Quyền tự định đoạt của nguyên đơn trong việc khởi kiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 37 - 42)

Việc khởi kiện là yếu tố đầu tiên thể hiện rõ nhất quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự và cũng là cơ sở để thực hiện các quyền tự định đoạt khác của đương sự trong quá trình tiến hành tố tụng.

Trong các biện pháp bảo vệ các quyền dân sự của các chủ thể thì khởi kiện vụ án dân sự là một trong các biện pháp bảo vệ hữu hiệu, có tính khả thi cao. Quyền khởi kiện là một trong những nhóm quyền tố tụng thuộc quyền con người, được ghi nhận trong pháp luật quốc tế. Tại Điều 8 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 có nêu “Mọi người đều có quyền được bảo vệ bằng các Tòa án quốc gia có thẩm quyền với phương tiện pháp lý có hiệu lực chống lại những hành vi vi phạm các quyền căn bản đã được Hiến pháp và pháp luật công nhận”. Đây cũng là cơ sở vững chắc cho việc ghi nhận quyền này trong hệ thống pháp luật của các quốc gia nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Điều 161 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTDS), quy định:

“Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy, đương sự là nguyên đơn có toàn quyền trong việc có quyết định khởi kiện hay không, phạm vi khởi kiện đến mức độ nào. Nguyên đơn cũng có

quyền khởi kiện một hoặc nhiều bị đơn ra Tòa án, về một quan hệ pháp luật hay nhiều quan hệ pháp luật có liên quan đến nhau để giải quyết trong một vụ án. Nhìn chung chỉ có nguyên đơn mới có quyền khởi kiện và Tòa án chỉ thụ lý giải quyết khi có đơn khởi kiện và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện của đương sự.

Trong trường hợp đương sự có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì đương sự có quyền tự khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích dân sự của mình hoặc ủy quyền cho người đại diện thực hiện việc khởi kiện nếu xét thấy cần thiết. Trường hợp không đủ năng lực hành vi TTDS thì người đại diện theo pháp luật của đương sự sẽ thay họ khởi kiện. Đối với các chủ thể là pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác thì việc khởi kiện sẽ do người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện.

Theo Điều 2 Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (HĐTPTANDTC) Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS, thì thông thường, đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự sẽ trực tiếp làm đơn khởi kiện. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự trong những trường hợp như đương sự không biết chữ, có khuyết tật, mức độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế… pháp luật đã cho phép việc đương sự “nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện

vụ án”, qua đó có thể phản ánh được một cách đầy đủ những nội dung mà

đương sự muốn đề nghị Tòa án giải quyết, mặt khác cũng giúp Tòa án xác định được rõ ràng phạm vi và vấn đề mà đương sự khởi kiện, làm căn cứ cho việc thực hiện các bước tiếp theo của quá trình tố tụng cũng như giải quyết chính đáng các nội dung mà đương sự đề nghị. Trong trường hợp nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện cho mình thì tại mục tên, địa chỉ của người khởi

kiện trong đơn vẫn phải ghi họ tên, địa chỉ của đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự, đồng thời phần cuối đơn phải có chữ kí hoặc điểm chỉ của những người này. Như vậy, có thể thấy, dù đương sự hay người đại diện hợp pháp của đương sự trực tiếp hay nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện thì ý chí của họ cũng vẫn phải được thể hiện trong đơn, qua đó nhấn mạnh quyền tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện vụ án dân sự.

Bên cạnh quyền khởi kiện của đương sự, một số cơ quan, tổ chức khác trong xã hội cũng có quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước. Theo đó, Điều 162 BLTTDS quy định:

1. Cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình trong trường hợp do Luật Hôn nhân và gia đình quy định.

2. Công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động do pháp luật quy định.

3. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. BLTTDS sửa đổi năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 25/11/2015 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, đã quy định theo hướng mở rộng đối tượng dù không phải là đương sự nhưng vẫn có quyền khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước, theo đó:

1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm

vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

2. Tổ chức đại diện tập thể người lao động cơ sở, tổ chức đại diện tập thể người lao động cấp trên trực tiếp nơi chưa thành lập tổ chức đại diện tập thể người lao động cơ sở có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động, có quyền khởi kiện vụ án lao động khi được người lao động ủy quyền theo quy định của Luật Công đoàn.

3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.

5. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình. [7, Điều 187]

Quy định này xuất phát từ tính đặc thù của một số đối tượng trong xã hội như: phụ nữ, trẻ em, người lao động… là những đối tượng dễ bị xâm hại về quyền lợi nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà họ đã không biết hoặc không dám khởi kiện để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Vì vậy, cần phải có các cơ quan, tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ. Bên cạnh đó, đối với các lợi ích chung, lợi ích công cộng mang tính chất xã hội cũng cần phải có một cơ quan, tổ chức đứng ra khởi kiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cộng đồng, nhà nước. Các cơ quan, tổ chức này khi khởi kiện để bảo vệ quyền và

lợi ích của người khác hoặc vì lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước mà không phải vì lợi ích của mình vẫn được coi là không vi phạm quyền tự định đoạt của đương sự. Qua đây cũng có thể nhận thấy sự phát triển của pháp luật TTDS nhắm hướng tới bảo vệ ngày càng tốt hơn và đầy đủ hơn các đối tượng cần được bảo vệ trong xã hội, tạo ra cơ sở pháp lý để thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 163 BLTTDS quy định về phạm vi khởi kiện, theo đó cá nhân, cơ quan, tổ chức cùng một khoảng thời gian nhất định có thể tham gia một hoặc nhiều quan hệ dân sự khác nhau, khi các tranh chấp đồng thời phát sinh từ các quan hệ dân sự đó thì đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết:

1. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể khởi kiện một hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án;

2. Nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể cùng khởi kiện một cá nhân, một cơ quan, một tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền do Bộ luật này quy định có thể khởi kiện đối với một hoặc nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án.

Bản chất quy định này nhằm mở rộng quyền khởi kiện cho đương sự. Do đó đương sự có thể khởi kiện một hoặc nhiều vấn đề về một hoặc nhiều quan hệ pháp luật nhưng phải có liên quan đến nhau để giải quyết trong cùng một vụ án dân sự. Để thực hiện được điều này, đương sự phải đảm bảo được các điều kiện theo hướng dẫn của pháp luật. Cụ thể, tại Điều 4 Nghị quyết số

05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của HĐTPTANDTC Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, hướng dẫn như sau:

Được coi là “nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau” để giải quyết trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Việc giải quyết quan hệ pháp luật này đòi hỏi phải giải quyết đồng thời quan hệ pháp luật khác;

b) Việc giải quyết các quan hệ pháp luật có cùng đương sự và về cùng loại tranh chấp quy định trong một điều luật tương ứng tại một trong các điều 25, 27, 29 và 31 của BLTTDS.

Như vậy, các yêu cầu liên quan đến nhau là những yêu cầu phát sinh từ một quan hệ pháp luật hoặc các quan hệ pháp luật có liên quan đến nhau và được giải quyết trong cùng một vụ án dân sự. Trong trường hợp đương sự khởi kiện về những yêu cầu không liên quan đến nhau thì Tòa án phải thụ lý giải quyết các yêu cầu của họ trong những vụ án riêng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)