Quan niệm chung về nhà nước pháp quyền

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam (Trang 36 - 38)

Ngay từ thời cổ đại, con người đã trăn trở với việc làm thế nào để tổ chức xã hội (với hai thành tố quan trọng bậc nhất là nhà nước và pháp luật) một cách hiệu quả nhất. Các nhà tưởng thời cổ đại như Socrates, Platon, Aristotle…, trong các tác phẩm của mình đều đã đưa ra những luận giải về cách thức tổ chức chính quyền, về vai trò của pháp luật… Nhưng phải đến thế kỷ XVII, XVIII, cùng với sự thắng thế của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tại nhiều nước Châu Âu, tư tưởng về nhà nước pháp quyền mới thực sự rõ nét, và trở thành động lực tư tưởng để các quốc gia tổ chức xã hội mới. Các tư tưởng này gắn liền với tên tuổi của những nhà tư tưởng kiệt xuất như J.Locke, C.Montesquieu, I.Kant…

Theo J.Locke(1632 - 1704), nhà tư tưởng kiệt xuất người Anh, việc một cá nhân nắm giữ quyền lực quá lớn chính là nguy cơ dẫn đến sự chuyên quyền độc đoán, chà đạp lên các quyền tự do của con người. J.Locke là người chủ trương quyền lực thuộc về nhân dân nên ông không thể chấp nhận sự cực quyền

để dẫn đến hậu quả tai hại đó. Giải pháp mà J.Locke đưa ra là phải thực hiện sự phân chia quyền lực để hạn chế sự lạm quyền, mọi hoạt động của nhà nước phải điều hành trên cơ sở các luật do cơ quan đại diện của nhân dân ban hành.

C.Montesquieu (1698 - 1755), nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp, trong tác phẩm Tinh thần pháp luật đã phát triển những quan điểm của J.Locke lên một tầm cao mới. Theo ông thì nguyên tắc chủ quyền nhân dân là không phải bàn cãi, mà vấn đề là làm thế nào để đảm bảo được nguyên tắc này. Ông cho rằng chế độ phong kiến chuyên chế đồng nghĩa với sự độc đoán và tùy tiện, pháp luật trong chế độ này dù được ban hành thì vẫn có thể bị phớt lờ bất cứ lúc nào. C.Montesquieu cho rằng sự phân chia quyền lực là điều kiện then chốt nhất để tránh được chuyên quyền độc đoán, và quyền lực cần phải được phân chia thành ba nhánh: lập pháp - hành pháp - tư pháp. Trong đó phải đặc biệt bảo đảm được tính độc lập của nhánh quyền lực tư pháp.

I.Kant (1724 - 1804), nhà triết học xuất sắc người Đức, cho rằng mỗi cá nhân đều có sự tự do ý chí, nhà nước là sự hợp bởi các cá nhân, cho nên nếu muốn có được trật tự thì mọi người cần phải phục tùng các đạo luật do nhà nước ban hành vốn phải thể hiện được nguyên tắc chủ quyền nhân dân. Đồng thời, nhà nước, trong tất cả các hoạt động của mình đều phải căn cứ trên cơ sở pháp luật, khép mình vào khuôn khổ của pháp luật, nếu không "nó sẽ không còn giữ được sự tín nhiệm từ phía nhân dân". Theo I.Kant, một nhà nước vận hành theo nguyên tắc phân chia quyền lực là một nhà nước pháp quyền - đồng nghĩa với văn minh, nếu không chúng sẽ là những nhà nước chuyên chế.

Tiếp sau các nhà tư tưởng kiệt xuất trên, tư tưởng về nhà nước pháp quyền tiếp tục được phát triển bởi nhiều tác giả khác, nhất là trong các thực tiễn của các cuộc cách mạng tư sản ở Mỹ, Pháp… Cho đến nay, khi quan niệm về nhà nước pháp quyền, chúng ta đều thừa nhận nó có một số đặc điểm cơ bản sau:

+ Là nhà nước trong đó các quyền con người, quyền công dân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ;

+ Có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, trong đó thể hiện vai trò tối cao của Hiếp pháp và các đạo luật. Đồng thời đó phải là những văn bản chứa đựng công bằng, lẽ phải;

+ Quan hệ giữa nhà nước và công dân là mối quan hệ bình đẳng có đi có lại;

+ Có sự phân định giữa ba nhánh quyền lực lập pháp - hành pháp - tư pháp, đặc biệt sự độc lập của tư pháp được đề cao;

+ Chân thành thực hiện các cam kết quốc tế… Trên cơ sở đó, về cơ bản, chúng ta thấy:

Nhà nước pháp quyền là một phương thức tổ chức xã hội được dựa trên cơ sở pháp luật, mọi chủ thể, kể cả nhà nước phải phục tùng pháp luật, pháp luật phải mang tính pháp lý cao, phù hợp với lẽ công bằng, nhân đạo, thể hiện và đảm bảo đầy đủ những giá trị cao nhất của con người. Nhà nước phải là người phục vụ lợi ích của toàn bộ các thành viên trong xã hội, thừa nhận và sử dụng pháp luật như một phương tiện điều chỉnh hàng đầu với các quan

hệ xã hội [20, tr. 35].

1.4.2. Tính tất yếu khách quan của việc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở việt nam (Trang 36 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)