Những kết quả đạt được

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 70 - 74)

Quyền tự định đoạt của đương sự là một trong những quyền cơ bản, đặc trưng của TTDS. Trong tố tụng dân sự, quyền tự định đoạt biểu hiện ở khả năng khi tham gia tố tụng, các đương sự tự do định đoạt các quyền, phương tiện tố tụng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước các xâm phạm. Đó cũng là quan niệm chung nhất được pháp luật tố tụng dân sự của nhiều quốc gia trên thế giới thừa nhận, áp dụng và trở thành một nguyên tắc tố tụng cơ bản. Bộ luật Tố tụng Dân sự đã khái quát quyền tự đinh đoạt của đương sự với các nội dung cơ bản: Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự khi có đơn khởi kiện và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Từ hành vi khởi kiê ̣n, quyền tự định đoạt của đương sự được thể hiện qua các nội dung quyền khác như : quyền thay đổi, bổ sung hoặc rút đơn khởi kiện; quyền hoà giải, thương lượng; quyền đưa ra chứng cứ và chứng minh; quyền kháng cáo…

Có thể thấy, BLTTDS là công cụ pháp lý đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Các trình tự, thủ tục TTDS ngày càng được hoàn thiện theo hướng dân chủ, công khai, đơn giản đã

tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình; đề cao vài trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động TTDS, từ đó góp phần bảo đảm cho việc giải quyết các vụ án dân sự được nhanh chóng, chính xác, công bằng và đúng pháp luật.

Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, để phù hợp với xu thế của thời đại cũng như bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự, BLTTDS năm 2004 đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2011, có hiệu lực vào ngày 01/01/2012 nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của những quy định trước đó, đồng thời mở rộng và tạo điều kiện cho đương sự thực hiện tốt hơn quyền tự định đoạt của mình trong quá trình giải quyết vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong những năm qua, các quy định về quyền tự định đoạt trong BLTTDS về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn và bảo đảm thực thi trên thực tế. Về phía đương sự, đã chủ động hơn trong việc lựa chọn các phương tiện tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, Tòa án cũng đã bảo đảm, tạo điều kiện cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ TTDS của mình. Trong những trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự, Tòa án cũng đã tích cực tiến hành xác minh, thu thập chứng cứ, trưng cầu giám định, ủy thác thu thập chứng cứ… để củng cố, bổ sung chứng cứ nhằm giải quyết vụ việc đúng pháp luật. Bên cạnh đó, Tòa án còn quan tâm thực hiện kiên trì công tác hòa giải, thuyết phục để các đương sự nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của pháp luật, từ đó giải quyết các tranh chấp một cách nhanh chóng, tiết kiệm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Trên cơ sở yêu cầu cũng như tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự, Tòa án đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ

quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ dân sự và qua đó, quyền tự định đoạt của đương sự đã được thực hiện tương đối tốt.

Theo Báo cáo Tổng kết trong các năm của Tòa án nhân dân tối cao thì Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý và giải quyết một số lượng lớn các vụ việc dân sự. Cụ thể như sau:

- Năm 2007, Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết được 171.681 vụ việc dân sự (theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm) trong tổng số 188.992 vụ việc, đạt 90,8% [41].

- Năm 2008, Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết được 174.768 vụ việc trong tổng số 192.336 vụ việc dân sự, đạt 90,8% [41].

- Năm 2009, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết được 194.358 trong tổng số 214.174 vụ việc, đạt tỷ lệ 90,7%. Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 177.417 vụ việc; theo thủ tục phúc thẩm 15.893 vụ việc và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 1.048 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 1,55% (do nguyên nhân chủ quan là 1,42% và do nguyên nhân khách quan là 0,13%), bị sửa là 2,64% (do nguyên nhân chủ quan là 1,91% và do nguyên nhân khách quan là 0,73%). So với năm trước, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do nguyên nhân chủ quan tăng 0,14%, bị sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,39% [41].

- Năm 2010, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý giải quyết được 194.372 trong tổng số 215.741 vụ việc. Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm là 180.022 vụ việc; theo thủ tục phúc thẩm 13.032 vụ việc và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 1.318 vụ việc [43].

- Năm 2011, Tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết, xét xử được 222.386 vụ việc trong tổng số 247.095 vụ việc, đạt 90%, tăng hơn cùng kỳ năm trước 28.014 vụ việc. Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 207.230 vụ việc, theo thủ tục phúc thẩm 13.730 vụ việc và theo thủ tục giám

đốc thẩm, tái thẩm 1.426 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy là 1,5% (do nguyên nhân chủ quan là 1,4%, nguyên nhân khách quan là 0,1%); bị sửa là 1,9% (do nguyên nhân chủ quan là 1,4%, nguyên nhân khách quan là 0,5%). So với năm 2010, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, bị sửa do nguyên nhân chủ quan đều giảm 0,1% [44].

- Năm 2012, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 271.306 vụ, tăng 24.391 vụ so với cùng kỳ năm trước; đã giải quyết, xét xử được 246.215 vụ việc, đạt 90%. Trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm là 231,546 vụ việc; theo thủ tục phúc thẩm 13.484 vụ việc và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 1.185 vụ việc [45].

- Năm 2013, toàn ngành Tòa án nhân dân đã giải quyết được 364.819 vụ án các loại (bao gồm cả vụ án hình sự và vụ án hành chính) trong tổng số 395.415 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,3%); số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật [46].

- Năm 2014, Tòa án các cấp đã giải quyết, xét xử trên 385.000 vụ án các loại (bao gồm cả vụ án hình sự và vụ án hành chính) trong tổng số trên 415.000 vụ án đã thụ lý (đạt tỷ lệ 92,8%). Số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 19.623 vụ; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,61% (giảm 0,1%) [52].

Như vậy, có thể thấy, trong những năm qua, bên cạnh việc kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, về phía người dân cũng đã có sự tiếp cận ngày càng nhiều hơn đến một hình thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ khi bị xâm phạm đó là yêu cầu Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp giữa các bên. Tổng số vụ án được Tòa thụ lý và xem xét, giải quyết trong thời gian qua đều có xu hướng năm sau cao hơn năm trước; đặc biệt theo đánh giá của nhiều tầng lớp nhân

dân, sau khi Bộ luật TTDS sửa đổi năm 2015 có hiệu lực với quy định “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” (Khoản 2 Điều 4 BLTTDS sửa đổi năm 2015), khả năng số vụ việc dân sự yêu cầu Tòa án giải quyết sẽ còn tăng lên đáng kể. Bên cạnh đó, người dân cũng đã nắm được nhiều thủ tục tố tụng để vận dụng vào bảo vệ một cách tối đa quyền lợi của mình, như yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm khi xét thấy quyền lợi của mình chưa được bảo vệ thỏa đáng; phát huy quyền tranh tụng tại Tòa án nhằm giúp Hội đồng xét xử nắm bắt được các tình tiết của vụ án, hiểu rõ hơn về nội dung, bản chất của các tranh chấp để đưa ra phán quyết một cách khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, hạn chế được những án oan sai, các bản án, quyết định bị hủy bỏ, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án. Qua đó, có thể thấy, quyền tự định đoạt của đương sự đã ngày càng được phát huy trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.

Mặt khác, các kết quả trên cũng cho thấy, ngành Tòa án đã thực sự phát huy được vai trò của mình trong việc tạo điều kiện cho đương sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như thực hiện quyền tự định đoạt của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền tự định đoạt của đương sự trong giải quyết vụ án dân sự ở việt nam hiện nay (Trang 70 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)