên cơ sở những giá trị tốt đẹp sẽ là tiền đề tạo nên gia đình hạnh phúc, ngược lại, sẽ là mầm mống cho sự bất hòa, đổ vỡ trong đời sống gia đình sau này nên Luật hôn nhân và gia đình đã quy định:

Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo, cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi.

Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chồng mà kết hôn hoặc sống chung như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ [42, Điều 4].

Những quy định này chính là cơ sở pháp lý để bảo vệ sự trong sáng, trung thực, tự nguyện, chung thủy… trong hôn nhân.

Quan hệ gia đình có ý nghĩa trọng đại đối với mỗi cá nhân, chúng được biểu hiện thành những mối quan hệ cơ bản như: vợ - chồng, cha mẹ - con; ông bà- cháu… Để đề cao, duy trì, phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp, Luật Hôn nhân và gia đình đã có các quy định cụ thể:

Về quan hệ vợ - chồng, ngoài tình nghĩa vợ chồng "chung thủy, thương yêu quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau…" (Điều 18) thì "bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa vợ chồng" (Điều 19) chính là cơ sở để tạo dựng một gia đình hạnh phúc, bền vững, tạo tiền đề để vợ chồng "tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau (Điều 21), tôn trọng "quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo" của nhau (Điều 22), "giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau phát triển" (Điều 23).

Về quan hệ giữa cha mẹ và con, những giá trị đạo đức tốt đẹp đã được phản ánh rõ nét trong các điều luật. Đó là: "cha mẹ có nghĩa vụ và quyền yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc… không được phân biệt đối xử giữa các con…, không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội" (Điều 34). Về phía các con, sự hiếu kính với cha mẹ là nét chủ đạo trong gia đình Việt Nam đã được phản ánh vào luật "con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ… có nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ".

Ngoài ra, Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 còn có nhiều quy định nhằm củng cố các truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc như: "cháu có bổn phận kính trọng chăm sóc phụng dưỡng ông bà nội ông bà ngoại" (Điều 47). Đây thực sự là quy định rất có ý nghĩa. Bởi vì hiện nay mô hình "Tam đại đồng đường", "Tứ đại đồng đường" ngày càng ít đi, do điều kiện học tập, công tác, lối sống mới… các thành viên trong gia đình ngày càng trở nên biệt

lập, người cao tuổi và các thế hệ trẻ ngày càng xa cách, nhiều người đã không ý thức được bổn phận mà mình phải làm nên làm đối với ông bà của mình.

Ngược lại, dân tộc Việt Nam có những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, là môi trường thuận lợi để các quy định của pháp luật Hôn nhân và Gia đình được thực hiện. Trong hệ thống các giá trị đó, quan trọng nhất là một số chuẩn mực sau:

Thứ nhất, chung thủy là một chuẩn mực quan trong, xây dựng nên và

duy trì đời sống hôn nhân của người Việt Nam. Chung thủy thể hiện thái độ nhất quán, trước sau như một trong quan hệ tiền hôn nhân và hôn nhân. Hiện nay pháp luật Hôn nhân và Gia đình quy định việc kết hôn do nam nữ tự quyết định, không ai được ép buộc, cản trở quan hệ giữa nam và nữ, việc họ có quyết định kết hôn với nhau hay không là do chính họ quyết định. Các thanh niên nam nữ giờ đã được giải phóng khỏi quan niệm "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", tự do tìm hiểu không bị ép buộc, nhưng có một số quan niệm quá đà về vấn đề này nên có cách xử sự không đúng mực, không nghiêm túc trong tình yêu, cả thèm chóng chán, để lại hậu quả cho người kia và xã hội. Mặc dù pháp luật không điều chỉnh quan hệ tiền hôn nhân nhưng yếu tố chung thủy góp phần quan trọng vào sự ổn định của tình yêu nam nữ, tạo tiền đề vững chắc cho hôn nhân sau này, hạn chế những hậu quả xảy ra cho xã hội.

Trong quan hệ hôn nhân, chung thủy lại càng có ý nghĩa quan trọng. Đời sống kinh tế thị trường hiện nay có nhiều tác động xấu vào quan hệ hôn nhân như việc xuất hiện nhiều tụ điểm giải trí dễ đưa người ta vào con đường sa ngã như tệ nạn xã hội, quan hệ tình cảm bừa bãi… Hiện nay ở nước ta, các cặp vợ chồng ngày càng ít lệ thuộc nhau về mặt kinh tế, công việc, quan hệ công tác của các cá nhân thường rộng rãi, tiếp xúc với nhiều người, nên dễ nảy sinh tâm lý so sánh vợ, chồng mình với người khác… nếu không có quan niệm đúng đắn về lòng chung thủy, trách nhiệm với con cái, danh dự và bản thân… thì rất dễ làm cho quan hệ hôn nhân phai nhạt, dẫn đến đổ vỡ, phản bội

lẫn nhau. Chung thủy chính là chất keo duy trì tính ổn định, bền vững của gia đình, đảm bảo hạnh phúc cho mỗi người.

Thứ hai, chữ "Hiếu" là nét căn bản trong truyền thống đạo đức gia

đình Việt Nam. Nhiều triều đại phong kiến Việt Nam nâng chữ "Hiếu" lên thành một nguyên tắc trị nước. Người Việt Nam vốn có tình cảm sâu đậm đối với cha mẹ, lại được sự gia cố của nhà nước phong kiến, nên chữ "Hiếu" có một vị trí vững chắc trong mỗi gia đình. Quan niệm "Hiếu" chủ yếu thể hiện ở thái độ của con đối với cha mẹ có đúng đắn hay không, nó hàm chứa những chuẩn mực như:

Lúc cha mẹ còn sống, còn khỏe thì phải kính trọng, nghe lời cha mẹ, khi cha mẹ làm những việc sai trái thì phải can ngăn một cách khéo léo…

Lúc cha mẹ già yếu thì phải chăm sóc phụng dưỡng, lúc cha mẹ bệnh thì phải thuốc thang, chạy chữa hết lòng, hết sức…

Lúc cha mẹ mất thì phải tổ chức tang lễ, cúng giỗ trang trọng, chu đáo, xuất phát từ tình cảm thực sự…

Đó là những chuẩn mực "Hiếu" thông thường trong mối quan hệ giữa con cái và cha mẹ, hay còn gọi là "tiểu hiếu". Người Việt Nam ta còn có quan niệm về "Hiếu" phóng khoáng và cao cả hơn, gọi là "đại hiếu". Đó là việc người con trong quá trình sinh hoạt và công tác, không được làm điều gì vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật để cha mẹ không bị "mang tiếng". Cao hơn nữa là lập thân, lập nghiệp, có đức, có danh để cha mẹ nở mày nở mặt… Đây thực sự là những quan niệm vừa thiết thực vừa sâu sắc đối với mỗi cá nhân. Bởi vì người Việt Nam quan niệm con cái là tương lai, là niềm hy vọng của mình. Nếu con cái ngoan ngoãn, giỏi giang thì cha mẹ hạnh phúc, tự hào, ngược lại thì cha mẹ rất đau khổ!

Trong điều kiện nước ta hiện nay, do chữ "Hiếu" có tác dụng to lớn thúc đẩy mọi người thực hiện các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình

như: "con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ… nghiêm cấm ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ" (điều 35)… Bởi vì, trong những quy định kiểu này, cơ chế pháp lý đảm bảo cho nó được thực hiện là khá yếu, nhà nước khó có thể thực sự kiểm soát được một người có thực sự hiếu thảo với cha mẹ hay không. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là sự tự giác của mỗi người cũng như vai trò của dư luận xã hội là những đảm bảo mạnh mẽ cho những điều luật kiểu này được thực hiện.

- Mặt hạn chế

Bên cạnh những mặt tích cực, sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế, tồn tại, chúng được phản ánh ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, mặc dù chúng ta đã có các quy định trong Hiến pháp, Luật

Hôn nhân và gia đình thậm chí cả trong Bộ luật Hình sự, nhưng không phải các quy định này đã thực sự đến với mọi người dân. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật Hôn nhân và gia đình ở nhiều nơi còn bất cập, đồng thời chế tài đối với một số hành vi vi phạm còn chưa đủ mạnh. Chúng ta chưa thực sự xây dựng khung pháp lý để ngăn chặn những quan niệm xa lạ của đời sống Âu tây xâm nhập vào nước ta, chưa thiết kế được kênh thông tin hữu hiệu để nắm bắt tình trạng ngược đãi, bạo hành trong gia đình một cách đầy đủ và chính xác… dẫn đến việc vẫn tồn tại nhiều hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật Hôn nhân và Gia đình như đánh vợ, ngược đãi cha mẹ, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, ở thành phố Hồ Chí Minh, số vụ kiện chồng có vợ hai tính trung bình là trên 4000 vụ một năm.

Thứ hai, sự tác động của cơ chế thị trường, quá trình giao lưu hội nhập

quốc tế đã làm biến đổi nhiều chuẩn mực đạo đức gia đình Việt Nam. Nhiều người có quan niệm sùng bái tiền tệ, coi tiền là có tất cả nên khi trở nên giàu có sinh ra chơi bời, hưởng thụ… Bên cạnh đó, nhiều nét tiêu cực của văn hóa phương Tây xâm nhập vào nước ta làm nảy sinh những quan niệm lệch lạc,

không trân trọng đời sống gia đình, tự do thái quá… dẫn đến sự vi phạm pháp luật Hôn nhân và gia đình.

Thứ ba, vấn đề mê tín dị đoan vẫn còn ảnh hưởng đến không ít người.

Khi bị ngược đãi, phản bội thì cho rằng đó là "số mệnh" không tránh được, đành cam chịu cho xong, hoặc sợ xấu hổ không báo cho cơ quan có thẩm quyền dẫn đến sự lấn lướt, lộng hành của những người vi phạm, càng làm cho tình trạng thêm trầm trọng, đồng thời cơ quan nhà nước không có cơ sở để xử lý triệt để.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam (Trang 92 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)