đương sự trong giải quyết vụ án dân sự
Để các quy định pháp luật về quyền tự định đoạt của đương sự được thực hiện tốt trong quá trình giải quyết vụ án dân sự trên thực tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” trong đó quy định “Việc bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền quyết định và tự định đoạt luôn được tôn trọng”, BLTTDS cần được tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn cụ thể hơn về một số vấn đề sau:
Một là, để đảm bảo sự thống nhất giữa các quy định của BLTTDS và BLDS, cần sửa cụm từ “không trái pháp luật” được quy định tại khoản 2 Điều 5, điểm b khoản 2 Điều 180, Điều 220, Điều 270 BLTTDS bằng cụm từ
“không vi phạm điều cấm của pháp luật” cho phù hợp với quy định tại Điều 122 BLDS năm 2005 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Việc quy định như vậy sẽ mở rộng hơn quyền tự định đoạt của đương sự, đảm bảo tốt hơn các quyền cơ bản của con người.
Hai là, xác định rõ thế nào là việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự “vượt quá phạm vi ban đầu”: Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên tòa chỉ được coi là không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu đó được thực hiện trong giới hạn của quan hệ pháp luật có tranh chấp đã được xác định trên cơ sở yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu, hay nói cách khác là không làm phát sinh thêm một quan hệ pháp luật mới. Việc quy định như vậy nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong thực hiện nguyên tắc tranh tụng là đương sự phải được biết về yêu cầu của đương sự phía bên kia. Việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự tại phiên tòa nếu vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu có thể được Hội đồng xét xử chấp nhận nếu được các đương sự khác đồng ý.
Ba là, BLTTDS cần quy định rõ sự khác biệt về địa vị tố tụng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập so với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập bởi họ có quyền và nghĩa vụ khác nhau cho nên vai trò của họ trong quá trình tham gia tố tụng cũng không giống nhau. Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập, do họ không có yêu cầu độc lập về đối tượng tranh chấp của vụ án, tức là yêu cầu của họ phụ thuộc vào nguyên đơn hoặc bị đơn cho nên họ không có quyền độc lập thỏa thuận với bên đương sự kia, cũng không có quyền thừa nhận một phần hay toàn bộ yêu cầu của bên đương sự kia, không có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của vụ án. Trong khi đó, người
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập lại có địa vị tố tụng giống như nguyên đơn bởi yêu cầu của họ không hề phụ thuộc vào nguyên đơn hay bị đơn, yêu cầu độc lập của họ khác với quan hệ pháp luật mà nguyên đơn đã khởi kiện bị đơn nhưng có liên quan đến quan hệ pháp luật mà nguyên đơn đã khởi kiện.
Bốn là, BLTTDS cần quy định về quyền rút yêu cầu phản tố của bị đơn, quyền rút yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bởi đây đều là các đương sự trong vụ án dân sự, khi tham gia vào quá trình tố tụng, họ đều có quyền lợi bình đẳng với nguyên đơn. Đồng thời, khi nguyên đơn đưa ra yêu cầu liên quan đến lợi ích của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của mình. Chính vì vậy, để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong quá trình tố tụng, pháp luật cần thiết phải quy định quyền rút yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Năm là, BLTTDS không nên quy định về trường hợp nguyên đơn rút
đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm phải được sự đồng ý của bị đơn (khoản 1 Điều 269). Quy định như vậy đã làm hạn chế quyền tự định đoạt của đương sự. Trong các tranh chấp dân sự, đương sự được quyền tự mình quyết định tranh chấp hoặc không tranh chấp để yêu cầu Tòa án giải quyết và như vậy thì họ cũng có quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ các yêu cầu khởi kiện của mình ở các giai đoạn tố tụng. Với việc nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện tức là họ đã tự nguyện chấm dứt giải quyết tranh chấp bằng con đường tố tụng và Tòa án phải ra quyết định chấp nhận việc rút yêu cầu của nguyên đơn nếu yêu cầu của họ là tự nguyện. Việc quy định nguyên đơn rút đơn khởi kiện ở giai đoạn phúc thẩm phải được sự đồng ý của bị đơn đã hạn chế quyền tự định đoạt của đương sự và mâu thuẫn với quy định tại Điều 5, Điều 59 và khoản 2 Điều 218 BLTTDS hiện
hành. Do vậy nên bỏ quy định này để đảm bảo cho đương sự thực hiện tốt nhất quyền tự định đoạt của mình trong tố tụng dân sự. Nếu bị đơn thấy việc nguyên đơn có đơn khởi kiện rồi lại rút đơn khởi kiện mà gây thiệt hại cho họ về danh dự, nhân phẩm hoặc đòi tài sản thì họ có quyền khởi kiện nguyên đơn bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm hoặc các chi phí mà họ đã bỏ ra để theo kiện vụ án dân sự đó.
Sáu là, kiến nghị sửa đổi điểm c, khoản 1, Điều 192 BLTTDS hiện hành về căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo hướng chỉ nên quy định
“Người khởi kiện rút đơn khởi kiện” và bỏ phần “được Tòa án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện”. Việc quy định người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận theo quy định của BLTTDS hiện hành đã hạn chế quyền tự định đoạt của người khởi kiện (nguyên đơn). Trường hợp người khởi kiện không muốn tiếp tục khởi kiện nữa mà Tòa án không chấp nhận cho họ rút đơn khởi kiện thì vô hình chung đã ép buộc người khởi kiện tiếp tục phải theo kiện, điều này là trái với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại Điều 5 BLTTDS. Đối với trường hợp “người khởi kiện không có quyền khởi kiện” trùng với trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 168, sau khi thụ lý vụ án, Tòa án có thể căn cứ khoản 2 Điều 192 và khoản 1 Điều 168 BLTTDS để quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Trên cơ sở các nội dung kiến nghị trên, qua nghiên cứu BLTTDS sửa đổi năm 2015, có thể nhận thấy Bộ luật mới đã có sự ghi nhận, chỉnh lý nhiều nội dung còn bất cập, hạn chế và quy định thêm một số nội dung mới nhằm góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia tố tụng nói chung và quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân nói riêng. Trong đó, có thể kể đến:
Thứ nhất, về việc mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi có tranh chấp xảy ra: Điều này đã được ghi nhận tại BLTTDS sửa đổi năm 2015, theo đó
“Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” (Khoản 2 Điều 4 BLTTDS sửa đổi năm 2015). Quy định này đã khắc phục được một bất cập lớn trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay, thể hiện rõ quan điểm đổi mới và tinh thần cải cách tư pháp, là bước tiến mới thể hiện tư tưởng tiến bộ trong xây dựng và hoàn thiện BLTTDS ở nước ta. Đây được xem là một trong những nội dung sửa đổi quan trọng của BLTTDS, là biểu hiện rõ nét trong công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của TAND là “cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (Khoản 1 Điều 102 Hiến pháp 2013) và kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Trong khi pháp luật dân sự chưa có quy định đầy đủ để điều chỉnh được hết các quan hệ xã hội, khi có tranh chấp dân sự xảy ra mà chưa có điều luật áp dụng thì cần thiết phải có quy định cho phép Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tập quán, tương tự pháp luật, án lệ và lẽ công bằng để thụ lý vụ việc dân sự và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự chung do Bộ luật này quy định.
Để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình áp dụng, BLTTDS sửa đổi năm 2015 cũng đã có những quy định cụ thể mang tính hướng dẫn việc giải quyết các vụ án dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng tại các Điều 43, 44 và 45. Các quy định trên đã tạo sự thống nhất, phù hợp với nội dung tại các Điều 5, 6 và 14 của Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015.
Thứ hai, về việc sửa cụm từ “không trái pháp luật” được quy định tại khoản 2 Điều 5, điểm b khoản 2 Điều 180, Điều 220 và Điều 270 BLTTDS. Tiếp thu tinh thần trên, BLTTDS sửa đổi năm 2015 có quy định:
1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội. [7, Điều 5]
Việc sửa đổi cụm từ “không trái pháp luật” thành “không vi phạm điều cấm của luật” cũng được ghi nhận tại các Điều 205, 246 và Điều 300 của Bộ luật TTDS sửa đổi năm 2015.
Thứ ba, BLTTDS sửa đổi năm 2015 đã có sự tiếp thu, chỉnh lý nhằm khắc phục những bất cập được quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 192 BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 về trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự đối với Người khởi kiện rút đơn khởi kiện. Theo đó, điểm c, khoản 1, Điều 217 quy định theo hướng bỏ nội dung phải “được Tòa án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện”:
“c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;”
[7, Điều 217]
Thứ tư, bên cạnh việc chỉnh sửa các quy định của BLTTDS hiện hành, BLTTDS sửa đổi năm 2015 cũng đã có nhiều quy định mới nhằm đảm bảo và tạo điều kiện tốt hơn cho các đương sự được thực hiện quyền tự định đoạt của
mình trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Trong đó, các quy định tại Chương XXXIII - Thủ tục công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án (từ Điều 416 - 419) là một nội dung hoàn toàn mới. Trên thực tế hiện nay, việc hòa giải thành ở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, hoà giải cơ sở và tại các trung tâm hoà giải theo quy định của pháp luật do các bên thỏa thuận phương án giải quyết tranh chấp và tự nguyện thi hành; trong trường hợp các bên không thi hành, thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thực tiễn cho thấy, nhiều trường hợp các đương sự đã thỏa thuận được với nhau nhưng sau đó một bên lại thay đổi không thực hiện nội dung đã hòa giải, vì vậy kết quả hòa giải không có giá trị để thi hành. Vì vậy, để góp phần làm tăng giá trị pháp lý của việc hòa giải, khuyến khích việc giải quyết tranh chấp dân sự thông qua hòa giải, giảm bớt việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Chúng tôi cho rằng, cần thiết phải quy định việc Tòa án thụ lý giải quyết và ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án nhằm bảo đảm cho các bên thực hiện đúng ý chí, quyền dân sự của mình. Tuy nhiên, Tòa án chỉ xem xét công nhận kết quả hòa giải các vụ việc ngoài Tòa án giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền, tổ chức có nhiệm vụ thực hiện theo quy định của pháp luật tiến hành hòa giải (như kết quả hòa giải theo quy định của Luật hòa giải cơ sở, Luật thương mại, Bộ luật lao động, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...).
Ngoài ra, BLTTDS sửa đổi năm 2015 đã bổ sung quy định về tổ chức
“phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải”
(từ Điều 208 - 211). Điều này đã góp phần bảo đảm thực hiện đầy đủ nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được Hiến pháp năm 2013 quy định. Để cụ thể hóa quy định này của Hiến pháp năm 2013 trong TTDS thì cần thiết phải quy định trong BLTTDS sửa đổi năm 2015 về quyền tiếp cận, công khai chứng cứ giữa các bên đương sự, bảo đảm tăng cường sự công khai, minh bạch, tạo điều
kiện tốt hơn cho các bên đương sự thực hiện quyền tranh tụng của mình và bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Để đảm bảo nhanh, gọn về vấn đề thủ tục, đồng thời bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, tránh hình thức, gây tốn kém cho họ, cũng như tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Vì vậy, BLTTDS sửa đổi năm 2015 đã quy định theo hướng tổ chức phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ ngay trong phiên hòa giải để các bên đương sự có thể hòa giải, trình bày quan điểm của mình về những nội dung tranh chấp, vừa để các bên có điều kiện trao đổi, tiếp cận, công khai chứng cứ. Chỉ đối với các vụ án dân sự không được tiến hành hòa giải (Điều 206 BLTTDS sửa đổi năm 2015) thì mới tổ chức một phiên họp riêng để kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ.