Quyền tự định đoạt của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong việc đưa ra yêu cầu độc lập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 43 - 45)

quan trong việc đưa ra yêu cầu độc lập

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tham gia tố tụng vào vụ án dân sự đã phát sinh giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nên cũng có quyền đưa ra yêu cầu của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự không khởi kiện như nguyên đơn, không bị kiện như bị đơn mà là người tham gia tố tụng khi vụ án đã xuất hiện giữa nguyên đơn và bị đơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Việc tham gia tố tụng của họ trong vụ án dân sự là do họ có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án dân sự. Điểm b Khoản 1 Điều 61 BLTTDS quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền: “Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố

tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn” và khi “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì có các quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn…”. Về nguyên tắc, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình bằng việc khởi kiện một vụ án dân sự độc lập nhưng do vụ án dân sự đã xuất hiện giữa nguyên đơn, bị đơn nên việc tham gia luôn vào vụ kiện giữa nguyên đơn và bị đơn sẽ có nhiều thuận lợi hơn đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, giúp rút ngắn được các thủ tục tố tụng khi tiến hành khởi kiện một vụ án mới và có thể bảo vệ lợi ích của mình một cách kịp thời và hiệu quả nhất.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể tham gia tố tụng một cách độc lập hoặc với vai trò phụ thuộc (đứng về phía nguyên đơn hoặc bị đơn). Khi tham gia tố tụng với tư cách phụ thuộc thì lợi ích hợp pháp của họ luôn gắn liền với lợi ích pháp lý của nguyên đơn hoặc bị đơn, vì vậy họ không thể đưa ra yêu cầu độc lập, do đó cũng không có quyền tự định đoạt trong trường hợp này. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng không độc lập cũng không thể có quyền tự mình thỏa thuận với bên đương sự kia, không có quyền thừa nhận một phần hay chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bên đương sự kia nếu không có sự đồng ý của nguyên đơn hoặc bị đơn mà họ phụ thuộc.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng một cách độc lập với nguyên đơn và bị đơn, hay nói cách khác người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là người tham gia vào vụ kiện đã phát sinh giữa những người khác để bảo vệ quyền, lợi ích độc lập của mình đối với đối tượng tranh chấp mà Tòa án đang xem xét, giải quyết. Việc quyết định có tham gia vào vụ kiện đã phát sinh giữa nguyên đơn, bị đơn hay không tùy thuộc vào sự lựa chọn và tự định đoạt của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên

quan tham gia tố tụng độc lập. Trong vụ án dân sự có sự tham gia tố tụng độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết luôn yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng độc lập. Bên cạnh đó, cũng giống như yêu cầu phản tố của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập chỉ được đưa ra yêu cầu độc lập trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Điều 177 BLTTDS quy định về quyền yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, theo đó trong trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc với bên bị đơn thì họ có quyền yêu cầu độc lập khi có các điều kiện sau đây:

a) Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ; b) Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết; c) Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.

Trong vụ án dân sự, quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan độc lập với lợi ích của nguyên đơn và bị đơn nên họ có thể đưa ra yêu cầu độc lập chống lại cả nguyên đơn, bị đơn. Việc pháp luật cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền được tự định đoạt trong việc đưa ra yêu cầu độc lập khi đáp ứng được điều kiện nhất định cũng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này, đồng thời để tránh việc giải quyết các vấn đề liên quan đến cùng một vụ việc bằng nhiều phiên tòa khác nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)