Giai đoạn từ năm 1954 đến năm

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 28)

Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Nhà nước ta đã ban hành một loạt những văn bản pháp luật mới nhằm chấm dứt việc áp dụng các văn bản cũ từ trước năm 1945 đồng thời củng cố, tăng cường vai trò, vị trí của Tòa án nhân dân (tách Tòa án ra khỏi Bộ Tư pháp) cho phù hợp với tình hình mới. Các văn bản đó là: Hiến pháp 1959, Luật Tổ chức TAND năm 1960, Luật Tổ chức VKSND năm 1960, Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959.

TANDTC cùng với Bộ Tư pháp ban hành một loạt các văn bản pháp luật về TTDS.

Xét về hình thức văn bản thì đây cũng là điểm khác biệt so với hệ thống văn bản được ban hành ở giai đoạn trước đây. Ở giai đoạn trước, hoạt động tố tụng giải quyết án dân sự của hệ thống Tòa án dựa trên các Sắc lệnh do Chủ tịch nước ban hành là chủ yếu. Từ năm 1960, sau khi TANDTC được thành lập, các văn bản tố tụng trở thành cơ sở hoạt động giải quyết vụ án bao gồm các công văn, chỉ thị và đặc biệt là các Thông tư số 69/TC ngày 31/12/1958 của Bộ Tư pháp về sửa đổi thẩm quyền của TAND về thủ tục về ly hôn trong đó quy định “Tòa án nhân dân tỉnh tùy theo khả năng cán bộ có thể giao từng vụ cho Tòa án nhân dân huyện xử sơ thẩm những vụ ly hôn không phức tạp. Nếu có chống án thì Tòa án nhân dân tỉnh xử phúc thẩm” (Mục A phần II); Thông tư số 39/NCPL ngày 21/1/1972 của TANDTC hướng dẫn việc thụ lý, xếp và tạm xếp những việc kiện về hôn nhân và gia đình và tranh chấp về dân sự quy định: “… Nguyên đơn có đủ tư cách để đi kiện phải là người có năng lực hành vi và có quyền lợi bị xâm phạm. Nguyên đơn có thể ủy quyền cho một người có năng lực hành vi thay mặt cho mình trong việc kiện. Giấy ủy quyền phải có chứng nhận của ủy ban hành chính xã, khu phố hoặc của cơ quan nơi người đi kiện công tác…”; Thông tư số 614/DS ngày 24/4/1963 của TANDTC hướng dẫn một số thủ tục cho Tòa án địa phương có hướng dẫn:

“Đương sự cũng có quyền thay đổi yêu cầu trước khi Tòa án quyết định”; Thông tư số 06-TATC ngày 25/2/1974 của TANDTC hướng dẫn việc điều tra trong TTDS có hướng dẫn: “… các đương sự (nguyên đơn, bị đơn và người dự sự) có quyền đề xuất những yêu cầu và có nhiệm vụ trình bày những chứng cứ, lý lẽ để chứng minh những yêu cầu và bảo vệ những quyền lợi hợp pháp

Đặc biệt với sự ra đời của Thông tư số 25/TATC ngày 30/11/1974 của TANDTC hướng dẫn việc hòa giải trong TTDS đã đánh dấu sự phát triển không ngừng của luật TTDS trong việc ghi nhận quyền tự định đoạt của đương sự, trong đó quy định:

Việc hòa giải của TAND nhằm giúp đỡ các đương sự tự thỏa thuận với nhau giải quyết việc kiện trên tinh thần đoàn kết và chấp hành nghiên chỉnh pháp luật, chính sách, do đó, phải bảo đảm những yêu cầu sau đây: Phải có sự tự nguyện của các đương sự, nội dung thỏa thuận của các đương sự phải đúng pháp luật, chính sách…

Theo các văn bản trên, có thể nhận thấy, điều kiện để nguyên đơn có đủ tư cách đi kiện phải là người có năng lực hành vi và có quyền lợi bị xâm phạm. Nguyên đơn có thể ủy quyền cho người khác có năng lực hành vi thay mặt mình trong việc kiện. Đương sự cũng có quyền thay đổi yêu cầu trước khi Tòa án quyết định. Với những quy định trên, Pháp luật TTDS Việt Nam dần dần được hoàn thiện trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền xét xử về dân sự, thủ tục điều tra, hòa giải cũng như đã có những quy định thể hiện quyền tự định đoạt của đương sự trong TTDS khi giải quyết các vụ án dân sự.

Năm 1975 đất nước hoàn toàn thống nhất, hệ thống pháp luật TTDS nói chung, quyền tự định đoạt của đương sự nói riêng từng bước được hoàn thiện. Theo đó, ngày 8/2/1977 TANDTC ban hành Thông tư số 96/NCPL hướng dẫn về trình tự xét xử sơ thẩm về dân sự, trong đó có nêu: “… các đương sự có quyền tự định đoạt. Do đó, nói chung TAND chỉ thụ lý khi nguyên đơn khởi tố, trừ trường hợp luật pháp có quy định quyền khởi tố của VKSND, của công dân, hợp tác xã hoặc đoàn thể nhân dân để bảo vệ lợi ích chung…”. Ngày 24/7/1981, TANDTC ban hành Thông tư số 81/TATC hướng dẫn giải quyết các tranh chấp thừa kế, trong đó có quy định quyền tự định đoạt của người lập di chúc, để trên cơ sở đó người thừa kế có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết

cho họ được hưởng thừa kế đối với phần di sản mà người chết để lại theo di chúc hoặc theo pháp luật. Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của đương sự cũng đã bắt đầu được đề cập đến, trong đó có quyền tự định đoạt của đương sự tại các quy định của Hiến pháp năm 1980 (Điều 73), Luật tổ chức TAND năm 1981 (Điều 9). Các văn bản này là cơ sở pháp lý để Nhà nước ban hành các văn bản pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong TTDS cũng như là cơ sở để TAND và VKSND thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Nhưng nhìn chung các văn bản pháp luật tố tụng giai đoạn này chủ yếu được quy định tại các Thông tư do TANDTC ban hành nên hiệu lực pháp lý chưa cao.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)