Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã quy định “Việc bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền quyết định và tự định đoạt luôn được tôn trọng”. Để thực hiện Nghị quyết, trong những năm qua, Pháp luật TTDS luôn được quan tâm hoàn thiện theo hướng đảm bảo tốt hơn các quyền và lợi ích của công dân, đặc biệt là với sự ra đời của BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, bên cạnh đó công tác xét xử cũng đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số quy định của Pháp luật TTDS hiện hành vẫn còn hạn chế
quyền tự định đoạt của đương sự. Mặt khác, nhiều khi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tu ̣ng chưa thực sự bảo đảm , tạo điều kiện, hướng dẫn hết quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự; còn sai sót trong việc trả lại đơn khởi kiện , yêu cầu ; không xem xét , giải quyết ; xem xét , giải quyết không hết các yêu cầu hoă ̣c xem xét , giải quyết vượt quá các yêu cầu ; khi xem xét, giải quyết các yêu cầu của đương sự thì gò bó, cưỡng ép…
- Về pháp luật TTDS:
Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: thực tiễn áp dụng quy định của BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 về thẩm quyền của Tòa án, cho thấy Tòa án chỉ xem xét, thụ lý những vụ, việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án mà pháp luật có quy định. Do vậy, có nhiều trường hợp Tòa án không thụ lý giải quyết các vụ việc dân sự khi có yêu cầu, dẫn đến bức xúc trong nhân dân, khiến người dân phải tìm đến những con đường giải quyết tranh chấp ngoài pháp luật một cách tự phát. Điều này đã gây mất trật tự xã hội, không giải quyết được một cách thỏa đáng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi có tranh chấp, thậm chí làm nảy sinh quan hệ pháp luật hình sự khi có dấu hiệu phạm tội. Mặt khác, không phù hợp với quy định mới của Hiến pháp năm 2013, theo đó “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”
[1, Điều 102].
Về “nguyên tắc thỏa thuận” được quy định trong BLTTDS và BLDS chưa được quy định thống nhất cũng khiến cho việc áp dụng pháp luật gặp nhiều khó khăn. Khoản 2 Điều 5 BLTTDS quy định thỏa thuận giữa các đương sự phải tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội nhưng điểm b khoản 1 Điều 122 BLDS quy định việc thỏa thuận giữa các bên không được vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Hai khái niệm
“không trái pháp luật” và “không vi phạm điều cấm của pháp luật” là khác nhau, theo đó, “không trái pháp luật” tức là các bên được quyền thỏa thuận với nhau theo quy định của pháp luật, không được trái với những gì mà pháp luật đã quy định; Còn “không vi phạm điều cấm của pháp luật” tức là được thỏa thuận cả những vấn đề mà pháp luật không quy định nhưng không được vi phạm điều cấm của pháp luật.
Về thuật ngữ “vượt quá phạm vi” yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu, vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu (khoản 1 Điều 218, Điều 256 BLTTDS), pháp luật vẫn chưa quy định rõ ràng dẫn đến việc hiểu và thực hiện không thống nhất. Tại Điều 32 “Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 218 của BLTTDS” Nghị quyết số 05/2006/NQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn: “Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên toà chỉ được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu được thể hiện trong đơn khởi kiện của nguyên đơn, đơn phản tố của bị đơn, đơn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. ” Hướng dẫn tại Nghị quyết chưa làm rõ cụm từ “phạm vi” là phạm vi quan hệ pháp luật tranh chấp hay phạm vi về giá trị yêu cầu. Chính vì vậy, pháp luật TTDS cần phải hướng dẫn cụ thể thế nào là vượt quá yêu cầu phạm vi khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu và thế nào là vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu để đảm bảo tốt hơn nữa quyền định đoạt của đương sự.
Pháp luật TTDS hiện hành chưa quy định rõ sự khác biệt về địa vị tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không độc lập. Một chủ thể đưa ra yêu cầu hoàn toàn độc lập với nguyên đơn hoặc bị đơn, không phụ thuộc vào nguyên đơn hay bị đơn và yêu cầu này có thể chống lại cả nguyên đơn và bị đơn; còn
chủ thể kia khi tham gia tố tụng phụ thuộc, đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn cho nên tuy cùng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm song địa vị tố tụng của hai chủ thể này lại khác nhau. Để đảm bảo cho quyền tự định đoạt của đương sự được thực hiện một cách tốt nhất, các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này cần phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng hơn nữa.
BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 mới chỉ quy định quyền rút đơn khởi kiện mà chưa có quy định về quyền rút yêu cầu phản tố của bị đơn hay quyền rút yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Điều này đã làm hạn chế quyền tự định đoạt của đương sự, vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa các đương sự trong quá trình TTDS. Chính vì vậy cần thiết phải bổ sung quyền này cho bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Pháp luật TTDS có quy định nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước hoặc tại phiên tòa phúc thẩm phải được sự đồng ý của bị đơn. Quy định này là chưa hợp lý, vi phạm quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong TTDS. Đương sự có quyền tự quyết định việc khởi kiện, tham gia vào tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, do vậy họ cũng có quyền rút đơn khởi kiện ở bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng. Do đó cần phải sửa đổi, bổ sung về quy định này để nguyên đơn có thể thực hiện quyền tự định đoạt một cách hiệu quả nhất trên thực tế.
- Về phía đương sự trong vụ án dân sự:
Thực tế hiện nay, đa phần các đương sự có trình độ pháp luật còn hạn chế, không hiểu biết đầy đủ quy định của pháp luật nên không thực hiện đúng, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ TTDS của mình. Có nhiều trường hợp, đương sự khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự khi đã hết thời hiệu khởi kiện nên đã bị trả lại đơn khởi kiện. Đối với quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án trong nhiều trường hợp đương sự cũng thực hiện không
đúng theo quy định của pháp luật (kháng cáo, khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án khi đã hết thời hạn kháng cáo; khiếu nại vượt cấp…).
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 164 BLTTDS, đương sự chỉ có thể thực hiện quyền khởi kiện khi cung cấp đầy đủ chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ pháp lý và hợp pháp. Tuy nhiên, có những tài liệu, chứng cứ chủ yếu lại do các cơ quan, tổ chức đang trực tiếp nắm giữ, trong khi lại chưa có luật về cung cấp thông tin nên trong một số trường hợp đương sự gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện quyền này.
- Về phía cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng:
Một trong những rào cản khiến đương sự không thực hiện được đầy đủ quyền tự định đoạt của mình trong quá trình giải quyết vụ án dân sự cũng phải kể đến phía cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Do đội ngũ Thẩm phán còn thiếu, không ít Thẩm phán còn hạn chế về mặt đạo đức cũng như năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nên còn để xảy ra những sai sót, vi phạm pháp luật trong giải quyết vụ án. Một số Thẩm phán chưa nắm chắc những quy định của pháp luật nên đôi khi còn tiến hành giải quyết vụ án theo thói quen và kinh nghiệm. Những sai sót trong việc trả lại đơn khởi kiện, không xem xét hết các yêu cầu của đương sự hoặc quyết định của bản án vượt khỏi phạm vi yêu cầu của đương sự, xét xử vắng mặt đương sự, áp dụng không đúng pháp luật nội dung, vi phạm pháp luật tố tụng trong giải quyết vụ án… vẫn còn tồn tại.
Trong thực tiễn xét xử, việc vi phạm nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Tòa án trả lại đơn khởi kiện không đúng pháp luật; Tòa án không xem xét hết (bỏ sót) yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo của đương sự; Tòa án xét xử vượt quá yêu cầu của đương sự; Tòa án gò bó, cưỡng ép đương sự thỏa thuận khi hòa giải;
Tòa án xác định chưa đúng hoặc bỏ sót đương sự trong vụ án dẫn đến việc các đương sự không được tham gia tố tụng…
- Về phía các cơ quan, tổ chức xã hội:
Thực tế cho thấy, vai trò của các cơ quan, tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự là thành viên trong tổ chức mình còn rất hạn chế, chưa phát huy được hết trách nhiệm của mình. Pháp luật có quy định cho một số cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có cơ quan, tổ chức nào thực hiện những quyền này trên thực tế, các quy định của pháp luật về vấn đề này còn mang tính lý thuyết.